Hội chứng “baby blues” khiến các mẹ rơi vào trạng thái khóc lóc, ủ rũ sau sinh
Khi nữ diễn viên Vanessa Lachey tiết lộ cô phải trải qua những ngày tháng khổ sở vật lộn với hội chứng "baby blues" sau khi sinh cậu con trai Camden, rất nhiều người hâm mộ đã quan tâm hỏi han cô. Không ít người trong số đó nhầm lẫn hội chứng này với chứng trầm cảm sau sinh. Và có lẽ đó cũng là hiểu lầm của phần lớn các bà mẹ sau sinh.
Những nhầm lẫn về hội chứng “baby blues”
Trên thực tế, có khoảng 70-80% các bà mẹ sẽ bị mắc hội chứng “baby blues” – trạng thái khóc lóc, ủ rũ sau sinh. Thế nhưng chỉ có 10-20% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm. Những ảnh hưởng của hội chứng “baby blues” xuất hiện khoảng 2 tuần sau sinh. Nhưng có những trường hợp sẽ kéo dài dai dẳng với những cảm xúc mãnh liệt hơn nhiều.
Áp lực xã hội đã khiến những phụ nữ mắc hội chứng “baby blues” không nói ra tình trạng của mình
Theo Phó Giáo sư Samantha Meltzer-Brody, Giám đốc Chương trình Tâm thần học giai đoạn sau sinh tại trung tâm UNC, chính áp lực xã hội đã khiến những phụ nữ mắc hội chứng “baby blues” không nói ra tình trạng của mình dù nguyên nhân thực sự của tình trạng này là do những thay đổi nội tiết tố sau sinh gây nên.
Nguyên nhân xuất hiện hội chứng “baby blues”
Chúng ta đều biết hormone estrogen và progesterone tăng cao ngất ngưỡng hơn bao giờ hết trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Sau sinh, chúng lại đột ngột giảm mạnh. Quá trình sinh học thần kinh này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khóc lóc và ủ rũ sau sinh.
Thêm vào đó, với các bà mẹ sinh con lần đầu, chỉ sau quá trình sinh nở đau đớn và kiệt sức cũng đủ khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Vậy mà lại biết bao công việc chăm sóc con đầy ngỡ ngàng đang chờ phía trước. Cộng thêm nhiều yếu tố khác như vết thương sau sinh, bất tiện trong tiêu tiểu và sinh hoạt… càng khiến phụ nữ sau sinh có những trải nghiệm cảm xúc không hề dễ chịu. Để giảm bớt những áp lực tâm lý, nếu bạn cảm thấy khó khăn khi cho con bú, bị thiếu ngủ, hoặc đau đớn… hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chồng mình hoặc người thân. Với những người có tiền sử gia đình bà hoặc mẹ từng bị trầm cảm sau sinh càng phải chú ý hơn về điều này.
Phân biệt hội chứng hội chứng “baby blues” và trầm cảm
Một số mẹ sau sinh sẽ trải qua những thay đổi tâm trạng với hội chứng khóc lóc và ủ rũ sau vài tuần đầu sinh em bé. Mặc dù các bà mẹ chịu ảnh hưởng của hội chứng “baby blues” đều không cần điều trị tâm lý nhưng nếu nó kéo dài dai dẳng với sự tăng cấp của những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải phân biệt được những dấu hiệu sau:
Các triệu chứng của hội chứng “baby blues” xuất hiện trong khoảng hai tuần sau sinh
Hội chứng “baby blues”:
1. Bạn muốn khóc và khóc hàng tiếng đồng hồ trong ngày. Một sự việc nhỏ cũng dễ khiến bạn bị tổn thương sâu sắc.
2. Các triệu chứng xuất hiện trong khoảng hai tuần sau sinh.
3. Tâm trạng bất ổn, luôn cảm thấy chán nản, buồn phiền, cáu gắt, lo âu, thiếu tập trung hoặc sống quá nhiều cho những cảm xúc nhất thời.
Trầm cảm sau sinh
1. Các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần sau sinh, triệu chứng tương tự như “baby blues” nhưng nặng nề hơn nhiều và ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
2. Luôn lo lắng, buồn bã hoặc khóc lóc rất nhiều. Nhiều bà mẹ tự thu mình, không giao tiếp, khó chịu với những người khác, luôn có cảm giác tội lỗi vì bản thân không đủ năng lực hoặc thiếu quan tâm đến em bé; thói quen ăn uống và ngủ nghỉ thay đổi; rất khó tập trung suy nghĩ; sống trong cảm giác tuyệt vọng và thậm chí đôi khi còn xuất hiện suy nghĩ làm hại chính mình hoặc em bé; luôn bị ám ảnh và hoảng sợ điều gì đó; không quan tâm đến các hoạt động bình thường; không đủ năng lực để chăm sóc em bé hoặc lo lắng thái quá về sức khỏe của con.
3. Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện trong khoảng 2-3 tháng đầu sau sinh con nhưng cũng có thể xảy ra tại bất kỳ điểm nào sau khi chuyển dạ.
Nếu sau hai tuần sinh con, các triệu chứng lo âu và trầm cảm vẫn còn kéo dài, bạn nên chia sẻ vấn đề của mình với các bác sĩ
Nói chung, nếu sau hai tuần sinh con, các triệu chứng lo âu và trầm cảm vẫn còn kéo dài, bạn nên chia sẻ vấn đề của mình với các bác sĩ chăm sóc cho bạn trong suốt thai kỳ. Họ sẽ theo dõi và giới thiệu cho bạn những chuyên gia tốt nhất để điều trị theo các liệu pháp tâm lý, kết hợp dùng thuốc và những biện pháp điều trị khác. Một số phụ nữ mắc hội chứng “baby blues” cảm thấy tình trạng thuyên giảm khi họ được ngủ đủ giấc trở lại. Vì thế, bạn có thể thử giải pháp này.
Sau cùng, các bà mẹ cần hiểu rằng hội chứng “baby blues” là một tình trạng tâm lý rất phổ biến ở mọi phụ nữ sau sinh. Không có gì để bạn cảm thấy xấu hổ hoặc áp lực khi chia sẻ nó với người thân và các bác sĩ của mình. Những giải pháp can thiệp kịp thời sẽ có ý nghĩa rất lớn để bạn sớm kết thúc nó. Bằng không, sự chần chừ của bạn sẽ làm cho nó thực sự phức tạp và trở thành căn bệnh trầm cảm.
Yeutre.vn
Nguồn: FP