20 việc các cặp đôi nên thực hiện khi chuẩn bị mang thai

Chuẩn bị mang thai là một chặng đường dài mà các cặp đôi cần phải làm rất nhiều việc. Từ khi bắt đầu thai kỳ trở đi, bạn và chồng sẽ gần như bắt đầu một cuộc sống mới. Đặc biệt sau khi em bé ra đời, mọi thứ trong cuộc đời hai bạn sẽ hoàn toàn thay đổi và sẽ không bao giờ còn trở lại được như trước khi bạn có thai. Vì vậy, để hành trình sau này diễn ra suôn sẻ và đỡ mệt mỏi hơn, trước khi bước vào giai đoạn này, có một số việc hai bạn rất nên thực hiện, tiêu biểu là 20 việc dưới đây, bạn hãy tham khảo nhé.

banner ads

1. Trao đổi một cách nghiêm túc về vai trò làm cha mẹ

Hầu hết các chuyên gia và các bà mẹ đều đồng ý rằng bạn nên trao đổi với chồng/ người yêu của bạn về những vấn đề liên quan đến vai trò làm cha mẹ như: thời gian chăm sóc con, phân chia thời gian đi làm và ở nhà, truyền thống tôn giáo… trước khi hai bạn định có em bé. Tuy nhiên trước khi cảm thấy bối rối vì quá nhiều thứ phải bàn đến, bạn hãy nhớ rằng mọi thứ đều có thể thay đổi trong suốt quá trình bạn mang thai và nuôi con. Vì vậy, điều quan trọng là hai bạn hãy trò chuyện để thống nhất những việc cần ưu tiên, những kỳ vọng cũng như lo lắng có thể xảy ra trong suốt chặng đường mà hai bạn sắp trải qua.

Vợ chồng trao đổi thảo luận
2 bạn cần thẳng thắn trao đổi về vai trò làm cha mẹ sau này. Ảnh Internet

2. Hãy ngưng dùng thuốc tránh thai

Theo bác sỹ Robert A.Greene – đồng tác giả quyển “Perfect Hormone Balance for Fertility” (tạm dịch: Sự cân bằng nội tiết tố hoàn hảo cho việc thụ thai) – bạn nên ngưng dùng thuốc tránh thai vài tháng khi 2 bạn có dự định mang thai. Vì khoảng thời gian này sẽ giúp cơ thể bạn lấy lại sự cân bằng nội tiết đồng thời giúp bạn theo dõi được chu kỳ rụng trứng của mình, như vậy sẽ dễ dàng cho kế hoạch thụ thai của bạn hơn. Nếu bạn đã dừng uống thuốc vài tháng mà chu kỳ kinh nguyệt của bạn vẫn “mất tích” thì bạn nên đến gặp bác sỹ để được kiểm tra xem có gì bất thường hay không.

Ngưng dùng thuốc tránh thai
Ngưng dùng thuốc tránh thai vài tháng khi có dự định mang thai. Ảnh Internet

3. Ngưng ngay các buổi tiệc tùng

Uống rượu và hút thuốc trong thai kỳ ư? Có lẽ chúng ta không cần bàn đến tác hại của rượu và thuốc lá đối với việc mang thai. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng uống vài ly cocktail hoặc rượu vào dịp cuối tuần hay một dịp đặc biệt nào đó, thì bạn không cần phải thay đổi gì cả nếu chắc chắn mình không có thai. Nhưng nếu bạn có thói quen uống rượu và hút thuốc thường xuyên, thì bạn nên cắt giảm dần một thời gian trước khi mang thai. Vì rượu và thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động) không có lợi cho việc thụ thai cũng như thai kỳ. Bên cạnh đó, việc cắt giảm đột ngột những thói quen này sẽ rất khó khăn và có thể làm bạn bị sốc. Vì vậy, bạn và “đối tác” nên cùng nhau giảm đến bỏ hẳn những thói quen không tốt này để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho việc có em bé.

Ngưng tiệc tùng
Vợ chồng cùng nhau giảm dần đến bỏ hẳn thói quen tiệc tùng. Ảnh Internet

4. Cắt giảm cả lượng caffeine nữa nhé

Hãy cắt giảm lượng caffeine vì quá nhiều chất này có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Và bạn cũng không muốn phải cai nghiện sau khi sinh con phải không? Bạn hãy lưu ý rằng caffeine không chỉ có trong cà phê, mà còn có trong trà, soda, chocolate, nước tăng lực thậm chí là thuốc giảm đau. Tốt nhất bạn nên loại hẳn caffeine ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Nếu không thể, hãy cố gắng nạp vào ít nhất caffeine có thể (tối đa chỉ khoảng 100 mg/ ngày). Bạn nên đọc kỹ thành phần, liều lượng của các loại thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày để chủ động kiểm soát được lượng chất này nhé.

Giảm đến ngưng caffeine
Hãy cắt giảm lượng caffeine nếu vợ chồng bạn muốn có em bé. Ảnh Internet

5. Kiểm soát cân nặng của bản thân

Một cơ thể với cân nặng khỏe mạnh không chỉ giúp cho việc có thai trở nên dễ dàng hơn. Nó còn giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh cũng như giảm rủi ro và biến chứng khi sinh nở. Bạn hãy cố gắng duy trì tập thể thao đều đặn kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh để đạt được một cân nặng khỏe mạnh (với chỉ số BMI – cân nặng (kg)/ bình phương chiều cao (m) từ 19-24). Việc kiểm soát cân nặng không những có lợi cho việc thụ thai, mang thai, sinh nở, mà nó còn giúp bạn dễ dàng lấy lại vóc dáng hơn sau khi sinh em bé.

Giảm cân
Kiểm soát cân nặng khi hai bạn muốn có con. Ảnh Internet

6. Hãy cùng đi xem phim

Trước khi có thai, bạn và chồng hãy tranh thủ đến rạp chiếu phim nữa nhé. Vì một khi có em bé, việc ngồi yên một chỗ trong vài giờ trong không gian kín, kết hợp với nhu cầu thường xuyên phải đi tiểu sẽ khiến bạn rất khó chịu đấy.

Rạp chiếu phim
Nên tranh thủ cùng nhau đi xem phim trước khi có em bé nhé. Ảnh Internet

7. Bắt đầu một khoản tiết kiệm

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta đã nên có một khoản tiền tiết kiệm, thì khi mang thai, việc này càng cần thiết hơn. Vì các chi phí khi mang thai có thể nhiều hơn những gì bạn dự tính hoặc tưởng tượng đến. Dù chỉ dành ra một khoản tiền nhỏ hàng ngày, bạn cũng sẽ thấy yên tâm hơn vì chắc chắn mình sẽ có một khoản tiền chuẩn bị cho việc sinh nở và nuôi con sau này.

Tiết kiệm
Tiết kiệm hơn để chuẩn bị cho việc có con. Ảnh Internet

8. Bổ sung vitamin tổng hợp – đặc biệt là acid folic ngay từ khi chuẩn bị mang thai

Nếu bạn dự định mang thai, hãy bổ sung vitamin tổng hợp, đặc biệt là acid folic ít nhất từ 3 đến 6 tháng trước khi có em bé. Một lượng acid folic 400 mg hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ bị dị tật ống thần kinh ở thai nhi đến 70%. Các loại vitamin cũng sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh để chuẩn bị đón em bé.

Bổ sung vitamin
Bổ sung các chất từ khi chuẩn bị mang thai là việc làm cần thiết. Ảnh Internet

9. Hãy ngủ bù trước

Bạn hãy tranh thủ ngủ nướng cùng chồng vào cuối tuần hoặc ngủ trưa bất cứ khi nào có thể. Vì khi mang thai, bạn sẽ rất khó ngủ được xuyên đêm. Vì khi đó bạn sẽ phải thường xuyên thức dậy để đi tiểu hoặc để đổi tư thế nằm. Thậm chí nhiều mẹ bầu còn bị khó ngủ hoặc mất ngủ. Bạn sẽ càng khó có được giấc ngủ trọn vẹn khi em bé đã ra đời vì vậy, hãy tận hưởng thời gian trước khi mang thai nhiều nhất có thể nhé.

Ngủ nướng
Tranh thủ ngủ nướng nếu có thể. Ảnh Internet

10. Tìm một hoặc một vài biện pháp chắc chắn giúp bạn giảm căng thẳng

Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự căng thẳng cao độ liên tục có thể trì hoãn sự mang thai của bạn (bằng cách gây rối loạn quá trình rụng trứng hoặc cản trở sự làm tổ của phôi thai ở tử cung). Vì vậy bạn hãy kiểm tra cảm xúc của mình và đảm bảo rằng mình đã sẵn sàng cho việc có em bé. Bên cạnh đó, hãy tìm ra một vài cách giúp bạn cảm thấy thư giãn nhất. Ví dụ như uống một tách trà và xem những bộ phim nhẹ nhàng, hoặc chạy bộ, hay gặp gỡ bạn thân…Dù có là cách gì, nếu nó giúp bạn cảm thấy tốt hơn ở hiện tại, nó cũng sẽ giúp bạn trong thời gian mang thai. Bạn không có thuốc đặc trị căng thẳng, vì vậy hãy tận dụng những gì giúp bạn thấy thoải mái. Hãy giữ một quyển nhật ký ở đầu giường và ghi lại những suy nghĩ của mình 15 phút trước khi đi ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc viết nhật ký thường xuyên sẽ giúp bạn thấy lạc quan và ít lo lắng hơn.

