Bên cạnh một chút khéo tay, để nấu xôi ngũ sắc bạn cần nắm thêm một số bí quyết nho nhỏ để xôi lên màu đẹp, ăn mềm, không khô cứng hay nhão. Dưới đây là 3 cách nấu xôi ngũ sắc ngon với cách tạo màu từ thực phẩm hoặc bột tạo màu tự nhiên. Bạn cùng tham khảo nhé.
1. Ý nghĩa của món xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Thái và Tày. Xôi có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành, cũng như triết lý âm dương, mang những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Người Tày và Thái khéo léo tận dụng những lá cây sẵn có trong vườn tạo màu làm xôi ngũ sắc. Nếp nấu xôi ngũ sắc được chọn phải là loại nếp ngon, hạt to, để thành phẩm đạt được là hạt xôi bóng, thơm và dẻo.
1.1. Một vài nét đặc trưng trong cách nấu xôi ngũ sắc của người Thái
Trong cách nấu xôi ngũ sắc của người Thái, màu đỏ được tạo từ cây cơm đỏ, màu tím lấy từ lá cơm đen, màu xanh từ lá riềng hoặc lá gừng, màu vàng là màu của nghệ tươi giã nhuyễn, màu trắng là màu nguyên thủy của nếp. Những loại lá này sau khi rửa sạch sẽ được đun lên lấy nước và để nguội. Sau đó cho vào nếp ngâm ít nhất 2 - 3 giờ để nếp ngấm màu.
Những phần gạo nếp sau khi ngâm sẽ được lọc bỏ nước và cho vào chõ xôi theo thứ tự từng màu. Các lớp xôi thường được ngăn bằng lá chuối hoặc vải mỏng. Sử dụng lửa vừa để đồ xôi. Xôi chín khi bắt đầu dậy mùi thơm.
Người Thái quan niệm nếu xôi ngũ sắc thành phẩm của ai lên màu đẹp là người khéo tay, làm ăn phát đạt. Món ăn không chỉ là nét văn hóa độc đáo mà còn là niềm tự hào to lớn.
Mỗi một màu trong xôi ngũ sắc sẽ mang những ý nghĩa khác nhau thể hiện khát vọng về cuộc sống no ấm, đủ đầy.
- Màu đỏ : màu của chiến thắng, tượng trưng cho sự khát vọng.
- Màu xanh : màu của núi rừng Tây Bắc.
- Màu vàng : sự bền vững, no ấm đủ đầy.
- Màu tím : tượng trưng cho sự thủy chung.
- Trắng : sự trong trắng, tình yêu thủy chung.
1.2. Một vài nét đặc trưng trong cách nấu xôi ngũ sắc của người Tày
Cũng tương tự như sắc màu trong xôi ngũ sắc của người Thái, màu sắc trong xôi ngũ sắc của người Tày cũng “gửi gắm” những khát vọng về cuộc sống ấm no, đủ đầy, mong ước mùa màng tốt tươi.
- Màu đỏ : sự ấm no, nhiệt huyết.
- Màu xanh : màu trang phục truyền thống.
- Màu vàng : màu đại diện của cây lúa, ngũ cốc, hoa màu.
- Màu tím : đất đai trù phù.
- Màu trắng : sự thủy chung, son sắt.
Trong cách nấu xôi ngũ sắc của người Tày, màu đỏ được tạo từ cây cơm đỏ, màu vàng sẽ sử dụng nghệ tươi giã nhuyễn, màu tím là màu của lá cơm đen, màu trắng là màu gạo nếp nguyên thủy. Riêng màu xanh, người dân sẽ sử dụng lá cây cơm đen giã với tro rơm nếp rồi đun lấy nước.
Xôi thường được đồ trong các chõ cao, được làm bằng gỗ. Cách này giúp hạt nếp chín đều và không bị nhão. Xôi cũng thường được đồ riêng để các màu không bị pha lẫn với nhau.
Theo quan niệm của người Tày, những ai ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ, Tết sẽ gặp nhiều điều may mắn tốt lành.
2. 3 cách làm xôi ngũ sắc thơm dẻo, lên màu đẹp mắt
Trên đây là nguồn gốc, ý nghĩa cũng như một vài điểm đặc trưng trong cách nấu xôi ngũ sắc của người Tày và người Thái. Bạn cùng tìm hiểu chi tiết cách nấu xôi ngũ sắc trong phần dưới đây nhé. Với các loại lá tạo màu khó tìm, bạn có thể thay đổi bằng các loại lá, quả khác. Chẳng hạn, màu xanh, bạn có thể dùng lá dứa, màu tím dùng lá cẩm, bạn có thể dùng quả gấc để tạo màu đỏ,...
Bên cạnh đó, bạn có thể thay đổi một xíu trong cách nấu để phù hợp với từng vùng miền nhé. Nếu thích béo, bạn có thể cho thêm nước cốt dừa. Thay vì dùng chõ xôi bằng gỗ, bạn có thể thay bằng xửng hấp. Thậm chí, nếu khéo bạn cũng có thể nấu xôi bằng nồi cơm điện như nấu xôi đậu đen bằng nồi cơm điện hay nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện vậy.
2.1. Cách nấu xôi ngũ sắc tạo màu tự nhiên sẵn có
2.1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Gạo nếp: 1kg
- Lá dứa: 200g
- Lá cẩm: 200g
- Gấc: 1/2 quả
- Nghệ tươi: 100g
- Rượu gạo: khoảng 10ml
- Nước cốt dừa: khoảng 10 thìa canh (Bạn có thể điều chỉnh tùy theo sở thích ăn béo ít hoặc nhiều nhé)
- Chút muối
- Đường: 5 thìa canh
2.2.2. Cách nấu xôi ngũ sắc
Sơ chế nguyên liệu
- Lá cẩm sau khi mua về, bạn nhặt bỏ những lá hư. Sau đó rửa sạch, cắt nhỏ.
- Lá dứa sau khi mua về rửa sạch, cắt thành khúc nhỏ.
- Nghệ tươi sau khi mua về gọt vỏ, rửa sạch.
- Gấc sau khi mua về, bạn bổ làm đôi. Lấy phần thịt gấc và bỏ hạt.
- Với nếp, bạn cần vo sạch và ngâm qua đêm để hạt nếp nở ra.
Tạo màu
- Lá cẩm cho vào nồi. Cho thêm nước sao cho mực nước bằng 1/2 lượng lá có trong nồi. Đun ở lửa vừa cho đến khi ra màu thì tắt bếp và lọc qua rây để lấy nước. Sau đó để nguội.
- Lá dứa cho vào máy xay sinh tố, cho thêm khoảng 1/2 chén nước và xay nhuyễn. Sau đó lọc qua rây lấy nước, bỏ phần lá đi.
- Với thịt gấc, bạn cho vào khoảng 10ml rượu gạo. Để màu gấc tan đều, bạn phải trộn hoặc và bóp đều.
- Nghệ sau khi thái mỏng, bạn cho vào cối và giã nhuyễn. Tiếp đến, bạn cho thêm khoảng 500ml nước vào. Sau đó lọc lấy nước, bỏ phần xác.
Mỗi loại màu bạn cho ra tô riêng. Cho thêm vào mỗi tô 1 thìa cà phê đường + 2 thìa canh nước cốt dừa. Sau đó khuấy đều.
“Nhuộm” màu cho nếp
- Bạn chia nếp đã ngâm đã ráo thành 5 phần. Cho vào 5 tô riêng.
- Lần lượt cho 3 màu xanh, vàng, cẩm vào 3 tô nếp. Với màu gấc, bạn trộn trực tiếp với nếp. Tô nếp còn lại làm màu trắng để nguyên.
- Bạn ngâm với màu trong ít nhất 2 - 3 giờ để nếp được ngấm màu.
Hấp xôi
- Nếp sau khi ngấm màu, bạn lọc lấy phần nếp, để ráo, cho vào ít muối xóc đều. Sau đó lần lượt cho vào xửng hấp. Bạn có thể ngăn riêng từng màu bằng miếng giấy chống dính, giấy bạc nướng hoặc lá dứa hay lá chuối.
- Bắc nồi hấp lên bếp. Cho nước vào nồi. Đợi nước xôi thì cho xửng hấp vào.
- Chỉnh lửa vừa. Hấp trong khoảng 25 phút đến khi xôi dậy mùi thơm là đã chín.
Lưu ý
- Sau thời gian trên, bạn mở xửng hấp ra và dùng đũa xơi để kiểm tra. Nếu xôi khô, bạn có thể rưới thêm một chút nước hoặc nước cốt dừa. Hấp thêm vài phút cho xôi chín thấu.
- Tùy theo kích thước của chõ xôi, bạn có thể hấp 1 lần hoặc chia ra hấp trong nhiều lần nhé!
Thành phẩm
Xôi sau khi hấp lên màu đẹp mắt, hạt nếp nở, ăn mềm, dẻo và có vị béo béo của nước cốt dừa. Với món xôi ngũ sắc này, bạn có thể ăn kèm với muối vừng đậu phộng hoặc chỉ muối vừng không có đậu phộng đều rất ngon.
2.2. Cách nấu xôi ngũ sắc bằng bột tạo màu
Rau củ quả là nguồn thực phẩm giúp tạo màu tự nhiên cho món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian sơ chế, nấu và lọc nước, bạn có thể sử dụng các loại bột tạo màu từ thực phẩm vẫn giúp lên màu tự nhiên. Bạn nên chọn mua bột tạo màu ở các cửa hàng, siêu thị uy tín.
2.2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Gạo nếp: 1kg
- Bột gấc: 15 - 20g
- Bột lá nếp (lá dứa): 15 - 20g
- Bột lá cẩm: 15 - 20g
- Bột nghệ tươi: 15 - 20g
- Nước cốt dừa: 100ml
- Gia vị: muối, đường
2.2.2. Chi tiết cách nấu xôi ngũ sắc bằng bột tạo màu
Sơ chế nguyên liệu
- Nếp cần vo sạch và ngâm qua đêm để hạt nếp nở ra. Nếp đã nở, gạn nước, để ráo
- Chia nếp thành 5 phần bằng nhau. Cho vào 5 tô riêng.
“Nhuộm” màu cho nếp
- Lần lượt cho bột gấc, bột lá nếp, bột lá cẩm, bột nghệ tươi vào 4 phần nếp riêng biệt. Mỗi phần nếp cho thêm một chút xíu muối, 1 thìa canh đường + 2 thìa canh nước cốt dừa.
- Đeo bao tay trộn đều bột với nếp. Nếp quá khô, bạn có thể cho thêm một tí nước cho dễ trộn dễ thấm màu nhé.
Hấp xôi
- Chuẩn bị xửng hấp. Sau đó cho 5 phần nếp vào xửng, tách biệt để các màu không lẫn vào nhau. Bạn có thể dùng giấy bạc chia làm 5 ngăn.
- Bắc nồi lên bếp. Cho nước vào nồi. Nước sôi thì cho xửng hấp vào hấp.
- Hấp ở lửa vừa trong 25 phút. Sau đó bạn mở xứng hấp ra và rưới đều phần nước cốt dừa còn lại vào 5 phần xôi. Dùng đũa xơi để nước cốt dừa ngấm đều.
- Hấp thêm khoảng 10 phút cho xôi chín mềm thật dẻo là được.
2.3. Cách nấu xôi mít ngũ sắc
Xôi mít ngũ sắc hấp dẫn bởi màu sắc độc đáo, lớp vỏ mít giòn ngọt cùng hương vị thơm béo, hạt nếp dẻo thơm. Hãy cùng Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn tìm hiểu thêm cách nấu xôi mít ngũ sắc lên màu đẹp mắt từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nhé!
2.3.1. Nguyên liệu nấu xôi mít ngũ sắc
- Gạo nếp: 1 kg
- Mít chín: 300 - 350g
- Lá dứa: 100g
- Lá cẩm: 100g
- Nghệ tươi: 150g
- Hoa đậu biếc (tươi hoặc khô): 100g
- Nước cốt dừa: 200ml
- Chút muối
- Đường: 100g
2.3.2. Cách nấu xôi mít ngũ sắc
Sơ chế nguyên liệu
- Nếp sau khi mua về hãy vo sạch và ngâm qua đêm để hạt nếp nở ra.
- Lá cẩm nhặt bỏ những lá hư. Sau đó rửa sạch, cắt nhỏ.
- Lá dứa rửa sạch và cắt thành khúc nhỏ.
- Nghệ tươi sau khi mua về phải gọt vỏ, rửa sạch.
- Hoa đậu biếc sau khi mua về thì rửa sạch.
- Mít sau khi mua về tách lấy thịt và bỏ hạt. Dùng dao rạch 1 đường để cho xôi vào.
Tạo màu
Bạn nấu các loại lá để tạo màu tương tự ở cách nấu xôi ngũ sắc của người Tày, Thái ở trên nhé.
- Lá cẩm cho vào nồi. Cho thêm nước sao cho mực nước bằng 1/2 lượng lá có trong nồi. Đun ở lửa vừa cho đến khi ra màu thì tắt bếp và lọc qua rây để lấy nước. Sau đó để nguội.
- Lá dứa cho vào máy xay sinh tố, cho thêm khoảng 1/2 chén nước và xay nhuyễn. Sau đó lọc qua rây lấy nước, bỏ phần lá đi.
- Bạn cho vào cối và giã nhuyễn. Tiếp đến, bạn cho thêm khoảng 500ml nước vào. Sau đó lọc lấy nước, bỏ phần xác.
- Hoa đậu biếc cho vào nồi cùng với khoảng 1l nước. Đun sôi đến khi chuyển sang màu xanh dương là được. Dùng rây lọc nước, bỏ hoa.
“Nhuộm” màu cho nếp
- Chia nếp đã thành 5 phần bằng nhau.
- Cho 4 phần nếp ngâm với 4 màu đã chuẩn bị ở trên. Phần còn lại là màu trắng. Thời gian ngâm 1-2 tiếng cho nếp thấm màu. Phần nếp không trộn màu bạn có thể tiếp tục ngâm nước cho mềm.
- Vớt nếp ra cho ráo nước và trộn đều các phần nếp với nhau, cho vào chút xíu muối, xóc đều. Lưu ý, nếu thích các màu tách biệt, bạn không trộn lẫn nếp với nhau.
Hấp xôi
- Cho nếp vào xửng hấp và dàn đều.
- Bắc nồi lên bếp. Cho thêm 500ml nước vào. Đun sôi thì cho xửng hấp vào hấp.
- Hấp nếp trong khoảng 30 phút. Ở phút 25 bạn có thể rưới từng chút nước cốt dừa pha chút đường vào cho nếp mau mềm, thơm béo, ngọt vị. Tuy nhiên, bạn lưu ý lượng nước cốt dừa và đường cho vào vừa phải để xôi không bị nhão nhé.
- Xôi chín thì lấy bạn lấy ra ngoài và cho vào lòng mít để làm thành nhân nhé. Sau bước này là bạn đã hoàn thành cách nấu xôi mít ngũ sắc rồi đó.
Như vậy, Yeutre.vn đã chia sẻ đến bạn cách nấu xôi ngũ sắc sao cho thơm dẻo và lên màu đẹp mắt. Dựa theo cách làm trên đây, bạn hoàn toàn có thể biến tấu về phần thực phẩm tạo màu để nấu ra món xôi với màu sắc mình yêu thích. Thay vì 5 màu, bạn có thể làm thành 6, 7 màu hoặc ít hơn tùy ý. Chúc bạn thành công với món xôi ngũ sắc độc đáo này. Hãy cùng trổ tài sự khéo léo của mình để chiêu đãi cả nhà ngay thôi nào!
Thủy Nguyễn