Cho bé bú bình hoàn toàn mẹ phải lưu ý điều gì?

banner ads
Bình sữa
Cho bé bú bình hoàn toàn là công việc khá vất vả cho cha mẹ. Nguồn ảnh: BabyCenter 

1. Chọn sữa công thức khi cho bé bú bình hoàn toàn mẹ cần lưu ý gì?

Khi cho bé bú bình hoàn toàn, điều quan trọng nhất là chọn sữa công thức cho con. Về vấn đề này, mẹ hãy lưu ý những điều sau:

1.1. Chọn loại sữa công thức khi cho bé bú bình hoàn toàn

Không có loại sữa công thức nào được xem là tốt nhất cho mọi trẻ sơ sinh. Nếu cho bé bú bình hoàn toàn, bạn hãy chọn loại sữa công thức được sản xuất đặc biệt cho trẻ sơ sinh. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của các nước đều có quy định chặt chẽ để đảm bảo các loại sữa công thức bán ra trên thị trường phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và an toàn tối thiểu của bé. Các bác sĩ nhi khoa thường khuyến cáo mẹ chọn sữa công thức có bổ sung sắt cho con.

Sữa công thức dành cho các bé sơ sinh có thể ở dạng bột hoặc nước. Khi lựa chọn sữa công thức, bạn cần chú ý:

  • Sữa không bị quá hạn sử dụng.
  • Hộp sữa được niêm phong và ở trong tình trạng tốt. Nếu có bất kì vết rò rỉ, móp méo, hoặc đốm gỉ nào, bạn đừng cho trẻ ăn.

Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy lo lắng về việc lựa chọn hay đổi loại sữa công thức cho con. 

Sữa bột
Bạn hãy chọn loại sữa phù hợp với bé. Nguồn ảnh: NTC 

1.2. Bạn có nên sử dụng sữa công thức “nhà làm” khi cho bé bú bình hoàn toàn

Đối với cuộc sống hiện đại, các sản phẩm “nhà làm” đang ngày càng được ưa chuộng, và sữa công thức cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các cơ quan uy tín như Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ, hay Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cảnh báo bạn không nên sửa dụng các công thức “nhà làm” để pha sữa bột cho trẻ sơ sinh. Việc sử dụng sữa công thức tự chế có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi là rất đặc biệt. Các loại sữa công thức tự chế có thể chứa quá nhiều hoặc quá ít các thành phần nhất định chẳng hạn như vitamin và khoáng chất (sắt).

Sữa bột trẻ em tự làm cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng ốm hay nhiễm trùng ở trẻ. Dù các sản phẩm sữa công thức trên thị trường cũng không đảm bảo được vô trùng tuyệt đối. Nhưng chúng được kiểm soát chất lượng gắt gao để đảm bảo nhu cầu an toàn và dinh dưỡng tối thiểu cho trẻ sơ sinh.

1.3. Bạn có nên sử dụng sữa ngoại nhập khi cho bé bú bình hoàn toàn

Nhiều bậc phụ huynh luôn muốn cung cấp cho con những sản phẩm chất lượng nhất. Chính vì vậy mà họ lựa chọn sữa công thức nhập khẩu bằng các hình thức khác nhau cho con mình. Điều này không hoàn toàn là sai hay đúng, tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, trước khi chọn sữa cho con, bạn hãy xem xét nhiều yếu tố: từ hoàn cảnh, môi trường, điều kiện kinh tế đến đặc điểm của trẻ để chọn loại phù hợp. 

Điều kiện kinh tế
Khi chọn sữa nhập khẩu cho con, điều kiện kinh tế cũng là yếu tố bạn cần chú ý đến. Ảnh Pixabay 

Sữa nhập khẩu có thể tốt nhưng nó được sản xuất phù hợp với đặc điểm sinh lý của trẻ ở khu vực địa lý đó, và nó có thể không phù hợp với con bạn.

Mặt khác, hầu hết các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đều phải tuân theo quy định chặt chẽ về dinh dưỡng và an toàn. Do vậy, bạn hãy xem xét mọi yếu tố liên quan để chọn cho bé loại sữa tốt và phù hợp nhất.

1.4. Vấn đề sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh và sữa cho trẻ trên 1 tuổi

Trẻ sơ sinh trong năm đầu đời có nhu cầu dinh dưỡng rất đặc biệt. Vì vậy bạn chỉ nên chọn các loại sữa công thức chuyên biệt cho độ tuổi này. Bạn không nên cho bé uống sữa cho trẻ lớn hơn hoặc các sản phẩm được dán nhãn dành cho trẻ lớn hơn.

Khi trẻ đã được 1 tuổi, bạn có thể cho con uống sữa bò được bổ sung các chất cần thiết cho độ tuổi của bé. 

Bé bú bình
Bạn nên chọn loại sữa chuyên biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh. Nguồn ảnh: BabyCentre 

2. Pha và bảo quản sữa công thức khi cho bé bú bình hoàn toàn

Để đảm bảo vệ sinh, an toàn và dinh dưỡng khi cho bé bú bình hoàn toàn, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc này sẽ giúp bạn pha đúng liều lượng thức ăn cho bé. Đây là điều khá quan trọng mà bạn không nên chủ quan bỏ qua.

Ngoài ra, bạn hãy lưu ý thêm một số điều sau:

2.1. Pha sữa công thức khi cho bé bú bình hoàn toàn

Đối với công đoạn pha sữa cho bé, bạn hãy chú ý thực hiện những việc sau:

  • Rửa tay sạch trước khi rửa bình cũng như pha sữa cho bé . Bạn cũng cần vệ sinh khu vực pha sữa để tránh tình trạng nhiễm bẩn sữa.
  • Bình sữa của bé cần được rửa sạch và tiệt trùng bằng cách luộc, hấp hoặc ngâm trong dung dịch tẩy rửa. Nếu bạn sử dụng máy rửa chén để rửa bình sữa và các dụng cụ của bé thì bạn không cần thực hiện bước tiệt trùng. Vì máy rửa chén sử dụng nước nóng, máy sấy hoặc có sẵn chế độ tiệt trùng.
  • Đối với sữa công thức dạng nước : bạn không cần phải hâm nóng bình sữa công thức của bé trước khi cho con bú. Tuy nhiên, nếu muốn hâm nóng sữa, bạn hãy đặt bình sữa dưới vòi nước ấm. Trong khi đó, bạn hãy tránh nước chảy vảo nắp hoặc núm bình. Trước khi cho bé ăn, bạn hãy nhỏ sữa vào mặt trong cổ tay để kiểm tra độ nóng. Sữa chỉ nên ấm chứ không được nóng. Bạn cũng cần lưu ý không hâm sữa của bé trong lò vi sóng. Vì việc này sẽ tạo ra những điểm nóng không đều có thể khiến bé bị bỏng.
  • Đối với sữa công thức dạng bột :

+ Bạn cần dùng nước từ nguồn đảm bảo vệ sinh để pha sữa cho bé.

+ Bạn dùng lượng nước và sữa theo đúng hướng dẫn để pha sữa cho bé. Trong đó, nước sẽ luôn được đong trước, và sữa bột được cho vào sau. Việc pha đúng liều lượng sữa và nước rất quan trọng. Vì quá nhiều nước sẽ khiến sữa bị loãng, không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của bé. Quá ít nước sẽ khiến sữa bị đặc, làm cho thận và hệ thống tiêu hóa của bé phải làm việc vất vả hơn. Đồng thời nó còn có thể gây thiếu nước cho bé.

+ Nếu em bé của bạn dưới 3 tháng tuổi và sinh thiếu tháng, hoặc có hệ miễn dịch yếu, bạn cần thận trọng hơn trong việc pha sữa cho bé. 

Pha sữa cho bé
Bạn nên đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn và dinh dưỡng khi pha sữa cho bé. Nguồn ảnh: Bellybelly 

2.2. Bảo quản sữa khi cho bé bú bình hoàn toàn

Bảo quản sữa khi cho bé bú bình hoàn toàn cũng là công đoạn khá quan trọng mà bạn không nên lơ là. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:

  • Sữa có thể hư hỏng nếu bạn để ở ngoài lâu (ở nhiệt độ phòng), vì vậy, bạn nên:

+ Cho bé ăn sữa trong vòng 2 giờ kể từ khi bạn pha sữa hoặc trong vòng 1 giờ kể từ khi bạn bắt đầu cho bé bú.

+ Nếu bạn chưa cho bé ăn ngay trong vòng 2 giờ từ khi pha sữa, hãy cất sữa vào tủ lạnh và dùng trong vòng 24 giờ.

  • Bạn hãy bỏ lượng sữa thừa còn lại trong bình sau khi cho bé ăn. Sữa có lẫn nước miếng của bé là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Bạn cũng hãy rửa sạch và tiệt trùng bình sữa trước cữ ăn tiếp theo của bé.
  • Bạn nên bảo quản hộp sữa còn nguyên của bé ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Không để sữa ngoài trời, trong xe hay ga ra.
  • Khi hộp sữa đã được khui ra, bạn nên đóng chặt nắp sau mỗi lần lấy sữa. Hộp sữa cũng cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và không để trong tủ lạnh.
  • Hầu hết sữa công thức cho trẻ sơ sinh đều nên dùng trong vòng 1 tháng sau lần mở nắp đầu tiên. Bạn hãy kiểm tra vấn đề này trên bao bì sữa. Khi bắt đầu khui hộp, bạn hãy ghi ngày lên nắp hộp để dễ nhớ hơn.
  • Bạn không bao giờ nên sử dụng sữa quá thời hạn ghi trên hộp. 
Bảo quản sữa
Bạn cần bảo quản sữa đúng cách để tránh tình trạng nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng đến bé. Nguồn ảnh: BabyCenter 

3. Lượng ăn và số lần ăn như thế nào 

Khi cho bé bú bình hoàn toàn, bạn cần lưu ý về lượng ăn và số lần ăn phù hợp với bé. Cụ thể như sau:

3.1. Cho bé bú bình hoàn toàn trong ngày đầu tiên

Dạ dày của trẻ mới sinh rất nhỏ, nên con chỉ cần một chút sữa mà thôi:

  • Bạn có thể chuẩn bị 30 – 60 ml sữa cho bé mỗi 2 – 3 giờ trong ngày đầu tiên khi cho bé bú bình hoàn toàn. Nếu bé tỏ ra còn đói, bạn có thể cho con ăn thêm.
  • Hầu hết trẻ sơ sinh cần được ăn 8 – 12 lần một ngày. Ngay sau khi sinh, bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn lượng phù hợp với bé.
  • Khi bé càng lớn, nhu cầu ăn của bé sẽ tăng lên, cũng như khoảng cách giữa các lần ăn cũng tăng dần.

3.2. Cho bé bú bình hoàn toàn trong tuần và tháng đầu tiên

Vào tuần đầu và tháng đầu tiên, khoảng thời gian giữa các cữ ăn của bé sẽ tăng lên thành mỗi 3 – 4 giờ một cữ. Nghĩa là đôi khi bạn cần đánh thức bé dậy để cho con ăn. Vì khi quá bữa, bé rất dễ cáu kỉnh, quấy khóc.

Tùy thuộc vào bé, các cữ ăn có thể dài hoặc ngắn. Bé thường sẽ tự ngừng ăn khi đã no.

3.3. Cho bé ăn khi con được 6 – 12 tháng

Trong giai đoạn này, bạn vẫn sẽ tiếp tục cho bé ăn khi con tỏ ra dấu hiệu đói bụng. Hầu hết trẻ 6 – 12 tháng tuổi sẽ cần sữa công thức kết hợp với ăn dặm 5 – 6 lần trong 24 giờ.

Khi bé đã quen với việc ăn dặm, lượng sữa công thức con bú có thể sẽ giảm dần.

3.4. Cho bé ăn khi con được 12 – 24 tháng

Khi bé đã được 1 tuổi, bạn có thể chuyển từ sữa công thức sang sữa bò tiệt trùng. Bạn hãy thực hiện từ từ bằng việc thay một bữa sữa công thức bằng sữa tiệt trùng, sau đó tăng dần và thay thế hoàn toàn. Việc này sẽ giúp bé thích nghi với sự thay đổi dễ dàng hơn. 

Mẹ cho bé bú bình
Tùy vào độ tuổi mà bạn điều chỉnh lượng sữa cho phù hợp với nhu cầu của con. Nguồn ảnh: Rasing Children Network 

Cho bé bú bình hoàn toàn là việc có thể khiến bạn vất vả hơn nhiều so với trẻ sơ sinh bú mẹ . Vì, bạn còn phải thực hiện các công đoạn khác ngoài cho bé bú. Bạn hãy tuân thủ quy trình vệ sinh, pha chế để đảm bảo an toàn về sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ. Bạn cũng cần theo dõi nhu cầu của bé để cho con ăn lượng phù hợp. Đừng quá cứng nhắc trong việc cho con bú bình nhé.

Theo CDC

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI