1. Một số câu hỏi trắc nghiệm trẻ tự kỷ
1.1. Tự kỷ là một khiếm khuyết về phát triển
- Đúng
- Sai
1.2. Giới tính nào có tỷ lệ mắc tự kỷ cao hơn?
- Nam
- Nữ
1.3. Nguyên nhân gây ra Hội chứng Phổ Tự kỷ hầu hết là do di truyền?
- Đúng
- Sai
1.4. Điều kiện nào sau đây cũng là một dạng của tự kỷ?
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Động kinh.
- Rối loạn hoảng sợ.
- Hội chứng Asperger.
1.5. Không có phương pháp điều trị đối với Hội chứng tự kỷ?
- Đúng
- Sai
1.6. Tự kỷ bao gồm một loạt các triệu chứng và rối loạn?
- Đúng
- Sai
1.7. Những người mẹ ban đầu bị đổ lỗi cho chứng tự kỷ của con họ?
- Đúng
- Sai
1.8. Triệu chứng của mọi trẻ bị tự kỷ thường giống nhau?
- Đúng
- Sai
2. Đáp án và giải thích về trắc nghiệm trẻ tự kỷ
2.1. Tự kỷ là một khiếm khuyết về phát triển
- Đúng X
- Sai
Giải thích : Rối loạn phổ tự kỷ – Autism Spectrum Disorder (ASD) – thường được gọi đơn giản là tự kỷ. Đây là khái niệm dùng để chỉ một khuyết tật về phát triển ảnh hưởng đến cách trẻ giao tiếp bằng lời nói và cử chỉ phi ngôn ngữ, cũng như cách trẻ tương tác, cư xử và học hỏi.
Những trẻ hoặc người lớn bị tự kỷ trông không khác biệt, nhưng cách họ tương tác với thế giới xung quanh thì khác. Cách những trẻ mắc ASD học, suy nghĩ và giải quyết vấn đề có thể khác nhau. Từ việc chúng/ họ có năng khiếu về toán học, nghệ thuật, âm nhạc, tầm nhìn cho đến việc chúng bị thách thức nghiêm trọng cả về tinh thần và thể chất. Một số trẻ tự kỷ khi lớn lên có thể sống độc lập, trong khi một số khác cần được hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày.
2.2. Giới tính nào có tỷ lệ mắc tự kỷ cao hơn?
- Nam X
- Nữ
Giải thích : Các bé trai thường được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao hơn các bé gái đến 4 lần. Cứ 68 trẻ em ở Hoa Kỳ thì có 1 trẻ bị chẩn đoán bị tự kỷ và điều này xuất hiện ở mọi chủng tộc, khu vực và tình trạng kinh tế xã hội.
Khoảng 40% người được chẩn đoán bị tự kỷ là người không nói được. Khoảng 25 – 30% trẻ tự kỷ có thể nói một số từ trong khoảng 12 – 18 tháng tuổi, nhưng sau đó lại đánh mất khả năng nói chúng. Những trẻ khác có thể đạt được kỹ năng nói sau này.
2.3. Nguyên nhân gây ra Hội chứng Phổ Tự kỷ hầu hết là do di truyền?
- Đúng
- Sai X
Giải thích : Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố rằng yếu tố di truyền có thể khiến một người có khuynh hướng phát triển chứng tự kỷ, nhưng yếu tố môi trường cũng là một trong số nguyên nhân. Trong 20 năm qua, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ đã tăng nhanh đến mức di truyền không còn là nguyên nhân chủ yếu duy nhất.
2.4. Điều kiện nào sau đây cũng là một dạng của tự kỷ?
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Động kinh.
- Rối loạn hoảng sợ.
- Hội chứng Asperger X.
Giải thích : Một tình trạng cũng nằm trong Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ đó là Hội chứng Asperger. Đặc trưng của hội chứng này là sự suy giảm khả năng xã hội, khó khăn trong giao tiếp và các kiểu hành vi hạn chế, lặp đi lặp lại và rập khuôn.
Rối loạn Phổ Tự kỷ là một loại rối loạn phát triển thần kinh xuất hiện từ khi trẻ còn nhỏ. Thời điểm lý tưởng để hỗ trợ và điều trị cho trẻ là trước khi con được 2 tuổi, với điều kiện là trẻ được sàng lọc và chẩn đoán ở độ tuổi này. Tuy nhiên, nhiều trẻ thường không được phát hiện cho đến sau này.
2.5. Không có phương pháp điều trị đối với Hội chứng tự kỷ?
- Đúng
- Sai X
Giải thích : Trên thực tế, vẫn chưa có phương pháp điều trị để chữa khỏi chứng tự kỷ hay các triệu chứng chủ yếu của hội chứng này. Tuy nhiên, có một số loại thuốc có thể giúp một số trẻ/ người tự kỷ hoạt động tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Thuốc có thể được sử dụng để kiểm soát mức năng lượng cao, giúp trẻ tập trung, điều trị trầm cảm hoặc kiểm soát cơn động kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc đều ảnh hưởng đến trẻ theo cách giống nhau. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải làm việc với bác sĩ có kinh nghiệm điều trị ASD ở trẻ em để xác định loại thuốc phù hợp. Đồng thời, bác sĩ sẽ kết hợp cùng bạn để theo dõi sự tiến triển của trẻ cũng như quản lý bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào.
2.6. Tự kỷ bao gồm một loạt các triệu chứng và rối loạn?
- Đúng X
- Sai
Giải thích : Thuật ngữ “tự kỷ” được dùng để mô tả một nhóm các rối loạn phát triển phức tạp của não bộ được gọi là “ Rối loạn phát triển lan tỏa – Pervasive Developmental Disorders (PDD)”. Những rối loạn này bao gồm Hội chứng Asperger, Hội chứng Rett và Hội chứng Rối loạn Hòa nhập thời thơ ấu. Nhiều bậc cha mẹ và các chuyên gia gọi chung nhóm này là Rối loạn phổ tự kỷ.
2.7. Những người mẹ ban đầu bị đổ lỗi cho chứng tự kỷ của con họ?
- Đúng X
- Sai
Giải thích : Trong quá khứ, các bà mẹ bị đổ lỗi cho chứng tự kỷ của con họ. Những phụ nữ có con bị tự kỷ bị gọi là “bà mẹ tủ lạnh” vì bị buộc tội là có cảm xúc lạnh nhạt với con họ, gây ra chứng tự kỷ. Điều này khiến nhiều bà mẹ mặc cảm và nghi ngờ kỹ năng nuôi dạy con cái của mình. May mắn thay, lý thuyết về việc cách nuôi dạy con cái gây ra chứng tự kỷ đã bị mất uy tín một cách rộng rãi.
2.8. Triệu chứng của mọi trẻ bị tự kỷ thường giống nhau?
- Đúng
- Sai X
Giải thích : Các triệu chứng của Hội chứng tự kỷ khác nhau ở mỗi trẻ. Một số triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ này nhưng không xuất hiện ở trẻ khác. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó kết bạn. Nhiều trẻ mắc ASD tránh giao tiếp bằng mắt hoặc muốn ở một mình.
- Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ (echolalia).
- Khó thích nghi với những thay đổi trong thói quen hàng ngày.
- Lặp đi lặp lại các hành động và mong muốn mạnh mẽ tuân thủ các thói quen một cách nghiêm ngặt để trẻ có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra.
- Vỗ tay, lắc lư cơ thể hoặc xoay tròn.
- Phản ứng bất thường đối với nhận thức giác quan (cách nghe, nhìn, cảm nhận, nếm hoặc ngửi mọi thứ).
Trắc nghiệm trẻ tự kỷ bao gồm một số câu hỏi trên đây, dù chưa thể hiện được hết những thông tin về Hội chứng tự kỷ, nhưng có lẽ cũng phần nào giúp bạn hiểu hơn về hội chứng này. Việc nhận biết và can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với con. Vì nó sẽ giúp cải thiện khả năng hòa nhập xã hội của trẻ cũng như chất lượng sống của con sau này.
Theo MedicineNet
Lily Nguyễn lược dịch