4 cách nấu chè thưng thơm ngọt thanh mát đậm chất Nam Bộ

Chè Thưng hay còn có tên gọi khác là chè Bà Ba là món ăn mang dấu ấn đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ. Đây là món chè truyền thống được các tín đồ mê ngọt vô cùng yêu thích. Món ăn vặt ngày thường này được làm từ các nguyên liệu đậu đơn giản, bí đỏ, khoai lang, bột khoai, bột báng, nước cốt dừa... Tất cả tạo nên một hương vị thơm ngọt khó quên. Món ăn góp phần làm giàu đẹp thêm nền ẩm thực quê nhà.

banner ads

1. Cách nấu chè Thưng đậm vị Nam Bộ

Chè Thưng gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân Nam Bộ. Chúng mang đến hương vị ngọt béo khó quên khiến ai đi xa cũng thương nhớ. Đặc biệt không ít thực khách ghé thăm miền Nam đều săn lùng tìm kiếm món ăn vặt giản dị này. Món chè với cái tên dân dã, gần gũi thường xuyên được mẹ nấu vào những ngày trưa hè. Bây giờ bạn có thể tìm cách thực hiện chúng như một cách hoài niệm quê nhà.

1.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 100gram đậu xanh
  • 150gram đậu phộng
  • 70gram bột khoai
  • 35gram bột báng
  • 15gram phổ tai
  • 1 bó lá dứa (hoặc dầu chuối)
  • 200gram đường phèn
  • 1 chén nước cốt dừa
  • 50gram bột cốt dừa
  • Nước tro tàu (hoặc muối nở)
  • Muối

1.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Ngâm đậu xanh, đậu phộng

Bỏ đậu phộng vào tô thêm vào 1.5 thìa canh nước tro tàu để ngâm đậu nhanh mềm. Tiếp theo đổ nước lọc vào đầy tô ngâm đậu khoảng 2 giờ. Đậu xanh bỏ vào tô đổ đầy nước cũng ngâm trong 2 giờ. Nếu có thời gian bạn có thể ngâm đậu qua đêm để khi nấu đậu nhanh mềm hơn.

Đậu sau khi ngâm bạn rửa sạch lại, đổ ra rổ tre để ráo nước.

Ngâm phổ tau bột báng
Các nguyên liệu sau khi ngâm mềm thì rửa sạch lại, để ráo nước. Ảnh: Internet

Bước 2: Luộc đậu phộng, đậu xanh

  • Đậu phộng sau khi rửa sạch bỏ vào nồi cơm điện thêm vào 6 chén nước. Bật nút nấu như bình thường để ninh đậu mềm. Khoảng 35 phút dở nồi thăm đậu phộng, bóp thử nếu thấy chúng mềm thì vớt ra. Trong lúc nấu thỉnh thoảng bạn khuấy đều đậu cho chín đều.
  • Tương tự bạn cho đậu xanh vào nồi đổ thêm 4 chén nước. Bật bếp nấu đậu trên lửa nhỏ đến khi chúng mềm nhừ, nát nhuyễn.Khi nước trong nồi gần cạn thì đậu xanh cũng bắt đầu nhừ, nát nhuyễn.
  • Bạn hãy dùng phới dẹt khuấy đến khi đậu xanh thật nhừ là được. Ngoài ra bạn có thể xay mịn đậu xanh bằng máy xay sinh tố.
Thử đậu phộng
Đậu xanh nấu rút nước nở mềm thì dùng phới dẹt khuấy cho nát nhuyễn ra. Ảnh: Internet

Bước 3: Ngâm các nguyên liệu khác

Phổ tai ngâm vào nước khoảng 15 phút đến khi nở mềm. Sau đó vớt chúng lên rửa sạch, để ráo.

Bột báng, bột khoai ngâm vào nước cho nở mềm. Tiếp theo bỏ chúng vào nồi luộc đến khi bột trong lại thì vớt ra để ráo.

Bước 4: Nấu chè Thưng

Cho vào nồi đậu xanh đã nhừ 3 chén nước, 170gram đường phèn, đổ đậu phộng luộc chín vào. Tiếp theo cho vào nồi 1 bó lá dứa nhỏ, đổ vào bột khoai bột báng, 1/3 thìa cà phê muối. Khuấy đều hỗn hợp chè đến khi chúng sôi trở lại.

Khi chè sôi vặn lửa nhỏ đổ vào 1 chén nước cốt dừa. Tiếp theo đổ vào 50gram bột cốt dừa (hoặc 1 thìa canh bột năng) để tạo thêm độ sánh sệt và độ béo thơm. Sau đó cho phổ tai vào khuấy đều. Nêm nếm vị ngọt vừa miệng là có thể tắt bếp.

Chè Thưng đơn giản
Sau khi lần lượt cho vào hết các nguyên liệu thì nêm nếm lại độ ngọt vừa khẩu vị. Ảnh: Internet

Múc chè ra chén có thể thưởng thức nóng hoặc lạnh đều được. Nếu thích ăn lạnh bạn có thể để chè nguội, cho vào tủ lạnh vài chục phút rồi lấy ra thưởng thức. Hoặc bạn có thể cho vào đá viên để món chè ngon ngọt mát mẻ hơn. Cách nấu chè Thưng đậm chất Nam Bộ khá đơn giản thỉnh thoảng chị em có thể chiêu đãi cả nhà.

Chè Thưng Nam Bộ ngon
Chè Thưng Nam Bộ thơm ngon, ngọt béo rất thích hợp làm món ăn vặt tráng miệng thư giãn. Ảnh: Internet

2. Cách nấu chè Thưng đậu phộng màu sắc hấp dẫn

Chè Thưng hay chè bà ba đều là những tên gọi gần gũi đậm chất Nam Bộ. Món chè mang đến sự thơm ngọt, thanh mát ngày hè. Chè bà ba làm người ta nhớ đến những ngày mẹ nấu nồi chè thật to cho cả nhà và biếu tặng hàng xóm. Món ăn vặt lạ miệng thơm thảo kết nối tình cảm mọi người xung quanh lại gần nhau hơn.

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 350gram đậu phộng
  • 350gram đậu xanh
  • 200gram bột khoai nhiều màu sắc
  • 15gram phổ tai
  • 70gram bột báng
  • 300gram khoai lang
  • 300gram khoai môn
  • 1 thìa cà phê muối nở
  • 2 lít nước cốt dừa dảo
  • 600ml nước cốt dừa đậm đặc (lấy từ 1.3kg dừa nạo)
  • 1 thìa cà phê muối
  • 500gram đường
  • 3 ống vani

2.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Ngâm và luộc nguyên liệu

  • Đậu phộng, đậu xanh, bột khoai bỏ vào thau riêng đổ ngập nước để ngâm qua đêm.
  • Sáng hôm sau rửa sạch lại đậu phộng, bột khoai, đậu xanh cho sạch, để ráo.
  • Bỏ đậu phộng vào nồi luộc ngập nước, thêm vào 1 thìa cà phê muối nở. Khi nước sôi bạn hớt bọt, nấu lửa nhỏ đến khi đậu phộng mềm. Sau khi bóp thử thấy đậu phộng đã mềm thì vớt ra rửa sạch lại, để ráo.
  • Đậu xanh bỏ vào nồi đổ thêm 2 lít nước. nấu với lửa vừa đến khi nước rút xuống, đậu xanh nhừ ra là được.
Ngâm đậu phộng đậu xanh
Tối hôm trước khi nấu chè bạn nên ngâm các loại đậu để qua đêm để khi nấu nhanh mềm. Ảnh: Internet

Bước 2: sơ chế các nguyên liệu khác

  • Ngâm phổ tai vào nước khoảng 15 phút. Khi thấy phổ tai nở mềm thì vớt ra, rửa sạch, để ráo.
  • Bột báng ngâm vào nước khoảng 1 giờ cho nở ra. Sau đó đổ bột báng ra rổ dày rửa sạch lại với nước.
  • Khoai lang, khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông nhỏ vừa ăn.

Bước 3: Xay đậu xanh

Đậu xanh sao khi rút sền sệt nước thì tắt bếp để nguội bớt. Tiếp theo bạn lấy 1/2 phần đậu xanh cho vào máy xay sinh tố xay mịn. Phần còn lại để nguyên hạt.

Xay đậu xanh
Đậu xanh một nửa xay mịn, một nửa để nguyên hạt. Ảnh: Internet

Bước 4: Nấu chè

  • Đổ hết phần nước cốt dừa dảo vào nồi bắc lên bếp nấu sôi. Nước sôi đổ khoai lang và khoai môn vào nấu cùng.
  • Khi thấy khoai gần chín bạn đổ bột báng vào nồi. Tiếp theo đổ hết phần đậu xanh xay và chưa xay vào khuấy đều. Sau đó cho hết phần bột khoai, đậu phộng vào nấu tiếp.
  • Kế đến cho đường vào cùng 1 thìa cà phê muối khuấy đều. Nấu đến khi nước chè sôi lại thì cho phổ tai, nước cốt dừa đậm đặc vào. Bỏ vào thêm 3 ống vani đảo đều là xong.
Nấu chè Thưng nhiều màu
Các nguyên liệu nhiều màu sắc giúp món chè thêm phần thu hút. Ảnh: Internet

Múc chè ra tô để nguội bớt bạn sẽ thấy chúng sánh lại và đặc hơn. Món ăn rất thích hợp để chiêu đãi cả nhà thỏa mãn cơn thèm ăn vặt. Vào những ngày buồn chán không biết nấu món gì bạn có thể vào bếp trổ tài cách nấu chè Thưng hay còn gọi là chè bà ba nhé!

Chè Thưng hấp dẫn đặc biệt
Chè Thưng tập hợp đầy đủ hương vị bùi béo, dai giòn sần sật càng ăn càng bị cuốn hút. Ảnh: Internet

3. Cách nấu chè Thưng hạt sen

Hạt sen là một trong những nguyên liệu thường dùng cho các món ăn như cháo hạt sen, bánh hạt sen, gà tần thuốc bắc, chè hạt sen nhãn nhục ... Theo đó chúng cũng thường được bỏ vào chè Thưng để làm tăng thêm hương vị thơm ngon. Theo đó ăn hạt sen cũng rất tốt cho sức khỏe. Chúng giúp bạn ngủ ngon, tinh thần thoải mái và bổ sung thêm chất dinh dưỡng.

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 50gram đậu phộng
  • 50gram đậu xanh
  • 20gram bột báng
  • 20gram hạt lựu khô
  • 200gram hạt sen tươi
  • 250gram khoai lang
  • 20gram phổ tai
  • 300ml nước cốt dừa
  • 20gram bột năng
  • 200gram đường
  • 1 thìa cà phê muối

3.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Ngâm các nguyên liệu nấu chè

  • Các nguyên liệu đậu xanh, đậu phộng, bột báng, hạt lựu, hạt sen, phổ tai bạn bỏ vào các tô riêng mang ngâm nước.
  • Hạt sen, đậu phộng, đậu xanh sau khi ngâm trước khoảng 2 giờ thì vớt lên rửa sạch, để vào rổ cho ráo nước.
  • Bỏ hạt sen, đậu xanh, đậu phộng vào nồi hấp cách thủy trong vòng 30 phút. Dở nắp nồi thấy các nguyên liệu mềm thì vớt ra ngoài.
Ngâm hạt lựu
Hạt sen tươi bạn có thể ngâm thời gian ngắn, hạt sen khô thì ngâm nước qua đêm. Ảnh: Internet

Bước 2: Hấp khoai lang và hòa bột

Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa ăn. Bỏ khoai lang vào nồi hấp khoảng 20 phút vừa chín thì lấy ra.

Chén bột năng cho vào 30ml nước khuấy đều cho bột tan ra.

Hấp hạt sen
Bạn có thể bỏ khoai lang vào hấp cùng các loại đậu, hạt nếu nồi hấp to. Ảnh: Internet

Bước 3: Nấu chè

Bắc nồi lên bếp cho vào 1 lít nước sôi. Tiếp theo cho bột báng và hạt lựu vào nấu đến khi chúng trong lại chín mềm. Kế đến bạn cho hạt sen, đậu phộng, đậu xanh, khoai lang vào. Nêm nếm lượng đường và muối đã chuẩn bị vào nồi.

Khi nước trong nồi sôi lên bạn cho phổ tai, nước cốt dừa vào. Nước sôi lại thì hớt bọt cho bột năng đã hòa nước vào. Nêm nếm độ ngọt của chè vừa với khẩu vị gia đình. Sau đó cho vào nồi 1 thìa cà phê tinh chất vani để tạo mùi thơm rồi tắt bếp.

Chè Thưng hạt sen
Các nguyên liệu lâu chín bạn cho vào trước để chúng mềm ra rồi cho vào các nguyên liệu khác. Ảnh: Internet

Món chè Thưng hạt sen thơm ngon ngọt bùi vừa miệng giúp mọi người thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt. Vào những ngày thời tiết oi bức bạn có thể thực hiện món chè thanh mát này để giải nhiệt, cải thiện tâm trạng. Tin rằng đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời của ngày cuối tuần thư giãn.

Chè Thưng hạt sen hấp dẫn
Chè Thưng hạt sen mang đến món ăn bổ dưỡng, thanh mát rất thích hợp cho ngày hè nóng bức. Ảnh: Internet

4. Cách nấu chè Thưng (chè Bà Ba) thập cẩm

Chè Thưng là một trong những món chè tập hợp nhiều nguyên liệu nhất. Theo đó chúng có các loại đậu, bột báng, bột khoai, phổ tai, khoai lang , khoai môn, bí đỏ... Tuy nhiên cách nấu chè làm sao để các nguyên liệu không bị nát thường khiến chị em đau đầu. Dưới đây chính là cách nấu chè Thưng (chè Bà Ba) nhiều màu sắc hấp dẫn và các nguyên liệu không bị nát.

4.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 50gram đậu xanh
  • 50gram bột khoai
  • 50gram bột báng
  • 20gram phổ tai
  • 100gram đậu phộng
  • 500gram khoai lang (khoai lang vàng, khoai lang tím, khoai lang trắng)
  • 500gram Khoai môn
  • 500gram khoai mì
  • 1 bó nhánh lá dứa
  • 2 thìa canh bột khoai tây
  • 150gram đường phèn
  • 1 lon nước cốt dừa

4.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đậu xanh, bột khoai, bột báng, phổ tai, đậu phộng mang ngâm nước trước.

Ngâm nước nguyên liệu đậu
Phổ tai ngâm vừa nở thì vớt ra rửa sạch, cắt thành các khúc ngắn vừa ăn. Ảnh: Internet

Khoai lang, khoai môn rửa sạch bỏ vào nồi hấp chín nguyên vỏ. Sau đó bóc vỏ chúng ra, thái thành các miếng vuông vừa ăn.

Hấp khoai
Các loại khoai bạn có thể hấp nguyên vỏ rồi bóc vỏ thái khúc. Ảnh: Internet

Khoai mì gọt vỏ, rửa sạch, mài nhuyễn mịn, phần lõi khoai để riêng. Sau đó đổ vào khoai mì một ít nước trộn đều. Dùng vải mùng lót lên tô đổ hết phần nước và cái khoai mì bào vào vắt khô. Phần nước trong tô để lóng trong lại rồi đổ bỏ chỉ lấy tinh bột mì. Phần xát dừa bỏ vào thau riêng.

Vắt khoai mì
Khoai mì bóc vỏ, rửa sạch, bào nát pha nước lọc rồi vắt ráo. Ảnh: Interne

Bước 2: Luộc đậu phộng, bột báng, xay lá dứa

  • Đậu phộng bỏ vào nồi luộc chín mềm thì vớt ra, rửa sạch, để ráo.
  • Bột báng bỏ vào nồi nhỏ đổ nước vào luộc đến khi chúng trong lại là được. Sau đó dùng rây lọc vớt chúng ra để ráo.
  • Lấy 4 cọng lá dứa cắt nhỏ cho vào máy xay sinh tố thêm ít nước. Xay lá dứa nhuyễn ra rồi vắt lấy phần nước cốt đậm đà.
Xay lá dứa
Đậu phộng, bột báng luộc chín, nước cốt lá dứa trộn với xác khoai mì. Ảnh: Internet

Bước 3: Trộn bột làm viên khoai mì

Rưới nước cốt lá dứa lên phần xát khoai mì vừa vắt để trong thau trộn đều. Tiếp theo cho vào thau 1 thìa canh đường, 1/4 thìa cà phê muối. Đổ hết phần tinh bột mì vào thau, thêm vào 2 thìa canh bột khoai tây trộn đều tay. Sau đó lấy lượng bột khoai mì vừa phải vo tròn thành các viên.

Trộn khoai mì
Xác khoai mì trộn cùng tinh bột khoai mì, bột khoai tây rồi vo viên tròn nhỏ. Ảnh: Internet

Bước 4: Nấu chè

  • Bắc nồi lên bếp cho vào 2.5 lít nấu cùng lõi khoai mì bào chưa hết lúc nãy. Nước sôi bạn cho hết phần viên khoai mì vào nấu đến khi chúng trong lại. Tiếp theo cho bột khoai vào nấu nêm nếm 1/2 thìa cà phê muối, dùng vá khuấy đều.
  • Kế tiếp cho vào 1 bó lá dứa, hết phần đậu xanh, bột báng vào cùng. Sau đó đổ vào 150gram đường phèn khuấy đều. Tiếp đến bỏ vào đậu phộng, khoai môn, khoai lang vàng, khoai lang trắng, phổ tai vào. Cho vào 2/3 lon nước cốt dừa hoặc hết lon nếu thích béo. Sau cùng đổ khoai lang tím vào chờ chè sôi trở lại thì tắt bếp.
  • Trong lúc nấu bạn thường khuấy nhẹ để các loại bột không dính dưới đáy nồi bị khét.
Nấu chè Thưng thập cẩm
Sau khi cho các nguyên liệu vào lần lượt, nêm nếm vừa ăn bạn vớt bó lá dứa ra bỏ. Ảnh: Internet

Múc chè ra tô để nguội bớt rồi thưởng thức ngay. Theo đó chè Thưng thập cẩm này có thể dùng để nấu cúng ngày rằm, lễ tết hay phục vụ khách đến nhà chơi. Đặc biệt vào ngày cuối tuần bạn có thể hội họp nhóm bạn chiêu đãi món tráng miệng vừa ăn vừa trò chuyện.

Chè Thưng thập cẩm ngon
Chè Thưng thập cẩm hấp dẩn các nguyên liệu không bị nát nhờ bỏ vào theo thứ tự lâu chín, mau chín. Ảnh: Internet

Chè Thưng với những cách nấu hấp dẫn trên đây hứa hẹn sẽ mang đến món ăn vặt chất lượng. Món chè thơm ngon, ngọt vị, thanh mát rất thích hợp cho những ngày buồn miệng không biết ăn gì. Nếu bạn là tín đồ mê ngọt thì đừng bỏ qua món ăn tinh thần này. Chúng sẽ giúp bạn ôn lại tuổi thơ, nhớ về những kỷ niệm đẹp đã qua.

Ngọc Hân

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI