Quá trình thụ thai và 10 điều mọi chị em phụ nữ đều nên biết

banner ads

Quá trình thụ thai là một hành trình phức tạp
Quá trình thụ thai là một hành trình phức tạp. Ảnh Internet

1. Điều gì thực sự xảy ra trong quá trình thụ thai?

Đây được xem là kiến thức cơ bản mà có lẽ người phụ nữ nào cũng biết rõ. Chúng ta hãy cùng diễn giải nó một cách dễ hiểu nhất nhé.

Mỗi tháng, buồng trứng của bạn sẽ có 1 quả trứng trưởng thành. Khi quả trứng này đã sẵn sàng, buồng trứng sẽ phóng nó vào ống dẫn trứng và đợi ở đó trong khoảng 24 tiếng để gặp tinh trùng. Nếu tinh trùng gặp được trứng và thụ tinh thành công, trứng lúc này đã trở thành hợp tử và sẽ di chuyển dần xuống tử cung để làm tổ. Nếu không, nó sẽ bị phân rã và sẽ bị đào thải ra ngoài (cùng với lớp niêm mạc tử cung trước đó được chuẩn bị sẵn cho hợp tử làm tổ), và tạo nên một kỳ kinh nguyệt.

Tinh trùng gặp trứng
Mỗi tháng buồng trứng có 1 trứng rụng khi gặp tinh trùng có thể thụ thai nếu thụ tinh thành công. Ảnh Internet

2. Khi nào thì bạn thụ thai, và mất bao lâu?

Trên thực tế, cánh cửa cho việc thụ thai khá nhỏ. Vì trong 1 chu kỳ (khoảng 21 đến 45 ngày) chỉ có 1 quả trứng rụng và nó chỉ sống được khoảng 24 tiếng, có khi ít hơn. Tinh trùng thì sống được khoảng 5 ngày trong cơ thể phụ nữ. Như vậy “cửa thụ thai” chỉ mở tối đa là 6 ngày trong 1 tháng (5 ngày chờ trứng rụng và ngày trứng rụng). Đó là lý do những phụ nữ muốn mang thai thường kiểm tra thời điểm rụng trứng của mình để tăng khả năng thụ thai.

Khả năng thụ thai diễn ra trong khoảng 6 ngày mỗi tháng
Khả năng thụ thai diễn ra trong khoảng 6 ngày mỗi tháng. Ảnh Internet

3. Làm thế nào bạn biết được thời điểm trứng rụng?

Theo lý thuyết, thời gian rụng trứng diễn ra 14 ngày trước kỳ kinh nguyệt của bạn. Nếu bạn có chu kỳ đều đặn 18 ngày thì ngày rụng trứng là ngày thứ 14. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng có chu kỳ 28 ngày. Vì vậy, để xác định được khoảng thời gian trứng rụng một cách tương đối chính xác, họ thường dùng các công cụ như que thử rụng trứng, đo nhiệt độ cơ thể hay theo dõi chất nhầy cổ tử cung. Việc tính ngày rụng trứng dựa trên chu kỳ kinh nguyệt có độ chính xác không cao bằng các phương pháp vừa nêu. Vì hormone trong cơ thể có thể bị tác động bởi những nguyên nhân bên ngoài như dinh dưỡng, stress,…ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt .

Trứng rụng 14 ngày trước kỳ kinh nguyệt
Thời điểm trứng rụng diễn ra 14 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Ảnh Internet

4. Chu kỳ kinh nguyệt không đều có phải dấu hiệu của việc khó thụ thai?

Điều này không chính xác. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, đừng vội kết luận rằng mình khó mang thai. Chu kỳ kinh nguyệt không đều không có nghĩa là bạn khó thụ thai và ngược lại, chu kỳ đều đặn cũng không có nghĩa là bạn có thể mang thai dễ dàng. Chìa khóa của việc thụ thai chính là sự rụng trứng, nếu không có trứng rụng thì bạn không thể thụ thai được. Những người phụ nữ có chu kỳ không đều khó mang thai đơn giản vì họ khó xác định được thời gian rụng trứng của mình. Vì vậy, nếu rơi vào hoàn cảnh này, trước tiên hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để loại trừ các bệnh lý gây cản trở việc có thai (như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung…). Những nguyên nhân đơn giản khác như stress, dinh dưỡng hay dùng thuốc trị bệnh…có thể gây rối loạn nội tiết và cũng làm bạn khó thụ thai hơn.

Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều không có nghĩa là bạn khó thụ thai. Ảnh Internet

5. Những lối sống có thể có lợi hoặc gây hại cho quá trình thụ thai

Quá trình thụ thai có thể bị tác động bởi rất nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có một số việc phụ nữ có thể làm để tăng tối đa khả năng rụng trứng giúp tăng khả năng thụ thai. Chúng ta có thể điểm qua một số việc cụ thể sau:

  • Hãy ngưng hút thuốc : vì ngoài những tác hại phổ biến của thuốc lá, nó còn làm lão hóa và suy yếu trứng sớm, gây khó khăn cho việc thụ thai.
  • Hãy cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh : vì thừa cân hoặc thiếu cân có thể gây rối loạn hormone trong cơ thể dẫn đến rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới sự rụng trứng của bạn.
Thừa cân thiếu cân đều ảnh hưởng đến rụng trứng
Thừa cân hay thiếu cân đều ảnh hưởng đến sự rụng trứng của bạn. Ảnh Internet
  • Hãy quan hệ tình dục an toàn và kiểm tra phụ khoa định kỳ : vì một số loại bệnh lây qua đường tình dục không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng có thể gây hại cho quá trình thụ thai. Ví dụ như bệnh Chlamdya và lậu có thể gây viêm vùng chậu (pelvic inflammatory desease-PID) một tình trạng nghiêm trọng gây tổn thương vĩnh viễn cho ống dẫn trứng, tử cung và các mô xung quanh. Theo thống kê, PID gây vô sinh ở hơn 100.000 phụ nữ mỗi năm.
  • Hạn chế chất kích thích và caffeine : những loại chất này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên giới hạn lượng caffeine nạp vào cơ thể xuống khoảng 200-300 mg một ngày (tương đương khoảng 2 tách cà phê). Bạn cũng cần nhớ là caffeine không chỉ chứa trong cà phê mà còn trong trà, chocolate, nước uống có ga và một số thực phẩm khác. Vì vậy, hãy kiểm tra kỹ thành phần của sản phẩm trước khi sử dụng nhé.
Cà phê
Hạn chế chất kích thích và caffeine. Ảnh Internet
  • Không tập thể thao quá mức: việc tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng. Tuy nhiên việc tập luyện quá nhiều, quá sức hoặc quá nặng lại có thể gây hại cho quá trình rụng trứng. Bạn hãy lên lịch cho các hoạt động thể chất một cách điều độ, vừa sức để có được sức khỏe tốt nhất. Nếu bạn là người yêu thích các môn thể thao có cường độ mạnh, hãy hạn chế việc tập luyện xuống không quá 5 giờ 1 tuần nhé.

6. Sẽ mất bao lâu để có thể có thai

Không có nguyên tắc và sự bảo đảm nảo cho câu hỏi mất bao lâu để có thai. Bạn hoàn toàn có khả năng mang thai ngay lần đầu tiên quan hệ tình dục, hoặc cũng có thể mất rất lâu để có thể thụ thai thành công. Tuy nhiên thông thường trong số những phụ nữ có kế hoạch mang thai, khoảng 81% phụ nữ thành công trong vòng 6 tháng, 92% có thai sau 1 năm. Nếu bạn đã cố gắng và không đạt được kết quả sau 1 năm thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ. Nếu bạn ngoài 35 tuổi thì hãy đến khám bác sỹ nếu không thành công sau 6 tháng.

Hơn 80 phần trăm phụ nữ thụ thai thành công trong vòng 6 thàng
81% phụ nữ thụ thai thành công trong vòng 6 tháng. Ảnh Internet

7. Đàn ông cũng có thể là nguyên nhân của việc thụ thai không thành công

Việc thụ thai không chỉ là vấn đề của phụ nữ. Theo thống kê thì đàn ông cũng chiếm tới 40% nguyên nhân của số ca vô sinh . Vì vậy nếu hai bạn đã cố gắng một thời gian để mang thai mà chưa có kết quả, thì “đối tác” của bạn cũng nên đến bác sỹ để kiểm tra chứ không phải chỉ một mình bạn.

Đàn ông đi khám bác sỹ
Thụ thai không thành công cũng có thể do đàn ông. Ảnh Internet

8. Tuổi tác ảnh hưởng khả năng thụ thai như thế nào?

Quan niệm cũ về việc phụ nữ sau 35 tuổi không thể có thai là một quan niệm sai lầm. Trên thực tế, phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng thụ thai sẽ giảm dần, nhưng không có nghĩa sau 35 tuổi thì không thể mang thai.

Theo phát biểu chính thức của Hội nghị Bác sỹ Sản phụ khoa Hoa Kỳ thì: “Khả năng thụ thai của phụ nữ giảm dần theo tuổi, nhưng bắt đầu đáng kể ở tuổi 32 và giảm nhanh hơn sau 37 tuổi.”

Điều này có nghĩa là những phụ nữ sau 35 tuổi đang cố gắng để mang thai nhưng chưa có kết quả thì nên tích cực đến gặp các chuyên gia, bác sỹ về sinh sản hơn so với những phụ nữ dưới độ tuổi này. Nếu 1 phụ nữ ở độ tuổi 20-30 nên đến gặp chuyên gia về sản khoa sau 1 năm cố gắng thụ thai không thành công, thì thời gian này đối với phụ nữ sau 35 tuổi chỉ là 6 tháng.

Tuổi tăng khả năng thụ thai giảm
Tuổi tác tăng, khả năng thụ thai giảm. Ảnh Internet

9. Làm sao bạn biết được mình có khả năng sinh sản hay không

Vì có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn nên bác sỹ có thể tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau để đánh giá xem bạn có khả năng sinh sản không và nếu không thì vấn đề nằm ở đâu. Những xét nghiệm này có thể bao gồm từ khảo sát lối sống của bạn, xét nghiệm nội tiết tố , siêu âm hay chụp x quang tử cung hay kiểm tra sàng lọc tình trạng lão hóa buồng trứng sớm. Kết quả của những xét nghiệm này sẽ giúp bác sỹ có cơ sở để tư vấn hoặc điều trị cho bạn nếu cần thiết.

Xét nghiệm
Để biết khả năng sinh sản của bạn, hãy đi khám và xét nghiệm. Ảnh Internet

10. Bạn có thể chọn phương án nào thay thế nếu gặp vấn đề về việc mang thai

Nếu khả năng sinh sản của bạn bị trục trặc và cần điều trị thì phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này, bác sỹ sẽ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp đó gồm dùng thuốc để kích thích rụng trứng , phẫu thuật (trong một số trường hợp) hay thụ tinh trong tử cung (bơm tnh trùng vào tử cung). Một số người lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF – trúng sẽ được thụ tinh và nuôi trong phòng thí nghiệm thành phôi sau đó được cấy vào tử cung).

Một phương pháp mới cũng được một số phụ nữ chọn trong những năm gần đây đó là đông lạnh trứng. Theo đó, trứng khỏe mạnh sẽ được đông trữ để sử dụng về sau này. Tuy nhiên tỷ lệ thành công khi trữ trứng để thụ thai sau này khá thấp, chỉ khoảng 24 %, trong khi chi phí lại cao (chi phí để đông lạnh trứng là 10.000$, rã đông để sử dụng là 10.000$ chưa kể chi phí trữ đông).

Thụ tinh ống nghiệm
Nếu gặp trục trặc, bạn có thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh Internet

Tuy vậy phương pháp này đã giúp ít nhất khoảng 5.000 em bé chào đời cho đến nay, và nó chắc chắn là một cách mà bạn có thể cân nhắc khi bạn chuẩn bị cho tương lai.

10 điều đã chia sẻ ở trên cho thấy quá trình thụ thai thực sự có rất nhiều vấn đề thú vị liên quan phải không bạn. Nếu là người đang lên kế hoạch để mang thai, thì thông tin này có thể sẽ rất hữu ích cho bạn. Điều quan trọng là bạn cần chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần thật tốt. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ thai. Và có thể ngày bạn đón con yêu sẽ đến sớm hơn bạn mong đợi đấy.

Theo Bustle

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI