Trầm cảm sau sinh - bạn không hề lẻ loi trong cuộc chiến

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng khá phổ biến mà có lẽ, phụ nữ dù đã hay chưa sinh con đều từng nghe qua. Vậy thực tế nó có nghiêm trọng hay không và có thể gây ra hậu quả gì cho phụ nữ sau sinh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

banner ads

Mẹ bị trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là tình trạng khá phổ biến chúng ta đều nghe qua. Ảnh Internet

1. Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh

Trên thực tế có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, tuy nhiên riêng với phụ nữ sau sinh thì nguyên nhân chủ yếu dễ dàng dẫn đến trầm cảm đó là sự thay đổi hormone.

Thông thường, khi mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều từ bên trong đến bề ngoài. Đặc biệt, sự thay đổi về hormone diễn ra mạnh mẽ nhất. Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ sản sinh lượng lớn hormone estrogen và progesterone. Tuy nhiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, lượng hormone này sẽ nhanh chóng trở về mức như trước khi họ mang thai. Sự sụt giảm đột ngột này có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng, tương tự như khi thời gian diễn ra chu kỳ kinh nguyệt của bạn vậy.

Đối với một số phụ nữ, sự sụt giảm hormone tuyến giáp – loại hormone điều chỉnh cách cơ thể bạn sử dụng năng lượng – cũng có thể dẫn đến căng thẳng, thay đổi tâm trạng, vấn đề về giấc ngủ, sự tập trung và tăng cân.

Mẹ sau sinh bị stress
Giảm hormone tuyến giáp khiến phụ nữ căng thẳng, gặp vấn đề về giấc ngủ và sự tập trung. Ảnh Internet

Tất cả những sự thay đổi trên kết hợp với những biến đổi về tâm lý trong hành trình mang thai và sinh con (áp lực về trách nhiệm, vai trò làm mẹ, cảm giác hụt hẫng vì mất đi cuộc sống tự do trước khi sinh con…) có thể khiến bạn dễ dàng bị căng thẳng, trầm cảm hoặc nặng nề và hiếm gặp hơn là rối loạn tâm thần sau sinh.

Một số phụ nữ thuộc các nhóm sau có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn những người khác:

  • Mẹ có tiền sử bị trầm cảm hoặc mắc bệnh về tâm thần có nguy cơ cao nhất mắc phải trầm cảm sau sinh .
  • Mẹ có tiền sử gia đình về bị trầm cảm hoặc bệnh tâm thần.
  • Mẹ không được sự ủng hộ và hỗ trợ khi mang thai và sinh con.
  • Mẹ có chồng bị trầm cảm hoặc bệnh về tâm thần.
  • Mẹ thường xuyên lo lắng hoặc có ý nghĩ tiêu cực khi mang thai.
Lo lắng khi mang thai
Mẹ thường xuyên lo lắng khi mang thai cũng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Ảnh Internet
  • Mẹ có thai kì hoặc kì sinh trước không thuận lợi.
  • Mẹ gặp vấn đề về tình trạng hôn nhân hoặc tài chính.
  • Mẹ gặp biến cố căng thẳng khi mang thai hoặc sinh con.
  • Mẹ bị rối loạn nghiện chất.
  • Mẹ bị hoặc chứng kiến bạo lực gia đình.
  • Mẹ bị bệnh mãn tính.

Nguy cơ bị trầm cảm cũng cao hơn khi bạn sinh nhiều con, sinh non hay sinh con bị thiếu hụt bẩm sinh hay mắc phải về phát triển thể chất hoặc thần kinh.

Sự căng thẳng do chuyển đổi môi trường như mẹ sau sinh đi làm lại cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.

Những người thuộc dân tộc thiểu số, người nhập cư và người tị nạn đặc biệt có nguy cơ. Vì, họ phải đối mặt với sự căng thẳng cao khi phải sắp xếp việc học tập, công việc khi mang thai cũng như sinh con và thường không có được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình hay địa phương. Bên cạnh đó, họ còn có mối lo ngại về tài chính và văn hóa.

Mặc dù các yếu tố trên giúp xác định những người có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh, nhưng trên thực tế, mọi phụ nữ đều có thể bị ảnh hưởng khi mang thai hoặc năm đầu sau khi sinh. Vì, tình trạng căng thẳng cả ở trong giai đoạn thai kỳ lẫn khi mang thai, có thể diễn ra với bất cứ người phụ nữ nào, trong hoàn cảnh nào cũng như bất kỳ thời điểm nào. 

Phụ nữ trầm cảm
Thực tế, bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể bị trầm cảm khi mang thai hoặc năm đầu sau sinh. Ảnh Internet

2. Trầm cảm sau sinh gồm những mức độ nào

Trầm cảm sau sinh và cả khi mang thai được phân loại thành 2 mức độ sau:

2.1 Hội chứng nỗi buồn sau sinh “The baby blues”

Rất nhiều phụ nữ mắc phải hội chứng “ The baby blues ” ngay sau sinh. Theo các nghiên cứu và báo cáo, con số trên thực tế cho thấy, có đến 50-80% phụ nữ trải qua tình trạng này. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ đều sẽ vượt qua và trở lại bình thường một thời gian ngắn sau khi em bé ra đời. Những trường hợp lâu nhất khi trở lại trạng thái bình thường là đến khoảng 2 tuần sau sinh.

Biểu hiện của “The baby blues” gồm:

  • Bạn thường xuyên thay đổi tâm trạng
  • Bạn thấy buồn bã, lo lắng hoặc choáng ngợp
  • Bạn khóc không kiểm soát
  • Bạn mất cảm giác ngon miệng
  • Bạn gặp vấn đề về giấc ngủ
Mẹ gặp vấn đề về giấc ngủ
Gặp vấn đề về giấc ngủ là một trong những biểu hiện của hội chứng Baby Blues. Ảnh Internet

Ở mức độ “baby blues”, các triệu chứng thường không quá nặng nề và bạn vẫn có thể kiểm soát chúng bằng cách:

  • Bạn hãy ngủ nhiều nhất có thể, ngủ khi con ngủ
  • Bạn hãy đừng quá áp lực bản thân. Bạn không thể làm tất cả một mình – không ai có thể làm điều đó cả. Vì vậy, hãy làm những việc trong khả năng của bạn, và để những việc còn lại cho những người khác.
  • Bạn nên tránh ở một mình quá nhiều
  • Bạn hãy nhờ đến và nhận sự giúp đỡ từ chồng, người thân và bạn bè
  • Bạn hãy tham gia hội nhóm dành cho các bà mẹ
  • Bạn hãy tập luyện thể thao
Mẹ tập thể dục
Hãy tập luyện thể thao để kiểm soát tình trạng Baby Blues nếu bạn mắc phải. Ảnh Internet

2.2 Trầm cảm chu sinh

Trầm cảm chu sinh (chu kỳ sinh) bao gồm cả trầm cảm khi mang thai và trầm cảm sau sinh. Tình trạng này gặp ở khoảng 1 trong 5 phụ nữ. Trầm cảm chu sinh thường kéo dài và có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với “The baby blues” với các biểu hiện có thể bao gồm:

  • Bạn ngủ quá nhiều hoặc không ngủ chút nào
  • Bạn không thấy vui vẻ
  • Bạn cảm thấy vô cảm
  • Bạn gặp vấn đề về tập trung, ghi nhớ và ra quyết định
  • Bạn không có hứng thú chăm sóc bản thân
  • Bạn thấy không có sức lực để hoàn thành những việc thường ngày
Mẹ sau sinh không còn chút sức lực
Với chứng trầm cảm chu sinh, bạn thấu không có chút sức lực nào để hoàn thành những việc thường ngày. Ảnh Internet
  • Bạn tránh gặp người thân và bạn bè
  • Bạn mất hứng thú hoặc phản ứng tình dục
  • Bạn thấy mình là người thất bại nặng nề hoặc không có khả năng
  • Bạn có tâm trạng thất thường
  • Bạn quan tâm quá mức hoặc quá ít tới em bé
  • Bạn kỳ vọng quá nhiều và đòi hỏi quá cao
  • Bạn thấy mọi thứ không hợp lý
Mẹ thấy mọi thứ không hợp lý
Bạn thấy mọi thứ không hợp lý. Ảnh Internet

Để điều trị trầm cảm chu sinh, có rất nhiều phương pháp được đưa ra có thể mang lại hiệu quả cao. Thông thường, việc điều trị trầm cảm chu sinh sẽ bao gồm điều trị tâm lý, hoặc đôi khi kết hợp giữa việc dùng một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc phù hợp với phụ nữ sau sinh và cho con bú), điều trị tâm lý và sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Tuy nhiên vì lo sợ ảnh hưởng tới em bé mà nhiều phụ nữ do dự hoặc không chấp nhận điều trị. Đây là suy nghĩ rất sai lầm vì nếu tình trạng trầm cảm không được can thiệp sớm, thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là, mẹ có ý nghĩ tiêu cực có thể gây hại cho em bé và cho chính cả bản thân mình.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sỹ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của mình. Nếu mọi thứ không được cải thiện, bạn cũng cần thông báo cho bác sỹ điều trị hoặc bác sỹ nhi khoa của con bạn, nhằm đưa ra biện pháp hiệu quả hơn.

Mẹ trao đổi với bác sỹ
Hãy trao đổi với bác sỹ để có phương pháp điều trị phù hợp nếu bạn rơi vào tình trạng trầm cảm chu sinh. Ảnh Internet

2.3 Rối loạn tâm thần sau sinh

Một số rất ít phụ nữ (khoảng 1-2 trong 1.000 người) bị một dạng trầm cảm hiếm gặp và nghiêm trọng gọi là rối loạn tâm thần sau sinh. Phụ nữ được chẩn đoán bị rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn phân liệt cảm xúc có nguy cơ mắc phải rối loạn tâm thần sau sinh cao hơn.

Các triệu chứng của tình trạng này có thể xuất hiện trong 4 tuần đầu sau sinh và bao gồm:

  • Cảm giác cực kỳ bối rối
  • Cảm giác vô vọng
  • Không thể ngủ ngay cả khi cơ thể kiệt sức
  • Không chịu ăn
Phụ nữ không muốn ăn
Phụ nữ bị rối loạn tâm thần sau sinh thường không chịu ăn uống. Ảnh Internet
  • Không tin tưởng người khác
  • Bị ảo giác về hình ảnh và âm thanh
  • Có suy nghĩ tiêu cực về việc làm tổn thương bản thân, em bé mới sinh hoặc những người khác

Rối loạn tâm thần sau sinh là tình trạng tạm thời và có thể điều trị được với sự giúp đỡ y tế một cách chuyên nghiệp, nhưng vì là trường hợp khẩn cấp nên nó cần được giúp đỡ ngay lập tức.

Rối loạn tâm thần sau sinh
Rối loạn tâm thần sau sinh cần được giúp đỡ y tế. Ảnh Internet

3. Người chồng cũng có thể bị trầm cảm

Những người cha, đặc biệt là những người mới làm cha lần đầu cũng có nguy cơ bị trầm cảm. Tuy nhiên, đàn ông có xu hướng tránh thể hiện cũng như thảo luận về cảm xúc của họ. Họ phủ nhận mình là đối tượng có thể mắc bệnh và không tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

Những người cha bị trầm cảm phải đấu tranh với bản thân và gặp nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ người bạn đời của mình chăm sóc em bé mới sinh, do vậy làm tăng nguy cơ bị trầm cảm của người mẹ.

Trầm cảm ở người bố cũng được cho là có thể điều trị được, tuy nhiên tình trạng này thường không được nhận ra hoặc thừa nhận.

Bố trầm cảm
Trầm cảm ở người bố đôi khi không được nhận ra hoặc thừa nhận. Ảnh Internet

Không có nhiều nghiên cứu về trầm cảm ở cha mẹ đồng giới hoặc cha mẹ nuôi, nhưng kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, cuộc sống của một gia đình mới là một bước chuyển khó khăn cho tất cả các bậc cha mẹ. Vì vậy bất kì cặp đôi nào gặp khó khăn trong việc đối phó với sự căng thẳng khi nuôi con cái hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào đề cập ở trên, đều nên đến gặp bác sỹ hoặc chuyên gia để được giúp đỡ một cách kịp thời.

Qua những thông tin trên bạn có thể thấy trầm cảm sau sinh là một tình trạng khá nghiêm trọng mà chúng ta cần quan tâm một cách đúng mức. Nếu bạn thấy mình hoặc ai đó mà bạn biết có vẻ như đang có những biểu hiện của trầm cảm thì có hai điều quan trọng bạn nên luôn nhớ đó là: “Bạn không lẻ loi và sự giúp đỡ luôn ở quanh bạn”

Theo Healthy Children

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI