Bánh phu thê là bánh gì? Cách làm cực thơm ngọt, dẻo dai đẹp mắt

Bánh phu thê là một trong những món lễ vật quen thuộc trong tráp ăn hỏi. Không những thế chúng còn được dùng làm quà biếu tặng, món tráng miệng, món ăn vặt... thơm ngon. Món bánh có từ lâu đời được nhiều làng nghề truyền thống gìn giữ, phát huy. Bởi bánh phu thê mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng chung thủy, son sắc trong tình yêu và hôn nhân. Đây là đức tính tốt đẹp luôn được dân tộc Việt trân trọng, nhắc nhở bản thân tuân thủ.

banner ads

1. Giới thiệu về bánh phu thê

Bánh phu thê là món ăn truyền thống đã có rất lâu đời từ thời nhà Lý. Món bánh ngọt thơm ngon, dai giòn, ngọt béo phổ biến vào những dịp hỷ sự, lễ Tết, hay tiệc tùng. Quen thuộc là thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa biết về câu chuyện của món ăn này. Dưới đây cùng nhau tìm hiểu thêm về thức quà quê này nhé!

1.1. Bánh phu thê là gì?

Bánh phu thê hay còn có tên gọi khác là bánh xu thê, su thê, xu xê. Đây là loại bánh ngọt cổ truyền đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Tương truyền làng Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của Nhà Lý, đây chính là nơi "khai sinh" đầu tiên của chiếc bánh này.

Theo phong tục của người Việt bánh phu thê thường được dùng làm lễ vật đựng tráp trong ngày ăn hỏi. Ở một vài nơi loại bánh này thường được chọn làm món tráng miệng trong các buổi tiệc hỉ.

Bánh phu thê ăn cưới
Bánh phu thê được gói chỉn chu thường xuất hiện trong tráp ăn hỏi. Ảnh: Internet

1.2. Bánh phu thê làm bằng gì?

Bánh phu thê được chế biến rất kỳ công dù có vẻ ngoài không quá nổi bật. Chúng được chăm chút từ khâu lựa chọn nguyên liệu, quy trình chế biến cho đến thành phẩm. Trong đó bột làm bánh được chọn là bột gạo làm ra từ gạo nếp hoa vàng thơm ngon. Để món ăn tăng thêm độ dẻo dai một số người sẽ thêm vào bột năng.

Sau khi có bột mọi người sẽ mang phơi khô chúng trong khoảng 15 ngày mới tiến hành làm bánh. Phần nhân được làm từ đậu xanh  đãi vỏ, hấp chín, nghiền nát mịn trộn với cơm dừa và đường. Khi ăn bánh thường được cắt làm 4 phần trong nhân bánh 4 hạt sen sẽ được đặt ở 4 góc.

Chiếc bánh phu thê đúng truyền thống sẽ được gói bằng 2 loại lá. Bên ngoài bánh là lá dừa và bao bọc bên trong bánh là lá chuối. Sau đó đó mang đi luộc hoặc hấp chín. Tuy nhiên khi bỏ vào tráp làm lễ vật thì bánh sẽ được đặt trong chiếc hộp giấy màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.

Khi bóc bánh ra thưởng thức bạn sẽ thấy phần bột bánh bao quanh trong suốt nhìn rõ từng sợi dừa và nhân đậu bên trong cực hấp dẫn. Màu vỏ bánh trắng, vàng, đỏ, xanh, tím...sẽ được lựa chọn tùy thích từ hoa quả, lá dứa, hoa đậu biếc...

Bánh phu thê nhiều màu
Bánh phu thê có thể linh hoạt tạo màu với nguyên liệu lá dứa, hoa đậu biếc, quả gấc, lá cẩm... Ảnh: Internet

1.3. Bánh phu thê nguồn gốc

Bánh phu thê có nguồn gốc xuất phát từ phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Loại bánh này nổi tiếng với phát tích cổ triều nhà Lý. Bánh phu thê là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất này khiến thực khách mê thích, người đi xa quê nhớ mãi.

Theo người dân bản địa bánh phu thê ra đời từ thời Lý. Lúc bấy giờ vua Lý Anh Tông xuất binh đánh đuổi giặc ngoại xâm trên chiến trường, hoàng hậu thương chồng nên đã tự tay vào bếp làm chiếc bánh gửi ra chiến trận. Vua ăn thấy ngon nên đặt tên là bánh phu thê. Chiếc bánh gợi nhớ tình cảm vợ chồng chung thủy sắc son. Thế là từ đó làng Đình Bảng truyền tai nhau cách làm món bánh này. Nơi đây cũng trở thành làng nghề truyền thống chuyên làm bánh phu thê.

Bánh phu thê truyền thống
Bánh phu thê truyền thống có màu trắng trong suốt thấy sợi dừa và đậu bên trong. Ảnh: Internet

2. Bánh phu thê có ý nghĩa gì?

  • Bánh phu thê - Cái tên đã phần nào nói lên ý nghĩa của món bánh ngọt. Không phải tự nhiên người ta lại chọn chúng để làm lễ vật cưới hỏi. Như đã nói món bánh này do vua Lý Anh Tông đặt tên. Chúng mang ý nghĩa tình cảm vợ chồng bền chặt, chung thủy, sắc son, tình yêu nồng thắm không lui chuyển.
  • Bên cạnh đó chiếc bánh có màu trắng của bột lọc, cơm dừa, màu vàng của đậu xanh, vành trên võ bánh, màu xanh của lá dừa và màu đỏ của dây buộc. Sự kết hợp màu sắc hài hòa này dựa trên cơ sở triết lý Âm Dương Ngũ Hành của người Á Đông. Chúng là biểu hiện của sự hòa hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người cùng sinh sống trong một mái nhà.
  • Nói dễ hiểu hơn nó là biểu trưng của sự đồng lòng, vợ chồng hòa thuận " Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn". Chiếc bánh phu thê dẻo ngọt , dai giòn có sự kết dính cũng chính là sự gắn kết bền lâu của các cặp vợ chồng.
  • Phần vỏ bánh phu thê trong lá dừa được gói hình vuông, xếp trong tráp hình tròn. Điều này mang đến ý nghĩa vuông tròn, đủ đầy, viên mãn, trăm năm hạnh phúc của đôi vợ chồng son.
Bánh ngọt phu thê ngon
Món bánh truyền thống mang ý nghĩa của sự chung thủy, sắc son trong tình yêu, hôn nhân. Ảnh: Internet

3. Ăn bánh phu thê có béo không?

Bánh phu thê được làm từ bột, đường, đậu xanh, dừa... nên sẽ chứa nhiều tinh bột. Chúng mang đến nguồn năng lượng để phục vụ các hoạt động làm việc, vui chơi. Ngoài ra đây cũng là món bánh ngọt để ăn vặt giúp cải thiện tâm trạng vui vẻ hơn. Tuy nhiên nếu muốn giảm cân, sợ béo bạn nên cân nhắc ăn với lượng ít.

3.1. Bánh phu thê có bao nhiêu calo?

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng thì trong 60gram bánh phu thê (1 chiếc bánh) sẽ có chứa khoảng 110 calo. Bên cạnh đó chúng còn có một số các chất dinh dưỡng khác như chất 1,2gram chất đạm, 1gram lipid, 25gram carbohydrate.

Tuy nhiên hiện nay loại bánh này có rất nhiều cách chế biến dùng nguyên liệu khác nhau nên hàm lượng calo cũng sẽ thay đổi, chênh lệch hơn. Chính vì thế trước khi mua bạn hãy kiểm tra đọc kỹ bảng thành phần, lượng đường. Từ đó xác định lượng calo chứa trong bánh và điều chỉnh liều lượng nạp vào cơ thể.

Bánh phu thê có béo không
Thỉnh thoảng ăn một vài cái bánh phu thê sẽ không quá béo. Ảnh: Internet

3.2. Ăn bánh phu thê có béo không?

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng thì lượng calo đủ để cơ thể hoạt động trong một ngày khoảng 2000 calo. Tuy nhiên nếu vượt quá mức con số này lượng calo dư thừa có thể chuyển hóa thành mỡ thừa tích tụ trong cơ thể gây béo phì, các bệnh nguy hiểm. Như vậy mỗi chiếc bánh phu thê sẽ có 110 calo. Chúng sẽ không gây béo nếu bạn ăn số lượng ít, đúng lúc và không ăn vào buổi tối.

Ngoài ra vào những ngày cơ thể đã nạp quá nhiều năng lượng ở các bữa ăn thì bạn không nên ăn thêm bánh phu thê. Bởi nếu cộng dồn lượng calo từ các loại thức ăn cùng với bánh sẽ vượt ngưỡng cho phép dễ gây tăng cân.

Vì thế nếu bạn muốn giảm cân để có vóc dáng thon thả thì không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt. Nên kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể. Bánh phu thê làm tại nhà không nên cho quá nhiều đường. Thỉnh thoảng bạn chỉ nên ăn ít để tránh gây tăng cân.

Bánh phu thê ăn ngon
Với món bánh ngọt này bạn nên ăn hợp lý để không tăng cân mất kiểm soát. Ảnh: Internet

4. Cách làm bánh phu thê lá dứa

Cách làm bánh phu thê ngày xưa sẽ tốn nhiều thời gian, công đoạn và cách làm cầu kỳ. Tuy nhiên qua thời gian món ăn cũng được các nghệ nhân biến tấu, thay đổi công thức để trở nên đơn giản hơn. Những ngày rảnh rỗi cùng thực hiện món bánh làm món ăn vặt lạ miệng chiêu đãi người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhé!

4.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 150gram đậu xanh bóc vỏ
  • 250gram bột năng
  • 100gram tinh bột đậu xanh
  • 100gram đường cát
  • 950ml nước lọc
  • 5 miếng lá dứa
  • 1/4 thìa cà phê tinh chất lá dứa (nếu có)
  • 60gram mạch nha
  • 60gram dừa sợi
  • Mè trắng rang
  • Tinh chất lá dứa (Hoăc vani, dầu chuối)
  • Gia vị: Muối, dầu dừa
  • Màng bọc thực phẩm, khuôn bánh bằng giấy nến
Nguyên liệu bánh phu thê
Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu để làm bánh phu thê lá dứa hấp dẫn. Ảnh: Internet

4.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế và nấu đậu xanh

Đậu xanh ngâm nước trước vài giờ cho nở mềm để khi nấu nhanh hơn. Sau đó nhặt bỏ hạt bị hỏng nổi trên mặt nước, rửa sạch đậu, để ráo nước.

Bỏ đậu vào nồi đổ thêm lượng nước ngập đậu khoảng 1 lóng tay. Tiếp theo cho vào 1/4 thìa cà phê muối bật bếp nấu lửa nhỏ. Khi nước sôi hớt bọt, để nước rút còn xâm xấp mặt đậu thì đậy nắp nấu khoảng 20 phút trên lửa nhỏ. Khi đậu chín bạn vớt chúng ra, để ráo nước.

Nấu đậu xanh
Đậu xanh ngâm nước trước vài giờ khi luộc sẽ nhanh mềm hơn. Ảnh: Internet

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Cho vào nồi 250gram bột năng, 100gram tinh bột đậu xanh, 1 thìa cà phê muối, 100gram đường cát (lượng đường điều chỉnh theo khẩu vị).

Rửa sạch lá dứa
Bạn cho bột năng vào nồi hòa với các nguyên liệu khác, lá dứa rửa sạch. Ảnh: Internet

Lá dứa rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào máy cùng 150ml nước lọc (lấy nước lọc trong 950ml nước lọc chuẩn bị sẵn). Sau khi xay nát mịn lá dứa thì bạn lọc chúng qua rây đổ vào phần nước lọc vừa lấy ra trong ca lúc nãy. Sau cho lượng nước trong ca vẫn là đạt 950ml như lúc ban đầu.

Tiếp theo bạn hãy cho 1/4 thìa tinh chất lá dứa bạn hãy cho vào ca nếu có. Tinh chất này sẽ giúp chiếc bánh thơm ngon hơn. Ngoài ra bạn có thể chọn vani hoặc dầu chuối đều được.

Xay lá dứa
Lá dứa cho vào cối xay, thêm nước lọc rồi xay nát lọc rây đổ lại vào ca nước. Ảnh: Internet

Bước 3: Hòa bột

Đổ hết phần nước lá dứa vào nồi bột. Dùng phới lồng khuấy đều đến khi bột hòa tan. Để bột nghỉ khoảng 15 - 20 phút là được.

Bước 4: Xào nhân đậu xanh

Cho đậu xanh đã luộc vào chảo cùng với 45gram đường cát, 35gram dầu dừa , 60gram mạch nha trộn đều. Tiếp theo đổ vào 60gram dừa sợi trộn đều tay. Sau đó bật bếp lên xào đảo đều tay liên tục cho hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Xào đến khi đậu xanh không còn dính chảo, mịn màng, sánh lại là được.

Tắt bếp để phần nhân nguội bớt rồi chi nhân thành các phần bằng nhau, mỗi phần 30gram. Như vậy bạn sẽ được 16 phần nhân. Vo phần nhân đậu xanh tròn lại, dùng thìa ấn cho dẹp ra một chút.

Nấu nhanh đậu xanh
Bột bạn hòa với nước lá dứa khuấy tan đều, đậu xanh sên đến khi chúng mịn ra không dính chảo. Ảnh: Internet

Bước 5: Sên bột

Phần bột sao khi ngâm xong khuấy lên thật đều. Tiếp theo cho vào 50gram dừa sợi khuấy thật đều. Bật bếp nhỏ lửa khuấy đều liên tục đến khi bột sánh sệt lại thì tắt bếp.

Nấu bột sền sệt
Vo nhân đậu xanh, bột khuấy đều liên tục trên lửa nhỏ cho đến khi sệt lại không vón cục. Ảnh: Internet

Bước 6: Chia bột và hấp bánh

Đổ vào mỗi khuôn giấy nến 20gram bột vào 16 khuôn. Bỏ bánh vào nồi đậy nắp hấp cách thủy 3 phút thì dở ra cho phần nhân đậu xanh vào. Mỗi khuôn bánh bạn tiếp tục đổ vào 20gram bột ban đầu.

Tiếp tục đậy nắp hấp thêm 10 phút thì bánh sẽ chín. Bánh chín thì lấy ra hấp tiếp các phần bột còn lại tương tự như vậy cho đến hết.

Bánh sau khi hấp
Chia bột mang bánh đi hấp chín sẽ có màu trong suốt thấy nhân bên trong. Ảnh: Internet

Bước 7: Gói bánh

Trải màng bọc thực phẩm ra, rắc lên ít mè trắng rang. Tiếp theo lấy bánh ra khỏi khuôn giấy nến đặt phần mặt lên mè rang. Sau đó gói bánh lại ép chặt tay lại.

Gói bánh
Bạn dùng màng bọc thực phẩm để gói các chiếc bánh chặt lại theo hình dạng tùy thích. Ảnh: Internet

Chiếc bánh phu thê lá dứa hương vị thơm thơm, ngọt ngào, béo hứa hẹn mang đến trải nghiệm tuyệt vời. Ngoài dùng để làm phục vụ cho cưới hỏi thì thỉnh thoảng bạn có thể dùng chiêu đãi cả nhà. Món tráng miệng cực ngon này thường sẽ dùng đãi khách khi nhà có tiệc, dịp lễ Tết, biếu tặng làm quà cũng rất đáng quý.

Bánh phu thê lá dứa ngon
Món bánh phu thê lá dứa thơm lừng, hình dạng và màu sắc hấp dẫn khó chối từ. Ảnh: Internet

4.3. Cách gói bánh lại bằng lá dừa

Nếu bạn muốn nấu bánh phu thê để bỏ vào tráp sử dụng cho ăn hỏi, đám cưới thì có thể gói bánh thêm với lá dừa và lá chuối bên trong. Cách gói này sẽ tạo ra sự tươm tất, món bánh ngon đúng chuẩn truyền thống cho ngày đại sự.

Chuẩn bị: Lá dừa, lá cuối, tăm nhọn, bấm ghim.

Bước 1: Bạn dùng chiếc tăm đo kích thước chiếc bánh đã làm ở phía trên. Sau đó đo rồi gấp bếp chiếc lá dừa lại đủ 4 góc thì dùng kéo cắt ngang.

Bước 2: Gấp các gốc bánh lại thành hình vuông, phần đáy xen vào nhau. Sau đó dùng bấm ghim cố định lại phần mối nối. Lót vào trong miếng lá chuối để đậy kín mặt đáy, cho chiếc bánh vào đậy nắp hộp lại. Phần nắp hộp cũng thực hiện giống như phần đáy hộp.

Xếp lá dừa
Phần lá dừa có 2 cạnh chia ra bằng đường cây sống bạn hãy chia một nữa dưới làm phần đáy hộp. Ảnh: Internet

Bước 3: Sau khi đậy nắp hộp bánh lại bạn dán lên miếng nhãn đỏ báo hỷ là xong.

Bánh phu thê ăn hỏi
Chiếc bánh có thể dùng làm quà báo hỷ cho những người bạn thân thiết bạn yêu mến. Ảnh: Internet

Bánh phu thê món ăn góp phần tô điểm cho nền ẩm thực Việt thêm phong phú và giàu đẹp. Chúng không những thơm ngon mà còn mang ý nghĩa về lòng chung thủy, đức tính tốt đẹp trong hôn nhân. Món ăn truyền thống với sự biến tấu đa dạng hứa hẹn sẽ còn làm mọi người bất ngờ, dành niềm yêu mến đặc biệt.

Ngọc Hân

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI