Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày bạn có cần phải lo lắng không?

Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày có lẽ là chu kỳ có độ dài khá phổ biến đối với phụ nữ. Chúng ta vẫn thường nghe về chu kỳ trung bình chuẩn 28 ngày và việc lo lắng khi mình không đạt “chuẩn” này đối với chị em cũng không phải hiếm gặp. Hãy cùng xem một chu kỳ 30 ngày có phải là vấn đề cần lo lắng không nhé. 

banner ads
Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày khá phổ biếng
Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày là chu kỳ có độ dài khá phổ biến đối với chị em. Nguồn ảnh: The Indian Express 

1. Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày có phải bình thường

Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày là độ dài khá phổ biến đối với các chị em trong độ tuổi sinh nở. Mặc dù chúng ta vẫn thường nghe về độ dài trung bình chuẩn của một chu kỳ là 28 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt dài 28 ngày chiếm khá ít.

Ngay cả đối với chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày, dù chiếm tỷ lệ nhiều hơn nhưng không phải tuyệt đối chính xác mỗi tháng. Vì cơ thể mỗi phụ nữ đều khác nhau, họ chịu tác động bởi các yếu tố khác nhau do đó chu kỳ kinh nguyệt không giống nhau. Ngay cả đối với một người thì chu kỳ cũng không phải lúc nào cũng giữ nguyên độ dài mà có thể chênh lệch giữa mỗi tháng.

Bạn có thể lo lắng vì chu kỳ trước của bạn là 27 ngày, nhưng chu kỳ sau đó lại là 30 ngày. Điều này khá bình thường vì như đã nói, do nhiều yếu tố mà hormone trong cơ thể bạn thay đổi dẫn đến sự chênh lệch này. 

Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày là bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày là hoàn toàn bình thường. Nguồn ảnh: myDr.com.au 

Bạn lưu ý rằng:

  • Chu kỳ kinh nguyệt bình thường : có độ dài từ 21 – 35 ngày. Các chu kỳ này bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày, có độ dài bình thường cho thấy sự rụng trứng diễn ra thường xuyên. Đồng thời các homrone sinh dục được cân bằng để hỗ trợ thụ thai tự nhiên .
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn : có độ dài dưới 21 ngày. Chu kỳ dạng này cho thấy sự rụng trứng không diễn ra thường xuyên hoặc diễn ra sớm hơn bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt ngắn có thể là dấu hiệu cho thấy buồng trứng chứa ít trứng hơn và thời kỳ mãn kinh đang đến gần. Ngoài ra, một chu kỳ ngắn có thể chỉ ra rằng sự rụng trứng không diễn ra. Nếu xét nghiệm máu xác nhận điều này thì việc thụ thai tự nhiên sẽ khó khăn hơn.
  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hoặc không đều : có độ dài trên 35 ngày. Sự rụng trứng ở những chu kỳ này có thể không diễn ra hoặc diễn ra không đều đặn. Điều này cũng khiến cho việc thụ thai tự nhiên khó khăn hơn. 
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường có độ dài từ 21 ngày - 35 ngày. Ảnh Pixabay 

2. Bạn có cần lo lắng vì mình có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày?

Nhiều phụ nữ lo lắng vì mình có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày chứ không phải chuẩn 28 ngày.

banner ads

Chúng ta thấy rằng có rất nhiều lời khuyên về khả năng sinh sản chung chung hiện nay dựa trên giả định chu kỳ 28 ngày là chuẩn và khỏe mạnh. Điều này khiến không ít phụ nữ lo lắng một cách không cần thiết.

Vì quá trình rụng trứng diễn ra giữa chu kỳ rất quan trọng với việc mang thai. Nên, những lo lắng thường có thể bắt nguồn từ việc đấu tranh để thụ thai.

Nhiều phụ nữ dựa vào chuẩn này và cho rằng mọi phụ nữ đều có chu kỳ 28 ngày. Từ đó, họ áp dụng sai khi cố gắng mang thai (quan hệ không đúng thời điểm trứng rụng,…). Khi cố gắng một thời gian mà chưa có thai, họ trở nên nghi ngờ bản thân và sức khỏe sinh sản của mình. Những trường hợp này khi theo dõi lại chu kỳ một cách chặt chẽ thì đã xác định được độ dài một cách chính xác hơn. Và các “chiến lược” có con được sử dụng một cách phù hợp hơn. 

Phụ nữ lo lắng
Nhiều phụ nữ lo lắng vì mình có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày chứ không phải chuẩn 28 ngày. Ảnh Pixabay 

Như vậy, giả sử bạn có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày, hoặc thậm chí 25 ngày hay 32 ngày, bạn cũng không cần lo lắng. Miễn là nó diễn ra đều đặn và không kèm theo dấu hiệu nào bất thường. Đều đặn ở đây không phải là khái niệm tuyệt đối 100 %. Vì như đã đề cập ở trên, chu kỳ của chính một người phụ nữ có thể chênh lệch một vài ngày giữa mỗi tháng. Vì sự tác động của các yếu tố khác nhau lên hormone có thể khiến chúng thay đổi. Việc này ảnh hưởng đến thời gian rụng trứng , từ dó dẫn đến sự chênh lệch thời gian giữa mỗi chu kỳ.

3. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ về vấn đề chu kỳ kinh nguyệt

Dù bạn có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày hay bao nhiêu ngày, thì bạn vẫn nên theo dõi biểu hiện của cơ thể mỗi lần đến kì. Bạn nên đến bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu sau khi đến ngày hành kinh:

  • Bạn bị trễ kinh và lo lắng mình đã mang thai vì bạn quan hệ không sử dụng biện pháp tránh thai
  • Bạn bị ra máu nhiều mỗi lần hành kinh đến nỗi phải thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi giờ.
  • Bạn bị ra máu lâu hơn bình thường, hoặc kéo dài hơn 7 ngày.
  • Bạn bị choáng váng, chóng mặt hoặc mạch đập nhanh .
Phụ nữ chóng mặt
Nếu ở ngày hành kinh bạn bị choáng váng, chóng mặt hay mạch đập nhanh thì nên đi bác sỹ khám. Ảnh Pixabay 
  • Bạn 16 tuổi và vẫn chưa có kinh.
  • Bạn bị đau bụng dữ dội trước và trong khi có kinh.
  • Bạn bị chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh.
  • Bạn đột ngột cảm thấy ốm hoặc bị sốt khi đang dùng tampon.
  • Việc hành kinh hoặc các triệu chứng tiền kinh nguyệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn.
  • Bạn bị mất kinh hoặc chu kỳ kinh đột ngột trở nên không đều.
  • Bạn thường có kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 45 ngày.
  • Bạn thường thấy rất lo lắng và chán nản vào khoảng thời gian bạn có kinh.

Bạn lưu ý rằng chu kỳ kinh không đều có thể là cách làm việc của cơ thể hoặc do một vấn đề nào đó về sức khỏe gây ra. Nếu rất nhiều kỳ kinh của bạn không đều, không thể đoán trước hoặc bất thường, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Như vậy, bạn sẽ đảm bảo mọi thứ đều ổn. Hoặc nếu không, bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp điều chỉnh chu kỳ kinh của bạn một cách an toàn và hiệu quả hơn. 

Phụ nữ ôm bụng
Bạn nên theo dõi chu kỳ của mình một cách đều đặn và đến gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng bất thường khi hành kinh. Nguồn ảnh: Verywell Health 

Chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày là chu kỳ có độ dài hoàn toàn bình thường mà chị em không cần lo lắng. Việc so sánh chu kỳ của mình với độ dài 28 ngày là không cần thiết. Bạn chỉ cần đảm bảo theo dõi chu kỳ kinh của mình cùng các triệu chứng kèm theo đều đặn. Khi đó bạn sẽ nhận biết được ngay những biểu hiện bất thường và nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ một cách kịp thời.

Theo Planned Parent Hood, Shady Grover Ferlity & Heathline

Lily Nguyễn tổng hợp và lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI