1. Khám sức khỏe là một việc quan trọng để chuẩn bị trước khi mang thai
Chuẩn bị trước khi mang thai việc đầu tiên bạn không thể bỏ qua là việc khám sức khỏe. Nếu bạn muốn sinh ra một em bé khỏe mạnh thì trước tiên bạn hãy là những ông bố bà mẹ khỏe mạnh. Để đảm bảo điều đó, bạn cần phải khám sức khỏe trước khi mang thai. Điều này giúp bạn biết rõ tình trạng sức khỏe của mình hơn, có thể lên kế hoạch và thời điểm sức khỏe tốt nhất cho việc thụ thai. Khám sức khỏe trước khi mang thai còn sớm phát hiện ra một bệnh ở cơ thể (nếu có) để điều trị kịp thời, và đây cũng cách để giúp bạn tăng khả năng thụ thai.
Khi đi khám sức khỏe tổng quát bạn sẽ thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tầm soát một số bệnh lây truyền…Bên cạnh đó, bạn cũng được khám phụ khoa, bạn nên khám phụ khoa ở cả vợ và chồng để phòng ngừa và điều trị kịp thời một số bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, bệnh lậu hay bệnh lây lan qua đường tình dục. Vì, nếu khi mang thai mắc phải những bệnh này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, tăng khả năng sảy thai hay sinh non.
2. Chích ngừa đầy đủ
Chuẩn bị trước khi mang thai khoảng 6 tháng, bạn nên chích ngừa một số loại vắc xin để phòng bệnh trong quá trình mang thai. Chích ngừa là cách để bạn đảm bảo sức khỏe của mình, cũng như sức khỏe thai kỳ sau đó. Nếu không chích ngừa, một số bệnh khi mắc phải ở thời kỳ mang thai có thể sẽ lây truyền từ mẹ sang con, làm cho thai nhi gặp phải một số vấn đề nguy hiểm, khả năng cao dẫn đến tình trạng thai nhi bị dị tật thậm chí là sinh non, tử vong.
Như vậy chích ngừa đầy đủ trước khi mang thai là một việc làm nhất định cần thực hiện. Một số vắc-xin cần chích ngừa trước mang thai như sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan siêu vi B.
3. Chuẩn bị trước khi mang thai bạn không nên bỏ qua vấn đề dinh dưỡng
Trước khi mang thai bạn cũng cần chuẩn bị tốt về mặt dinh dưỡng. Dinh dưỡng là điều kiện giúp bạn sớm thụ thai và chuẩn bị một sức khỏe tốt để chào đón bé yêu.
Các bác sĩ cũng khuyên bạn nên có một cân nặng phù hợp trước khi mang thai, bởi quá gầy hay quá mập cũng ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Như vậy, bạn nên điều chỉnh cân nặng của mình sao cho phù hợp, bạn nên bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn nếu quá gầy hoặc có chế độ ăn uống hợp lý nếu bạn quá mập.
Một số dinh dưỡng cần thiết cho quá trình chuẩn bị trước khi mang thai như một số thực phẩm giàu sắt, axit folic, canxi, kẽm, vitamin b,...Các loại thực phẩm có chứa các chất này có thể kể đến như rau xanh, trái cây, ngũ cốc… Bạn cần hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, và bỏ thói quen dùng café, nước ngọt, bia, thực phẩm có chứa chất kích thích nói chung.
Ngoài dinh dưỡng bổ sung như đề cập, chị em phụ nữ cũng có thể sử dụng viên uống tổng hợp trước và trong quá trình mang thai. Viên tổng hợp góp phần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hợp lý, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ thật kỹ trước dùng.
4. Tài chính cũng là điểm lưu ý của các cặp đôi khi chuẩn bị trước mang thai
Trong suốt 9 tháng mang thai bạn sẽ phải đi khám thai rất nhiều lần và bên cạnh đó là những xét nghiệm, siêu âm, sàng lọc…chính vì vậy bạn cần chuẩn bị kỹ về mặt tài chính để thực hiện tất cả các việc trên. Bên cạnh đó bạn cũng cần một khoản chi phí để sắm những đồ dùng, vật dụng, sữa, quần áo cho bé yêu.
Để giảm bớt chi phí tiền khám thai và khi sinh nở bạn có thể tham gia bảo hiểm. Nói đến bảo hiểm, có 2 loại hình bảo hiểm bạn có thể tham gia là bảo hiểm thai sản và bảo hiểm y tế. Khi tham gia bảo hiểm bạn sẽ được chi trả một phần tiền khám thai và chi phí khi sinh. Nếu bạn có ý định mua bảo hiểm thai sản thì bạn cần chuẩn bị trước khi mang thai khoảng từ 9 đến 12 tháng, còn bảo hiểm y tế bạn có thể mua trong thời gian bạn mang thai.
5.Tìm hiểu về bệnh viện phụ sản nơi bạn khám và sinh nở
Chuẩn bị trước khi mang thai bạn nên tìm hiểu về một số bệnh viện phụ sản là một việc cần thiết, bạn có thể lựa chọn cho mình một bệnh viện hay phòng khám, bác sĩ tốt nhất để khám thai và sinh nở. Một bệnh viện uy tín sẽ đem lại cho bạn sự yên tâm và đảm bảo về chất lượng, sự tận tâm của các bác sĩ. Hiện nay có rất nhiều bệnh viện lớn cả bệnh viện công và bệnh viện tư, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình mà bạn lựa chọn cho phù hợp. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến từ bạn bè và người thân để tìm được một bệnh viện như mong muốn.
6. Bổ sung axit folic để chuẩn bị trước khi mang thai
Tại sao axit folic lại quan trọng trong quá trình mang thai - một câu hỏi không phải bất kỳ chị em nào cũng biết, nhất là các chị em mới mang thai lần đầu. Axit folic giúp ngăn ngừa một số bệnh dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống, dị tật ống thần kinh. Ống thần kinh được hình thành rất sớm trong những tháng đầu tiên cho nên, bổ sung axit folic hàng ngày trước khi mang thai là rất quan trọng. Bạn có thể bổ sung axit folic bằng cách mỗi ngày uống 1 viên axit folic và sử dụng thực phẩm giàu axit folic như bông cải, đậu phộng, nước cam. Lưu ý về việc uống viên axit folic, bạn nên tìm đến bác sỹ chuyên khoa để tư vấn trước khi uống để bảo đảm quá trình sử dụng an toàn và hiệu quả.
Chuẩn bị trước khi mang thai - như bạn đã thấy khá rõ, đây là một trong những việc quan trọng. Trong sự chuẩn bị đó, có ít nhất 6 lưu ý bạn cần thực hiện, để chuẩn bị tốt cho việc thụ thai và mang thai. Không dừng lại ở việc chỉ người vợ mới cần thực hiện điều này hay làm điều nọ cho giai đoạn chuẩn bị, người chồng cũng cần cộng tác chuẩn bị, trợ giúp vợ mình, chia sẻ cùng vợ những băn khoăn, lo lắng. Các bạn nên nhớ rằng, sự chuẩn bị đến từ hai phía bao giờ cũng đạt hiệu quả tốt nhất.
Thảo Nguyên tổng hợp