Liên quan đến dầu dừa
Dầu dừa được chiết tách từ cơm dừa. Ở vùng nhiệt đới, nó là nguồn cung cấp chất béo quan trọng trong các bữa ăn, ngoài ra nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp.
Dầu dừa cung cấp nguồn nhiệt rất ổn định, vì vậy nó thích hợp trong nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên hay rán. Do tính ổn định cao nên nó ít bị ôxy hóa và do hàm lượng chất béo no cao nên có thể cất giữ lâu đến 2 năm.
Nói về tác dụng trong làm đẹp, dầu dừa không chỉ được dùng làm một trong những nguyên liệu mỹ phẩm, còn có thể dùng để chăm sóc sắc đẹp tự nhiên như dưỡng da, chăm sóc tóc, giảm cân hay tẩy trắng răng.
Cách chọn dừa để làm dầu dừa
Đây là khâu quan trọng nhất để quyết định chất lượng dầu dừa. Dừa tốt nhất phải là dừa khô vỏ nâu tại cây, đây là những quả dừa khá già, có vỏ màu nâu sậm, khi sờ vào rất chắc tay, tốt nhất nên chọn trái dừa xiêm.
Cùi của dừa già thường dày và khô, vỏ sát cùi có màu nâu sẫm, cứng và ở ngoài nổi nhiều múi. Bạn cũng nên chọn dừa có cùi trắng và sáng màu vì nó còn tươi, không bị thâm hay ngả màu. Nếu chọn dừa còn vỏ bên ngoài thì có thể chọn quả to, vò màu nâu chưa lên mộng sẽ thu được nhiều nước cốt hơn.
Cách đơn giản nhất để biết được đâu là dừa già bạn dùng phương pháp là bấm tay, khi bấm móng tay vào cùi dừa, nếu như không bấm được, hoặc khó bấm, bấm vào thấy khô thì đó là quả già. Bạn cũng có thể dùng móng tay cào phần vỏ dừa gần cuống, không cào tróc được thì đó là dừa già.
Về cách làm dầu dừa tại nhà, có nhiều cách làm, các bạn có thể chọn một trong các cách dưới đây. Dù là cách nào thì thành phẩm thu được cũng chất lượng và khiến bạn yên tâm hơn so với sản phẩm bạn đi mua.
1. Cách làm dầu dừa bằng phương pháp nóng
1.1 Bằng bếp ga
- Dừa già: 1 trái
- 500 ml nước sôi
- Dụng cụ nạo dừa
- 1 máy xay sinh tố
- 1 cái thau
- 1 rây lọc
- 1 túi lọc
- 1 nồi đun đáy rộng
- Hũ thủy tinh dựng dầu
Cách làm
Bước 1: Nạo dừa
Dừa mua về, bạn bổ dừa làm đôi, nếu có thời gian bạn để cơm dừa càng khô càng tốt. Nạo dừa thành sợi (dụng cụ nạo dừa có thể mua ờ siêu thị) và đổ vào một cái thau có kích thước vừa phải.
Bước 2: Xay dừa, vắt nước cốt lần 1
Xay thật nhuyễn cơm dừa với 1 ít nước nóng. Sau khi xay xong, bạn sẽ thấy hỗn hợp dung dịch trắng như sữa, mùi thơm đặc trưng. Lấy cái thau to để bên dưới, tiếp theo là cái rây ở trên, trên cái rây để túi lọc. Bạn đổ hỗn hợp vừa xay vào túi lọc và vắt, bạn sẽ thu được nước cốt dừa
Nhưng vẫn còn nhiều nước cốt dừa bám vào xác dừa vụn, vì vậy, bạn phải vắt thật kỹ bằng túi lọc lần 2.
Bước 3: Vắt nước cốt lần 2
Bạn cho 1 ít nước ấm vào xác dừa đã vắt lấy nước cốt lần một, nhồi thật mạnh rồi tiếp tục vắt lấy nước cốt lần 2, lọc qua rây. Bạn cứ lặp lại cho hết số dừa, không nên vắt nhiều dừa một lúc, mỗi lần 1 ít, nếu không sẽ phí nước cốt dừa.
Bước 4: Đun sôi nước cốt dừa
Dùng nồi đun có đáy rộng để giúp hơi bốc nhanh, bạn cho hết phần nước cốt dừa vừa vắt vào đun với lửa lớn. Lúc đầu đun thì bật lửa lớn cho nhanh sôi, khi nước cốt chuẩn bị sôi thì vặn lửa nhỏ, khuấy đều để hỗn hợp không bị cháy khét dưới đáy nồi
Lưu ý: Khi nấu nước cốt dừa, bạn phải ngồi canh bên và khuấy đều liên tục, mất khoảng 5 – 6 tiếng đồng hồ, cho đến khi nước được bốc hết và bạn thấy nồi nước cốt cạn dần xuống.
Bước 5: Thành phẩm
Đun như vậy cho đến khi thấy những vón dừa chuyển sang màu nâu sẫm, nước cốt dừa bắt đầu trong lên. Lúc này, nước đã thoát hơi hết chỉ còn lại phần dầu dừa.
Khi thấy dầu dừa trở nên trong veo, bạn tắt bếp, để nguội. Sau đó lọc bỏ phần vón dừa, chắt lấy phần dầu dừa cho vào hũ thủy tinh dùng dần.
Cách làm này là cách làm này phổ biến nhất, thành phẩm thu được có mùi rất thơm, màu trong hoặc ngả vàng.
1.2 Bằng nồi cơm điện
Nguyên liệu
- Dừa già: 1 trái
- 500 ml nước sôi
- Dụng cụ nạo dừa
- 1 máy xay sinh tố
- 1 cái thau
- 1 rây lọc
- 1 túi lọc
- Nồi cơm điện
- Muỗng dùng để khuấy
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Cách làm
Đối với cách chế biến dầu dừa bằng nồi cơm điện, các bước xử lý dừa gồm Bước 1, bước 2, bước 3 bạn thực hiện như trên.
Bước 4: Nấu nước cốt
Bạn đổ phần nước cốt dừa vừa vắt được vào nồi cơm điện, nhấn "cook", nấu trong 40 phút. Trong quá trình nấu không nên đậy nắp nồi cơm điện giúp tránh cho nước tràn ra ngoài. Cứ khoảng 10 - 15 phút lại dùng muỗng khuấy đều phần nước cốt trong nồi để tránh bị cháy khét.
Bước 5: Tách dầu
Sau 40 phút thì nước cốt dừa bắt đầu sệt và bắt đầu tách dầu, lúc này bạn đậy hờ nắp nồi cơm điện lại, để dầu không bị bắn ra ngoài, rồi tiếp tục nấu thêm khoảng 20 phút cho dầu tiết ra hoàn toàn. Trong 20 phút này, vì dừa tách dầu, bạn nên thường xuyên khuấy đều hỗn hợp để không bị cháy dưới đáy nồi.
Bước 6: Thành phẩm
Khi thấy xác dừa cô đặc lại dưới đáy nồi, dầu dừa có màu vàng cánh gián, có mùi thơm dễ chịu, bạn tắt bếp. Chiết phần dầu dừa nguyên chất ra chén, để thật nguội rồi cho vào hũ thủy tinh để dùng dần. Khi chiết dầu dừa, bạn cũng nên lọc qua rây để dầu không lẫn cặn xác dừa.
Lưu ý: nên tách dầu sớm chứ không nên để nguội rồi mới tách, vì như vậy lượng dầu sẽ bị giảm đi do ngấm ngược lại vào phần xác dừa.
2. Cách làm dầu dừa bằng phương pháp lạnh
2.1 Dùng máy xay sinh tố
Nguyên liệu
- Dừa già: 1 trái
- 500 ml nước sôi
- Dụng cụ nạo dừa
- 1 máy xay sinh tố
- 1 cái thau
- 1 ray lọc
- 1 túi lọc
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Cách làm
Bước 1,2,3: giống như phương pháp nóng.
Bước 4: Cho nước cốt dừa đã vắt vào hũ thủy tinh. Để yên như thế trong vòng 24 giờ, lúc này các bạn sẽ thấy nước cốt dừa tách ra làm 2 phần là dầu và một lớp váng đục ở phía trên cùng lọ.
Bước 5: Bạn cho phần dầu dừa vào tủ lạnh, phần cặn dừa phía trên sẽ đặc lại. Dùng thìa gạn bỏ hết phần cặn dừa phía trên sẽ còn lại dầu dừa nguyên chất.
Đây là cách làm dầu dừa đơn giản. Ở cách làm này, dầu dừa thu được có màu như nước vo gạo
2.2 Dùng máy ép trái cây
Nguyên liệu
- Dừa già: 1 trái
- Dụng cụ nạo dừa
- Máy ép trái cây
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Cách làm
Bước 1: Dừa mua về bổ đôi, nạo cơm dừa thành từng sợi nhỏ. Sau đó phơi sấy cho cơm dừa khô lại (có thể dùng lò vi sóng ở nhiệt độ thấp).
Bước 2: Ép cơm dừa bằng máy ép trái cây, ép nhiều lần để đảm bảo chắt lọc được tinh dầu dừa. Chính vì ép trực tiếp để lấy dầu dừa nên dù phương pháp ép lạnh này ít phổ biến nhưng tinh dầu dừa thu được là hoàn toàn nguyên chất.
Bước 3: Cho phần nước cốt dừa đã ép vào hũ thủy tinh, để nơi khô ráo, thoáng mát. Sau 24 giờ, phần nước cốt dừa sẽ tách ra làm 2 phần, phần nổi lên chính là dầu dừa nguyên chất.
Bước 4: Dùng thìa lấy phần dầu dừa phía trên cho vào lọ mới để dùng dần (có thể cho lọ dầu dừa vào tủ lạnh để phần dầu dừa nguyên chất phía trên quánh đặc lại, bạn sẽ dễ dàng đổ qua lọ mới hơn).
3. Cách làm dầu dừa nhanh nhất (trong vòng 40 phút)
Nếu bạn không có thời gian để làm dầu dừa bằng 2 phương pháp trên, bạn có thể thử cách làm dầu dừa nhanh nhất bằng cách như dưới đây:
Nguyên liệu
- Dừa già: 1 trái
- 500 ml nước sôi
- Dụng cụ nạo dừa
- 1 cái thau
- 1 rây lọc hoặc khăn xô
- 1 túi ni lông
- Nồi cơm điện
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Cách làm
Bước 1,2,3: giống như phương pháp nóng.
Bước 4: Dùng 1 túi nilon lớn màu trắng, đổ hết phần nước cốt dừa đã vắt vào, rồi dùng dây thun cột thật chặt miệng túi lại.
Bước 5: Sau 30 phút, bạn sẽ thấy phần ở trên miệng túi xuất hiện một lớp dầu có màu trắng sữa, còn phần nước thì lắng xuống đáy. Bạn dùng kéo cắt 1 góc nhỏ dưới đáy túi, để chắt phần nước ra ngoài.
Lưu ý: Chỉ cắt một lỗ thật nhỏ để kịp thời ngưng lại. Khi phần nước đã chảy hết, gần đến phần dầu thì bịt miệng lỗ đã cắt lại, không cho nước trong túi nilon tiếp tục chảy ra.
Bước 6: Đổ hết phần nước cốt dừa còn lại vào nồi cơm điện, bật nút "cook", mở nắp và để tự đun sôi trong khoảng 20 phút. Sau 20 phút thì nước sôi, bạn khuấy đều và đậy nắp lại, chừng 5 phút sau lại khuấy thêm một lần nữa để không bị cháy khét.
Dầu trong nồi đã ra hết thì rút điện, chiết dầu ra chén, để thật nguội rồi cho vào hũ thủy tinh có nắp, đậy kín để bảo quản khi sử dụng dần.
Lưu ý: Nên chiết dầu ra ngay sau khi rút điện nồi cơm, không để nguội rồi mới chiết vì dầu sẽ thấm vào xác dừa.
4. Bảo quản dầu dừa
Bảo quản nơi thoáng mát khô ráo sẽ bảo quản được trong 6 tháng. Nhiệt độ dầu dừa dưới 24 độ C thì sẽ tự đông lại thành một khối màu trắng, khi dùng bạn phải múc ra và để nó tan chảy rồi mới dùng như bình thường.
Không để dầu dừa trực tiếp dưới ánh nắng.
Bảo quản trong tủ lạnh thì thời gian dùng được lâu hơn.
Cách làm dầu dừa khá dễ so với cách làm dầu gấc cũng là loại dầu mọi người có thể tự làm tại nhà. Tuy nhiên, việc làm dầu dừa lại được chị em phụ nữ quan tâm nhiều hơn, do dầu dừa được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ sức khỏe , ẩm thực đến làm đẹp . Với đa dạng cách làm như trên, các bạn có thể tùy chọn một trong các cách mà mình cảm thấy ưng ý và phù hợp nhất, để tự chế biến cho gia đình một sản phẩm tự nhiên đa công dụng. Sử dụng dầu dừa nguyên chất tự làm tại nhà sẽ an toàn cho sức khỏe hơn mua ngoài, tuy cách làm hơi tốn thời gian nhưng thành phẩm thu được rất xứng đáng. Chúc các bạn thành công với những cách chế biến dầu dừa dễ dàng như trên nhé!
Giáng Ngọc - Tổng hợp