6 cách làm mực hấp giòn ngọt và pha nước chấm nhấm rượu sảng khoái

banner ads

1. Giới thiệu về món mực hấp

Mực hấp có rất nhiều cách thực hiện khác nhau. Chỉ cần biến tấu một vài nguyên liệu là chúng đã có hương vị mới lạ. Thông thường người ta thường kết hợp mực hấp với bia, gừng, sả, tiêu, lá lốt... Các món ăn không những ngon miệng mà còn mang đến khả năng bảo vệ sức khỏe. Dưới đây cùng tìm hiểu kỹ hơn nhé!

1.1. Tác dụng của mực đối với sức khỏe

Mực là một trong những loại thực phẩm giàu protein. Bên cạnh đó chúng chúng cũng chứa các khoáng chất thiết yếu như selen, photpho, vitamin B12, Riboflavin, kali, magie... ít natri và chất béo bão hòa. Chính vì nhiều dinh dưỡng nên mực có khả năng cải thiện và ngăn ngừa viêm khớp, tốt cho xương và răng, hỗ trợ hiện thành hồng cầu, giảm chứng đau nửa đầu, tốt cho hệ thần kinh.

Khi bạn dùng món mực hấp sẽ rất ít chất béo nên tốt cho tim mạch. Không những thế mực hấp ăn kèm lá lốt, sả, gừng, lá ổi... cũng giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa và điều trị cảm ho, cải thiện tiêu hóa...

1.2. Mực hấp gì ngon?

Như đã nói mực hấp có rất nhiều cách kết hợp nguyên liệu để tạo ra món ăn ngon. Theo đó bạn có thể thường xuyên thay đổi kiểu hấp với các nguyên liệu nước dừa, lá lốt, lá ổi, gừng sả, bia, hành tây, hành lá...

Bạn có thể ghi lại hết các gợi ý vào thực đơn. Thỉnh thoảng thay đổi khẩu vị tìm cách hấp phù hợp với cả nhà nhất. Tuy nhiên các cách làm đều mang đến hương vị tinh túy và nguồn dinh dưỡng riêng. Do đó bạn có thể luân phiên thay đổi tất cả các cách làm.

Mực ống ngon
Mực có nhiều tác dụng về sức khỏe có thể linh hoạt hấp nhiều kiểu khác nhau. Ảnh: Internet

1.3. Mực hấp bao nhiêu phút?

Mực hấp bao nhiêu phút chín là câu hỏi của nhiều chị em nội trợ. Theo đó mực là loại hải sản có phần thịt mỏng nên rất nhanh chín. Ngoài ra tùy theo kích cỡ lớn hay nhỏ của mực mà thời gian hấp sẽ khác nhau. Nếu mực loại nhỏ, loại vừa khoảng 4 - 10 con/1kg bạn có thể hấp khoảng 5 - 10 phút là chín. Còn loại mực 1 - 3 con/1kg bạn có thể hấp khoảng 10 - 15 phút là chín. Nếu không thích hấp mực nguyên con bạn có thể thái khoanh, thái vảy rồng, tỉa hoa... để hấp nhanh chín, thấm gia vị ướp hơn.

2. Cách làm mực hấp bia

Cũng giống như rượu, bia có nhiều công dụng làm gia vị trong nhà bếp. Chúng thường được ưa chuộng thực hiện các món hấp như bạch tuộc hấp bia, cá hấp bia , ốc hấp bia, gà hấp bia, tôm hấp bia... Trong đó mực hấp bia là món ăn thường được làm mồi nhậu, món ăn chơi, ăn cơm đều phù hợp. Mùi thơm nồng nào của bia sẽ lấn át đi mùi tanh đặc trưng của hải sản.

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500gram mực tươi
  • 5 cây sả
  • 2 củ gừng
  • 300ml bia tươi
  • Gia vị: Muối, hạt nêm, tiêu xay, bột ngọt.

2.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực làm sạch bụng, bỏ mắt, răng dùng dao khứa các đường theo chiều ngang thân mực. Gừng gọt vỏ, đập dập, băm nhỏ. Sả bóc vỏ, rửa sạch đập dập.

Bước 2: Bỏ mực vào đĩa ướp cùng 1/3 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/3 thìa cà phê bột ngọt, ít tiêu trộn đều ướp khoảng 15 phút.

Bước 3: Bắc xửng hấp lên bếp cho vào ít nước cùng bia tươi. Đặt đĩa mực vào rưới lên ít bia, rắc lên gừng sả hấp khoảng 10 phút thì lấy ra.

Khứa mực hấp bia
Đổ bia phía dưới nồi hấp và rưới lên mực để tạo thêm mùi hương nồng nàn. Ảnh: Internet

Mực hấp bia có mùi thơm thoang thoảng cực thu hút. Bạn có thể pha ít nước mắm gừng hay muối ớt xanh , muối tiêu chanh chấm kèm. Món ăn rất thích hợp để làm mồi nhậu cùng bạn bè nâng ly thư giãn.

Mực hấp bia hấp dẫn
Món ăn giòn tan, thơm ngọt tự nhiên có thể kèm với nước chấm và dưa leo tăng độ ngon. Ảnh: Internet

3. Cách làm mực hấp gừng sả

Gừng sả là những hương liệu quen thuộc không thể thiếu trong các món hấp. Chúng giúp khử mùi tanh, tạo hương thơm hấp dẫn, ấm áp cho món ăn. Với mực hấp gừng sả bạn sẽ có món ăn nhẹ nhàng, cay ấm rất thích hợp cho ngày mưa.

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500gram mực ống
  • 1 nhánh gừng
  • 2 cây sả
  • 1 củ hành tây
  • 2 quả ớt
  • Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, muối, hạt nêm, tiêu xay.

3.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực ống mang về làm sạch lấy bỏ phần xương sống, bụng, túi mực, lột da. Phần đầu cắt bỏ, mắt, răng, chà xát muối rồi rửa sạch. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi. Sả bóc vỏ, rửa sạch thái lát. Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái múi cau. Ớt rửa sạch thái miếng mỏng.

Bước 2: Bỏ mực vào tô trộn đều với 1 thìa canh nước mắm, 1/3 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê hạt nêm, ít tiêu xay trộn đều.

Bước 3: Bỏ mực vào đĩa lòng sâu, rắc lên hành tây, sả, gừng, ớt lát. Tiếp theo cho mực vào xửng hấp khoảng 10 - 15 phút là tắt bếp.

Thái gừng sả
Gừng sả là các loại hương vị quen thuộc thường thấy trong các món hấp giúp khử mùi, tạo sự ấm áp. Ảnh: Internet

Cách làm mực hấp gừng sả khá đơn giản và không mất nhiều thời gian. Món ăn rất thích hợp để chị em bận rộn thực hiện nhanh chăm sóc gia đình. Với món ăn này bạn có thể rủ thêm bạn bè nhâm nhi vài lon lúc buồn chán.

Mực hấp gừng sả
Mực hấp gừng sả ấm nóng có thể dùng để giải cảm, làm ấm bụng, dễ tiêu hóa... Ảnh: Internet

4. Cách làm mực hấp Thái

Nếu bạn đã quá quen thuộc với các món hấp bình thường hãy thử thay đối với mực hấp Thái. Món ăn nhà rất nổi tiếng trong các nhà hàng Thái được giới trẻ yêu thích. Thỉnh thoảng bạn có thể thực hiện để làm món khai vị cực ngon.

4.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500gram mực
  • 15gram tỏi
  • 4 nhánh rò rí
  • 2 quả chanh
  • Ớt sừng, ớt đỏ cay
  • 40gram đường thốt nốt
  • Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, tiêu,

4.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực làm sạch, lột da, chà muối chanh, rửa sạch để ráo nước. Khứa mực thành các khoanh không đứt rời để tạo sự đẹp mắt.

Bước 2: Tỏi băm nhỏ, (40gram) ớt xanh và ớt đỏ thái nhuyễn. Ngò rửa sạch để nguyên phần rễ cắt nhỏ.

Bước 3: Pha vào chén 40gram đường thốt nốt, 30ml nước sôi khuấy đều cho đường tan ra. Tiếp theo cho vào 40gram nước mắm, 40ml nước cốt chanh khuấy đều. Tiếp theo đổ hết phần nước mắm vào tỏi, ớt ngò khuấy đều.

Bước 3: Xếp mực vào đĩa bỏ vào nồi hấp cách thủy với lửa vừa. Khi nước sôi bạn để khoảng 5 phút thì lấy mực ra.

Bước 4: Gấp mực để ra đĩa rưới lên nước sốt chua ngọt là hoàn thành món ăn.

Pha mắm Thái
Sau khi hấp mực chín bạn có thể dùng kéo cắt chúng rời ra theo các đường khứa cho dễ ăn. Ảnh: Internet

Món mực hấp Thái có cách làm đơn giản, nhẹ nhàng. Theo đó chúng mang đến hương vị lạ miệng, giòn ngọt tự nhiên cay cay cực ngon. Tin rằng món hấp này sẽ là trải nghiệm thú vị cho các tín đồ mê ăn cay.

Mực pha mắm Thái
Món ăn rực rỡ chua cay vừa miệng khiến các tín đồ mê ăn cay yêu thích. Ảnh: Internet

5. Cách làm mực hấp nước dừa

Mực hấp nước dừa là món ăn đặc trưng khoái khẩu của người miền Tây. Món ăn có vị thơm ngọt tự nhiên vô cùng đậm đà. Thỉnh thoảng khi về quê hương Nam Bộ bạn sẽ có dịp thưởng thức món ăn dân dã nhưng đậm chất quê nhà.

5.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg mực
  • 1 củ gừng
  • 4 cây sả
  • Hành tím phi
  • 2 quả chanh
  • Nước 2 quả dừa xiêm
  • Gia vị: Đường, tiêu, rượu trắng, dầu ăn, muối.

5.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực làm sạch, bỏ vào nước rửa sạch. Giã nát 1/2 củ gừng thêm vào 1 chén rượu trắng trộn đều đổ vào trong mực nhồi bóp khử mùi tanh. Tiếp theo rửa sạch mực lại với nước nhiều lần. Khứa mực thành các đường vảy rồng để khi hấp chín đẹp mắt hơn.

Bước 2: Ướp mực với sả đập dập cắt khúc, 1 thìa canh hành tím phi, 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa canh rượu trắng, 1 thìa canh gừng băm, 1/2 thìa canh muối. Trộn đều mực với tất cả gia vị để ướp 10 phút cho thấm.

Bước 3: Đổ vào tô mực nước dừa xiêm. Sau cho nước xâm xấp mặt mực là được. Bỏ chúng vào nồi hấp cách thủy hấp khoảng 15 phút kể thì khi nước sôi.

Nước dừa xiêm đổ vào mực
Mực rửa thạch sạch, thái hình hoa mang ướp rồi hấp cùng nước dừa tươi. Ảnh: Internet

Sau khi mực được hấp chín thì lấy ra múc ra đĩa chấm cùng muối tiêu chanh sẽ rất ngon. Thịt mực dai giòn hòa mình trong nước dừa ngọt tự nhiên càng ăn càng thích. Mùi sả gừng, thoang thoảng khiến bạn không thể dừng đũa ăn cực phấn khích.

Mực hấp nước dừa
Món ăn mang đậm phong cách ẩm thực miền Tây gây thương nhớ mỗi lần xa quê. Ảnh: Internet

6. Cách làm mực hấp lá lốt

Lá lốt là một trong những loại nguyên liệu thường được ăn kèm với nhiều món ăn. Trong đó tiêu biểu có thể kể đến thịt bò nướng lá lốt, cà tím bung thịt lá lốt, ếch xào lá lốt ... Đặc biệt mực hấp lá lốt cũng mang đến vị ngon khó cưỡng. Được biết mực và lá lốt trong Đông Y đều rất tốt cho xương khớp, tránh loãng xương và bổ xung nhiều chất dinh dưỡng.

6.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 500gram mực
  • 20 lá lốt
  • 1 củ gừng
  • 1 cây sả
  • 1/2 củ hành tây
  • Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, tiêu xay

6.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực nắm phần râu kéo ra khỏi thân. Tiếp theo rút bỏ nang mực, bỏ hết nội tạng, lột sạch da. Phần đầu mực cắt bỏ mắt, răng. Chà mực với muối và giấm sau đó rửa sạch lại.

Bước 2: Cắt mực thành các khúc vừa ăn, bỏ vào tô. Ướp mực cùng 1/2 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, ít tiêu xay, 1 thìa cà phê hạt nêm trộn đều.

Bước 3: Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi. Sả rửa sạch thái lát, cắt khúc. Lá lốt rửa sạch 1 phần thái nhuyễn, 1 phần để nguyên. Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái múi cau.

Bước 4: Xếp lá lốt vào đĩa tiếp theo cho hết phần mực đã ướp vào. Bỏ toàn bộ phần lá lốt thái nhỏ, hành tây, sả, gừng lên. Bỏ mực vào hấp khoảng 10 - 15 phút thì tắt bếp. Để yên 2 phút rồi vớt ra ngoài thưởng thức.

Thái lá lốt
Lá lốt lấy vài lá thái sợi phần còn lại lót dưới đĩa rồi trải mực lên hấp. Ảnh: Internet

Mực hấp lá lốt có mùi thơm đặc trưng cực lôi cuốn. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sự dai giòn, vừa miệng. Tin rằng cách hấp mực ống thơm ngon sẽ là món ăn ấm áp cho những ngày mưa gió, lạnh lẽo.

Hấp mực lá lốt
Lá lốt kết hợp với mực tạo ra món ăn thanh mát rất thích hợp cho ngày hè nóng bứt. Ảnh: Internet

7. Cách làm mực hấp lá ổi

Mực hấp lá ổi là một trong những món ăn lạ lẫm đối với chị em nội trợ. Theo đó đây là món ăn dân dã của người miền Tây thường xuyên thực hiện. Bởi nguyên liệu lá ổi dễ tìm trong vườn nhà, chúng có tác dụng giúp mực thơm hơn, khử mùi tanh. Không những thế lá ổi còn có vị chát ăn nên thuốc, điều trị được viêm họng, đau răng, tiêu chảy, hạn chế tiểu đường, giảm cân, chữa cảm lạnh ho...

7.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 400gram mực ống
  • 15 miếng lá ổi
  • Gia vị: Ớt bột, bột canh, tiêu xay.

7.2. Các bước thực hiện

Bước 1: Mực mua về làm sạch, chà muối, rửa sạch, cắt thành các miếng vừa ăn. Lá ổi mang rửa sạch, để ráo nước.

Bước 2: Mực bỏ vào tô ướp cùng 1/2 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê ớt bột, ít tiêu xay. Trộn đều cho gia vị thấm trong 15 phút.

Bước 3: Lót lá ổi dưới xửng hấp, tiếp theo xếp mực lên phía trên. Phần lá ổi còn lại để dưới đáy nồi hấp. Tiến hành hấp mực khoảng 15 phút kể từ khi nước sôi. Sau đó tắt bếp gấp mực ra đĩa là có thể đánh chén ngay.

Rừa lá ổi
Lá ổi rửa sạch lót phía dưới để hấp cùng mực. Ảnh: Internet

Mực hấp lá ổi sẽ mang đến món ăn hấp dẫn, thơm ngon. Khi ăn bạn sẽ thấy hương thơm lá ổi hòa quyện trong từng thớ thịt dai giòn. Sẽ càng tuyệt vời khi bạn ăn mực kèm theo lá ổi non. Cuốn mực vào lá ổi chấm miếng tương ớt là ngon tuyệt đỉnh.

Mực hấp lá ổi
Phần lá ổi giúp bổ sung chất xơ cân bằng lại dinh dưỡng cho cơ thể khi nạp quá nhiều đạm. Ảnh: Interne

8. Cách làm nước chấm mực hấp

Mực hấp là món hải sản phổ biến nên nước chấm dành cho món ăn này cũng đa dạng không kém. Theo đó một vài loại nước chấm thường xuyên được sử dụng cho món ăn này có thể kể đến như muối ớt xanh, muối ớt đỏ, muối tiêu chanh, nước mắm gừng ... Tùy theo sở thích bạn có thể lựa chọn phù hợp. Dưới đây cùng tham khảo một số loại nước chấm tiêu biểu nhé!

8.1. Nước chấm muối ớt đỏ

Nguyên liệu: 100gram ớt sừng đỏ, 100gram ớt chuông đỏ, 200ml nước cốt tắc, 200gram sữa đặc, 60gram muối, 25gram bột ngọt.

Cách thực hiện: Ớt rửa sạch, bổ theo chiều dọc, dùng thìa nạo sạch hạt, bỏ cuống. Cắt ớt thành các lát nhỏ vừa xay. Sau đó cho ớt đỏ, ớt chuông, đường, muối, bột ngọt, sữa đặc, nước cốt tắc theo lượng đã chuẩn bị vào máy xay sinh tố. Nhấn nút xay nhuyễn mịn hỗn hợp rồi đổ ra chén bạn sẽ có nước chấm muối ớt đỏ.

8.2. Nước chấm muối ớt xanh

Nguyên liệu: 100gram ớt xiêm xanh, 100gram cải bẹ xanh, 200ml nước cốt tắc, 200gram sữa đặc, 200gram đường, 60gram muối, 25gram bột ngọt.

Cách thực hiện: Ớt bỏ cuống, rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc dùng thìa nạo bỏ hết phần ruột. Cải xanh bẹ xanh cắt bỏ gốc già, rửa sạch, để ráo, cắt khúc nhỏ. Bỏ ớt xanh, cải bẹ xanh, đường, muối, bột ngọt, sữa đặc, nước cốt tắc theo lượng đã chuẩn bị vào máy xay sinh tố. Bấm nút xay nhuyễn hỗn hợp bạn sẽ có phần nước chấm muối ớt xanh vừa miệng, cực ngon.

Muối ớt xanh
Muối ớt xanh thường được các tín đồ sành ăn chấm với mực hấp và các món hải sản khác. Ảnh: Internet

8.3. Cách làm nước mắm gừng

Nguyên liệu: 1 củ gừng nhỏ, 2 quả ớt, 3 tép tỏi, 4 thìa canh đường, 5 thìa canh nước nóng, 5 thìa canh nước mắm, 3 quả tắc, 1 thìa canh bột ngọt.

Cách thực hiện: Tỏi, gừng gọt vỏ bỏ vào cối xay. Tiêp theo cho vào ớt, đường, bột ngọt vào cối giã nát nhuyễn. Sau đó cho hỗn hợp vừa giã vào tô. Cho vào nước nóng, nước mắm, nước cốt tắc vào nêm nếm lại cho vừa miệng.

Nước mắm gừng
Nước mắm gừng mặn mặn, chay cay chấm cùng mực hấp là hết ý. Ảnh: Internet

8.4. Cách làm muối tiêu chanh

Nguyên liệu: 2 thìa canh muối hạt, 3 thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê đường, 2 quả ớt trái, 1 quả chanh.

Cách thực hiện: Bỏ muối, bột ngọt, đường, tiêu xay, ớt vào cối giã nhuyễn. Sau đó cho chúng vào nồi bắt lên bếp rang khô rồi đổ ra chén. Thái chanh vắt vào là có thể chấm cùng mực hấp thơm ngon.

Mực hấp là một trong những món ăn rất thích hợp nhâm nhi vào ngày mưa gió. Thỉnh thoảng bạn cũng có thể chiêu đãi cả nhà món ăn để tẩm bổ sức khỏe, thay đổi khẩu vị. Đây cũng là món nhậu lý tưởng để mọi người nâng ly đánh chén xả stress tuyệt vời.

Ngọc Hân

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI