1. Cách làm giấm táo mèo tại nhà chuẩn vị Tây Bắc
Cách làm giấm táo mèo không khó, nhưng làm thế nào để vừa đảm bảo giữ được đầy đủ dưỡng chất, vừa thơm ngon, vừa mang lại hiệu quả cao trong làm đẹp là điều khiến nhiều chị em phụ nữ băn khoăn. Để có thể nuôi được giấm táo mèo tại nhà chuẩn vị Tây Bắc thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu dưới đây nhé.
1.1. Nguyên liệu
- 3 kg táo mèo tươi
- 1 trái chuối tây
- 3 lít nước sôi để nguội
- Hũ thủy tinh có nắp đậy với dung tích khoảng 3 lít
- Lưu ý: Muốn bình giấm ngon, táo mèo phải là loại táo mèo tươi, có màu hơi ngả vàng và ửng đỏ. Không nên chọn những quả còn xanh vì chúng khá chát, những quả táo chín thì cho ra màu sắc không bắt mắt. Do đó, bạn nên chọn những quả táo vừa chín tới, không bị dập, hỏng hoặc trầy xước.
1.2. Thực hiện
Sơ chế táo mèo:
- Táo mèo mua về đem rửa sơ với với nước cho sạch bụi bẩn. Sau đó đem ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 đến 20 phút rồi vớt ra xả lại bằng nước lạnh và để ráo.
- Dùng dao cắt bỏ hai phần đầu của quả táo rồi tiến hành chẻ đôi hoặc thái miếng mỏng. Lưu ý, giữ lại phần hạt táo để hương vị giấm thơm ngon hơn. Mẹo nhỏ là muốn rút ngắn thời gian lên men của giấm táo thì bạn nên thái miếng mỏng.
Ngâm táo vào hũ thủy tinh:
- Đun khoảng 2,5 đến 3 lít nước sôi, sau đó để nguội. Muốn táo mèo nhanh lên men, bạn nên thực hiện ngâm táo khi nước còn ở nhiệt độ khoảng 20 đến 30 độ C.
- Hũ thủy tinh rửa sạch, chần sơ qua nước sôi và dùng giấy ăn lau khô. Cho táo mèo đã sơ chế vào bình, đổ nước sôi để nguội và thêm một quả chuối tây.
- Đậy nắp kỹ, nhưng không cần quá chặt, đảm bảo oxi có thể lọt vào để thực hiện quá trình lên men. Đồng thời, bạn nên phủ thêm miếng vải mỏng trước khi đậy nắp để tránh hiện tượng phản ứng hóa học khi kim loại nắp tiếp xúc với giấm.
Ngâm giấm
- Đặt bình ngâm ở nơi khô thoáng, sạch sẽ khoảng 3 đến 4 tuần là có thể lấy ra dùng chế biến món ăn hoặc làm đẹp.
- Trong quá trình ngâm, bạn sẽ thấy bình giấm có hiện tượng nổi một lớp váng trắng mỏng. Đây là dấu hiệu lên men rất bình thường nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm nhé, chỉ cần dùng muôi sạch vớt bỏ hết phần váng trắng là được.
- Giấm táo mèo sau khi thành phẩm sẽ có màu trong và hơi ngả sang chút vàng đẹp mắt. Đặc biệt, hương vị có phần thơm nồng và vị chua đặc trưng của giấm.
2. Cách làm giấm táo mèo với mật ong
Cách làm giấm táo mèo với mật ong cũng tương tự như công thức làm giấm táo mèo ở trên. Tuy nhiên một chút biến tấu với mật ong sẽ giúp giấm táo khi thành phẩm có vị thơm ngọt hơn, không quá nồng như vị giấm truyền thống.
2.1. Nguyên liệu
- 6 trái táo
- 60 gram mật ong
- Bình thủy tinh
2.2. Thực hiện
- Táo mèo mua về rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 20 đến 30 phút cho ra hết chất dơ và xả lại bằng nước lạnh rồi để ráo. Cắt táo thành từng miếng nhỏ, không cần gọt bỏ phần vỏ và lõi táo mèo.
- Bình thủy tinh chần sơ với nước sôi, sau đó đem phơi khô hoặc dùng giấy ăn lau khô.
- Cho khoảng 1 lít nước sôi để nguội vào bình thủy tinh, khuấy đều với 60 gram mật ong (hoặc bạn cũng có thể thay thế bằng đường trắng), tiếp đó cho hết số táo đã chuẩn bị vào. Dùng miếng vải đậy lại và bảo quản ở nơi thoáng mát khoảng 2 tuần.
- Trong quá trình ngâm, thấy có hiện tượng lớp váng mỏng nổi lên thì đạt yêu cầu. Tuy nhiên bạn không cần loại bỏ lớp váng này.
- Sau 2 tuần, mở vải đậy ra, dùng rây lọc loại bỏ phần bã và váng táo. Kế đến, bạn cho một miếng vải mỏng lên miệng lọ, đậy nắp lại và tiến hành ủ thêm 4 đến 6 tuần nữa. Miếng vải này có tác dụng giúp giấm dễ thở hơn và chống lại sự ăn mòn của giấm với nắp kim loại.
- Trong quá trình ngâm, bạn có thể kiểm tra độ chua của giấm bằng cách nếm thử. Tùy vào sở thích mà bạn có thể tăng thêm hoặc rút ngắn thời gian ủ. Ủ càng lâu thì giấm sẽ càng chua.
- Chiết giấm vào từng hũ thủy tinh nhỏ, dùng vải và nắp đậy kín để phục vụ cho từng mục đích sử dụng.
3. Mẹo giúp ngâm giấm táo mèo nhanh lên men
Để giúp táo mèo nhanh lên men, bạn có thể thay nước sôi bằng nguyên liệu giấm gạo. Tuy nhiên, vị giấm sau khi hoàn thành sẽ có phần khác so với cách ngâm bằng nước sôi.
Giấm rất thích không khí, do đó bạn có thể không cần đậy nắp, thay vào đó là dùng vải dày che lại để oxi được vào nhiều hơn, thúc đẩy quá trình lên men nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn có thể cho thêm ít đường vào trong quá trình ngâm giấm. Cách này không chỉ rút ngắn được thời gian lên men mà còn mang lại vị chua ngọt ngon hơn.
4. Cách phân biệt táo mèo Việt Nam và táo Trung Quốc
Táo mèo còn được biết đến với tên gọi khác là sơn tra. Đây là loại quả thường mọc ở vùng Tây Bắc Việt Nam, vụ mùa bắt đầu từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9. Loại quả này được xem là nguồn dược liệu tốt giúp kích thích tiêu hóa, bổ thận, tăng vị giác, an thần, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cơ tim,...
Chính vì mang nhiều lợi ích nên loại quả này rất được ưa chuộng. Song cũng vì thế mà nhiều trường hợp muốn kiếm lời bất chính nên nhập táo mèo Trung Quốc về. Do đó, bạn cần phân biệt được táo mèo Việt Nam và táo mèo Trung Quốc để tránh trường hợp bị lầm nhé.
- Về hình dáng và màu sắc: Táo mèo Việt Nam thường có vỏ ngoài hơi sần, ráp, hơi xanh và trông khá chắc khỏe, đúng kiểu trồng ở vùng đồi núi. Trong khi đó, táo mèo Trung Quốc lại có vỏ ngoài nhẵn hơn, kích thước quả to hơn và có phần xanh bóng.
- Về hương vị: Nếu táo mèo chính hiệu Tây bắc thường có vị chua, hơi chát và giòn thì táo mèo Trung Quốc lại xốp mềm, quả xanh thì chát mà quả chín thì ngọt lịm.
- Ngoài ra, về độ săn chắc thì táo mèo Việt Nam chiếm ưu thế hơn, ngay cả khi táo héo thì chỉ có vỏ ngoài hơi nhăn nhưng bên trong vẫn giòn. Còn táo mèo Trung Quốc thì khác, mặc dù nhìn bên ngoài khá đẹp mắt nhưng khi dùng tay bấm vào thì mềm lún. Đặc biệt, loại táo này để lâu ngày vẫn không bị héo nhưng lại có hiện tượng thối nhũn từ bên trong. Do đó, trong quá trình mua hàng, chị em cần xem xét thật kỹ lưỡng.
Trên đây, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn đã chia sẻ cùng bạn 2 cách làm giấm táo mèo đơn giản, chuẩn vị Tây Bắc. Bạn cũng ghi nhớ mẹo phân biệt táo mèo Việt Nam và táo mèo Trung Quốc đã được đề cập. Nhớ lưu lại công thức chế biến giấm ngay tại nhà vừa cho sản phẩm an toàn, lại trau dồi tay nghề chế biến nữa bạn nhé.
Mỹ Lệ tổng hợp