1. Trẻ bị sởi có biểu hiện như thế nào ra bên ngoài?
1.1. Bệnh sởi thường gặp nhất ở khoảng thời gian nào trong năm?
Bệnh sởi là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, mùa lạnh và hay gặp ở trẻ nhỏ từ 1- 4 tuổi. Đây là bệnh gây suy giảm miễn dịch nên trẻ có thể dễ mắc kèm những bệnh khác trong và sau khi mắc bệnh.
1.2. Biểu hiện của bệnh sởi dễ nhận thấy
Trẻ bị sởi nếu quan sát có thể thấy gần giống với sốt phát ban , nhưng dựa vào nhóm các biểu hiện ở trẻ mà ta có thể biết được bệnh sởi sau 10-12 ngày trẻ tiếp xúc với siêu vi. Trẻ bị sởi có biểu hiện dễ nhận thấy gồm: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, khó chịu với ánh sáng và xuất hiện những nốt nhỏ bên trong miệng, trên cơ thể mọc những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Trong thời gian bệnh ở trẻ bị sởi, có biểu hiện như thế nào để chúng ta nhận biết? Dưới đây là một số đặc điểm để cha mẹ lưu ý:
- Ban đầu dấu hiệu chỉ là một cơn sốt nhẹ đi kèm với những cơn ho, chảy nước mũi, mắt đỏ, đau cổ họng nhưng mau chóng mọc các đốm xanh trắng bên trong miệng sau 2- 3 ngày gọi là Koplik.
- Tiếp đến, trẻ bị sốt nặng đi cùng với những vết ban đỏ hoặc hồng nhạt không gây ngứa xuất hiện trên cơ thể, lan rộng từ mặt, tai xuống bụng, ngực và tay chân đến toàn thân.
- Sau đó khoảng một tuần, những vết ban lần lượt nhạt dần, vết ban nào xuất hiện trước sẽ biến mất trước, vết nào sau biến mất sau. Và sau 7- 10 ngày thì da cũng không còn vết thâm đỏ do ban sởi và sức khỏe của trẻ dần hồi phục.
1.3. Điều cần làm khi nghi ngờ hoặc phát hiện các biểu hiện có thể liên quan bệnh sởi
Trẻ bị sởi có biểu hiện như trên cần được cách ly vì bệnh sởi là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp. Khi trẻ ho, hắt hơi, nói chuyện... virut sẽ đi ra ngoài và phát tán mầm bệnh vào môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, bệnh sởi cũng có thể lây qua đường trung gian nếu người khác dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, ly, chén...Nếu chưa được chích ngừa, những người tiếp xúc với trẻ bị sởi có 90% bị lây nhiễm bệnh.
2. Biến chứng của bệnh sởi
Những biến chứng có thể xảy ra nếu trẻ bị sởi có biểu hiện rõ ràng nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng nặng nề có thể ở 4 nhóm khác nhau. Cụ thể:
- Đối với nhóm biến chứng đường hô hấp: có thể kể đến như viêm thanh quản, viêm phế quản , viêm phế quản-phổi..
- Ở nhóm biến chứng thần kinh bao gồm: viêm não-màng não-tủy cấp, viêm màng não , viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa, cam mã tẩu, viêm ruột...
- Nhóm biến chứng về tai-mũi-họng
- Nhóm biến chứng do suy giảm miễn dịch.
Trường hợp nặng nhất, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, trẻ bị sởi có thể tử vong.
3. Điều trị
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho trẻ bị bệnh sởi. Do đó, phương pháp điều trị cho trẻ khi bị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc. Quá trình điều trị gồm dùng thuốc giảm triệu chứng, kháng sinh, các biện pháp hồi sức. Đi kèm với đó sẽ là chế độ ăn uống tốt và nghỉ ngơi hợp lý.
4. Phòng bệnh
Từ lâu đã có vaccine phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ nhỏ với tác dụng bảo vệ cao. Vaccine sởi cũng là một trong các loại vaccine bắt buộc tiêm cho trẻ ở nước ta hiện nay. Vaccine sởi thuộc "chương trình tiêm chủng mở rộng" nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do sởi gây ra. Vì thế, để phòng bệnh, cha mẹ nên tiêm phòng sởi cho trẻ theo đúng lịch tiêm phòng cần thiết cho trẻ nhỏ nhé.
Việc cha mẹ nhận biết trẻ bị sởi có biểu hiện như thế nào là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này có thể giúp phát hiện kịp thời bệnh, từ đó nhanh chóng có phác đồ điều trị hợp lý và tiết kiệm thời gian điều trị. Như thế, chúng ta không chỉ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe mà còn tránh được những biến chứng về sau.
Trần Trần tổng hợp