Cẩm nang bà bầu: Những kiến thức căn bản nhất về thai kỳ mọi bà bầu nên biết

Dưới đây yeutre.vn sẽ mang đến cho bạn cuốn cẩm nang bà bầu thu gọn để bạn nắm vững những kiến thức về thai kỳ.

banner ads

Mang thai là một hành trình khám phá có rủi ro và bất ngờ. Do đó bạn cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản nhất trong chuyện thai nghén để không quá ngỡ ngàng.

Trước khi vỡ òa vì niềm vui được làm mẹ, bạn cần phải xác định chính xác mình đã mang thai hay chưa. Và khi que thử xuất hiện vạch hồng thứ hai, hành trình làm mẹ của bạn sẽ bắt đầu:

1. Cẩm nang bà bầu: Dấu hiệu nhận biết mang thai

43483-cam-nang-ba-bau-1.jpg

Dùng que thử thai để xác định việc mang thai

Sau cuộc “giao ban”, khi cả hai đang tận hưởng dư vị của khoái cảm thì cũng là lúc hành trình của 300-500 triệu tinh trùng bắt đầu. Từ âm đạo, chúng sẽ tiến đến vòi trứng để gặp trứng, thụ tinh và làm tổ tại buồng tử cung. Đó chính là quá trình thụ thai tự nhiên , giúp bạn chính thức trở thành một người mẹ, thiên chức thiêng liêng mà bao phụ nữ vẫn hằng khao khát.

Sau 7-10 ngày kể từ lúc “giao ban”, bạn sẽ biết mình mang thai dựa vào kết quả xét nghiệm nước tiểu tại nhà bằng que thử hoặc bằng các dấu hiệu nhận biết mang thai theo kinh nghiệm dân gian.

Một số người có thể xuất hiện máu báo trong thai kỳ nhưng lại nhầm lẫn đó là máu kinh nên không thể phát hiện sớm mình đã có mang. Do đó bạn cần phải có những kiến thức căn bản để hiểu về hiện tượng này.

2. Cẩm nang bà bầu: Những rủi ro khi trứng thụ tinh làm tổ

Thông thường, trứng thụ tinh sẽ chọn buồng tử cung làm nơi để thai nhi có được điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Nhưng không phải trường hợp nào cũng thuận lợi như vậy. Có những trường hợp trứng thụ tinh không nằm trong tử cung mà nằm ở các phần phụ gồm buồng trứng, vòi tử cung, trong ổ bụng, cổ tử cung, đoạn xen kẽ tử cung và vòi trứng. Đây chính là trường hợp mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm cho thai phụ và buộc phải đình chỉ thai để giữ lại tính mạng cho mẹ.

Ngoài ra, trong những rủi ro khi trứng thụ tinh làm tổ, còn phải kể đến hiện tượng mang thai trứng . Đây là hiện tượng thay vì trứng thụ tinh phát triển thành một phôi thai bình thường với phần phụ gồm túi ối, nhau, gai nhau… thì trứng chỉ có thể phát triển thành một nang khiến cho phần gai nhau dần thoái hóa đi, sưng to lên và làm thành những túi dịch dính chùm như trứng ếch. Trong trường hợp này, buộc phải đình chỉ thai để đảm bảo tính mạng cho mẹ.

3. Cẩm nang bà bầu: Lịch khám thai

43484-cam-nang-ba-bau-2.jpg

Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình chăm sóc bà mẹ và thai nhi

Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình chăm sóc bà mẹ và thai nhi. Nó sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi, đồng thời giúp các bác sĩ tiện theo dõi và chẩn đoán khi có các biến chứng.

Trong suốt 9 tháng thai kỳ, có 10 đợt khám thai tối thiểu với các mục đích thăm khám khác nhau để giúp bạn biết rõ về sự phát triển của thai nhi qua từng mốc thời gian khác nhau.

Trong đó, tối thiểu bạn phải được siêu âm vào 3 giai đoạn quan trọng nhất để sàng lọc dị tật thai nhi. Các giai đoạn đó bao gồm: tuần 12-14, tuần 21-24 và tuần 30-32.

Sau mỗi lần khám thai, bạn sẽ nhận được các kết quả từ việc thử máu, nước tiểu, đo huyết áp, cân nặng… cho đến các chỉ số về thai nhi với các thuật ngữ chuyên môn được viết tắt bằng các ký hiệu khác nhau. Nếu không thể đọc được, bạn có thể nhờ bác sĩ giải thích nhưng tốt nhất hãy tự tìm hiểu để biết những thuật ngữ căn bản nhất.

4. Cẩm nang bà bầu: Hiểu về tiêm phòng

Trong lịch tiêm phòng dành cho thai phụ, đáng chú ý nhất là các đợt tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng bệnh cúm.

Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng dễ dàng hưởng ứng việc tiêm phòng trong thai kỳ. Nguyên nhân là do phần lớn các vắc-xin đều được bào chế từ vi sinh vật sống đã được giảm độc lực. Chính vì vậy, các bà bầu e sợ nó sẽ có thể trở thành nguy cơ gây bệnh đối với thai nhi. Chưa kể các phản ứng sốt cao hoặc sưng phù sau tiêm cũng khiến các mẹ bầu ngần ngại. Do đó, trước khi tiêm, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để an tâm hơn về chất lượng của mũi tiêm.

5. Cẩm nang bà bầu: Bổ sung vitamin trong thai kỳ

43485-cam-nang-ba-bau-3.jpg

Bổ sung vitamin trong thai kỳ

Axit folic, sắt, chất xơ và canxi đều là những chất dinh dưỡng cần thiết trong suốt quá trình mang thai.

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hemoglobin, một protein trong các tế bào máu có nhiệm vụ mang oxy đến các cơ quan và các mô. Khi bạn mang thai, lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao để phục vụ cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy nếu không nhận đủ sắt, cơ thể sẽ dần cạn kiệt lượng sắt dự trữ và dẫn đến nguy cơ thiếu máu.

Can-xi rất cần thiết trong việc xây dựng hệ xương và răng chắc khỏe; giúp cơ bắp phát triển; hỗ trợ dây thần kinh và tim mạch khỏe mạnh; duy trì nhịp tim bình thường và đảm bảo khả năng đông máu. Nếu mẹ bầu thiếu canxi, thai nhi sẽ lấy từ xương của mẹ và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ về sau.

Chất xơ đặc biệt cần thiết cho mẹ bầu trong thai kỳ vì đây là giai đoạn mẹ dễ mắc chứng táo bón nhất do tác động của sự thay đổi hoóc-môn thai kỳ. Ngoài tác dụng ngừa táo bón, chất xơ còn giúp mẹ bầu phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ, duy trì cân nặng phù hợp, giảm huyết áp và nguy cơ tiền sản giật.

Ngoài sắt, chất xơ và canxi, axit folic là dưỡng chất thiết yếu vô cùng quan trọng với các mẹ bầu và đặc biệt với thai nhi. Thiếu axit folic là nguyên nhân dẫn đến các dị tật ống thần kinh như nứt đốt sống và nhiều di chứng nặng nề khác. Bạn có thể tìm thấy axit folic trong các loại thuốc vitamin tổng hợp dành cho bà bầu hoặc trong các loại thực phẩm như rau xanh thẫm màu, ngũ cốc nguyên cám hoặc các loại đậu.

6. Cẩm nang bà bầu: Duy trì cân nặng phù hợp

Cân nặng của người mẹ trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Vì mối liên hệ mật thiết này nên các bác sĩ luôn khuyên thai phụ nên cố gắng duy trì cân nặng phù hợp trong thai kỳ nhằm tránh những biến chứng có liên quan như huyết áp, bệnh tiểu đường thai kỳ và nhiều nguy cơ khác.

Tùy thể trạng và số lượng thai đang mang mà mức tăng cân trong suốt 9 tháng thai kỳ ở mỗi bà mẹ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trung bình, mẹ nên tăng từ 10-12kg và chia đều:

  • 1kg trong 3 tháng đầu
  • 3-5kg trong 3 tháng giữa
  • 6kg trong 3 tháng cuối

Tăng cân quá nhanh hoặc không tăng cân đều là nguy cơ cảnh báo cần có sự can thiệp kịp thời.

Một số thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế thức ăn vặt, chia nhỏ bữa, nhai kỹ,… cũng rất có ích cho mẹ trong việc duy trì cân nặng phù hợp trong suốt 9 tháng thai kỳ.

7. Cẩm nang bà bầu: Các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ

43486-cam-nang-ba-bau-5.jpg

Thai chậm phát triển, nhau thai bám thấp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, thiếu ối… đều là những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ

Thai chậm phát triển, nhau thai bám thấp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, thiếu ối… đều là những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ mà bất cứ mẹ bầu nào cũng cần phải cảnh giác. Hầu hết những biến chứng này đều đe dọa đến tính mạng của mẹ và sự sống của thai nhi nên khi phát hiện cần có các biện pháp can thiệp ngay nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trước hết, muốn nhận định và phán đoán nguy cơ nào đang xảy đến với mình, mẹ bầu cần nắm rõ các dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ. Chúng sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc điều trị vì thời gian phát hiện biến chứng càng sớm càng góp phần giảm thiểu rủi ro.

8. Cẩm nang bà bầu: Thay đổi chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ

Trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu, các chất như: sắt, canxi, axit folic, omega-3, folate, vitamin các loại và các khoáng tố…cần được tăng cường nhiều hơn thông qua thực phẩm và các loại thuốc bổ được bác sĩ chỉ định cụ thể về liều lượng.

Ngoài ra việc bổ sung dinh dưỡng, mẹ bầu cần phải duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, chia nhiều bữa nhỏ, cân bằng thực phẩm bổ sung, không ăn quá no và ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe.

9. Cẩm nang bà bầu: Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc

43487-cam-nang-ba-bau-6.jpg

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý phải được xem trọng trong suốt thai kỳ

Bên cạnh các vấn đề dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý phải được xem trọng trong suốt thai kỳ. Mỗi ngày mẹ phải đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng, có thời gian nghỉ giữa giờ làm và tinh thần thật thoải mái. Bạn có thể tìm đến những bản nhạc dành cho bà bầu để có những giờ phút thư giãn và tĩnh tâm. Hoặc tìm đến yoga để tạo cho bản thân những khoảng trống tĩnh lặng giữa cơn căng thẳng. Nếu muốn tìm cách thoát khỏi những lo âu, phiền muộn, bạn có thể tìm đến bạn bè hoặc những người lớn trong nhà để xem có bí quyết gì giúp bạn thoát khỏi những mỏi mệt đang gặp phải hay không. Hãy luôn nhớ chính tinh thần của bạn mới là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.

10. Cẩm nang bà bầu: Những khó chịu khi mang thai

Mang thai là một trải nghiệm vô cùng kỳ diệu và hạnh phúc đối với tất cả phụ nữ. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn là một màu hồng ngọt ngào và êm ái mà thay vào đó có cả những phiền toái và khó chịu khiến mẹ bầu phải ngán ngẩm như: ợ nóng, chuột rút, mệt mỏi, nghén, sưng phù… Song, tất cả sẽ chóng qua nếu bạn nắm một vài bí quyết nho nhỏ để khắc phục. Bên cạnh đó, nhiều thai phụ chia sẻ rằng mỗi lúc khó chịu chỉ cần nghĩ đến ngày con chào đời là mọi mệt mỏi đều như tan biến.

11. Cẩm nang bà bầu: Vệ sinh cá nhân

Bên cạnh nguyên tắc tắm rửa, vệ sinh hàng ngày, mẹ bầu cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc 4 vùng nhạy cảm dễ làm nơi phát sinh nhiều căn bệnh viêm nhiễm trong thai kỳ như vùng nách, vùng kín, ngực và rốn. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng trong thời gian mang thai cũng rất quan trọng vì những bệnh răng miệng phát sinh trong thai kỳ là một nguy cơ không nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

12. Cẩm nang bà bầu: Quan hệ tình dục trong thai kỳ

43488-cam-nang-ba-bau-7.jpg

Quan hệ tình dục trong thai kỳ mang đến cho mẹ nhiều trải nghiệm thú vị ngoài sức tưởng tượng

Quan hệ tình dục trong thai kỳ mang đến cho mẹ nhiều trải nghiệm thú vị ngoài sức tưởng tượng. Vì thế, không có lý do gì để bạn phải từ chối chuyện chăn gối khi đang mang thai. Tuy nhiên, “yêu” trong thai kỳ cũng cần những nguyên tắc nhất định để đảm bảo an toàn cho cả bạn và thai nhi. Đó là lý do vì sao bạn cần phải trang bị nhiều kiến thức hơn nữa để hiểu rõ về cơ thể mình và cả những mối quan hệ cần duy trì trong thai kỳ.

13. Cẩm nang bà bầu: Dấu hiệu chuyển dạ

Nếu bạn là bà mẹ mang thai lần đầu, những bối rối và ngỡ ngàng với cơn chuyện dạ đầu tiên sẽ càng khiến bạn cuống cuồng và sợ hãi. Có thể bạn sẽ không biết đâu là dấu hiệu cho biết bạn sắp sinh nhưng đừng lo vì ngoài những kinh nghiệm được truyền lại từ mẹ ruột, mẹ chồng… bạn có thể tìm hiểu những thông tin khác trên các diễn đàn xã hội để một phần nào đó hình dung về những gì sắp diễn ra.

Mong rằng với cẩm nang làm mẹ được tóm gọn trên đây, bạn đã phần nào hình dung được về hành trình thai kỳ của mình suốt 9 tháng “mang nặng đẻ đau”. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI