Sữa mẹ ít - chúng ta đều biết rằng, điều này không những ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn đến tâm lý của mẹ nữa. Tuy nhiên, sữa ít cũng có nhiều vấn đề liên quan cần nắm bắt tìm hiểu. Nên, mẹ hãy cùng Yeutre.vn theo dõi kỹ hơn chia sẻ sau đây, để bớt lo lắng. Cũng như, các giải pháp chúng ta chọn nhằm cải thiện nguồn sữa thực sự có hiệu quả hơn nhé.
1. Lượng sữa mẹ bao nhiêu là ít?
Lượng sữa mẹ được xem là ít khi nó không đủ cung cấp cho nhu cầu của em bé, và được tính sau khi sữa về - nghĩa là khoảng 30-40 tiếng sau khi sinh một em bé đủ ngày tháng.
Lưu ý : Sữa ít khác với tình trạng sữa về muộn hơn bình thường, nhưng sau đó sản xuất với lượng đủ, điều này được gọi là sự khởi đầu chậm của việc tiết sữa.
Tuy nhiên, khi bạn cho bé bú mẹ, bạn sẽ không đong, đếm được lượng sữa con đã ăn chính xác là bao nhiêu. Điều này dễ khiến bạn bối rối và tự hỏi mình có bị ít sữa hay không.
Bạn có thể dựa vào những biểu hiện sau để xác định bé có được bú đủ hay không:
- Trẻ bú mẹ từ 8-12 lần trong 24 giờ
- Khi được 3-5 ngày tuổi, bé sẽ đi tè khoảng 3-5 lần, và ị khoảng 3-4 lần. Số lần đi tè sẽ tăng lên khoảng 4-6 lần và ị khoảng 3-6 lần khi bé được 5-7 ngày tuổi
- Trẻ tỉnh táo, có trương lực cơ tốt và không có dấu hiệu bị mất nước
- Trẻ tăng cân đều đặn và lấy lại trọng lượng lúc mới sinh sau hai tuần
- Trẻ tăng khoảng 150g hoặc hơn mỗi tuần trong 3 tháng đầu tiên
- Trẻ có vẻ thỏa mãn và ngủ ngon sau mỗi lần bú
- Trẻ tự thức dậy đòi ăn và bú mạnh
- Phân của trẻ mềm và có màu vàng
Nếu em bé của bạn không có những biểu hiện như trên, có thể con không được bú đủ so với nhu cầu phát triển của mình.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít sữa
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng mẹ ít sữa, bao gồm:
- Bé được cho bú muộn do phải chăm sóc đặc biệt hoặc do mẹ không khỏe sau sinh
- Bé ngậm bú kém do núm vú phẳng hoặc bị tụt vào trong, hoặc bé có vấn đề về khớp ngậm, bé buồn ngủ do bị vàng da , bé và mẹ bị ảnh hưởng do quá trình chuyển dạ và sinh nở kéo dài quá lâu
- Mẹ không khỏe do bị viêm vú, sót nhau hoặc mất nhiều máu sau sinh
- Mẹ cho bé ăn theo lịch trình thay vì theo nhu cầu của bé
- Uống thuốc tránh thai có chứa estrogen
- Cho bé bú sữa công thức song song với sữa mẹ
- Tạm ngưng cho bé bú mẹ và thay bằng sữa công thức nhưng không hút sữa vào cữ ăn của bé để đảm bảo việc sản xuất sữa mẹ vẫn được tiếp tục
- Cho bé dùng núm vú giả hoặc miếng chắn núm vú trong thời gian dài
- Mẹ hút thuốc
Ngoài ra, mẹ bị ít sữa có thể do các điều kiện y tế như hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, tiểu đường, nguy cơ tiểu đường, hoặc dùng một số loại thuốc huyết áp, các chế phẩm trị cảm cúm, cảm lạnh, hoặc đã uống thuốc tránh thai hay điều trị vô sinh.
Ở một số phụ nữ, phẫu thuật vú hoặc núm vú làm cho việc cho con bú trở nên khó khăn. Trong khi đối với một số khác, ngực của họ không thay đổi trong giai đoạn dậy thì và mang thai, theo cách giúp việc cho con bú sau này được thuận lợi hơn.
Phụ thuộc và tình trạng cụ thể của từng người mà các biện pháp can thiệp điều trị có thể được áp dụng để cải thiện lượng sữa mẹ.
3. Làm thế nào để sữa về nhiều hơn
Bạn có thể áp dụng một số cách sau để kích thích “nhà máy sản xuất sữa” tiết sữa nhiều hơn:
- Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt : việc trì hoãn cho bé bú mẹ sẽ góp phần khiến tình trạng ít sữa trở nên tệ hơn. Bạn hãy tiếp xúc da kề da với bé ngay sau sinh, như vậy, bé sẽ được bú mẹ sớm, trong vòng một giờ sau khi chào đời.
- Cho bé bú thường xuyên : bạn hãy cho con bú theo nhu cầu, ít nhất là 8-12 lần trong vài tuần đầu (khoảng 2-3 giờ một lần).
- Cho bé bú đúng tư thế : khi cho con bú, bạn hãy kiểm tra bé đã bú đúng tư thế chưa, và hãy theo dõi con nút sữa và nuốt có tốt không. Việc bú không đúng tư thế sẽ khiến bé nuốt nhiều không khí thay vì sữa và nhanh bị đầy bụng do đầy hơi chứ không phải đã no.
- Cho bé bú luân phiên hai bên ngực : bạn hãy cho bé bú hết sữa ở một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Nếu bé không bú hết cả hai ngực trong một lần, hãy cho bé bú bên còn lại vào cữ ăn tiếp theo. Việc này vừa đảm bảo bé được cung cấp đủ dinh dưỡng, vừa giúp cả hai bên ngực của bạn đều được sản xuất và cung cấp sữa. Tuy nhiên, bạn không nên để quá 5 tiếng mà không cho bé bú hay hút sữa vì có thể khiến ngực bị căng và đau. Dù cho bé bú là cách hiệu quả nhất để rút bớt sữa nhưng nếu quá lâu, bạn có thể hút sữa ra ngoài (bằng thủ công hay máy).
- Điều chỉnh lượng sữa chảy khi cần : Khi bé bú, nếu sữa chảy quá nhiều, bạn có thể dùng tay để điều chỉnh lượng sữa chảy ra. Việc này sẽ giúp bé không bị sặc và bú được hiệu quả hơn.
- Bạn hãy uống nhiều nước , ăn uống lành mạnh và không bỏ bữa.
- Bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi thật nhiều giữa các lần cho bé bú và giữ tinh thần thật thoải mái.
- Bạn có thể sử dụng các viên uống bổ sung vitamin dành cho mẹ cho con bú (theo sự gợi ý và hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ), hoặc áp dụng các biện pháp mát xa cùng thảo dược để góp phần tăng sản xuất sữa.
- Bạn hãy thận trọng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng bất kì loại thuốc nào.
- Bạn nên tránh hút thuốc và uống rượu . Cồn và nicotine có thể làm giảm lượng sữa của bạn cũng như gây ảnh hưởng đến em bé.
4. Những biểu hiện bình thường của bé và mẹ thường bị nhầm lẫn với tình trạng ít sữa
Bên cạnh tình trạng ít sữa thực sự, có một số biểu hiện ở cả mẹ và bé có thể khiến bạn nhầm rằng mình ít sữa dẫn đến sự lo lắng không cần thiết. Cụ thể như sau:
4.1. Những biểu hiện ở em bé được xem là bình thường
Một số chuyên gia y tế và bà mẹ có một kỳ vọng không thực tế về biểu hiện của em bé và lo ngại rằng những hành vi bình thường của con cho thấy nguồn cung cấp sữa ở mức thấp. Tuy nhiên nếu lượng tã ướt của bé ở mức tốt (6-8 lần một ngày, gồm cả tè và ị) thì bạn không nên lo lắng về tình trạng ít sữa.
Một số biểu hiện của em bé có thể khiến bạn nhầm là do bé không được bú đủ, nhưng thực ra lại là bình thường:
- Bé đòi ăn thường xuyên: việc bé hay đòi bú không phải do mẹ ít sữa mà do sữa mẹ dễ tiêu hóa nên chỉ mất khoảng 1.5-2 giờ là bé có thể đói lại.
- Bé thường quấy hơn vào buổi tối: đây là khoảng thời gian bạn sản xuất ít sữa hơn và bé cũng có nhu cầu ăn ít hơn.
- Bé có thể có một khoảng thời gian “khó ở” trong ngày, kéo dài đến một vài giờ
- Bé vẫn đòi nút sữa dù đã bú no, vì hành động này khiến bé thấy dễ chịu.
- Bé muốn được vỗ về và tiếp xúc da kề da, việc này giúp bé thấy an toàn hơn.
- Bé đòi bú thường xuyên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của cơ thể.
- Bé giảm thời gian bú mỗi bên vú: điều này xảy ra sau 2-3 tháng khi bé đã bú mẹ hiệu quả hơn.
4.2. Những biểu hiện ở mẹ được xem là bình thường
Mặc dù lượng sữa mẹ và việc cho bú ở mỗi phụ nữ là khác nhau, tuy nhiên nếu có những biểu hiện dưới đây không có nghĩa là bạn bị ít sữa:
- Ngực bạn đột nhiên trở nên mềm hơn: điều này không có nghĩa là ngực bạn sản xuất ít sữa hơn, mà là nó đã thích nghi với nhu cầu của em bé
- Ngực bạn không bị rỉ sữa, hoặc rỉ rất ít
- Bạn không có cảm giác sữa về khi bé bú
- Bạn không cần phải hút sữa hoặc hút được ít sữa : bạn nên nhớ rằng em bé “hút” sữa hiệu quả và nhiều hơn so với các loại máy hút sữa
- Lượng sữa bạn hút ra ít dần
Sữa mẹ ít dù dễ khiến các mẹ lo lắng nhưng bạn hãy lưu ý rằng sự lo lắng, căng thẳng sẽ càng làm cho tình trạng của mình nghiêm trọng hơn. Bạn hãy suy nghĩ theo hướng tích cực mỗi giọt sữa mẹ bạn dành cho con đều rất đáng giá. Từ đó, bạn có thể duy trì tinh thần lạc quan để áp dụng những cách như gợi ý ở trên để sữa về nhiều hơn.
Sựa mẹ ít nếu không phải do sự tác động của một tình trạng y tế nào đó, thì việc ít sữa của bạn phần lớn chỉ là tạm thời. Bạn có thể cải thiện nếu nỗ lực và được hỗ trợ đúng cách. Bạn nên nhớ rằng bé càng bú nhiều thì ngực bạn càng sản xuất nhiều để đáp ứng nhu cầu của con, và ngược lại.
Theo Mayo Clinic & Pregnancy Birth Baby
Lily Nguyễn tổng hợp