1. Nguyên nhân và dấu hiệu của trẻ bị ban sởi
1.1. Nguyên nhân
Sởi là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trong lứa tuổi từ 1-4 và thường xuất hiện nhiều khi bắt đầu vào mùa đông xuân. Sởi là một bệnh lành tính do virus sởi gây ra và là một bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp nên phải được chú ý từ mọi người để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch.
1.2. Dấu hiệu trẻ bị ban sởi
Trẻ bị ban sởi có diễn tiến bệnh rất rõ ràng mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát.
Ban đầu từ khi trẻ bị nhiễm vi rút sởi cũng là lúc quá trình ủ bệnh diễn ra ở trẻ. Quá trình này kéo dài khoảng 10-12 ngày và trong lúc này vẫn có thể chưa có dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, ở một số trẻ bị sởi ở thời điểm này cũng có thể xuất hiện những cơn sốt nhẹ.
Sau quá trình ủ bệnh, trẻ bị sởi xuất hiện những cơn sốt cao có thể kèm co giật. Bên cạnh đó, trẻ có các triệu chứng viêm long như: ho, sổ mũi, chảy nước mắt có đổ ghèn nhiều, viêm kết mạc mắt , đau nhức cơ thể, mí mắt sưng phù nên dễ nhạy cảm với ánh sáng... trẻ trở nên mệt mỏi, biếng ăn.
Tiếp theo đó là thời kỳ toàn phát của trẻ bị ban sởi. Dấu hiệu rõ ràng nhất ở giai đoạn này mà cha mẹ có thể nhận thấy là trên cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện những vết ban sởi có màu hồng nhạt, khi dùng tay ấn vào thì biến mất và có xu hướng kết dính với nhau. Các vết ban này mọc theo thứ tự, bắt đầu từ phía sau tai, lan sang mặt, xuống cổ và bụng, lưng, hai chi trước rồi từ hông của trẻ lan xuống chân. Trẻ bị ban sởi nhưng không gây ngứa hoặc nếu ngứa thì chỉ ngứa nhẹ.
Cuối cùng, sau khoảng 1 tuần những vết ban bắt đầu biến mất, ban nào xuất hiện trước sẽ bay trước và xuất hiện sau bay sau. Khi hết các vết ban thì trên cơ trẻ để lại những vết thâm và một thời gian không lâu sau đó, các vết thâm này cũng tự động biến mất. Trẻ bước đầu hồi phục sức khỏe trở lại.
2. Trẻ bị ban sởi có nguy hiểm không
Tuy là một bệnh lành tính, trẻ bị ban sởi hoàn toàn có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng mà không để lại những tác động xấu về sau. Nhưng, nếu khi trẻ bị sởi không được phát hiện sớm và được chăm sóc điều trị kịp thời rất có thể để lại những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như sự phát triển thể chất của trẻ sau này.
Một số biến chứng do bệnh sởi gây ra có thể kể đến như: bội nhiễm, suy dinh dưỡng sau bệnh, viêm tai giữa , viêm phổi, viêm thanh quản và viêm phế quản, viêm não. Hoặc có biến chứng khác như nguy cơ mù lòa, viêm loét giác mạc...Thậm chí trường hợp nặng hơn có thể tử vong.
Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu về bệnh sởi ở trẻ em để có thể nhận diện và xử lý tình huống nếu trẻ có nguy cơ mắc phải. Quan trọng hết trong việc xử lý và phát hiện và đưa trẻ đi thăm khám để có liệu trình điều trị, chăm sóc phù hợp ở dịch vụ y tế và tại nhà.
3. Điều trị cho trẻ bị ban sởi và cách phòng ngừa
Bệnh sởi tuy là một bệnh phổ biến ở trẻ nhưng cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, khi trẻ bị ban sởi thì việc can thiệp y tế để giảm bớt triệu chứng bệnh của trẻ và chăm sóc tại nhà là một yếu tố góp phần quyết định.
3.1. Điều trị cho trẻ bị ban sởi
Khi trẻ bị ban sởi, cần làm theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ về cách sử dụng thuốc cũng như những khuyến nghị kèm theo.
Tại nhà, cha mẹ cần chăm sóc tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ mau chóng phục hồi sức khỏe. Đó là sự kết hợp giữa:
3.1.1. Nghỉ ngơi hợp lý
Việc nghỉ ngơi hợp lý bao gồm: không gian yên tĩnh, thông thoáng, sạch sẽ.
3.1.2. Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý cụ thể như:
- Bổ sung cho trẻ nguồn thực phẩm đa dạng, cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ, ngay cả khi trẻ đã hồi phục cũng nên bồi bổ thêm khoảng 2 tuần.
- Trong khẩu phần ăn của trẻ bị ban sởi cần có:
+ Thực phẩm giàu đạm của các loại thịt đỏ: thịt bò, cừu, thịt heo nạc...
+ Nguồn rau xanh tốt như: rau cải thìa, rau bó xôi, rau tần ô, rau ngót, củ cải đường...
+ Trái cây hoặc nước ép, tốt nhất vẫn là các loại như: cam, táo, lê, xoài, ổi, chuối, đu đủ.
- Cha mẹ nên cho con ăn các loại thức ăn lỏng. Hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày để giúp trẻ dễ hấp thu dinh dưỡng và có cảm giác thèm ăn.
- Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các thức ăn khó tiêu và có thể gây dị ứng như: cá biển, thịt ngựa, dê, các loại côn trùng...
3.1.3. Chú ý vấn đề vệ sinh khi trẻ bị ban sởi
Cha mẹ cần phải:
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm hoặc lau người bằng nước ấm. Vì nếu cơ thể không sạch sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập hay viêm nhiễm, làm nghiêm trọng thêm tình trạng bệnh ở trẻ.
- Cho trẻ bị ban sởi mặc quần áo rộng, có độ thấm hút tốt, sạch sẽ để không gây xây xước các vết ban.
3.2. Cách phòng ngừa
Mặc dù chưa có thuốc đặc trị cho bệnh sởi ở trẻ, nhưng đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em.
Vắc xin phòng bệnh sởi là một trong những vắc xin bắt buộc tiêm cho trẻ, nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta hiện nay. Vì vậy, phụ huynh hãy cho trẻ tiêm phòng sởi để góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ thêm phần hiệu quả.
Trẻ bị ban sởi rất phổ biến nhưng những nguy cơ biến chứng thì không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên ghi vào sổ tay những bệnh thường gặp ở trẻ em, trong đó bao gồm cả bệnh sởi. Cần nắm những thông tin như dấu hiệu, cách điều trị và phòng bệnh. Qua đó, chúng ta có thể chăm sóc sức khỏe cho con trẻ một cách tốt nhất cho dù là trong điều kiện nào.
Trần Trần tổng hợp