Trẻ biếng ăn phải làm sao - nguyên tắc xây dựng thực đơn và bữa ăn hiệu quả

Trẻ biếng ăn phải làm sao là vấn đề nan giải chung, mà hầu như mọi bà mẹ chăm con đều gặp ít nhất một vài lần, trong một vài giai đoạn nào đó của trẻ. Biếng ăn có nhiều nguyên nhân có thể do sinh lý hay bệnh lý. Tuy nhiên, dù là từ nguyên nhân nào, nguyên tắc xây dựng thực đơn và bữa ăn hiệu quả cho con lúc nào cũng rất cần.

banner ads
Con biếng ăn mẹ phải làm sao
Với trẻ biếng ăn mẹ phải làm sao!. Ảnh Internet

1. Tại sao cần có nguyên tắc xây dựng thực đơn và bữa ăn hiệu quả cho trẻ

Có thể đây là thắc mắc chung của hầu hết chúng ta. Nguyên tắc xây dựng thực đơn và bữa ăn cần thiết vì những lý do sau:

  • Tạo một thực đơn khoa học cho bữa ăn hàng ngày của trẻ.
  • Tạo thực đơn đa dạng và phong phú cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo yếu tố cân bằng dinh dưỡng, không thừa và cũng không thiếu chất.
  • Có cơ sở để cân bằng bữa ăn hàng ngày ngay cả khi thực đơn rất phong phú.
  • Bảo đảm để trẻ nạp đủ năng lượng, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.

Như vậy, chúng ta đều thấy, việc xây dựng thực đơn và bữa ăn hiệu quả cho trẻ là một trong những điều kiện cần thiết cho sự phát triển thể chất nói riêng và toàn diện của trẻ. Đồng thời, điều này cũng giúp cho mẹ luôn đúng hướng trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, ngay cả khi con trải qua thời gian biếng ăn, dù có nguyên nhân sinh lý bình thường hay do bệnh lý.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn rất cần thiết
Nguyên tắc xây dựng thực đơn và bữa ăn hiệu quả rất cần thiết để mẹ cải thiện tình trạng biếng ăn cho trẻ. Ảnh Internet

2. Nguyên tắc xây dựng thực đơn sao cho hiệu quả để giải đáp cho vấn đề trẻ biếng ăn phải làm sao

2.1 Tăng cường dinh dưỡng qua nguồn thực phẩm đa dạng

Đối với trẻ biếng ăn, việc tăng cường chất dinh dưỡng là điều rất cần thiết. Nhưng vấn đề đặt là là tăng cường như thế nào, hay bổ sung ra sao. Đây cũng là một bài toán khó, vì không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ tận tường về vấn đề dinh dưỡng một cách khái quát cho trẻ.

Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể tăng cường chất dinh dưỡng trong thực đơn cho con theo nguyên tắc đơn giản nhất là sử dụng đa dạng thực phẩm. Không ít mẹ có thói quen chỉ sử dụng một số thực phẩm nhất định, hoặc chiều theo sở thích của trẻ, không có sự thay đổi thường xuyên trong thực đơn. Điều này không chỉ hạn chế nguồn dinh dưỡng đa dạng từ thực phẩm phong phú dồi dào, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng trẻ biếng ăn , khi trẻ không có cơ hội trải nghiệm những điều mới vì luôn dùng những thực đơn nghèo nàn.

Thực phẩm đa dạng
Tăng cường dinh dưỡng qua thực phẩm đa dạng là yếu tố quan trọng trong nguyên tắc xây dựng thực đơn khoa học. Ảnh Internet

2.2 Nguyên tắc cập nhật trong khâu chế biến thức ăn

Đi dùng với thực đơn nghèo nàn, thường cũng là khâu chế biến ít hoặc thậm chí là không hề có sáng tạo hay cập nhật. Điều này cũng chính là một trong những hạn chế thường gặp ở đông đảo các bà mẹ khi vào bếp chuẩn bị thức ăn cho con.

Sự cứng nhắc trong khâu chế biến thức ăn, hoặc theo quan điểm cá nhân và văn hóa ăn uống của gia đình, không tiếp thu những cách chế biến mới, không mạnh dạn sáng tạo, lo sợ không đủ an toàn hay dám thử thách chính mình trong cách chế biến thức ăn,...khiến trẻ cũng không có cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị mới mẻ trong thực đơn.

Do vậy, cập nhật cách chế biến, cách sử dụng thực phẩm và kết hợp nhiều loại thực phẩm một cách phù hợp, cũng là một nguyên tắc quan trọng, mà các mẹ không nên khước từ.

Mẹ cần cập nhật cách chế biến thức ăn
Mẹ cần cập nhật trong khâu chế biến thức ăn để làm đa dạng thực đơn. Ảnh Internet

2.3 Nghiêm khắc và rõ ràng trong vấn đề cho trẻ ăn vặt

Trong thực đơn của trẻ kể cả cho trẻ biếng ăn lẫn trẻ ăn uống bình thường, thức ăn vặt luôn là một mục cực kỳ hấp dẫn nhưng sự dễ dãi của mẹ, hay người lớn lại như một điểm trừ, đóng góp khá "tích cực" trong việc cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Nhiều gia đình luôn "than vãn" rằng, trẻ nhà mình không chịu ăn cơm, trẻ nhà mình chán cháo. Tuy nhiên, không ai chịu thừa nhận về việc, chỉ cách bữa ăn khoảng 15-20 phút, trẻ đã ăn vài cục sô cô la, 1-2 viên phô mai, cả nửa gói snack hoặc uống hết cả hộp sữa hay cả nắm kẹo. Ấy là, chúng ta còn chưa liệt kê đến những thức ăn vặt không lành mạnh, chứa rất nhiều đường hoặc quá nhiều tinh bột hay chất béo, khiến con căng cứng bụng nên chẳng còn thiết tha đến bữa chính nữa.

Việc nghiêm khắc và đặt ra giới hạn rõ ràng trong vấn đề ăn vặt của trẻ, là một nguyên tắc cần thực thi triệt để, có như thế, khi trẻ ăn bữa phụ hay vào bữa chính, con có thể ăn ngon và ăn được nhiều như cần phải vậy.

Trẻ ăn vặt
Hạn chế cho trẻ ăn vặt. Ảnh Internet

2.4 Thiết lập các bữa ăn phụ - mẹ không phải băn khoăn về việc trẻ biếng ăn phải làm sao nữa!

Bữa ăn phụ có một vai trò không nhỏ, trong nguyên tắc xây dựng thực đơn lành mạnh cho trẻ, kể cả trẻ ăn uống bình thường hay trẻ biếng ăn. Giá trị của bữa ăn phụ không chỉ dừng ở việc giúp trẻ không bị đói giữa các bữa chính, còn góp phần bổ sung những dinh dưỡng cần thiết khác, mà trẻ chưa nạp đủ từ bữa chính.

Nếu như từ trước đến nay, mẹ chưa đánh giá đúng vai trò của bữa phụ, hoặc thiết lập thực đơn cho con thiếu bữa phụ, thì từ nay, mẹ nên bổ sung nguyên tắc bữa phụ nhé, chắc chắn sẽ rất có lợi trong việc cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ.

Mẹ nên cho con ăn các bữa phụ
Thiết lập bữa ăn phụ cho con. Ảnh Internet

3. Nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho trẻ biếng ăn

Chúng ta có thể ví, thực đơn như cánh tay phải, còn bữa ăn thì như cánh tay trái, trong việc khắc phục cải thiện tình trạng biếng ăn cho trẻ vậy.

Nếu như thực đơn bao gồm các món ăn cho một bữa ăn trong ngày quan trọng thế nào, thì nguyên tắc xây dựng bữa ăn khoa học cho trẻ cũng quan trọng như vậy. Vậy một cách chi tiết, nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho trẻ bữa ăn mẹ cần lưu ý những gì? Dưới đây là những yếu tố cơ bản mẹ cần lưu tâm:

3.1 Bữa sáng - tầm quan trọng và đặc điểm

Chúng ta đều biết, bữa sáng rất quan trọng vì cơ thể cần được cung cấp năng lượng đầy đủ, sau một giấc ngủ dài và phải được bổ sung năng lượng mới cho ngày mới.

Với trẻ biếng ăn, bữa sáng cũng thường là một khởi đầu rất khó khăn cho ngày mới. Vì, do thói quen hoặc do tình trạng biếng ăn kéo dài, hoặc sự uể oải của trẻ khi mới ngủ dậy, thường cản trở rất nhiều một bữa sáng diễn ra suôn sẻ hay con chịu ăn cho đủ lượng đúng bữa.

Mẹ chuẩn bị bữa sáng cho trẻ
Mẹ chuẩn bị bữa sáng cung cấp năng lượng đầy đủ cho trẻ. Ảnh Internet

Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên đầu tư cho bữa sáng với thực đơn mà trẻ sẽ chấp nhận, dễ tiêu thụ và có hứng khởi để tiếp nhận. Các món ăn trong thực đơn dành cho bữa sáng theo yêu cầu này có thể là các món cháo , các món súp, rau củ hỗn hợp luộc hoặc một số loại bánh kết hợp mứt hay quả khô.

Hiện nay, không ít các bà mẹ đã chuẩn bị từ tối hôm trước nhiều nguyên liệu phong phú và dinh dưỡng, để sáng hôm sau dù không có nhiều thời gian, nhưng vẫn có thể chuẩn bị cho con một bữa sáng dễ ăn, hấp dẫn và dễ chinh phục khẩu vị trẻ. Điều này nhiều bà mẹ thực hiện được dù đa phần các bà mẹ hiện đại đều rất bận rộn, vậy thì chúng ta hãy cố gắng và kiên trì để làm như thế, sự nỗ lực này chắc chắn sẽ được đền đáp.

3.2 Bữa trưa - chú trọng thời gian và sự phong phú về thực phẩm

Chế biến món trưa cho trẻ
Chú trọng thời gian bữa trưa và chế biến món ăn từ thực phẩm phong phú cho trẻ. Ảnh Internet

So với bữa sáng tương đối hạn hẹp về thời để chuẩn bị, bữa trưa cho trẻ biếng ăn sẽ không làm mẹ phải mệt mỏi lắm. Tuy nhiên, việc ăn đúng bữa vào tầm 11h30 đến trước 12h là rất quan trọng, vì đây là thời điểm chuẩn nhất cho bữa trưa của trẻ, để con không quá đói bị quá bữa, cũng như không còn no do dư âm của bữa phụ giữa sáng và trưa hoặc bữa sáng con đã ăn rất nhiều.

Bên cạnh đó, thời điểm buổi trưa cũng tương đối thư thái cho các mẹ về chuyện bếp núc, nên mẹ có đủ thời gian để chuẩn bị những món ăn phong phú cần phải chế biến kỹ lưỡng hoặc cầu kỳ một chút từ các loại thịt, hải sản hoặc nấm chẳng hạn.

So với các trẻ nhỏ ở tuổi ăn dặm, thì các trẻ lớn đến tuổi ăn cơm không chỉ có thể trải nghiệm nhiều món ăn chế biến từ thực phẩm phong phú, mà ngay cả cách chế biến đa dạng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự khám phá thức ăn của trẻ, còn làm giàu thêm khẩu vị của con. Do vậy, mẹ đừng ngại thử thách cho các bữa trưa với thực đơn thật phong phú đa dạng, gồm nhiều món ngon ăn cơm được đổi vị thường xuyên cho trẻ nhé.

3.3 Bữa tối - chú ý về lượng thức ăn tiêu thụ

Trẻ ăn bữa tối vừa phải
Trẻ ăn vừa phải vào bữa tối sẽ ngủ ngon hơn. Ảnh Internet

Trong các bữa ăn, bữa tối với trẻ biếng ăn có vẻ ít nan giải hơn, vì nhiều trẻ học tập, vui chơi chạy nhảy cả ngày đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng, lúc này nhiều trẻ có vẻ sẽ chú ý đến việc ăn uống hơn.

Tuy nhiên, điểm trừ lại dễ xuất hiện nhất cho bữa ăn này là, tranh thủ khi con muốn ăn, các mẹ lại chuẩn bị nhiều thức ăn và thậm chí là nhân cơ hội nài ép trẻ ăn nhiều.

Tiêu thụ quá nhiều cho bữa tối không hề khoa học khi về tối, việc tiêu hóa thức ăn sẽ chậm lại, chưa kể khi con ăn quá no thì thường dẫn đến tình trạng tức bụng đầy bụng kéo theo khó ngủ ngon được. Lợi bất cập hại là như thế, nhưng thực tế tình trạng này lại rất phổ biến ở các gia đình.

Chú ý về lượng thức ăn trẻ tiêu thụ trong bữa tối cũng được xem là một trong những chìa khóa để giúp cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ. Đây là một nguyên tắc cơ bản về đặc điểm của bữa ăn, mà mẹ không nên xem nhẹ.

Mẹ cũng không nên lo lắng thái quá về việc nếu bữa tối con ăn không nhiều đêm sẽ đói và sáng ngày hôm sau thức dậy sẽ không còn hơi sức. Thực chất, bữa tối mẹ vẫn có thể chuẩn bị thực đơn cho con với các món ăn từ thịt, cá, trứng,...nhưng chế biến ít dầu mỡ, cho con ăn lượng vừa phải thì đã đủ tốt rồi.

3.4 Bữa phụ - tận dụng tối đa việc bổ sung các dưỡng chất ngoài bữa chính

Trẻ ăn bữa phụ
Bổ sung các dưỡng chất qua bữa phụ nếu ở bữa chính trẻ ăn ít hoặc không đủ dinh dưỡng. Ảnh Internet

Vớ đa số các trẻ biếng ăn, bữa chính hầu như luôn gặp trở ngại về lượng hoặc chất. Có thể con ăn không ngon miệng hoặc tiêu thụ ít, nhưng như thế mẹ cũng không nên băn khoăn lo lắng nhiều. Vì, căn cứ vào tình trạng của bữa chính, mẹ có thể tăng cường 2-3 bữa phụ cho trẻ để con nhận thêm nguồn dưỡng chất cần thiết. Các bữa phụ có thể là bữa giữa sáng và trưa khoảng 9-10h sáng, bữa xế khoàng 3-4h chiều và bữa khuya khoảng 8-9h tối trước giờ con đi ngủ khoảng 1 tiếng.

Sự linh động về việc thiết lập bữa phụ sẽ giúp mẹ bảo đảm hơn, về việc bổ sung các chất dinh dưỡng khác mà mẹ cho rằng có thể con bị thiếu hụt từ các bữa chính chưa đủ chất, hoặc thiếu về lượng.

So với thực phẩm giàu đạm trong thực đơn dành cho các bữa chính, ở các bữa phụ mẹ chủ yếu nên bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ và vitamin cho trẻ. Rau củ, quả, một số loại bánh hay thức ăn ít đạm, cùng chế phẩm sữa như sữa chua dạng đặc hay sữa chua uống sẽ là những thực phẩm mà mẹ nên ưu tiên, trong các bữa phụ của con.

4. Một số món ngon mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ biếng ăn

4.1 Hải sản hoặc thịt rim chua ngọt

Cá sốt chua ngọt
Món rim chua ngọt dễ kích thích vị giác của trẻ giúp trẻ ăn ngon hơn. Ảnh Internet

Các món rim ngọt hay sốt cà chua hoặc kết hợp các loại sốt được xem là mẹo cực hay, mà đông đảo các bà mẹ thường áp dụng để chinh phục những đứa trẻ biếng ăn của mình. Vị rim hoặc kết hợp các loại sốt thường khá hấp dẫn, giảm bớt mùi vị của nguyên liệu chính - những nguyên liệu đôi khi có thể gây ác cảm hay khó chịu cho trẻ làm con không muốn ăn. Vì vậy, mẹ cũng có thể bổ sung món rim ngọt vào thực đơn cho trẻ biếng ăn, để thử chinh phục con xem sao nhé.

4.1.1 Nguyên liệu
  • 100g tôm tươi/ thịt nạc heo hoặc bò băm hoặc xay/ phi lê cá quả/ phi lê cá basa hoặc cá hồi...,
  • 2 quả cà chua cỡ vừa
  • 1/2 củ hành tây nhỏ
  • Một muỗng cà phê bột bắp
  • Hành lá, ngò rí, tỏi, hành củ, dầu ăn, đường, muối, nước mắm.
4.1.2 Cách làm
Thịt bò viên sốt chua ngọt
Thịt bò viên sốt chua ngọt luôn hấp dẫn trẻ. Ảnh Internet
  • Với tôm mẹ bóc vỏ, lấy chỉ đen ở lưng, ướp với chút xíu muối. Với thịt xay hoặc băm mẹ cũng ướp với một chút xíu muối rồi vo viên, có thể hấp chín hoặc chiên sơ trước.
  • Cà chua bỏ hạt, bỏ vỏ, băm nhuyễn, hành tây lột vỏ, cắt hạt lựu, tỏi và hành tím băm nhuyễn, hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
  • Phi thơm tỏi, cho cà chua vào xào, cho thêm hành tây với một ít nước nấu ít phút cho cà chua chín. Nêm chút đường, nước mắm vừa vị của trẻ, cho tôm/ cá/ thịt vào để lửa nhỏ rim cho đến khi chín. Nêm nếm lại, vị đã được thì mẹ hòa bột bắp với 2 thìa canh nước, trút vào từ từ khuấy đều cho sánh, rắc hành lá lên trên và tắt bếp. Mẹ dọn ra đĩa có thể thêm chút ngò cho hấp dẫn, trẻ ăn cùng cơm trắng, chắc chắn rất kích thích vị giác.

4.2 Cá chép hấp gừng hành - món ngon lạ miệng chinh phục trẻ biếng ăn

Phi lê cá hấp hành gừng
Cá hấp gừng là món ngon tốt trẻ biếng ăn. Ảnh Internet
4.2.1 Nguyên liệu
  • 100g phi lê cá chép hoặc mẹ có thể dùng nguyên con hấp để cả nhà cùng ăn
  • 20-30g gừng,
  • 10g vỏ quýt
  • Hành lá
  • Các gia vị như muối, đường, nước mắm,..
4.2.2 Cách làm
  • Cá chép làm sạch, rửa sạch với nước cốt chanh pha loãng hoặc nước giấm pha loãng hay gừng hoặc rượu trắng để giảm mùi tanh.
  • Gừng băm nhỏ hoặc thái sợi, vỏ quýt rửa sạch. Hành lá nhặt sạch rửa sạch cắt khúc chẻ nhỏ.
  • Cho vỏ quýt và một ít gừng vào bụng cá. Một ít gừng còn lại rải lên mặt cá khi hấp hoặc cho vào nước nếu luộc. Bên ngoài cá, mẹ nên ướp thêm một ít gia vị cho vừa ăn, để khoảng 10-15 phút trước khi làm chín.
  • Sau khi ướp, đem cá đi luộc hoặc hấp cách thủy đến khi chín, cho thêm hành khoảng 1 phút cho hành chín tới trước khi tắt bếp. Nếu con không ăn hành mẹ có thể bỏ qua bước này, hoặc vẫn cho hành nhưng khi con ăn thì mẹ bỏ hành ra. Món này mẹ có thể cho bé ăn kèm với cơm trắng. Kèm theo có thể là nước mắm mặn pha loãng để con chấm cho vừa khẩu vị.

4.3 Cháo ếch

Cháo ếch
Cháo ếch bổ dưỡng mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ biếng ăn. Ảnh Internet

Nói chung, cháo ếch lâu nay là món ngon cho trẻ biếng ăn khá phổ biến, được nhiều mẹ áp dụng vì dễ chế biến và trẻ dễ ăn. Mẹ có thể dùng món cháo này với cà rốt như một bài thuốc tự nhiên, thường xuyên cho con ăn, cũng góp phần cải thiện tình trạng biếng ăn của con.

4.3.1 Nguyên liệu
  • 1 con ếch làm sạch
  • 1 củ cà rốt
  • 1 nắm gạo tẻ và một ít gạo nếp
  • Hành lá, hành tím, chút tiêu xay
  • Gia vị gồm muối, nước mắm
4.3.2 Cách làm
  • Ếch rửa sạch, ướp với chút muối và một ít nước mắm.
  • Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu hoặc xay nhuyễn.
Cà rốt xay nhuyễn
Cà rốt tạo thêm vị ngon bổ cho cháo ếch. Ảnh Internet
  • Hành lá nhặt sạch rửa sạch thái nhỏ, hành tím bóc vỏ rửa sạch phi vàng.
  • Vo gạo qua 2 lần nước cho sạch, bỏ vào nồi thêm nước và nấu thành cháo. Nếu dùng cà rốt hạt lựu mẹ cho cà rốt vào nấu chín mềm. Nếu dùng cà rốt xay nhuyễn, mẹ cho cà rốt vào sau khi thịt ếch chín.
  • Bỏ ếch vào cháo, đến khi ếch chín mềm mẹ nêm nếm gia vị cho vừa khẩu vị trẻ, cho hành lá hành chín thì mẹ tắt bếp rồi cho hành phi. Múc cháo ra chén cho trẻ dùng, có thể thêm ít tiêu xay nếu trẻ ăn được tiêu.

Đến đây, có thể nói rằng, mẹ đã có câu trả lời khá đầy đủ cho điều mình băn khoăn là trẻ biếng ăn phải làm sao . Chỉ cần mẹ tích cực, dành chút thời gian và tỉ mỉ, chắc chắn mẹ sẽ xây dựng thực đơn và bữa ăn thêm phần khoa học, giúp con trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn thật hiệu quả. Chúc mẹ sớm thành công và đừng quên chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình với Yeutre.vn cùng các mẹ khác nữa nhé.

Kiều Duyên tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI