I. NHỮNG LƯU Ý KHI CẤP ĐÔNG THỰC PHẨM ĂN DẶM CHO TRẺ
1. Lợi ích của việc cấp đông thực phẩm ăn dặm cho trẻ
Thực phẩm cấp đông giúp tiết kiệm thời gian chế biến và nấu nướng cho mẹ
Lợi ích hàng đầu của việc cấp đông thực phẩm là tiết kiệm thời gian chế biến và nấu nướng cho mẹ. Vì sau 6 tháng nghỉ thai sản, mẹ phải quay trở lại với công việc nên không có nhiều thời gian chế biến thức ăn cho trẻ. Đó là lý do nhiều mẹ lựa chọn phương pháp cấp đông thực phẩm ăn dặm cho trẻ ăn dần.
2. Thực phẩm nên cấp đông trong bao lâu tốt nhất?
Theo các chuyên gia, thực phẩm đông lạnh sử dụng càng sớm càng tốt cho trẻ. Tuy nhiên, thời gian tối đa để mẹ sử dụng thực phẩm ăn dặm dạng này cho trẻ là khoảng 1 tuần, trong trường hợp mẹ không có thời gian và làm nhiều một lần để trẻ ăn dần.
3. Cách phân biệt thực phẩm cấp đông
Để không nhầm lẫn thực phẩm cấp đông mới và quá hạn sử dụng mẹ nên sử dụng bút lông hoặc dán giấy ghi chú lên hộp thực phẩm. Ghi chú bao gồm tên thực phầm + hạn sử dụng. Bởi một số thực phẩm có màu khá giống nhau như cà rốt, bí đỏ hoặc bí xanh, bí đao, bí ngòi... nên khó phân biệt.
4. Không cho nước vào thực phẩm cấp đông
Đối với các loại rau củ mẹ không nên cho nước vào trước khi cấp đông, vì khi rã đông thực phẩm này trở nên lỏng hơn. Chưa kể cho nước vào khiến chúng bị loãng và mất đi vị ngon.
5. Quy trình cấp đông thực phẩm
Chuẩn bị khay đựng thực phẩm
Đây là bước quan trọng nhất giúp mẹ chế biến và bảo quản thực phẩm cấp đông tốt nhất.
Chuẩn bị:
- Khay có nhiều ngăn và có nắp đậy hoặc túi zip
- Các loại rau củ số lượng vừa phải
Cách thực hiện: Các loại củ bỏ vỏ, cắt miếng nhỏ, rau làm sạch thái nhỏ. Sau đó mẹ cho vào hấp chín tất cả các loại rau củ. Khi thực phẩm chín, mẹ cho vào máy xay xay nhuyễn từng loại, phân loại và cho vào ngăn cấp đông, ghi chú.
Đối với các loại thịt, hải sản, mẹ hấp chín và xay nhuyễn, cấp đông tương tự rau củ.
6. Những thực phẩm nên và không nên cấp đông
Không phải thực phẩm nào cũng cấp đông được mẹ nhé, dưới đây là danh sách những thực phẩm mẹ có thể cấp đông và thực phẩm không nên cấp đông:
Thực phẩm có thể cấp đông
- Cháo, cơm nát, các loại mì (mì udon, bánh mì)
- Các loại củ quả như: cà rốt, bí đỏ, khoai tây, su su, bí, củ cải...
- Các loại rau như: cải bó xôi, bông cải, rau dền...
- Các loại thịt như: thịt gà, thịt bò, heo, cá, tôm, cua, mực...
- Các loại nước dùng như: súp rau củ, dashi...
Thực phẩm không nên cấp đông
- Cà chua
- Đậu hũ
- Sữa bò
- Trái cây
- Các loại rau sống
Các loại thực phẩm trên đều có nhiều nước nếu cấp đông sẽ khiến chúng mất nước và không giữ được vitamin, khoáng chất, vị ngon như ban đầu.
II. CÁC BƯỚC RÃ ĐÔNG THỰC PHẨM
Nếu rã đông thực phẩm không đúng cách cũng sẽ làm thực phẩm biến chất, mất dinh dưỡng và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ.
1. Các cách rã đông thực phẩm
Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng
Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng
Cách rã đông tốt nhất với thực phẩm ăn dặm của trẻ là cho vào lò vi sóng khoảng 5 phút trước khi mẹ chế biến thực phẩm cho trẻ. Lò vi sóng sẽ rã đông rất nhanh, đặc biệt là thịt. Trong điều kiện làm nóng khô và nhanh bằng lò vi sóng, thực phẩm sẽ giữ được mùi vị tươi ngon như ban đầu.
Mẹ lưu ý, khi rã đông, mẹ đổ thực phẩm ra một chén nhỏ, sau đó đổ thêm khoảng 10ml nước vào chén và cho vào lò vi sóng để thực phẩm mềm và sánh hơn.
Rã đông thực phẩm bằng phương pháp hấp
Nếu không có lò vi sóng, mẹ có thể hấp thực phẩm trong xửng hấp hoặc nồi cơm điện có xửng hấp. Cách này tuy không giữ được chất dinh dưỡng tốt hơn lò vi sóng nhưng cũng là giải pháp thay thế an toàn trong việc rã đông thực phẩm ăn dặm.
2. Chế biến thực phẩm ngay sau khi rã đông
Sau khi ra đông mẹ cần phải chế biến thực phẩm ngay. Vì thực phẩm ăn dặm là thực phẩm chín, nếu để lâu sẽ bị vi khuẩn tấn công, chất dinh dưỡng mất dần, không tốt cho sức khỏe, hệ tiêu hóa của trẻ.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: