1. Acid folic là gì
Acid folic hay folate là một loại vitamin thuộc nhóm B rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của con người. Trong khi folate là dạng tồn tại tự nhiên trong thực phẩm và trong cơ thể, thì acid folic là dạng tổng hợp được thêm vào một số loại thực phẩm hoặc được bổ sung bằng đường uống dưới dạng viên nén và sẽ được chuyển hóa thành folate hoạt động khi được dung nạp vào cơ thể.
2. Tầm quan trọng của acid folic – folate trong thai kỳ
Folate được chứng minh là đặc biệt quan trọng đối với quá trình hình thành hệ thần kinh cũng như hạn chế dị tật về ống thần kinh có thể xảy ra cho thai nhi trong giai đoạn phôi thai. Loại dị tật này khá phổ biến kể cả ở phương Tây. Theo thống kê có khoảng 1/1000 trẻ tại Úc bị dị tật liên quan tới ống thần kinh như tật nứt đốt sống (khoảng 150 trẻ sinh ra với dị tật nứt đốt sống mỗi năm tại nước này).
Việc bổ sung đủ lượng acid folic – folate cần thiết sẽ giảm được tới 70% khả năng thai nhi bị mắc loại dị tật nguy hiểm này.
3. Bổ sung acid folic – folate như thế nào
Nếu bạn chuẩn bị có em bé, bạn nên bổ sung acid folic hoặc tăng cường các loại thực phẩm giàu folate ít nhất 1 tháng trước khi mang thai và duy trì trong tam cá nguyệt đầu tiên. Thông thường, cơ thể bạn cần khoảng 400 microgam (0.4 mg) một ngày. Bạn có thể dùng viên nén vitamin tổng hợp có chứa acid folic hoặc các thực phẩm như rau lá xanh, trái cây (đặc biệt là họ cam chanh, quả mọng, chuối), các loại đậu và ngũ cốc. Tuy vậy khả năng hấp thu folate từ thực phẩm chỉ khoảng 50% (chưa kể đến việc thất thoát do nấu nướng và bảo quản), trong khi từ các viên uống bổ sung lên tới trên 85%. Vì vậy, các bác sỹ sản khoa thường khuyên chúng ta uống viên uống vitamin tổng hợp có chứa acid folic để cơ thể nạp được đủ lượng folate cần thiết mỗi ngày.
4. Những trường hợp cần tăng liều lượng acid folic
Một số phụ nữ có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật ống thần kinh sẽ được chỉ định tăng liều lượng acid folic cần bổ sung lên khoảng 5mg hàng ngày cho đến khi thai nhi được 12 tuần tuổi. Nhóm phụ nữ này bao gồm:
- Họ hoặc chồng bị dị tật về ống thần kinh
- Họ hoặc chồng có tiến sử gia định bị dị tật ống thần kinh
- Họ có thai kỳ trước thai nhi bị dị tật ống thần kinh
- Họ bị tiểu đường
Những phụ nữ đang uống thuốc điều trị động kinh cũng cần tham khảo ý kiến bác sỹ vì có thể cần lượng acid folic cao hơn.
Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp đề cập ở trên, hãy báo cho bác sỹ để ngoài việc được chỉ định bổ sung nhiều acid folic hơn, bác sỹ có thể xem xét việc siêu âm thêm trong thai kỳ của bạn.
5. Duy trì chế độ ăn giàu folate
Trong số các loại thực phẩm hằng ngày có rất nhiều loại chứa folate mà bạn nên đưa vào thực đơn của mình như:
- Các loại rau xanh như: cải xanh, súp lơ, bắp cải, rrau diếp, rau bina, nấm, rau mùi, bí xanh
- Một số loại trái cây như: bơ, bưởi, cam
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu lima, đậu lăng, đậu tây
- Các loại trứng
- Các loại hạt
- Các loại nước trái cây
Những loại thực phẩm trên không những chứa folate mà còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác, rất có lợi cho sức khỏe của bạn, cũng như sự phát triển của thai nhi . Bạn hãy chế biến đúng cách (dùng lò vi sóng hoặc hấp) và sử dụng thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho thai kỳ.
Bạn có thể thấy việc uống acid folic trước khi mang thai là rất cần thiết. Để chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe của bạn và em bé, tốt nhất bạn hãy khám sức khỏe trước khi mang thai để được đánh giá chính xác tình trạng cơ thể. Khi đó, bạn có thể yên tâm bổ sung các loại chất theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt là acid folic. Hãy lên kế hoạch để có sự chuẩn bị chu đáo nhất cho một thai kỳ khỏe mạnh bạn nhé.
Theo Pregnancy Birth Baby
Lily Nguyễn lược dịch