Sự phát triển của bé 14 tháng tuổi và các mốc đáng chú ý

Sự phát triển của bé 14 tháng tuổi với các mốc đáng chú ý sẽ khiến không ít bố mẹ ngạc nhiên. Ví dụ bạn sẽ chứng kiến những bước đi đầu tiên của bé, con mọc răng hàm, hay nổi cơn thịnh nộ. Cũng có lúc bé cực kỳ đáng yêu khi phát ngôn theo cách của mình, khiến cả nhà thích thú. Khám phá nhiều hơn về giai đoạn phát triển của bé ở độ tuổi này, chúng ta cùng xem chi tiết hơn như dưới đây nhé. 

banner ads
Bé đang ngước nhìn
Sự phát triển của bé 14 tháng tuổi có các mốc đáng chú ý sẽ khiến không ít bố mẹ ngạc nhiên. Ảnh Internet 

1. Cân nặng và chiều cao trung bình của bé 14 tháng tuổi

Nói đến sự phát triển của bé 14 tháng tuổi cũng như các giai đoạn khác, hẳn điều chúng ta quan tâm đầu tiên là chiều cao và cân nặng của con. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng trung bình của trẻ 14 tháng tuổi ở mức 9.4kg với bé gái. Các bé trai độ tuổi này có cân nặng trung bình khoảng 10.2kg

Chiều cao của các bé gái 14 tháng tuổi cao khoảng 76.5cm. Các bé trai có chiều cao trung bình khoảng 78cm.

Mặc dù thế, cân nặng và chiều cao của trẻ ở độ tuổi này không phải là vấn đề trọng yếu duy nhất. Các bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau về thể chất. Vấn đề quan trọng cần quan tâm là sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Các bé có thể tăng khoảng nửa ký và tăng khoảng 1.2-1.3cm mỗi tháng. Ở mốc 15 tháng bạn có thể kiểm tra lại hoặc mang con đi bác sỹ để kiểm tra, hay cân đo khi con đi chích ngừa, nhằm biết chính xác là con đang phát triển tốt. 

Bố dắt tay bé gái
Bé gái 14 tháng cao trung bình khoảng 76cm và nặng khoảng 9.4 kg. Ảnh Pexels 

2. Sự phát triển của bé 14 tháng tuổi và các mốc đáng chú ý

Giai đoạn bé 14 tháng có khá nhiều điều đáng chú ý. Bé của bạn đang học tập khá nhiều kỹ năng. Dưới đây là các mốc và điểm đáng chú ý nhất của trẻ ở giai đoạn này:

2.1. Sự phát triển của bé 14 tháng và những bước đi đầu tiên

Đa phần các bé 14 tháng có thể tự đứng và đi vài bước mà không cần ba mẹ trợ giúp. Có những bé đi vững và thạo bước. Có những bé còn có "tham vọng" chạy thậm chí là leo bậc thang nữa.

banner ads

2.2. Bé tập nói

Nhiều bé 14 tháng  đã nói mama hoặc baba khá rõ. Bé có thể phát biểu theo cách của mình khi nói chuyện với bạn hoặc thể hiện quan điểm. Nhiều bé thậm chí có thể nói đến 6 từ hoặc hơn.

2.3. Bé mọc răng hàm

Một số bé 14 tháng tuổi đang mọc những chiếc răng hàm đầu tiên. Con có thể sẽ trải qua những ngày khó chịu, quấy khóc hoặc uể oải vì mọc răng . Tuy nhiên, cũng có bé khá khỏe vẫn vui chơi và ăn uống bình thường, chỉ kén ăn một chút thôi. Dù thế, cũng có bé rất khó chịu và tỏ ra cáu gắt hoặc hay bám mẹ. Trong trường hợp này bạn cần quan sát vấn đề mọc răng của trẻ để có cách giúp bé cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. 

Bé gái đang cười
Một số bé 14 tháng tuổi đang mọc những chiếc răng hàm đầu tiên. Ảnh Pexels 

2.4. Bé có thể bắt đầu hiểu việc bạn giới thiệu về chuyện đi bô

14 tháng tuổi không phải là độ tuổi sẵn sàng tập ngồi bô . Nhưng theo các bác sỹ nhi, trẻ mới biết đi thường sẽ cho bạn biết khi nào con sẵn sàng đi tè hay đi ị. Vì vậy, không khi nào là quá sớm để bạn bắt đầu giới thiệu về chiếc bô với bé. Bạn có thể đọc sách giới thiệu cho bé, cũng như dần giới thiệu về cách sử dụng bô để con làm quen với khái niệm này.

3. Hành vi của bé 14 tháng

3.1. Bé sẽ nổi cơn thịnh nộ và thích nói "không"

Khi con 14 tháng, bạn hãy sẵn sàng để nghe từ "không" bay ra khỏi miệng trẻ bất cứ lúc nào.

Thỉnh thoảng bé 14 tháng có xu hướng nổi cơn thịnh nộ - bạn cũng đừng tỏ ra khó chịu hay ngạc nhiên. Vì đây là biểu hiện khá bình thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn phát triển này của trẻ.

Bé khá bướng khi đòi hỏi những gì bản thân muốn làm. Chẳng hạn bé sẽ đòi cầm ly nước, tự rót nước, tự mang giày,...Trong khi những việc này con chưa đủ khả năng để thực hiện. 

Dù thế, việc nổi giận ở độ tuổi 14 tháng vẫn còn khá nhẹ nhàng. Cũng như đây có thể được xem chỉ mới là màn mở đầu trong quá trình phát triển của trẻ từ độ tuổi 14 tháng trở đi.

Trẻ rất dễ nổi cơn tam bành khi giai đoạn 17 - 24 tháng. Do đó, ít nhất bây giờ bạn vẫn còn cả một khoảng thời gian nữa để tập làm quen. Cũng như bạn còn thời gian để học cách đối phó với những cơn giận dữ của bé. Và, bạn hãy ghi nhớ là, lúc này nếu ở trẻ có xuất hiện những lúc nổi cơn thịnh nộ, bạn hãy tự nhủ về việc "giữ bình tĩnh". Đây chính là câu thần chú mà bạn nên tập - để chuẩn bị cho giai đoạn sau nhiều thử thách hơn sau này. 

Bé đứng bên cửa sổ
Thỉnh thoảng bé 14 tháng có xu hướng nổi cơn thịnh nộ, rất bướng bỉnh. Ảnh Pexels 

3.2. Sự lo lắng của bé

Con của bạn ngày càng trở nên độc lập hơn. Nhưng, đôi khi trẻ cũng nhạy cảm hơn khi phải xa bạn. Nếu bạn cho con đi nhà trẻ hay gửi ở nhà bà ngoại, bà nội, bạn cần đảm bảo với bé rằng bạn sẽ quay lại. Bạn cần dành nhiều quan tâm hơn cho bé khi bạn trở lại. Với bản thân mình, bạn cũng cần "cứng cỏi" và tin rằng, những giọt nước mắt của bé sẽ sớm ngừng ngay thôi sau khi bạn rời đi. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể gửi trẻ khi cần thiết. Và sự lo lắng nhạy cảm của con là một phần đặc điểm trong sự phát triển của bé ở giai đoạn này.

3.3. Dấu hiệu tự kỷ

Hẳn bạn cũng đã từng nghe thậm chí là nghe nhắc nhiều về hội chứng tự kỷ phải không. Ngày nay, mối quan tâm chung của hầu hết các cha mẹ là liệu con mình có thể bị rối loạn phổ tự kỷ (ASD) hay không. Vì, hội chứng tự kỷ có thể trở nên rõ ràng trong những năm trẻ mới biết đi và mẫu giáo.

Trẻ tự kỷ có thể có giao tiếp, kỹ năng xã hội và hành vi không điển hình. Chúng có thể không đạt được các mốc quan trọng phổ biến như những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Hoặc, chúng có thể mất một số kỹ năng mà chúng đã có trước đó.

Mặc dù, bác sỹ nhi khoa có thể sẽ hỏi bạn một loạt câu hỏi để đánh giá các dấu hiệu của hội chứng tự kỷ khi trẻ 18 tháng. Song, nếu bạn có bất cứ mối hoài nghi hay quan tâm nào ở khi con 14 tháng tuổi, bạn hãy thảo luận ngay với bác sỹ. Vì, với hội chứng tự kỷ, phát hiện càng sớm, can thiệp sớm, trẻ càng có cơ hội để hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn khi con lớn lên. 

Bé đứng ngắm mưa
Nếu bạn có bất cứ mối hoài nghi nào về sự bất thường của trẻ khi con 14 tháng tuổi, bạn hãy thảo luận ngay với bác sỹ. Ảnh Internet 

3.4. Trẻ 14 tháng hay cắn

Có thể bạn hoặc ba hay ông bà hoặc ai đó hay trông trẻ có thể bị trẻ cắn. Hoặc bạn sẽ thấy trẻ cắn đồ chơi hoặc đồ vật nào đó chẳng hạn. Bạn đừng lo lắng. Vì, cắn thực sự là hành vi phổ biến ở trẻ mới biết đi. Tình trạng này cũng không kéo dài quá lâu.

Điều này xảy ra là vì trẻ không thể truyền đạt cảm xúc của mình, đặc biệt là sự thất vọng. Do vậy, chúng sẽ cắn xé. Tuy thế, cho dù tất cả chúng ta đều hiểu hành vi đó của con, nhưng bạn vẫn cần nói rõ, giải thích cho bé rằng, hành vi cắn là không thể chấp nhận được.

4. Sức khỏe của trẻ 14 tháng tuổi

4.1. Giấc ngủ của trẻ 14 tháng

Hầu hết trẻ 1-2 tuổi sẽ ngủ tổng cộng 11-14 tiếng mỗi ngày. Trong đó, sẽ gồm giấc ngủ đêm và 1-2 giấc ngủ ngắn ban ngày. Tuy nhiên thực tế, đôi khi lịch ngủ hay thời gian ngủ của bé không theo lịch trình. Có lúc bé 14 tháng cũng sẽ ngủ không đủ, giấc ngủ bị gián đoạn thậm chí là sẽ có đêm bé không chịu ngủ.

Chắc chắn bạn sẽ vô cùng lo lắng, mệt mỏi nếu con gặp vấn đề về giấc ngủ. Lúc này bạn cần tìm ra gốc rễ của vấn đề chẳng hạn: bé mọc răng, bé lo lắng khi phải xa mẹ,...

Ngoài ra, bạn cũng cần tập cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ. Đôi khi bạn sẽ không ép trẻ đi ngủ được, bạn cũng đừng bực bội. Hãy cung cấp cho trẻ những "công cụ" cần thiết để trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Ví dụ, ban ngày bạn hãy khuyến khích trẻ vui chơi lành mạnh, vận động nhiều. Đọc sách cho con nghe , không gian ngủ của bé yên tĩnh và tắt đèn. Bạn cũng cần cùng bé tạo ra một số thói quen báo hiệu chuyện chuẩn bị đi ngủ như rửa mặt, rửa tay, đánh răng, thay đồi ngủ,...Như vậy con dễ chấp nhận và dần hình thói quen đi ngủ đúng giờ tốt hơn. 

Bé đang chơi
Nếu bé ham chơi không chịu ngủ, bạn nên thuyết phục thay vì ép bé. Ảnh Pexels 

4.2. Vấn đề ăn uống và dinh dưỡng của trẻ 14 tháng

Bé 14 tháng tuổi ăn nhiều hơn và ăn được nhiều món mới mà bạn chế biến. Tuy nhiên cũng sẽ có tình trạng bé từ chối những món mình yêu thích trước đó và không ăn. Dù vậy, bạn cũng đừng lo, hãy tạo thêm nhiều món mới hơn để con tiếp tục khám phá, lựa chọn được món ăn phù hợp sở thích khẩu vị của mình hơn.

Để quá trình này diễn ra thuận lợi, bé và bạn không phải trải qua những "thăng trầm" hoặc cuộc chiến không cần thiết về chuyện ăn uống, bạn cũng cần nắm những đặc điểm như dưới đây:

4.2.1. Bé 14 tháng ăn bao nhiêu?

Bé nên ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Bạn nên cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm rau củ, trái cây, ngũ cốc, protein và sữa.

Các bác sỹ nhi cho biết, hầu hết các trẻ mới biết đi cần trung bình khoảng 1000 calo mỗi ngày. Bạn cho bé ăn khẩu phần bằng 1/4 khẩu phần người lớn. Sau đó, hãy để bé chọn lượng thức ăn tùy theo sở thích hay thèm ăn của mình. 

Bé đang ăn
Bạn nên cho bé ăn đa dạng thực phẩm. Ảnh Pexels 

4.3.2. Cho trẻ 14 tháng ăn gì

Trẻ 14 tháng cần bổ sung 700mg canxi mỗi ngày. Vì vậy, bạn cần cho trẻ uống sữa hoặc vẫn bú sữa mẹ.

Về các loại thực phẩm, bạn cần cho bé ăn đang dạng thực phẩm. Bạn không cần hạn chế chất béo vì trẻ 14 tháng cần chất béo để phát triển não. Tuy nhiên, bạn cũng cần chắc chắn việc tránh cho trẻ ăn thức ăn quá mặn, quá ngọt hay bơ. Hãy cho trẻ ăn thực phẩm lạnh mạnh và chế biến đơn giản hay không phải chế biến nhiều càng tốt.

4.3.3. Lưu ý về việc ăn uống của trẻ 14 tháng

Đa phần trẻ 14 tháng đã tự bốc hoặc tự xúc ăn. Nhưng, các bé vẫn có nguy cơ bị hóc nghẹn. Do đó, có những loại thực phẩm bạn vẫn nên nghiền nhỏ, chế biến sao cho bé dễ nhai.

Các thực phẩm như đậu phộng, cà rốt sống, kẹo cứng vẫn còn là các thực phẩm quá cứng với trẻ ở độ tuổi này. Nho hay cà chua bi hoặc xúc xích nên được cắt nhỏ để trẻ ăn dễ dàng tránh việc con bị nghẹn

Cà chua bi
Nếu cho bé ăn cà chua bi, bạn nên cắt nhỏ. Ảnh Pexels 

4.3.4. Bé 14 tháng không chịu ăn

Trẻ mới biết đi cũng nổi tiến là nhóm "đối tượng" kén ăn. Khi bé không chịu ăn lập tức bạn vô cung lo lắng. Đây là điều khá thường gặp ở các bậc phụ huynh đang có con ở độ tuổi mới biết đi, gồm cả lứa tuổi 14 tháng.

Theo các chuyên gia, bạn hãy nghĩ đến dinh dưỡng của trẻ theo tuần chứ không phải theo ngày hay theo bữa. Nếu con bạn đã ăn nhiều loại thức ăn trong suốt tuần và không có vấn đề gì về tăng cân hay tăng trưởng, thì mọi thứ vẫn ổn.

5. Các hoạt động dành cho trẻ 14 tháng

Bé 14 tháng đã đứng thẳng, năng động hơn nhiều so với trước. Bé có thể thích chơi khi ngồi, cả khi con đứng và đi. Do vậy bạn cần chú ý về các hoạt động vui chơi, trò chơi và đồ chơi phù hợp cho trẻ. Cụ thể như:

  • Trò chơi chi chi chành chành và ú òa : Bé 14 tháng tuổi hầu hết đều sẽ bắt chước bạn khi bạn vỗ tay. Bé sẽ để ý âm thanh khi chơi nữa. Chi chi chành chành và ú òa là hai trò chơi "kinh điển" bạn không nên bỏ qua trong những hoạt động vui chơi với bé ở độ tuổi 14 tháng này.
  • Xe đẩy : Xe đẩy hàng, máy cắt cỏ mini hay xe đẩy nói chung là đồ chơi tuyệt vời cho lứa tuổi này. Vì, trẻ mới tập đi nên rất thích thể hiện kỹ năng của mình khi đẩy xe. Do đó, bạn cũng có thể chuẩn bị cho con một chiếc hoặc một đồ vật tương tự để con tự đẩy đi được nhé. Chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú và hào hứng khi chơi.
  • Xếp hình khối : Bạn có thể cùng con chơi xếp hình khối đơn giản hai tầng. Rồi bạn sẽ thấy, bé không chỉ muốn hai tầng mà còn muốn cao hơn nữa. Bé sẽ tập trung và tập luyện sự khéo léo để xây dựng hình khối nhiều tầng hơn.
  • Phân loại hình dạng : Ghép hình với các lỗ trong các bộ đồ chơi phân loại hình cũng rất phù hợp cho bé 14 tháng tuổi. Đây là một cách rèn luyện kỹ năng tập trung, cùng sự khéo léo mà trẻ 14 tháng tuổi đã có thể bắt đầu. 
Bé đẩy xe đồ chơi
Một chiếc xe đẩy chắc chắn sẽ làm bé 14 tháng của bạn vô cùng thích thú. Ảnh Internet 

Có thể nói rằng, sự phát triển của bé 14 tháng tuổi có nhiều diễn biến hơn những gì bạn có thể hình dung. Vì, lúc này bé đang ở giai đoạn phát triển rất nhiều thứ từ thể chất, kỹ năng vận động, sự phát triển xã hội, tình cảm, tinh thần và giao tiếp . Không dễ dàng gì khi bạn phải chạy theo con theo sự năng động của bé trong quá trình con học hỏi và tương tác với thế giới. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của bạn dành cho con đều xứng đáng và rất đáng giá.

Theo The Bump & Parenting FirstCry

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI