1. Tại sao cần chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai?
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai là việc làm vô cùng quan trọng. Sức khỏe tốt trước khi mang thai sẽ mang lại cho bạn các lợi ích chính như sau:
- Tỉ lệ thụ thai cao và diễn ra thuận lợi.
- Cơ thể người mẹ khỏe mạnh, giúp giảm tỉ lệ ốm nghén thai kỳ. Nếu có ốm nghén, tình trạng mệt mỏi cũng nhanh chóng qua đi.
- Thai nhi khỏe mạnh, có nền tảng để phát triển tốt, tránh được nhiều rủi ro dị tật.
- Mẹ và thai nhi sẽ cùng trải qua thai kỳ một cách nhẹ nhàng và an toàn hơn.
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, nhất là về sức đề kháng. Dù trong thời gian thai kỳ, nếu tập trung giữ gìn sức khỏe, thai kỳ của bạn đương nhiên cũng ít gặp trắc trở, tuy nhiên, nếu vợ chồng bạn cùng chuẩn bị tốt sức khỏe trước khi mang thai, chắc chắn bạn sẽ có một thai kỳ thuận lợi, cả mẹ và con đều khỏe mạnh hơn rất nhiều.
2. Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai cần làm những gì?
2.1 Khám sức khỏe tổng quát
Trước khi mang thai các bác sĩ khuyên cả hai vợ chồng nên đi khám sức khỏe tổng quát. Thực hiện điều này nhằm để khám, tầm soát một số bệnh ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, cũng như bệnh di truyền ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ. Từ đó, sẽ có hướng điều trị kịp thời, để bạn sẵn sàng thụ thai.
Khi khám sức khỏe tổng quát, một số xét nghiệm bạn được thực hiện như xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm xem bạn có bị viêm gan B hay không, xét nghiệm rubella,…Bên cạnh đó, vợ chồng bạn còn khám phụ khoa để kiểm tra một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…để điều trị dứt điểm nếu có, nhằm bảo đảm an toàn cho thai kỳ.
Nếu bạn không gặp phải vấn đề về sức khỏe, thì bạn có thể thụ thai trong thời gian này và bác sĩ có thể đưa ra cho bạn lời khuyên bổ ích, giúp vợ chồng bạn thụ thai nhanh chóng hơn.
2.2 Chích ngừa để chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai bạn cũng nên đi chích ngừa đầy đủ. Đây là cách phòng bệnh tốt nhất và là cách bạn bảo vệ sức khỏe của mình, cũng như đảm bảo sức khỏe của em bé trong bụng.
Có một số mũi chích ngừa bạn cần tiêm trước khi mang thai như chích ngừa sởi, quai bị, rubella, chích ngừa bệnh thủy đậu, chích ngừa cúm, viêm gan siêu vi B…Cần chích ngừa những bệnh này vì ếu trong khi mang thai người mẹ mắc phải, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, mà em bé trong bụng cũng gặp phải những nguy hiểm như dị tật thai nhi, chậm phát triển trí não, thậm chí có thể sinh non hay thai lưu.
2.3 Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai cũng không thể xem thường chế độ dinh dưỡng. Vợ chồng bạn nên chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng, để tăng cơ hội thụ thai và có sức khỏe tốt khi mang thai. Một số chất dinh dưỡng cần cho quá trình mang thai như sắt, axit folic, canxi, kẽm…bạn có thể bổ sung các chất đó từ thực phẩm như rau xanh, trái cây, thịt cá, ngũ cốc....Bên cạnh đó, vợ chồng bạn không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích. Bởi, các chất này đều ảnh hưởng xấu đến quá trình thụ thai và mang thai sau này.
Bạn cũng nên chú ý đến cân nặng, nếu bạn quá gầy hay quá mập đều làm giảm khả năng thụ thai và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe khi mang thai. Do đó, bạn nên bồi bổ cho cơ thể mình nhiều hơn nếu bạn quá gầy, hoặc kiểm soát chế độ dinh dưỡng sao cho thật cân đối nếu bạn đang quá mập.
2.4 Bổ sung axit folic trước khi mang thai
Axit folic hay còn gọi là vitamin B9, nó là một chất cần rất ít trong cơ thể nhưng nó lại có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai. Axit folic cần thiết nhất là trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nó phòng ngừa dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống ở thai nhi. Thường chị em phát hiện mình có thai khi thai nhi được khoảng 4, 5 tuần, trong khi đó, axit folic cần được bổ sung sớm hơn.
Bổ sung axit folic là điều đặc biệt cần lưu ý trước khi mang thai, chứ không chỉ ở giai đoạn mang thai như cách nhiều người vẫn quan tâm từ trước đến nay. Bổ sung axit folic trước khi mang thai được xem là điều cần chú trọng thực hiện đối với mọi phụ nữ chuẩn bị có con, vì đây chính là cách phòng ngừa dị tật cho thai nhi tốt nhất.
Bên cạnh đó bạn cũng cần bổ sung một số viên uống như sắt, canxi nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho quá trình phát triển của thai nhi sau này. Để yên tâm hơn, bạn có thể nhờ đến tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sỹ chuyên khoa sinh sản, để việc bổ sung những chất cần thiết/ thuốc cần thiết trước khi mang thai mang lại hiệu quả cao nhất.
2.5 Chế độ tập luyện phù hợp và không stress
Tập thể dục để giữ sức khỏe bao giờ cũng quan trọng. Trong giai đoạn chuẩn bị mang thai, điều này cũng nhất thiết nên được duy trì. Bạn hãy chọn những bài tập phù hợp để cơ thể khỏe khoắn, dẻo dai hơn. Một cơ thể khỏe mạnh cũng giúp bạn đẩy lùi được trạng thái tiêu cực, tinh thần sẽ thêm phần sảng khoái, làm cho việc thụ thai trở nên dễ dàng hơn.
Nói về stress, có rất nhiều cặp vợ chồng vì quá mong con mà bị áp lực không đáng có. Cũng có nhiều người bị áp lực công việc, hoặc gặp những vấn đề lo lắng khác. Tất cả những áp lực này để có thể trở thành nguyên nhân gây hại cho sức khỏe nói chung, cản trở quá trình thụ thai nói riêng, và đương nhiên chắc chắn cũng ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Do vậy, bạn cần lưu tâm, giữ tinh thần tốt do sức khỏe tinh thần cũng quan trọng không kém thể chất, vì một thai kỳ khỏe mạnh đang chờ ở phía trước.
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai tưởng chừng như cần phải thực hiện rất nhiều điều to tát. Song, bạn thấy đấy, chỉ cần thực hiện một số việc trên là bạn có thể yên tâm cho một thai kỳ thuận lợi rồi. Những bước khởi đầu này không phải là những bước quyết định tất cả, vì khi thai kỳ của bạn diễn ra, cần phải thực hiện nhiều điều nữa. Tuy nhiên, sức khỏe trước khi mang thai luôn là một tiền đề tối quan trọng, là nền móng vững chắc cho hành trình của bạn những ngày mang thai.
Thảo Nguyên tổng hợp