Thư giãn uống trà
Giảm căng thẳng, lạc quan và đừng lo lắng. Ảnh Internet

11. Hãy chụp ảnh nhiều hơn

Nếu lần cuối cùng bạn đứng trước máy ảnh là vào kỳ trăng mật thì hãy thay đổi ngay nhé. Bạn nên chụp nhiều hình hơn, không chỉ bạn và chồng, mà hãy chụp cả ngôi nhà của bạn, những nơi bạn đến, những việc bạn làm, cùng những người bạn gặp gỡ…tất cả những gì của riêng hai bạn – một thế giới riêng trước khi mang thai và trước khi em bé ra đời. Sau này bạn sẽ thật sự thấy trân trọng chúng. Và nếu lũ trẻ có thắc mắc về cuộc sống của bố mẹ trước khi chúng được sinh ra, thì bạn sẽ có rất nhiều bức ảnh sinh động để kể cho chúng nghe đấy.

Chụp ảnh nhiều
Chụp hình để có kho tư liệu sau này kể cho con bạn nghe về khoảng thời gian khi chúng chưa ra đời. Ảnh Internet

12. Lập danh sách những nhà hàng, quán ăn mà bạn yêu thích

Bạn và chồng có thể đang muốn thử một vài nhà hàng, quán ăn mới. Hãy lập danh sách chúng và tranh thủ đến những nơi đó vào cuối tuần. Không phải bạn không thể đi ăn tối khi mang thai, nhưng thực đơn lúc ấy sẽ khác nhiều, và do ảnh hưởng của hormone thai kỳ , khẩu vị của bạn có thể thay đổi. Khi mang thai, bạn cũng không thể thoải mái thưởng thức một ly rượu vang hay thử những món ăn mới lạ vì khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé.

Đi ăn ở nhà hàng yêu thích
Tranh thủ đi ăn tối ở những quán ăn mà bạn yêu thích. Ảnh Internet

13. Thảo luận về nơi bạn muốn ở sau khi sinh

Nếu bạn cần hoặc muốn chuyển chỗ ở để có một không gian thoải mái hơn cho việc chăm em bé sau này, hãy thảo luận với chồng và thực hiện nó trước khi mang thai. Vì chẳng phụ nữ nào lại muốn đóng gói đồ đạc để chuyển nhà khi đang mang bầu cả. Tuy nhiên nếu bạn vẫn thấy hài lòng với nơi ở hiện tại thì không cần thiết phải bàn vấn đề này. Rất nhiều em bé vẫn vui vẻ và phát triển rất tốt vì được ở chung phòng với cha mẹ. Khi trẻ lớn hơn, bạn chuyển chỗ ở vẫn chưa muộn.

Chuyển chỗ ở
Nếu thấy cần phải chuyển chỗ ở, hãy làm điều này trước khi có thai. Ảnh Internet

14. Xem xét lại công việc hiện tại của bạn

Mặc dù không có đạo luật nào về việc không được tuyển dụng phụ nữ có thai vào làm việc, tuy nhiên trên thực tế tốt hơn hết bạn vẫn nên xin việc mới (nếu có) trước khi có thai. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để xem lại bạn có thực sự yêu thích công việc, hoặc nó có thuận tiện cho việc chăm con của bạn sau này hay không. Nếu bạn thấy bất tiện hoặc không thoải mái và muốn chuyển chỗ làm, hãy thực hiện trước khi có em bé. Một môi trường làm việc tốt và phù hợp sẽ có lợi cho tâm lý của bạn khi mang thai và ngược lại, vì vậy hãy cố gắng sắp xếp các vấn đề liên quan đến công việc sớm nhất có thể.

Đổi việc
Nếu cần nhảy việc, bạn cũng nên thực hiện điều này trước khi có thai nhé. Ảnh Internet

15. Hãy trò chuyện và hỏi mẹ của bạn về thai kỳ của bà

Bạn hãy trò chuyện với mẹ, chị, bà hay dì của mình về việc mang thai của họ. Họ mất bao lâu mới có thai? Họ có gặp biến chứng gì trong thai kỳ không? Họ có bị sinh non lần nào không? Họ có bị thai ngôi mông lần nào không?...Tất cả những câu hỏi về việc mang thai sẽ rất có ích cho thai kỳ của bạn. Bạn không nên lo lắng hay áp lực khi tìm hiểu vấn đề này với các thành viên trong gia đình. Chị gái bạn mất 1 năm để có thai không có nghĩa là bạn cũng như vậy. Có nhiều yếu tố khác ngoài di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng có em bé như: chất lượng trứng kém (do tuổi tác), tình trạng tắc ống dẫn trứng…Bạn hãy trao đổi với bác sỹ về lịch sử mang thai của gia đình, họ sẽ đưa ra chẩn đoán sớm giúp bạn có được thai kỳ và cuộc sinh nở an toàn hơn.

Trò chuyện với mẹ
Trò chuyện với mẹ bạn về thai kỳ của bà giúp bạn có thêm kinh nghiệm đáng quý. Ảnh Internet

16. Lên lịch hẹn với bác sỹ

Rất nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên đến gặp bác sỹ ít nhất 3 tháng trước khi cố gắng thụ thai. Bác sỹ sẽ giúp bạn cập nhật tình hình tiêm ngừa trước mang thai , kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, huyết áp hay thực hiện các xét nghiệm cần thiết về đường huyết, tuyến giáp, di truyền, tiểu đường, cholesterol…Chồng bạn cũng nên gặp bác sỹ cùng với bạn để được kiểm tra tương tự.

Ngoài ra, cuộc hẹn này sẽ giúp bạn thiết lập mối quan hệ với bác sỹ và giúp bạn thoải mái hơn khi khám thai sau này. Bạn sẽ phải gặp bác sỹ khá nhiều khi mang thai đến lúc sinh nở, vì vậy hãy chắc chắn rằng mình thấy thoải mái với bác sỹ mình đã chọn nhé.

Hẹn gặp bác sỹ
Gặp bác sỹ ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai nhé. Ảnh Internet

17. Hãy đến gặp nha sỹ nữa nhé

Nghe có vẻ không liên quan nhưng thực ra sức khỏe răng miệng khi mang thai cũng rất quan trọng. Việc giữ vệ sinh răng miệng và thường xuyên đến nha sỹ có thể giảm tới 70% nguy cơ sảy thai. Bạn hãy đến nha sỹ để kiểm tra răng miệng trước khi mang thai để tránh nhiễm trùng lợi trong thai kỳ nhé.

Đi nha sỹ
Bạn nên gặp nha sỹ trước khi mang thai. Ảnh Internet

18. Hãy hẹn hò với bạn thân

Hãy tổ chức gặp gỡ hoặc đi du lịch với những cô bạn thân của bạn vì khi có em bé việc này sẽ khó thực hiện hơn. Hãy tạo ra kỷ niệm đẹp với bạn bè nhiều nhất có thể. Ngoài ra, họ có thể sẽ giúp đỡ được bạn rất nhiều khi bạn mang thai và sinh con đấy.

Tụ tập với bạn thân
Hãy ra ngoài cùng với bạn thân. Ảnh Internet

19. Lấy lại vẻ tự nhiên của bạn

Nếu tóc bạn màu nâu và bạn đang nhuộm vàng, hãy lấy lại màu tóc nguyên thủy của bạn. Bạn sẽ không muốn phải đi dặm lại tóc mỗi vài tuần một lần phải không, việc đó sẽ rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, hóa chất rất có hại cho sức khỏe của thai nhi cũng như của bạn.

Lấy lại vẻ đẹp tự nhiên
Lấy lại vẻ đẹp tự nhiên của bạn để thai kỳ không phải vất vả về chuyện làm đẹp. Ảnh Internet

20. Hãy ngừng mua quần áo mới

Khi có thai, bạn sẽ tăng cân nên nếu mua quần áo mới bạn sẽ chỉ mặc được vài tháng và phải đóng gói chúng cho đến sau khi bạn sinh em bé một thời gian. Ngoài ra khi mang thai, bạn cần trang phục mang lại sự thoải mái và an toàn. Vì vậy, những loại quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang như quần skinny, quần jean, giày cao gót… sẽ không còn phù hợp nữa.

Đừng mua sắm quần áo mới
Đừng mua quần áo mới khi bạn chuẩn bị có thai nhé. Ảnh Internet

20 việc nên làm khi chuẩn bị mang thai chúng ta đã cùng điểm qua ở trên nhìn qua thì có vẻ rất dài, song chúng đều là những việc bạn và ông xã có thể thực hiện một cách dễ dàng. Hãy cùng nhau biến khoảng thời gian chuẩn bị đón con yêu trở nên vui vẻ, ý nghĩa, để tâm lý hai bạn thật sự thoải mái và sẵn sàng cho chặng đường mang thai, sinh con sau này diễn ra thật suôn sẻ tốt đẹp nhé.

Theo Parents.com

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI