Phụ nữ sau sinh và những câu hỏi thường gặp trong 6 tuần đầu tiên

Phụ nữ sau sinh là những người thường phải đối mặt với rất nhiều thay đổi cũng như áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần. Trong đó, không phải ai cũng có người thân, bạn bè hay những người giàu kinh nghiệm để giúp họ có thể giải tỏa những thắc mắc của mình sau khi sinh. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến trong 6 tuần đầu sau sinh có lẽ phần nào sẽ giúp ích cho những chị, những mẹ trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta hãy cùng tham khảo nhé. 

banner ads

Phụ nữ sau khi sinh
Phụ nữ sau sinh nhất là những trong những tuần đầu tiên thường đối mặt với rất nhiều áp lực. Ảnh Internet 

1. Cơ thể bạn thay đổi như thế nào những tuần đầu sau sinh?

Có rất nhiều thứ thay đồi kể từ khi bạn bắt đầu mang thai, trong suốt thai kỳ và đến lúc này khi em bé đã chào đời, cơ thể bạn vẫn tiếp tục thay đổi kể cả về mặt thể lý và tinh thần.

Phần lớn các thay đổi sau khi bạn sinh là bình thường gồm:

  • Sự thay đổi hormone tiếp tục diễn ra giúp bạn tiết sữa và tử cung dần hồi phục.
  • Ngực bạn luôn đầy sữa.
  • Bạn sẽ tiết sản dịch trong một khoảng thời gian (vài tuần hoặc hơn tùy thuộc vào từng người).
  • Cơ thể bạn còn khá yếu và phải mất một khoảng thời gian để hồi phục hoàn toàn.
  • Bạn sẽ không có kinh nguyệt trong một khoảng thời gian nếu bạn cho con bú mẹ hoàn toàn.
  • Bạn có thể bị đau khi đi tiểu và đại tiện một thời gian (nếu bạn sinh thường) do ảnh hưởng của vết khâu tầng sinh môn.
  • Bạn có thể bị táo bón.
  • Bạn dễ dàng bị stress, mất ngủ và cảm thấy lo lắng về việc chăm sóc em bé.
  • Vùng cơ sàn chậu của bạn bị yếu đi dù bạn sinh thường hay sinh mổ, do ảnh hưởng của hơn 9 tháng mang thai.
  • Da bạn trở nên sáng hơn và các vết thâm nám khi mang thai cũng như vết rạn da sẽ mờ dần.
  • Tóc bạn sẽ rụng cũng như mọc khá nhiều.
  • Bạn vẫn dễ bị sâu răng và viêm nướu. 
Cơ thể phụ nữ sau sinh
Cơ thể phụ nữ sau sinh thay đổi rất nhiều. Ảnh Internet 

Nhưng đôi khi những thay đổi có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý hay nhiễm trùng nào đó, bạn nên đặc biệt lưu ý những biểu hiện và triệu chứng sau:

  • Bạn bị sốt trên 38 độ, bạn có thể đang bị nhiễm trùng mà vị trí có khả năng cao nhất là vết mổ sinh, vết khâu tầng sinh môn, hoặc tuyến sữa.
  • Bạn bị đau, đỏ, tiết dịch tại vị trí vết mổ, vết khâu tầng sinh môn mà tình trạng không khá lên theo thời gian.
  • Bạn bị đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, đau bụng dưới hoặc bên, hoặc bạn cần đi tiểu thường xuyên. Những dấu hiệu này cho thấy bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang hay viêm bể thận.
  • Bạn bị đau và xuất hiện các cục u, vết đỏ ở ngực dẫn đến ngực căng cứng. Đây là tình trạng viêm tắc tuyến sữa, nếu không can thiệp sớm có thể dẫn đến áp xe vú rất nguy hiểm.
  • Bạn bị đau dữ dội ở vùng bụng dưới. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nội mạc tử cung.
  • Bạn tiết dịch âm đạo có mùi hôi: bạn có thể bị viêm nội mạc tử cung hoặc viêm âm đạo.
  • Bạn cảm thấy buồn và tuyệt vọng kéo dài hơn 10 ngày sau khi sinh: bạn có thể bị trầm cảm sau sinh khiến bạn thấy mệt mỏi, lo lắng kéo dài và không thể chăm sóc tốt cho em bé cũng như bản thân. 
Mệt mỏi sau sinh
Phụ nữ sau sinh có thể bị trầm cảm khiến bản thân thật mệt mỏi, lo lắng kéo dài. Ảnh Internet 

Ngoài ra có một số dấu hiệu có thể là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy bạn cần gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế ngay nếu có bất kì biểu hiện nào dưới đây:

  • Bạn bị ớn lạnh hoặc cảm thấy rất lạnh.
  • Bạn bị đổ mồ hôi nhiều và da mướt mồ hôi.
  • Bạn thở nhanh.
  • Bạn thấy nhịp tim nhanh.
  • Bạn thấy bối rối, hoảng loạn.
  • Bạn bị sốt.
  • Bạn bị đau hoặc cảm thấy khó chịu.

Bạn cũng nên chú ý đến một số biểu hiện khác cũng được xem là nguy hiểm và cần can thiệp khẩn cấp như:

  • Bạn bị ra máu nhiều hơn chu kỳ bình thường hoặc càng ngày càng tệ đi: bạn có khả năng bị băng huyết sau sinh, đây là tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, có thể kéo dài tới 12 tuần sau khi sinh con.
  • Bạn bị đau, sưng, đỏ hoặc ấm ở chân, đặc biệt là ở bắp chân: bạn có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành sâu trong cơ thể thường là ở chân hoặc đùi.
  • Bạn bị thay đổi thị lực, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, đau ở bụng trên bên phải hoặc vai, khó thở, tăng cân đột ngột hoặc sưng ở tay, chân hoặc mặt: bạn có thể bị tiền sản giật sau sinh.
  • Bạn bị đau ngực, ho hoặc thở hổn hển: bạn có thể bị thuyên tắc phổi do cục máu đông được hình thành và di chuyển đến phổi.
  • Bạn cảm thấy đau bụng và buồn nôn: bạn có thể bị các tình trạng liên quan đến tim mạch gây ảnh hưởng đến cơ tim và có khả năng dẫn tới đau tim hoặc đột quỵ. 
Phụ nữ buồn nôn
Bạn cảm thấy đau bụng và buồn nôn có thể liên quan đến sức khỏe tim mạch. Ảnh Internet 

2. Đau vùng đáy chậu là gì?

Đáy chậu là khu vực giữa âm đạo và trực tràng của bạn. Nó có thể bị kéo giãn và rách khi bạn chuyển dạ và sinh thường. Đáy chậu thường bị đau sau khi bạn sinh đặc biệt khi bạn phải cắt tầng sinh môn (vết cắt được thực hiện ở phần mở của âm đạo để giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn).

Bạn có thể làm gì

Dưới đây là những việc bạn có thể làm để giảm bớt tình trạng đau vùng đáy chậu:

  • Thực hiện bài tập Kegel: những bài tập Kegel có thể giúp tăng cường cơ bắp ở vùng xương chậu. Bạn hãy siết chặt cơ như khi bạn nín tiểu, giữ 10 giây sau đó thả lỏng. Bạn nên cố gắng thực hiện 10 lần liên tiếp và 3 lần một ngày.
  • Đặt một gói chườm lạnh lên vùng đáy chậu của bạn.
  • Ngồi trên gối hoặc đệm hình bánh rán.
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm.
  • Lau từ trước ra sau khi bạn đi vệ sinh: việc này có thể giúp bạn tránh bị nhiễm trùng trong quá trình vết khâu tầng sinh môn đang lành.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng thuốc giảm đau.

3. Đau bụng sau sinh là gì?

Đau bụng sau sinh là những cơn đau bạn cảm thấy ở vùng bụng dưới do tử cung co bóp để trở lại kích thước bình thường như trước khi mang thai.

Bạn có thể làm gì

Mặc dù các cơn đau bụng do tử cung co bóp là tình trạng bình thường sau sinh, nhưng nếu bạn thấy khó chịu, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn. 

Phụ nữ sau sinh bị đau bụng dưới
Bạn có thể bị đau bụng dưới do tử cung co bóp để trở lại kích thước bình thường. Ảnh Internet 

4. Cơ thể bạn thay đổi gì sau sinh mổ?

Sinh mổ được coi là một cuộc đại phẫu và cơ thể bạn sẽ có những thay đổi lớn:

  • Bạn bị hai vết cắt dài trên bụng và trong tử cung (để đưa em bé ra ngoài).
  • Bạn bị mất khá nhiều máu.
  • Bạn bị đau sau khi sinh nhiều hơn.
  • Bạn ra ít sản dịch hơn.
  • Bạn mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.

Bạn có thể làm gì

  • Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng thuốc giảm đau không theo đơn.
  • Hãy đề nghị chồng, người thân và bạn bè giúp đỡ.
  • Hãy nghỉ ngơi khi có thể, ngủ khi bé ngủ ngay cả khi bé ngủ trưa.
  • Hãy đừng nâng vật gì từ vị trí ngồi xổm.
  • Hãy đừng nâng vật gì nặng hơn em bé của bạn.
  • Hãy hỗ trợ phần bụng của bạn bằng gối khi bạn cho bé bú.
  • Hãy uống nhiều nước để thay thế chất lỏng trong cơ thể. 
Uống nhiều nước
Bạn hãy uống thật nhiều nước. Ảnh Internet 

5. Sản dịch là gì?

Sau khi em bé được sinh ra, cơ thể bạn sẽ loại bỏ máu và mô còn lại bên trong tử cung, chất dịch này được gọi là sản dịch. Trong vài ngày đầu tiên, sản dịch ra khá nhiều, có màu đỏ tươi và có thể chứa các cục máu đông. Theo thời gian, dịch tiết này sẽ ít lại và màu cũng nhạt đi. Bạn sẽ tiết sản dịch trong vài tuần thậm chí một tháng hoặc hơn.

Bạn có thể làm gì

Tùy vào lượng dịch tiết, bạn hãy sử dụng loại băng vệ sinh phù hợp cho đến khi hết sản dịch.

6. Ngực cương sữa là gì?

Đây là tình trạng ngực của bạn căng lên do đầy sữa, thường là vài ngày sau sinh. Nếu bạn không cho con bú thì sẽ thấy ngực căng tức và đau. Sự khó chịu sẽ biến mất khi em bé bắt đầu bú thường xuyên. Nếu bạn không cho con bú, tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khi ngực bạn ngưng sản xuất sữa (thường là vài ngày).

Bạn có thể làm gì

  • Bạn hãy cho bé bú mẹ, cố gắng không bỏ lỡ cữ ăn nào của bé hoặc để thời gian gián đoạn giữa hai cữ ăn quá lâu, kể cả bữa đêm.
  • Trước khi cho bé bú, bạn hãy vắt ra một lượng nhỏ sữa bằng tay hoặc máy hút sữa. 
Hút sữa
Trước khi cho bé bú, bạn hãy vắt ra một lượng nhỏ sữa. Ảnh Internet 
  • Tắm nước ấm hoặc đắp khăn ấm lên ngực để giúp sữa chảy ra. Nếu bạn bị đau nhiều, hãy dùng khăn hoặc túi chườm lạnh để giảm đau.
  • Nếu bạn bị rỉ sữa giữa các lần cho bé bú, hãy dùng miếng lót thấm sữa trong áo ngực để áo của bạn không bị ướt.
  • Hãy báo với bác sỹ nếu ngực bạn bị sưng và đau.
  • Nếu bạn không có kế hoạch cho bé bú mẹ, hãy mặc áo ngực chắc chắn để hỗ trợ ngực (như áo ngực thể thao).

7. Đau núm vú là gì?

Nếu bạn cho bé bú mẹ việc bé nút sữa hoặc bé bú không đúng tư thế có thể khiến đầu vú của bạn có thể bị nứt, sưng và đau trong những ngày đầu.

Bạn có thể làm gì

  • Hãy hỏi ý kiến bác sỹ, nữ hộ sinh hoặc chuyên gia để được tư vấn cách cho bé bú đúng kỹ thuật.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về loại kem để bôi.
  • Sau khi cho bé bú, bạn hãy mát xa đầu ngực với một ít sữa mẹ và để ngực được khô thoáng.

8. Tình trạng phù là gì

Rất nhiều phụ nữ bị phù tay, chân và mặt khi mang thai và kéo dài tới sau sinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể tăng lên. 

Phù chân
Phù chân tay có thể kéo dài tới sau khi sinh. Ảnh Internet 

Bạn có thể làm gì

  • Hãy nằm nghiêng về bên trái khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
  • Hãy kê chân cao lên khi nằm hay ngồi.
  • Hãy mặc quần áo rộng rãi thoáng mát.
  • Hãy uống nhiều nước.

9. Bệnh trĩ sau sinh là gì?

Trĩ là tình trạng sưng và đau các tĩnh mạch xung quanh và trong hậu môn có thể dẫn tới tổn thương và chảy máu khi bạn đi đại tiện. Bệnh trĩ khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh . Nguyên nhân của trĩ là do áp lực của tử cung (đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ) lên tĩnh mạch vùng hậu môn và trực tràng.

Bạn có thể làm gì

Để giảm cảm giác khó chịu do bệnh trĩ gây ra, bạn có thể thực hiện những việc sau:

  • Ngâm mình trong bồn nước ấm.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về thuốc xịt hoặc kem bôi không kê đơn để giảm đau.
  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ như rau, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
  • Uống nhiều nước.
  • Cố gắng không căng thẳng khi đi đại tiện.

10. Táo bón sau sinh là gì

Táo bón sau sinh là tình trạng bạn không có nhu động ruột, không thường xuyên hoặc khó đi đại tiện (do phân cứng). Điều này thường xảy ra một vài ngày sau khi bạn sinh. 

Táo bón sau sinh
Táo bón sau sinh là tình trạng xảy ra cực kỳ phổ biến với các chị em. Ảnh Internet 

Bạn có thể làm gì

Để cải thiện tình trạng táo bón bạn hãy:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ.
  • Uống nhiều nước.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng thuốc.

11. Những vấn đề về tiết niệu nào có thể xảy ra sau sinh?

Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn có thể gặp một số vấn đề về tiết niệu như:

  • Đau và nóng rát khi đi tiểu (do vết rạch tầng sinh môn)
  • Bí tiểu: bạn buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu được (do áp lực của tử cung làm bàng quang căng giãn và không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy).
  • Bạn đi tiểu không tự chủ (do vùng cơ sàn chậu của bạn còn yếu và thường biến mất khi chúng phục hồi).

Bạn có thể làm gì

Bạn có thể thực hiện những việc sau:

  • Uống nhiều nước.
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm.
  • Đi tiểu và rặn tiểu bình thường.
  • Giữ vệ sinh khu vực âm hộ và vết khâu tầng sinh môn.
  • Thực hiện bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng thuốc. 
Tập kegel sau sinh
Tập kegel sau sinh để tăng cường cơ sàn chậu. Ảnh Internet 

12. Tại sao bạn đổ mồ hôi nhiều sau khi sinh

Việc đổ mồ hôi thường xảy ra với những người mới làm mẹ đặc biệt là vào ban đêm. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thay đổi hormone trong cơ thể diễn ra ngay từ khi bạn mang thai, và vẫn kéo dài tới sau khi bạn sinh.

Bạn có thể làm gì

Để hạn chế bị đổ mồ hôi bạn hãy:

  • Ngủ trên một chiếc khăn để giữ gối và khăn trải giường được khô ráo.
  • Đừng sử dụng quá nhiều chăn hoặc mặc quần áo ấm khi ngủ.

13. Tại sao bạn thường thấy mệt mỏi sau sinh

Nguyên nhân chủ yếu khiến bạn thường thấy mệt mỏi sau sinh đó là:

  • Bạn bị mất nhiều sức lực và máu trong quá trình sinh (cả sinh thường và sinh mổ).
  • Bạn phải chăm sóc em bé hầu hết thời gian và thường không được ngủ thẳng giấc về đêm.

Bạn có thể làm gì

Để giúp cơ thể đỡ mệt mỏi bạn hãy:

  • Tranh thủ ngủ khi bé ngủ, kể cả khi con ngủ trưa.
  • Ăn thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây, bánh mì và mì ống làm từ ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc và thịt gà. Hạn chế đồ ngọt và thực phẩm nhiều chất béo.
  • Đề nghị ông xã và người thân, bạn bè giúp đỡ trong việc chăm sóc em bé cũng như làm việc nhà.
  • Hạn chế khách đến thăm. Bạn sẽ có nhiều thời gian để gia đình và bạn bè gặp gỡ em bé mới sinh khi bạn được nghỉ ngơi và cảm thấy thật khỏe mạnh. 
Nghỉ ngơi
Bạn nên hạn chế tiếp khách đến thăm và tranh thủ nghỉ ngơi khi có thể. Ảnh Internet 

14. Khi nào bạn nên giảm cân sau khi sinh

Bạn sẽ mất khoảng 4-5 ký ngay sau khi sinh và một ít trọng lượng nữa trong tuần đầu tiên. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn lấy lại cân nặng khỏe mạnh bất kể bạn nặng bao nhiêu trước khi mang bầu. Tuy nhiên bạn đừng quá sốt ruột về việc giảm cân sau sinh vì ưu tiên hàng đầu của bạn hiện tại là đảm bảo sức khỏe của bản thân và em bé mới sinh, đặc biệt nếu bạn cho con bú mẹ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và mong muốn của mình mà bạn có thể lựa chọn thời điểm để thực hiện việc giảm cân. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào nhé.

Bạn có thể làm gì

Để duy trì sức khỏe mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảm cân sau này, bạn hãy thực hiện những việc sau:

  • Ăn/ uống các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế đồ ngọt và béo.
  • Uống nhiều nước.
  • Bắt đầu các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ và bơi lội, và tăng dần theo thời gian.
  • Cho con bú sữa mẹ.
  • Đừng cố gắng giảm cân quá nhiều và quá nhanh vì cơ thể bạn đang cần chất dinh dưỡng để hồi phục cũng như cho em bé bú. Việc giảm cân nhanh có thể làm giảm nguồn sữa của bạn.
  • Đừng cảm thấy tồi tệ hoặc thất vọng nếu cân nặng của bạn không giảm như mong muốn. Phải mất một khoảng thời gian để cơ thể và bụng của bạn trở lại vóc dáng thon thả. Bạn nên nhớ rằng giữ dáng theo thời gian quan trọng hơn giữ dáng ngay sau sinh. 
Giảm cân không như mong muốn
Đừng cảm thấy tồi tệ nếu như cân nặng của bạn không giảm như mong muốn. Ảnh Internet  

15. Da bạn thay đổi như thế nào sau khi sinh

Bạn có thể bị rạn da ở vùng bụng, đùi, hông và mông hay các vết nám trên da mặt. Chúng có thể không biến mất ngay sau khi bạn sinh nhưng sẽ mờ dần theo thời gian.

Bạn có thể làm gì

Bạn hãy sử dụng kem dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm, các sản phẩm này không giúp các vết rạn hay vết nám biến mất nhưng chúng sẽ làm cho da bạn mềm mại hơn, giảm cảm giác ngứa ngáy thường đi kèm với vết rạn da. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng nếu phải đi ra ngoài để bảo vệ da.

16. Tóc bạn thay đổi như thế nào sau khi sinh

Tóc của bạn sẽ dày hơn trong thời gian mang thai vì sự thay đổi hormone khiến bạn ít bị rụng tóc. Tuy nhiên sau khi sinh, bạn sẽ bị rụng tóc, có thể là khá nhiều khiến tóc bạn mỏng đi. Rụng tóc sau sinh thường chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng đầu, và trong thời gian đó, tóc con của bạn cũng mọc khá nhiều do vậy bạn sẽ lấy lại mái tóc dầy dặn trong vòng 1 năm. 

Rụng tóc nhiều sau sinh
Thời gian đầu sau sinh, tóc bạn sẽ bị rụng nhiều và sẽ bị mỏng đi. Ảnh Internet 

Bạn có thể làm gì

Để làm giảm tình trạng rụng tóc bạn có thể thực hiện những việc sau:

  • Ăn nhiều trái cây và rau quả. Các chất dinh dưỡng trong trái cây và rau có thể bảo vệ và giúp tóc phát triển.
  • Hãy nhẹ nhàng với tóc của bạn.
  • Hãy hạn chế buộc tóc đuôi ngựa, thắt bím hay cuộn tóc vì những thứ này có thể kéo và làm căng tóc của bạn.
  • Hãy dùng chế độ sấy mát (cool) trên máy sấy để sấy tóc.

17. Khi nào bạn sẽ có kinh nguyệt trở lại

Nếu bạn không cho con bú thì chu kì kinh nguyệt của bạn có thể trở lại trong vòng 6-8 tuần.

Nếu bạn cho bé bú mẹ thì bạn nguyệt san sẽ đi vắng lâu hơn, có thể là nhiều tháng. Một số phụ nữ không có kinh cho tới khi họ cai sữa em bé.

Khi chu kỳ của bạn quay trở lại, nó có thể sẽ không giống như trước khi bạn có thai mà có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Tuy nhiên theo thời gian, kì kinh của bạn có xu hướng trở lại như trước khi bạn mang thai. 

Chu kỳ quay trở lại
Khu chu kỳ của bạn quay trở lại nó có thể sẽ không giống như trước khi có thai. Ảnh Internet 

18. Khi nào bạn có thể tiếp tục có thai

Rất nhiều chuyên gia và bác sỹ khuyên bạn nên đợi ít nhất 4-6 tuần (hoặc lâu hơn nếu bạn chưa muốn hoặc cơ thể của bạn chưa cho phép) sau khi sinh mới nên quan hệ tình dục trở lại. Và khi đó bạn nên thận trọng, vì bạn có thể mang thai ngay cả khi bạn chưa có kinh lại do sự rụng trứng có thể xảy ra trước khi chu kì kinh xuất hiện.

Đối với hầu hết phụ nữ thì khoảng cách an toàn giữa các lần mang thai ít nhất là 18 tháng. Nếu bạn có thai lại quá sớm, nguy cơ sinh em bé trước 37 tuần thai sẽ tăng lên, khiến em bé có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau này.

Bạn có thể làm gì

Bạn nên sử dụng biện pháp phòng tránh thai khi quan hệ sau sinh để đảm bảo bạn không có thai lại khi cơ thể chưa sẵn sàng.

Các biện pháp tránh thai phổ biến gồm có đặt vòng, que cấy tránh thai, thuốc ngừa thai và bao cao su. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với cơ thể mình.

19. Bạn có thể làm gì khi cảm thấy căng thẳng và choáng ngợp?

Mặc dù có con là niềm vui vô bờ đối với cha mẹ, nhưng cá em bé đến với chúng ta không kèm theo bất kỳ hướng dẫn nào cả, và bạn hầu như phải tự thân vận động để tìm câu trả lời cho mình. Vì vậy trong quá trình chăm sóc con, bạn rất dễ dàng cảm thấy căng thẳng và choáng ngợp, vậy bạn có thể làm gì trong trường hợp này? 

Phụ nữ bị stress
Trong quá trình chăm sóc con, bạn rất dễ dàng cảm thấy căng thẳng. Ảnh Internet 

Bạn có thể làm gì

  • Hãy trò chuyện thẳng thắn với chồng để anh ấy hiểu và chia sẻ việc chăm sóc con cũng như những việc liên quan khác cùng bạn.
  • Hãy đề nghị người thân và bạn bè giúp đỡ nếu có thể. Khi nhờ giúp đỡ, bạn hãy nói rõ ràng và chính xác những gì bạn cần họ làm ví dụ như mua thực phẩm hay nấu ăn.
  • Hãy tham gia hội/ nhóm các bà mẹ có con nhỏ để được giúp đỡ.
  • Hãy ăn uống lành mạnh và thực hiện một hoạt động nào đó hàng ngày.
  • Hãy đừng hút thuốc, uống rượu hay sử dụng chất kích thích vì chúng có hại cho cả bạn và em bé cũng như những người xung quanh.

20. Hội chứng “baby blues” và “trầm cảm” sau sinh là gì

“Baby blues” và trầm cảm sau sinh đều là kết quả của việc thay đổi nồng độ hormone một cách đột ngột trong cơ thể người phụ nữ khi sinh con, trong đó:

  • Hội chứng “baby blues” : Baby blues là cảm giác buồn bã mà phụ nữ thường cảm thấy trong vài ngày sau sinh. Nó có thể kéo dài đến 2 tuần và sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.
  • Trầm cảm sau sinh (Postpartum depression – PPD) : là một loại trầm cảm mà phụ nữ mắc phải sau khi sinh con. Họ sẽ thấy buồn bã, lo lắng và mệt mỏi kéo dài dẫn đến việc gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân và em bé. PPD là một tình trạng cần được can thiệp và điều trị mới có thể cải thiện được tình hình. 
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ sau sinh. Ảnh Internet 

Bạn có thể làm gì

Để đối phó với hội chứng “baby blues”, bạn hãy:

  • Ngủ càng nhiều càng tốt.
  • Không hút thuốc, uống rượu hay dùng chất kích thích.
  • Đề nghị sự giúp đỡ từ chồng, gia đình và bạn bè trong quá trình chăm sóc em bé cũng như sắp xếp các công việc khác.
  • Dành thời gian cho chính mình.
  • Kết nối với những bà mẹ khác.

Để đối phó với trầm cảm sau sinh, bạn hãy:

  • Trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý về tình trạng của mình.
  • Thông báo cho chồng và người thân, bạn bè để được giúp đỡ.
  • Nếu bạn lo lắng về việc có thể làm tổn thương chính mình hoặc em bé, hãy báo cho người thân và gọi các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp tại địa phương.

21. Bạn nên sắp xếp việc đi làm trở lại như thế nào

Khi nghĩ đến việc đi làm trở lại, có lẽ bạn sẽ rất lo lắng vì phải để em bé cho người khác chăm sóc, cho dù đó có là người thân của mình đi nữa. Tuy nhiên, đây là việc bạn nên sắp xếp chu đáo để có thể đảm bảo bé được chăm sóc một cách tốt nhất và bạn cũng được an tâm khi quay lại làm việc. Vậy bạn nên làm gì?

Bạn có thể làm gì

  • Nhờ người thân giúp đỡ trong một khoảng thời gian. 
Nhờ giúp đỡ chăm sóc trẻ
Nhờ người thân giúp đỡ trong một khoảng thời gian để bạn an tâm khi bắt đầu quay lại làm việc. Ảnh Internet 
  • Bạn và chồng hãy trao đổi về ngân sách dành cho việc chăm sóc em bé để tìm hiểu các dịch vụ phù hợp với gia đình mình.
  • Hãy hỏi thăm bạn bè và người thân về việc gửi trẻ.
  • Hỏi sếp của bạn xem bạn có thể trở lại làm việc bắt đầu với vài giờ một ngày hay vài ngày một tuần hay không.

22. Làm thế nào để hai bạn có thể quen với việc làm cha mẹ

Sau khi em bé chào đời, cả bạn và bạn đời đều phải học cách làm quen với vai trò làm cha, mẹ. “Đối tác” của bạn có lẽ cũng lo lắng và căng thẳng không kém gì bạn. Tốt nhất là hai bạn nên dựa vào nhau để tìm câu trả lời cho mọi thứ.

Bạn có thể làm gì

  • Hãy cùng tìm hiểu về cách chăm sóc em bé qua sách báo và các lớp học.
  • Hãy để ông xã giúp bạn chăm con, đừng cố gắng làm tất cả mọi thứ.
  • Hãy trò chuyện để hiểu được cảm xúc của nhau. Việc này sẽ giúp hai bạn không cảm thấy tổn thương và thất vọng.
  • Hãy dành thời gian cho nhau. Bạn có thể nhờ một người thân mà bạn tin tưởng trông em bé giúp trong 1-2 giờ để hai bạn có thời gian riêng cùng đi dạo hay ăn tối.
  • Hãy nói chuyện thẳng thắn với “đối tác” về vấn đề tình dục sau sinh . Bạn có thể yêu cầu bác sỹ của bạn nói chuyện với anh ấy về vấn đề này nếu cần thiết. 
Trao đổi với chồng
Bạn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng về vấn đề "chăn gối" sau sinh. Ảnh Internet 

Phụ nữ sau sinh thường phải trải qua rất nhiều khó khăn để thích nghi với vai trò mới cũng như cân bằng giữa việc chăm sóc em bé mới sinh, bản thân và gia đình. Để tránh bị quá sức dẫn đến mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, bạn đừng “ôm đồm” hết mọi việc mà hãy để những người xung quanh đặc biệt là chồng và người thân trong gia đình giúp đỡ. Khi đó, mọi người đều được giảm tải, mọi thứ sẽ sớm đi vào quỹ đạo và bạn sẽ thực sự tận hưởng được niềm vui tuyệt vời khi làm mẹ.

Theo March Of Dimes

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI