1. Ăn uống lành mạnh
Mặc dù không có một chế độ ăn riêng biệt cho việc thúc đẩy khả năng mang thai, nhưng phụ nữ có thể ăn uống nhiều thực phẩm lành mạnh, để cải thiện sức khỏe nói chung, và sức khỏe sinh sản nói riêng. Điều này sẽ giúp cơ thể chuẩn bị tốt hơn cho việc có con.
Chế độ ăn như vậy sẽ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho bạn như canxi, protein, sắt. Điều này có nghĩa là bạn nên ăn nhiều loại trái cây, rau quả, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, và các nguồn chất béo lành mạnh từ hạt và cá béo.
Bên cạnh việc bổ sung axit folic , bạn cũng có thể ăn các loại rau lá xanh đậm để nhận được loại vitamin nhóm B này từ thực phẩm như: bông cải xanh, rau cải xoan, rau bina (rau chân vịt hay cải bó xôi), các loại đậu, trái cây họ cam chanh.
Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, bạn hãy ăn chỉ một lượng ít các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá mập, cá thu vua và cá ngói, cũng như giới hạn lượng cá ngừ trắng xuống 180g (6ounce) một tuần.
Ngoài ra, bạn cần kiểm soát lượng tiêu thụ caffeine. Việc tiêu thụ hơn 500mg caffeine mỗi ngày có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, tiêu thụ một đến hai tách cà phê hay ít hơn 250mg caffeine mỗi ngày trước khi mang thai dường như không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của phụ nữ.
2. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Chúng ta biết rằng tình trạng thừa cân sẽ làm giảm sức khỏe sinh sản và khả năng thụ thai của phụ nữ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người phụ nữ thừa cân có thể mất gấp đôi thời gian để mang thai so với phụ nữ có BMI bình thường.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 cho thấy các cặp vợ chồng mà cả hai đều ở tình trạng béo phì có thể mất nhiều thời gian hơn từ 55-59% để mang thai so với các cặp vợ chồng không béo phì.
Đối với phụ nữ, việc có quá nhiều chất béo trong cơ thể tạo ra estrogen dư thừa gây cản trở sự rụng trứng. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ thì giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trước khi một người phụ nữ bắt đầu cố gắng mang thai có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản của cô ấy.
Ngược lại, thiếu cân cũng có khả năng khiến việc có con trở nên khó khăn hơn. Trong khi khoảng thời gian cần để một người phụ nữ thừa cân mang thai là gấp đôi so với phụ nữ có BMI bình thường, thì thời gian ấy ở phụ nữ thiếu cân là gấp bốn lần. Phụ nữ quá gầy có thể có kinh nguyệt không đều thậm chí ngừng rụng trứng. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản và khả năng thụ thai.
3. Uống vitamin tiền mang thai
Bạn nên uống viên uống tiền mang thai hoặc các loại vitamin tổng hợp chứa ít nhất 400 mcg axit folic mỗi ngày, ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Nếu bạn đang lên kế hoạch có thai, thì nên thực hiện việc này thậm chí trước 3 tháng để có cơ thể khỏe mạnh và chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón em bé. Vì axit folic là loại vitamin nhóm B rất quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, vốn hình thành rất sớm khoảng 3-4 tuần sau khi thụ thai, khoảng thời gian mà nhiều phụ nữ còn chưa nhận ra mình đã có thai.
4. Giảm các hoạt động thể chất có cường độ cao và nặng
Việc tập luyện thể dục hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe của phụ nữ. Nó giúp cơ thể cô ấy chuẩn bị cho quá trình mang thai và sinh nở sau này. Tuy nhiên, tập luyện quá sức hoặc các bài tập với cường độ quá cao, mạnh lại có tác dụng ngược lại. Chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà cụ thể là làm cản trở quá trình rụng trứng.
Các bác sĩ nhận thấy nhiều phụ nữ tập thể dục nặng bị rối loạn kinh nguyệt, và họ phải cắt giảm khối lượng tập luyện của mình khi muốn mang thai.
5. Theo dõi sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt
Mặc dù theo dõi sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt không giúp bạn cải thiện được sức khỏe sinh sản một cách trực tiếp. Tuy nhiên, việc này có thể cho bạn biết được khoảng thời gian sự rụng trứng có thể xảy ra, và chu kỳ của mình có đều đặn hay không.
Khi nắm được chu kỳ của mình, bạn sẽ biết được khi nào mình cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa về sinh sản để được tư vấn, trợ giúp hoặc can thiệp nếu cần, để cải thiện sức khỏe sinh sản và tăng khả năng thụ thai .
6. Bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu
Dù hút thuốc và uống rượu không phải là thói quen thường thấy ở phụ nữ, nhưng nếu bạn đang ở trong nhóm này, hãy cắt giảm dần và bỏ hẳn chúng. Vì hút thuốc và uống rượu rất có hại cho sức khỏe sinh sản của bạn. Nó làm giảm khả năng thụ thai của bạn và nếu bạn không chấm dứt khi đã có thai, chúng có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của em bé từ trong bụng bạn, thậm chí đến khi con sinh ra đời.
Ngoài những việc bạn có thể thực hiện để cải thiện sức khỏe sinh sản như gợi ý ở trên, bạn cần lưu ý nên tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế khi cần thiết. Đó là khi bạn dưới 35 tuổi và đã cố gắng mang thai nhưng không thành công sau một năm, hoặc bạn trên 35 tuổi và không có thai sau 6 tháng dù quan hệ thường xuyên và không dùng biện pháp bảo vệ nào.
Khi dự định đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế, cả bạn và đối tác nên đi cùng nhau. Vì nguyên nhân khiến bạn chưa có thai có thể nằm ở cả hai bạn. Việc kiểm tra sẽ đem lại kết quả chính xác hơn nếu được tiến hành với cả hai bạn.
Sức khỏe sinh sản của phụ nữ là vấn đề không thể lơ là chủ quan. Khi bạn có kế hoạch sinh con, hãy chuẩn bị một cách kĩ càng, chu đáo nhất. Một tình trạng sức khỏe tốt nói chung và sức khỏe sinh sản tốt nói riêng, sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Và quan trọng nhất là việc em bé được nhận các dưỡng chất cần thiết từ bạn ngay khi mới hình thành sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển sau này của con.
Theo Live Science & Healthline
Lily Nguyễn tổng hợp