17 việc bạn nên chuẩn bị trước khi mang thai

banner ads

1. Lên lịch cho một buổi kiểm tra tổng quát tiền mang thai

Khi dự định có em bé, bạn nên đến cơ sở y tế để khám tổng quát tiền mang thai. Bác sỹ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh án của gia đình bạn, lịch sử điều trị y tế của bạn, những loại thuốc bạn có thể đang dùng. Nếu việc dùng thuốc là cần thiết, bác sỹ sẽ chỉ định loại phù hợp với bạn để tránh tình trạng tồn dư những chất có hại cho em bé.

Bác sỹ cũng có thể thảo luận với bạn về chế độ ăn hiện tại của bạn, cân nặng, chế độ luyện tập thể thao, và những thói quen xấu bạn cần loại bỏ (như hút thuốc, uống rượu…).

Bên cạnh đó bạn sẽ được kiểm tra lịch sử tiêm ngừa vaccine để bổ sung những loại cần thiết cũng như được khuyên dùng trước các loại vitamin tổng hợp.

Nếu bạn bị hen, suyễn, tiểu đường hay cao huyết áp, bạn sẽ được giới thiệu đến chuyên gia để được theo dõi một cách kỹ càng hơn.

Ngoài ra, nếu lần khám phụ khoa mới nhất của bạn cách đây 1 năm, bạn sẽ được khuyên tiến hành kiểm tra khung xương chậu, xét nghiệm Pap smear – phết tế bào cổ tử cung, và xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Lên lịch cho một buổi kiểm tra tổng quát trước khi mang thai.
Lên lịch cho một buổi kiểm tra tổng quát trước khi mang thai. Ảnh Internet

Tất cả những cuộc kiểm tra này nhằm đảm bảo bạn ở tình trạng sức khỏe thích hợp hoặc để có phương án điều trị nếu cần thiết nhằm chuẩn bị cho quá trình mang thai một cách tốt nhất.

2. Xét nghiệm di truyền

Bác sỹ có thể đề xuất việc xét nghiệm di truyền đối với bạn và chồng để kiểm tra khả năng mắc một số bệnh nguy hiểm như: thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh u xơ nang, hay rối loạn tan máu bẩm sinh…Nếu bạn và chồng cùng mang gene bệnh thì em bé sẽ có ¼ khả năng mắc bệnh.

Bạn có thể gặp chuyên gia tư vấn về di truyền học để được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng của bạn và chồng nhằm tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Việc lấy mẫu xét nghiểm rất đơn giản, tùy theo loại mà bạn và chồng sẽ được yêu cầu lấy mẫu máu hoặc nước bọt.

3. Uống acid folic (và xem xét việc bổ sung vitamin A nếu cần)

Bạn nên bổ sung 400 microgam acid folic/ ngày ít nhất 1 tháng trước khi dự định mang thai và duy trì trong tam cá nguyệt đầu tiên. Lượng acid folic sẽ giúp giảm 50-70% nguy cơ bị dị tật nứt đốt sống, và dị tật thần kinh ở trẻ.

Bạn có thể mua viên uống bổ sung acid folic tại các hiệu thuốc, hoặc dùng vitamin tổng hợp hay thuốc bổ dành cho người chuẩn bị mang thai. Đối với vitamin tổng hợp, bạn nên kiểm tra liều lượng vitamin A, lượng vitamin A cho phép nạp vào cơ thể 1 ngày chỉ khoảng 2, 565 IU (một số loại thuốc bổ có thành phần beta-carotene tiền tố của vitamin A sẽ có liều lượng khác hơn, nhưng vẫn thể hiện tương đương với lượng vitamin A). Bạn nên lưu ý rằng dùng quá nhiều vitamin A có thể dẫn tới dị tật cho thai nhi.

Nếu bạn thấy không chắc chắn hoặc không yên tâm về việc dùng viên uống bổ sung, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi mua dùng.

Tham khảo ý kiến bác sỹ về các loại thuốc bổ sung trước khi mang thai
Tham khảo ý kiến bác sỹ về các loại thuốc bổ sung trước khi mang thai. Ảnh Internet

4. Bỏ bia rượu, thuốc lá, và tìm sự giúp đỡ nếu cần thiết

Nếu bạn đang hút thuốc, hoặc sử dụng chất gây nghiện, đây chính là lúc bạn cần từ bỏ chúng. Những loại này có thể dẫn tới sinh non, hoặc em bé sinh ra bị nhẹ cân. Một số chất trong thuốc có thể tồn tại trong cơ thể bạn một thời gian sau khi bạn ngưng sử dụng thuốc ảnh hưởng tới việc mang thai cũng như thai nhi sau này. Việc hút thuốc thụ động cũng vẫn tác động xấu đến khả năng thụ thai của bạn.

Mặc dù việc uống bia rượu với liều lượng vừa phải được xem là ổn trong thời gian bạn đang cố gắng có thai. Tuy nhiên tốt nhất bạn cũng nên từ bỏ các loại thức uống có cồn vì không ai biết được chính xác ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của bạn cũng như thai nhi.

Dù biết là việc từ bỏ các thói quen xấu rất khó thực hiện và phải mất nhiều thời gian, nhưng bạn vẫn nên cố gắng thực hiện. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia để được hướng dẫn các phương pháp bỏ thuốc hay rượu.

5. Hãy ăn các thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe

Mặc dù bạn chưa phải ăn cho 2 người, nhưng hãy bắt đầu chế độ ăn lành mạnh cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhằm chuẩn bị sức khỏe tốt cho quá trình mang thai.

Bạn hãy bổ sung nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt cá, trứng, sữa…trong chế độ ăn của mình để được cung cấp đủ vitamin và các loại khoáng chất quan trọng đặc biệt là calcium, kẽm, protein…

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh Internet

6. Kiểm tra lượng caffein bạn nạp vào cơ thể mỗi ngày

Mặc dù chưa có sự thống nhất về lượng caffeine an toàn cho phụ nữ trong thai kỳ tuy nhiên theo các chuyên gia, tốt nhất bạn không nên sử dụng nhiều caffeine. Bạn nên giới hạn lượng caffeine trong khoảng 200 milligrams 1 ngày. Bạn cũng nên lưu ý rằng không chỉ cà phê mới chứa caffeine mà nhiều loại thực phẩm khác cũng có chứa chất này như: nước ngọt có ga, trà, chocolate, kem…

7. Hãy đặt mục tiêu về một cân nặng khỏe mạnh

Bạn sẽ dễ dàng mang thai hơn với cân nặng khỏe mạnh, với BMI – chỉ số cân nặng cơ thể: cân nặng/bình phương chiều cao – trong khoảng 18.5 – 24.99. Vì vậy, hãy lên kế hoạch về ăn uống cũng như luyện tập để có được cơ thể khỏe mạnh với trọng lượng hợp lý.

Kiểm soát cân nặng.
Kiểm soát cân nặng. Ảnh Internet

8. Hãy chú ý đến những loại cá bạn ăn

Mặc dù cá rất giàu omega 3 – một acid béo tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi – nhưng chúng cũng chứa cả thủy ngân, loại chất có hại cho sức khỏe của bạn và bé. Do vậy, nếu dự định mang thai, bạn nên xem lại lượng cá mình đang tiêu thụ. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh nở không nên ăn các loại cá như: cá mập, cá kiếm, cá thu vua và không nên ăn quá 170 g (6 ounce) cá ngừ đóng hộp/ tuần. Bạn cũng nên tránh ăn cá đánh bắt ở địa phương trừ khi chắc chắn rằng nguồn nước ở đó không bị ô nhiễm.

9. Lên kế hoạch và duy trì luyện tập thể thao

Nếu bạn đang không luyện tập một môn thể thao nào, thì khoảng thời gian chuẩn bị cho việc mang thai là thời điểm thích hợp để lên kế hoạch và thực hiện nó. Một chế độ tập luyện lành mạnh bao gồm ít nhất 30 phút tập luyện các môn thể thao ngoài trời như đi bộ, đạp xe và nên được duy trì mỗi ngày. Bạn có thể kết hợp thêm với tập Yoga để tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể.

Nếu thể thao không phải là ưu tiên của bạn, bạn vẫn nên tập dưới hình thức nào đó như đi bộ quanh khu vực mình ở 10-20 phút một ngày hoặc đi cầu thang bộ thay vì thang máy…Bạn sẽ thấy nó cũng mang lại hiệu quả đối với sức khỏe của bạn.

Tập thể thao đều đặn.
Tập thể thao đều đặn. Ảnh Internet

10. Hãy đi nha sỹ

Khi mang thai, sự thay đổi hormone trong cơ thể sẽ khiến lợi của bạn dễ bị chảy máu hơn. Vì vậy trước khi có em bé, bạn hãy đến nha sỹ để được kiểm tra và chăm sóc răng miệng nhé. Việc này sẽ giúp giảm tình trạng chảy máu khi bạn mang thai.

11. Hãy xem xét các vấn đề liên quan tới tài chính

Việc mang thai, sinh nở và nuôi dạy con cái tốn khá nhiều chi phí, vì vậy bạn nên xem xét nghiêm túc về vấn đề tài chính của gia đình. Hãy tham gia bảo hiểm (nếu bạn chưa có) hoặc tìm hiểu kỹ các điều khoản cũng như các chi phí được bảo hiểm chi trả (nếu bạn đã có bảo hiểm).

Bạn cũng nên tìm hiểu các dịch vụ khám thai cũng như sinh nở để lựa chọn cơ sở y tế phù hợp với tình hình tài chính của mình.

Nếu bạn chưa có bảo hiểm sức khỏe và không có điều kiện tham gia, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức ở địa phương.

Ngoài ra, bạn cũng nên lên kế hoạch tiết kiệm để chuẩn bị cho việc mang thai và sinh em bé.

Lên kế hoạch tài chính
Lên kế hoạch tài chính. Ảnh Internet

12. Chuẩn bị tâm lý cho việc mang thai và sinh con

Phụ nữ bị trầm cảm sẽ khó mang thai hơn gấp 2 lần so với phụ nữ bình thường. Trầm cảm ảnh hưởng tới tinh thần khiến họ khó chăm sóc tốt bản thân (chưa nói đến em bé sau này). Vì vậy, nếu bạn có dấu hiệu của trầm cảm (chán nản, mất ngủ, không còn hứng thú với sở thích của bản thân, cảm thấy tuyệt vong, bất lực), hoặc gia đình bạn có tiền sử về bệnh này, bạn nên gặp chuyên gia trị liệu để được điều trị.

Bạn cũng có thể học và luyện tập Yoga vì nhiều nghiên cứu cho thấy, tập Yoga giúp phụ nữ trầm cảm dễ thụ thai hơn.

13. Tránh bị nhiễm bệnh

Để tránh bị lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm, bạn nên hạn chế sử dụng các chế phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng, thịt nguội từ các cửa hàng, thịt gia cầm và cá sống hay tái. Những loại thực phẩm này có thể nhiễm bệnh listeriosis, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai lưu. Bạn cũng nên tránh sử dụng các loại nước trái cây chưa được tiệt trùng vì chúng có thể chứa vi khuẩn Ecoli hay salmonella gây nhiễm khuẩn đường ruột.

Bạn hãy rửa tay dưới vòi nước bằng xà phòng diệt khuẩn nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi nấu ăn và sau khi đi vệ sinh.

Khi làm vườn, bạn hãy đeo găng tay bảo vệ. Đối với việc vệ sinh chuồng vật nuôi đặc biệt là mèo, bạn hãy nhờ người khác làm hộ nếu không hãy đeo găng tay bảo vệ vì phân của vật nuôi thường chứa các loại ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm. Sau đó bạn cũng cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn nhé.

Ngoài ra, bạn hãy tiêm phòng cúm vì trong giai đoạn đầu thai kỳ, cúm có thể gây dị tật cho thai nhi.

Phòng tránh bệnh lây nhiễm
Bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh dễ bị lây nhiễm. Ảnh Internet

14. Hãy hạn chế tối đa rủi ro từ môi trường

Bạn có thể khôngloại bỏ hoàn toàn các mối nguy hại từ môi trường xung quanh, nhưng hãy cố gắng hết sức để tránh xa các mối đe dọa đến sức khỏe càng nhiều càng tốt. Một số công việc có mức độ nguy hiểm cao có thể ảnh hưởng xấu đến cả bạn và em bé tương lai của bạn. Đặc biệt nếu việc đó phải tiếp xúc với chất hóa học và chất phóng xạ. Trong trường hợp đó bạn cần thay đổi môi trường làm việc trước khi mang thai.

Bạn cũng cần lưu ý rằng một số sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu, dung môi và nước uống nhiễm chì từ các đường ống cũ cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và em bé. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên viên y tế để tìm cách giảm mức độ gây hại của môi trường tại nhà cũng như nơi làm việc của bạn xuống thấp nhất có thể.

15. Hãy suy nghĩ kỹ về quyết định của mình

Có con là một việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi người, vì vậy bạn hãy suy nghĩ kỹ xem bản thân và chồng đã sẵn sàng đón nhận trách nhiệm này chưa. Bạn hãy thử trả lời một số câu hỏi sau:

- Bạn đã suy nghĩ thấu đáo về việc chịu trách nhiệm chăm sóc một đứa trẻ, và cân bằng giữa gia đình và công việc chưa?

Phụ nữ đang suy nghĩ
Suy nghĩ thấu đáo về việc chăm sóc trẻ, cân bằng công việc và chăm sóc gia đình. Ảnh Internet

- Bạn và chồng đã chuẩn bị tinh thần để làm cha mẹ của một đứa trẻ với những nhu cầu đặc biệt chưa?

- Bạn và chồng đã trao đổi một cách bình đẳng về việc sẽ trở thành cha mẹ chưa?

- Nếu bạn và chồng không cùng tôn giáo, hai bạn đã thảo luận nghiêm túc về việc bất đồng tôn giáo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình giáo dục con chưa?

16. Hãy theo dõi cơ thể để nắm được ngày rụng trứng

Một số phụ nữ khi muốn có con sẽ dừng các biện pháp tránh thai và phó mặc vận may cho số phận. Một số khác lại theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và các biểu hiện của cơ thể để tính toán khoảng thời gian rụng trứng trong tháng. Tất nhiên nếu bạn nắm được tương đối thời gian trứng rụng, cơ hội có thai của bạn sẽ tăng lên. Vì vậy, bạn có thể theo dõi thủ công hoặc có thể mua dụng cụ tính ngày rụng trứng tại các nhà thuốc để tính toán được chính xác và thuận tiện hơn.

Theo dõi để nắm được ngày rụng trứng
Theo dõi để nắm được ngày rụng trứng. Ảnh Internet

17. Hãy ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai

Để sớm có em bé, bạn hãy ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai. Đối với các loại thuốc, miếng dán hay vòng tránh thai, bạn có thể ngưng sử dụng ngay lập tức chứ không cần đợi đến cuối tháng.

Bạn có thể thấy danh sách những việc cần chuẩn bị trước khi mang thai khá dài phải không. Vì có con là một việc rất quan trọng, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình bạn. Do vậy, bạn hãy cố gắng thực hiện càng nhiều những điều trên càng tốt nhé. Chỉ như vậy thì cả sức khỏe và tinh thần của bạn mới có thể sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh và cho một chặng đường dài đồng hành cùng con còn ở phía trước.

Theo Baby Center

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI