1. Cách nấu cháo cho bé phải chú ý từ khâu chọn gạo
Có thể bước chọn gạo nhiều mẹ còn xem nhẹ, vì cho rằng miễn gạo ngon là được. Hoặc, nhiều mẹ thấy tiện gia đình dùng gạo nào thì nấu cho con gạo đó.
Tuy nhiên, thực tế yếu tố gạo ngon thường lại phụ thuộc vào cảm quan của mẹ nhiều hơn. Và loại gạo mà gia đình thường dùng có khi là loại gạo chọn mua do thói quen sử dụng, theo giới thiệu của các đại lý gạo, mà mẹ hoàn toàn bị động trong việc truy xuất nguồn gốc, để biết rõ về loại gạo đó như thế nào.
Với trẻ, việc chọn gạo tốt cho trẻ không hẳn là ngon theo cách của mẹ, mà còn cần giàu dinh dưỡng và an toàn cho con.
Vậy chúng ta nên chọn gạo nào nấu cháo cho bé? Dưới đây là một số lưu ý trong cách chọn gạo cho trẻ:
- Chọn gạo mới
- Chọn gạo sạch
- Không nhất thiết phải chọn gạo thơm nồng hoặc quá dẻo
- Chọn gạo còn cám gạo càng tốt
- Có thể chọn đa dạng loại gạo ngoài gạo trắng, nấu xen kẽ trong thực đơn của con như dùng gạo lứt chẳng hạn (gồm cả gạo nâu, gạo huyết rồng).
- Chọn gạo được đóng gói bao bì tốt, có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ & ngày đóng gói rõ ràng. Vì, đây chính là thông tin cơ bản, giúp mẹ hiểu rõ về loại gạo mình chọn cho bé ăn dặm được canh tác ở đâu, sản xuất, đóng gói,...ra sao.
2. Các bước cơn bản trong cách nấu cháo cho bé
- Bước 1 : Mẹ vo sạch gạo nhưng chỉ vo để loại bỏ bụi bẩn, không nên chà xát quá kỹ.
- Bước 2 : Cho gạo vào nồi và đổ tỉ lệ nước phù hợp, để cháo đạt yêu cầu độ tuổi, sở thích và thời điểm ăn cháo của bé.
- Bước 3 : Khi nấu có 2 cách gồm cách 1 là mẹ nấu cho gạo sôi rồi giảm lửa nhỏ, mở vung và cứ để vậy cho đến khi cháo chín bung hạt. Với cách này mẹ không cần khuấy cháo, vì lửa nhỏ nên cháo sẽ không bị khê. Cách 2 là mẹ nấu lửa vừa và khuấy thường xuyên, cháo nhanh chín nhưng mẹ cần hay khuấy để tránh cháo bị khê. Góp phần cho cháo nhừ, khi cháo bung hạt rồi mẹ có thể tắt bếp và đậy vung lại ít phút, cháo sẽ nhanh nhừ.
- Bước 4 : Nếu mẹ nấu cháo rau củ, sẽ cho rau củ khi cháo chín bung hạt. Tùy từng loại rau củ mà mẹ cho vào ở thời điểm thích hợp. Chẳng hạn như, loại rau củ mau chín nên cho vào khi cháo đã gần đạt độ nhừ như mẹ mong muốn, để tránh rau củ quá nhừ thất thoát dinh dưỡng nhiều. Còn rau củ lâu chín, mẹ có thể cho vào sớm hơn một chút.
- Bước 5 : Khi cháo đã chín và có độ đặc/ lỏng như ý, mẹ xay/ rây/ nghiền cháo và cho bé dùng khi còn ấm.
3. Các lưu ý cần lưu tâm trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm
3.1 Lưu ý về độ nhuyễn hay thô của cháo
Tùy độ tuổi ăn dặm của bé mà mẹ xay cháo, rây cháo hoặc nghiền cháo. Đây là cách tăng dần độ thô, vừa để cho bé tập ăn thô từ từ, vừa giúp bé đỡ ngán cháo.
- Nếu mẹ xay cháo, cần để cháo nguội rồi xay nhằm không mất mùi vị thơm ngon của cháo, sau khi xay, có thể hâm lại cho ấm vừa bé ăn.
- Nếu mẹ rây cháo, mẹ có thể rây cháo nóng bằng rây inox.
- Trường hợp con ăn cháo không cần nhuyễn, mẹ có thể nghiền bằng muỗng khi cháo còn nóng, đến khi nghiền xong cháo ấm con ăn là vừa.
3.2 Lưu ý về độ đặc lỏng của cháo
Cũng tùy độ tuổi ăn dặm của con mà mẹ chế biến cháo có độ lỏng/ đặc cho phù hợp.
- Với trẻ mới làm quen với cháo, mẹ cho con ăn cháo lỏng, nhuyễn mịn.
- Với trẻ đã quen ăn dặm, mẹ có thể cho con ăn cháo có độ đặc vừa, độ nhuyễn vừa.
- Với trẻ đã ăn được đa dạng các loại cháo, mẹ tăng dần độ đặc và tăng dần độ thô.
- Không nên cho con ăn cháo đặc ngay từ đầu, cũng như không cho con ăn cháo lỏng nhuyễn mịn kéo dài. Vì tình trạng này sẽ dẫn đến việc con không học được kỹ năng nhai, cũng như nhanh ngán cháo, sợ cháo.
3.3 Lưu ý về các nguyên liệu kết hợp với cháo
- Con mới tập ăn dặm với cháo, mẹ chỉ nên kết hợp một số rau củ quả dễ tiêu hóa, có vị ngọt và không đậm mùi.
- Con đã quen ăn dặm mẹ có thể tập cho bé làm quen với đa dạng các thực phẩm hơn, trong đó bao gồm cả các thực phẩm giàu đạm như đậu hũ, thịt nạc, cá trắng, tôm,...
- Cũng như cháo, thực phẩm kết hợp cũng cần tăng dần độ thô để con có thể cảm nhận được đa dạng thực phẩm hơn. Đồng thời ngoài vị, đây cũng cách để bé tập kỹ năng nhai dần dần.
3.4 Lưu ý về gia vị và lượng cháo
- Với trẻ dưới 1 tuổi, các món cháo của bé không thêm muối hay bột nêm.
- Với trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi, mẹ có thể thêm vài giọt nước mắm vào cháo cho bé.
- Để tạo vị cho bé, mẹ nên tận dụng các loại củ quả có vị chua ngọt để kết hợp và dùng phô mai cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên kết hợp trong món cháo. Sự kết hợp này sẽ tăng hương vị giúp món cháo đậm đà hơn, lại thêm phần dưỡng chất cho bé.
- Mỗi trẻ có nhu cầu ăn khác nhau, cũng như tùy từng độ tuổi, con cần ăn với lượng cháo không giống nhau. Vì vậy, mẹ không nên ép bé ăn theo ý mình, mà nên theo dõi nhu cầu của con để cho bé dùng lượng cháo phù hợp. Hơn nữa, giai đoạn ăn dặm là giai đoạn con làm quen thực phẩm là chính, do vậy, định lượng mẹ đưa ra áp dụng cho bé nếu không phù hợp có thể sẽ là nguyên nhân, khiến bé dễ rơi vào tình trạng biếng ăn.
3.5 Một số lưu ý khác
- Mẹ có thể thêm dầu ăn vào cháo cho bé. Dầu ăn dùng cho bé có các loại khác nhau nên mẹ cần chú ý cách dùng. Khi thêm vào cháo, mẹ lưu ý:
- Nếu mẹ đã dùng dầu để nấu trong giai đoạn nấu cháo cho bé thì khi nấu cháo xong, mẹ không cần thêm dầu ăn vào cháo của bé nữa.
- Nếu khâu nấu cháo không dùng dầu chế biến, thì khi nấu cháo xong, mẹ có thể cho dầu ăn vào cháo.
- Không bắt buộc phải luôn luôn cho dầu ăn vào cháo của bé.
- Với các loại cá, thịt có chút mỡ thì mẹ không cần cho thêm dầu ăn.
3.5 Nên và không nên khi nấu cháo cho bé
3.5.1 Nên
- Nấu lượng cháo phù hợp cho bé ăn mỗi ngày. Xen kẽ cháo gạo với cháo yến mạch và bột để đổi vị cho bé. Cách này cũng giúp bé không ngán cháo.
- Với các nguyên liệu nấu kết hợp với cháo, tùy từng loại có độ chín trong thời gian bao lâu mà mẹ nhắm chừng cho vào cháo phù hợp với khoảng thời gian đó. Cách này sẽ đảm bảo vị cháo thơm ngon và bảo toàn dinh dưỡng từ nguyên liệu cao hơn, so với việc mẹ nấu nhừ cùng cháo ngay từ đầu.
- Kết hợp đa dạng rau củ quả và một số thực phẩm phù hợp độ tuổi ăn dặm của bé, để làm đa dạng thực đơn. Sự đa dạng này còn góp phần kích thích con ăn ngon miệng, bổ sung thêm dưỡng chất cho con.
- Luôn thêm những vị cháo mới để con có trải nghiệm phong phú hơn về thực phẩm. Bước này sẽ giúp trẻ ăn tốt hơn ở giai đoạn sau và tránh được tình trạng kén ăn.
3.5.2 Không nên
- Mẹ không nên cho bé ăn hoài một vài loại cháo.
- Mẹ không nên cho bé ăn cháo chỉ ở trạng thái lỏng hoặc chỉ đặc kéo dài.
- Không nên cho phô mai vào tất cả các loại cháo.
- Không nên cho dầu ăn vào tất cả các loại cháo.
- Không ép bé ăn nếu con đã ăn đủ. Trường hợp con từ chối một mùi vị nào đó, mẹ không nên ép cũng không nên bỏ cuộc. Hãy kiên nhẫn tập cho bé bằng cách làm loãng vị bé không thích với các loại vị khác rồi tăng dần lên. Hoặc, mẹ kết hợp vị bé không thích với vị bé thích để chinh phục con từ từ.
- Không nên chỉ nấu cháo với nước xương hầm. Nên dùng xen kẽ với các loại nước dùng khác từ rau củ, hay cá, nấm,..hoặc không sử dụng nước dùng, để thực đơn của bé được cân bằng.
4. Vấn đề cấp đông và bảo quản lạnh
4.1 Cháo có thể bảo quản lạnh không?
Mẹ có thể bảo quản lạnh cháo trong ngày cho bé nếu con dùng nhiều hơn một bữa và mẹ không có thời gian để nấu từng bữa. Liên quan đến cách bảo quản lạnh, mẹ cần lưu ý bảo quản đúng cách như:
- Dùng hũ thủy tinh, chén sứ có nắp hoặc hộp nhựa có nắp an toàn cho sức khỏe để đựng cháo.
- Không để cháo đã nấu chín chung ngăn với các thực phẩm tươi sống.
- Không để cháo ở ngăn lạnh qua đêm. Cháo để ngăn lạnh chỉ nên cho bé dùng trong 24h.
- Không giữ lạnh hay cấp đông phần cháo còn thừa để cho bé ăn lại vào bữa sau.
- Cháo để lạnh mẹ nên chia đủ vừa bữa cho bé để không bị dư, nhằm tránh cháo bị chảy nước khi chúng ta múc ra từng bữa cho trẻ ăn.
4.2 Cháo cấp đông
4.2.1 Chúng ta có thể cấp đông cháo không?
- Câu trả lời là hoàn toàn có thể cấp đông cháo, trong trường hợp mẹ bận bịu không thể nấu cháo hàng ngày cho con.
- Cấp đông cháo hoàn toàn an toàn và cháo cấp đông an toàn cho bé, không mất hết dinh dưỡng nếu mẹ cấp đông và rã đông đúng cách.
4.2.2 Cấp đông cháo như thế nào?
- Nấu cháo xong mẹ chia phần và cấp đông ngay. Nên đựng cháo vào các hộp đựng có nắp đậy và an toàn cho sức khỏe.
- Với các món cháo hỗn hợp nhiều nguyên liệu, nếu cấp đông, mẹ nên cấp đông cháo riêng và các nguyên liệu khác riêng từng loại. Cách này cần áp dụng, để hạn chế tối đa việc giảm hương vị thơm ngon của cháo khi rã đông và nấu lại cho bé dùng.
4.2.3 Rã đông cháo ra sao?
Có 2 cách rã đông cháo mẹ có thể tùy ý lựa chọn cho phù hợp:
- Rã đông tự nhiên: mẹ để cháo cấp đông xuống ngăn lạnh cho cháo rã đông từ từ. Khi cháo rã đông hoàn toàn thì mẹ có thể hâm lại cháo cho bé dùng.
- Rã đông bằng lò vi sóng: nếu nhà mình có lò vi sóng và mẹ muốn rã đông nhanh thì cho cháo vào lò vi sóng để rã đông, sau đó mang nấu với các nguyên liệu khác như bình thường để cho bé dùng.
5. Giới thiệu 10 món cháo bổ dưỡng ngon miệng cho bé mẹ có thể áp dụng ngay vào thực đơn của con
5.1 Cháo cá cho bé
Hầu như đa phần các mẹ nhất là những mẹ nào không tự tin về việc nấu bếp thường rất e ngại việc cháo cá cho bé vì sợ tanh bé sẽ không ăn. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng vì nấu cháo cá cho bé không quá khó. Có nhiều món cháo cá ngon cho con ở độ tuổi dưới 1 tuổi như 3 món cháo cá khá phổ biến là cháo cá chép , cháo cá lóc, cháo cá hồi.
Để chế biến món cháo cá không tanh cho con thường mẹ được khuyên ngoài việc chọn phi lê cá tươi ngon, nên sử dụng một ít hành tỏi phi cho vào cháo sẽ giảm bớt mùi tanh và kích thích bé ăn ngon miệng hơn.
5.2 Cháo chim bồ câu cho bé
Đây là một trong các món cháo ngon bổ dưỡng được khuyên dùng cho các bé biếng ăn và cần bổ sung nhiều dưỡng chất, cải thiện cân nặng của bé. Trong món cháo chim bồ câu cho con, ngoài việc chỉ dùng thịt chim bồ câu, còn có thể kết hợp hạt sen hoặc đậu xanh, để tăng thêm dinh dưỡng và độ ngon cho cháo.
5.3 Cháo cua đồng cho bé
Cháo cua đồng thường dùng cho các bé đã qua tuổi tập ăn dặm với cháo, và đã làm quen được với các loại cháo có mùi tanh. Trong các món ăn cho bé , món cháo cua đồng cũng như cháo chim bồ câu, được xếp vào các món cháo bổ dưỡng bổ sung khoáng chất, cải thiện sức khỏe cho bé.
5.4 Cháo gà cho bé
Cháo gà cho bé là một trong các món cháo vô cùng phổ biến được dùng không chỉ cho bé trong tuổi ăn dặm mà ngay cả khi bé đã lớn.
Cháo gà có thể là cháo gà đơn giản, dùng gà ta hoặc gà công nghiệp để nấu. Tuy nhiên, cháo gà cho bé cũng có thể nấu cùng gà ác để tăng thêm độ bổ dưỡng. Khi con quen với cháo gà, mẹ có thể kết hợp với rất nhiều nguyên liệu khác để có món cháo đa dạng vị và dinh dưỡng cho con như đậu xanh, hạt sen, khoai lang, cà rốt, nấm,...
5.6 Cháo hàu cho bé
Với các bé trên 8 tháng, mẹ có thể nấu cháo hàu bổ dưỡng cho con. Cũng như cá, cháo hàu có thể nấu với hàu hoặc kết hợp một số rau củ để bé ăn thêm ngon miệng. Sự đa dạng trong kết hợp nguyên liệu phù hợp sẽ góp phần cung cấp thêm cho con vitamin và chất xơ như cà rốt, bí ngòi, nấm, đậu xanh,...
5.7 Cháo thịt bò cho bé
Thịt bò cung cấp lượng chất sắt đáng kể cho bé, vì vậy, món cháo thịt bò cũng nên được mẹ xếp vào thực đơn các món cháo ngon bổ dưỡng cho con. Cháo bò có thể cho bé dùng từ cuối tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 8 tùy vào khả năng ăn của bé. Có nhiều cách chế biến cháo bò mẹ có thể áp dụng như kết hợp với khoai lang, cà rốt, đậu cô ve, măng tây ,...
5.8 Cháo tôm cho bé
Đây là một trong các món cháo dùng nguyên liệu hải sản được khá nhiều mẹ lựa chọn để cho con thử, khi bé chuyển sang tập các món ăn có hải sản. Hơn nữa, chế biến cháo tôm cho bé cũng khá đơn giản và không mất nhiều thời gian như một số món cháo hải sản khác. Để tăng độ ngon cho cháo tôm, mẹ cũng được khuyên nên dùng thêm gia vị như tỏi, hành phi hoặc một ít ngò rí cắt nhuyễn, sẽ làm món cháo thơm ngon dễ chinh phục bé hơn.
Với món cháo tôm, nguyên liệu phụ kết hợp có thể kể đến như cà rốt, măng tây, nấm, bí ngòi và đậu cô ve.
5.9 Cháo trứng cho bé
Trong các món cháo cho bé ăn dặm chắc chắn không thể thiếu món cháo trứng. Dễ nấu, dễ ăn, giàu dinh dưỡng và nấu cực nhanh, cháo trứng cho bé có rất nhiều ưu điểm chinh phục cả mẹ lẫn bé.
Để làm đa dạng vị của món cháo trứng, mẹ có thể kết hợp các nguyên liệu như cà chua để có món cháo trứng cà chua đậm vị, hoặc nấm hay đậu hũ,...Các nguyên liệu này đều góp phần tạo nên món cháo ngon cho bé dùng.
5.10 Cháo ếch
Dù được xếp cuối cùng trong danh sách gợi ý 10 món cháo ngon cho bé nhưng không có nghĩa là món cháo này "kém duyên" so với 9 món còn lại. Cháo ếch cũng nằm trong số các món cháo bổ dưỡng giúp trẻ nói chung cải thiện sức khỏe, cân nặng. Đồng thời đây cò là món ăn bài thuốc được cho là có thể cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ.
Ưu điểm khác của cháo ếch là nhờ thịt ếch ngọt thịt và không tanh, nên có thể kết hợp với rất nhiều nguyên liệu khác để làm giàu thực đơn ăn dặm cho bé, mà mẹ không ngờ tới. Các nguyên liệu kết hợp có thể kể đến như rau mồng tơi, đậu xanh, cà rốt, hạt sen, bí đỏ,...
Mẹ thấy đấy, cháo cho bé có rất nhiều món ngon và bổ dưỡng phải không, sơ qua mẹ cũng có 10 gợi ý để bỏ túi cải thiện thực đơn và việc ăn cháo cho con rồi. Chuyên mục Món ăn cho bé cũng vẫn còn cập nhật tiếp tục chi tiết cách nấu các món này, cũng như thêm nhiều món cháo ngon khác cho bé nữa, mẹ hãy theo dõi ở các bài chia sẻ sau nhé.
Và cuối cùng, thay cho lời kết về cách nấu cháo cho các bé, Yeutre.vn cho rằng, ngoài một số điểm lưu ý về nguyên tắc nấu rất dễ nắm bắt như trên, làm phong phú các món cháo chính là nhờ vào sự linh động trong cách chế biến của mẹ. Điều này không chỉ dừng lại ở việc tránh được chuyện con sợ cháo & biếng ăn cháo, hay bổ sung dinh dưỡng hiệu quả, mà còn giúp con có những trải nghiệm đáng giá về thực phẩm, góp phần làm con yêu thích món cháo hơn. Chúc mẹ thật thành công trong việc chinh phục con ăn cháo, nhất là sau khi tham khảo xong bài chia sẻ khá đầy đủ, liên quan đến chuyện nấu cháo cho bé này nhé.
Cát Lâm tổng hợp