1. Sốt là khi nhiệt độ trực tràng của bé từ 38 độ C (100.4 độ F) trở lên
Bạn thấy bé thức dậy với đôi má đỏ hồng và làn da nóng, việc đầu tiên bạn làm là lấy nhiệt kế trực tràng kỹ thuật số để đo nhiệt độ trực tràng của bé. Con số hiện ra là 37.7 độ C (99.9 độ F). Lúc này bạn phân vân có nên cho bé uống thuốc hay đưa bé đến bác sỹ hay không. Đây có lẽ là tâm trạng chung của tất cả các bậc cha mẹ nếu rơi vào tình huống này. Về cơ bản thì nhiệt độ này chưa đủ điều kiện để kết luận trẻ bị sốt, nhiệt độ trực tràng dưới 38 độ C (100.4 độ F) được coi là bình thường kể cả ở trẻ nhỏ.
Nhiệt độ cơ thể ở trẻ sơ sinh – cũng như người lớn – có thể tăng nhẹ vì nhiều lý do, từ gắng sức đến tắm nước ấm hay hơi mệt mỏi. Ngay cả thời gian trong ngày cũng có thể tác động đến vấn đề này, thường nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng nhẹ vào cuối buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng sớm. Vì vậy, trừ khi nhiệt kế trực tràng cho thấy nhiệt độ ở 38 độ C (100.4 độ F) trở lên, bạn có thể xem là trẻ không bị sốt.
Lưu ý : đột quỵ do nhiệt đôi khi có thể bị nhầm lẫn với sốt. Tình trạng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng đến mức nguy hiểm (ví dụ như khi bạn ủ ấm cho bé quá mức trong thời tiết nóng). Để tránh đột quỵ do nhiệt, khi trời nóng bạn hãy cho trẻ mặc đồ mỏng nhẹ, rộng rãi, thoáng mát và không bao giờ để trẻ nằm trong xe kín dù chỉ một phút.
2. Nhiệt độ đo ở trực tràng là chính xác nhất
Bạn có thể thấy bất tiện khi sử dụng nhiệt kế trực tràng kỹ thuật số để đo nhiệt độ cơ thể bé. Tuy nhiên, đây là cách tốt nhất để có được chỉ số nhiệt độ chính xác ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Hiện nay các bác sỹ và chuyên gia khuyến cáo chúng ta không sử dụng nhiệt kế thủy tinh vì nếu lớp thủy tinh bị hỏng, thủy ngân độc hại bên trong có thể gây hại cho em bé.
Chỉ cần một chiếc nhiệt kế trực tràng là đủ cung cấp nhiệt độ cơ thể một cách chính xác nhất (TheoTyeese Gaines – một bác sỹ cấp cứu ở New Jersey). Chỉ số nhiệt độ đo ở nách, trán thậm chí tai đều không chính xác được như vậy.
Các loại nhiệt kế khác có thể thể hiện nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Vì vậy nếu không sử dụng nhiệt kế trực tràng, bạn có thể bỏ qua một cơn sốt thực sự, hoặc bị quá căng thẳng dẫn đến việc đưa trẻ đến phòng cấp cứu một cách không cần thiết.
3. Sốt do vi khuẩn và virus – sự khác biệt bạn không thể xem thường
Carrie Brown – bác sỹ nhi tại bệnh viện Nhi Arkansas ở Little Rock, Arkansas cho biết: sốt siêu vi xảy ra khi cơ thể của bé chống lại một căn bệnh do virus gây ra, cho dù đó là nhiễm trùng đường ruột, cúm hay cảm lạnh thông thường. Sốt siêu vi có xu hướng giảm trong vòng 3 ngày. Kháng sinh trong trường hợp này là không cần thiết vì chúng không có tác dụng đối với virus.
Mặt khác, sốt do vi khuẩn là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra như nhiễm trùng tai, viêm đường tiết niệu, viêm màng não hay viêm phổi. Nhiễm trùng do vi khuẩn ít phổ biến hơn do virus nhưng đáng lo ngại hơn vì chúng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Bạn hãy cho trẻ đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ để được thăm khám và điều trị (nếu cần thiết) khi trẻ sốt như sau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi và có nhiệt độ trực tràng từ 38 độ C (100.4 độ F) trở lên
- Trẻ dưới 2 tuổi và sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Trẻ được 2 tuổi trở lên và sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Trẻ sốt liên tục và nhiệt độ tăng trên 40 độ C (104 độ F) bất kể con bao nhiêu tuổi.
4. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, sốt là một tình trạng khẩn cấp
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, nhiệt độ trực tràng từ 38 độ C (100.4 độ F) trở lên cần phải được bác sỹ xem xét càng sớm càng tốt.
Khi trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, bạn nên đưa con đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế ngay lập tức kể cả đó là lúc nửa đêm. Bạn đừng cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào để hạ sốt trừ khi được bác sỹ khuyên dùng – vì việc hạ sốt có thể che giấu một triệu chứng nghiêm trọng và khiến việc chẩn đoán bệnh cho bé gặp khó khắn.
Lý do khiến tình trạng sốt ở trẻ dưới 3 tháng tuổi là khẩn cấp gồm:
- Lớp màng bảo vệ giữa máu và hệ thần kinh trung ương ở trẻ nhỏ rất mỏng manh. Do đó, khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, các loại vi khuẩn có thể dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ và gây ra thiệt hại nhanh chóng và nghiêm trọng cho cơ thể trẻ, đặc biệt là đối với não bộ. (theo bác sỹ Brown)
- Trẻ nhỏ không có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như trẻ lớn. Một em bé có thể bị nhiễm trùng huyết mà không biểu hiện các triệu chứng điển hình. (theo bác sỹ Gaines)
Nếu sốt ở trẻ là do virus thì bạn không cần phải lo lắng về nguy cơ nhiễm trùng huyết. Nhưng vấn đề ở đây là không thể phân biệt giữa sốt do virus và sốt do vi khuẩn chỉ bằng khám lâm sàng. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh bị sốt có thể cần xét nghiệm máu, nước tiểu, phân hoặc chụp X-quang để xác định xem trẻ có bị nhiễm vi khuẩn hay không (các xét nghiệm cụ thể được chỉ định tùy thuộc vào độ tuổi và triệu chứng của bé).
Trẻ sơ sinh bị sốt cũng có thể cần phải xét nghiệm dịch tủy sống để kiểm tra tình trạng viêm màng não , một loại bệnh không phổ biến nhưng nguy hiểm, gây viêm lớp màng bảo vệ bao phủ não và tủy sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể để lại di chứng hoặc tử vong.
5. Hãy điều trị triệu chứng, không phải con số
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng trẻ càng sốt cao nghĩa là con càng ốm nặng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Một đứa trẻ có nhiệt độ trên 39 độ C (103 độ F) có thể vẫn hoàn toàn thoải mái, vui vẻ chơi đùa. Trong khi một em bé khác chỉ hơn 38 độ C (101 độ F) nhưng rất mệt mỏi và quấy khiến bạn phải ôm bé liên tục.
Điều này có nghĩa là nếu trẻ bị sốt mà vẫn thấy thoải mái thì không cần phải dùng thuốc giảm sốt cho trẻ? Đúng là như vậy. Như bác sỹ nhi khoa và là người phát ngôn của AAP đã nói: “Điều trị sự khó chịu, thay vì sốt.”
Bạn hãy nhớ rằng sốt là phản ứng của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Sốt làm cho cơ thể trẻ bớt “hiếu khách” với vi trùng đồng thời kích hoạt hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như các tế bào bạch cầu chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập.
Bạn hãy chú ý đến những triệu chứng và hành vi của bé để xác định bé bị bệnh như thế nào, và hỏi bác sỹ để được tư vấn điều trị dựa trên những dấu hiệu đó. Theo bác sỹ Graines thì “Điều quan trọng hơn nhiều là xem xét các triệu chứng. Ví dụ, sự thờ ơ và mệt mỏi có thể giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn là nhiệt độ.”
6. Sốt là một phản ứng lành mạnh
Bất chấp những gì bạn có thể nghe thấy, thì sốt thực ra sẽ không làm tổn thương não của trẻ. “Nói chung, sốt không gây ra bất kỳ tác hại nào.” Bác sỹ Graines nói. Ngay cả những cơn co giật do sốt mà một số trẻ em phản ứng với sự tăng đột biến của nhiệt độ cơ thể hầu như luôn vô hại. (Trong những trường hợp hiếm hoi, trẻ có thể hít phải nước bọt hoặc chất nôn của chính mình trong cơn động kinh và bị viêm phổi, hoặc chúng có thể bị ngã hay va đập vào bề mặt cứng dẫn đến bị thương)
Khi bạn đang bế trẻ ở tình trạng nóng hổi trên tay và sự lo lắng bắt đầu nhen nhóm và ngày càng tăng lên, bạn hãy cố gắng nhớ rằng cơn sốt là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt.
Tất nhiên, điều quan trọng là bạn phải hỏi ý kiến bác sỹ, nhưng đại đa số trẻ sơ sinh bị sốt đều hồi phục tốt.
Như bác sỹ Graines giải thích, cho dù đó là nhiêm trùng do vi khuẩn hay virus hay tác dụng phụ của tiêm chủng, thì nhiệt độ tăng là phản ứng miễn dịch tự nhiên. Vì vậy, bạn hãy yên tâm rằng hệ thống miễn dịch của bé đang thực hiện chính xác những gì nó phải làm.
7. Bạn hãy sử dụng thuốc thận trọng khi trẻ sốt
Các loại thuốc như ibuprofen (dành cho trẻ ít nhất 6 tháng tuổi) và acetaminophen có thể tạm thời giúp hạ sốt và giảm khó chịu cho trẻ. Nhưng trước tiên bạn hãy thử giảm nhiệt độ cơ thể trẻ bằng cách tắm bọt biển với nước ấm. Bạn hãy dùng miếng bọt biển hoặc khăn mềm nhúng nước ấm 30-32 độ C (85-90 độ F) và lau người cho bé, đặc biệt là vùng trán và nách. Biện pháp này có thể mang lại hiệu quả đáng ngạc nhiên đấy.
Một cách khác có thể giúp bé thấy dễ chịu hơn đó là giữ cơ thể bé được bổ sung đủ chất lỏng. Vì vậy bạn tăng cường cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức.
Việc mặc quần áo rộng, mỏng, thoáng mát và tạo môi trường mát mẻ cũng có thể giúp ích cho trẻ rất nhiều. Ví dụ, nếu phòng bạn ấm nhưng ngột ngạt, hãy dùng quạt để lường không khí chuyển động, làm cho căn phòng thoáng hơn.
Nếu bé vẫn tỏ ra khó chịu, thì thuốc hạ sốt sẽ là biện pháp bạn nên sử dụng. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không cho trẻ dưới 3 tháng tuổi uống bất kỳ loại thuốc nào mà không được sự cho phép của bác sỹ. Đồng thời, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn quan trọng sau đây:
- Nếu trẻ dưới 2 tuổi, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ về liều lượng thuốc hạ sốt phù hợp.
- Nếu trẻ từ 3-6 tháng bạn có thể cho uống acetaminophen nhưng không dùng ibuprofen. Bắt đầu từ 6 tháng tuổi hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể dùng cả hai loại thuốc này.
- Liều lượng thuốc hạ sốt được xác định theo cân nặng của trẻ chứ không phải theo tuổi.
- Không cho trẻ uống aspirin vì nó có thể gây hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
- Nếu trẻ đang ngủ ngon, bạn không cần đánh thức trẻ để uống thuốc hạ sốt (theo AAP). Thay vào đó, hãy để trẻ tiếp tục ngủ và bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi một chút trong thời gian này.
Trẻ bị sốt như đã đề cập ở trên là phản ứng của cơ thể trẻ khi bị virus hoặc vi khuẩn xâm nhập và tình trạng này không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng. Vì vậy bạn đừng quá lo lắng khi một buổi sáng đẹp trời thấy trán trẻ nóng hơn bình thường. Tuy vậy bạn cũng không nên chủ quan mà hãy theo dõi trẻ thật kỹ và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể con nếu bạn thấy con có dấu hiệu bị sốt, đặc biệt nếu có kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, buồn nôn,…Như vậy bạn có thể phát hiện ra bất kì dấu hiệu bất thường nào để đưa trẻ đến cơ sở y tế một cách kịp thời.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch