Hội chứng tự kỷ và điều chúng ta nên hiểu để không dùng từ "tự kỷ" tùy tiện

Hội chứng tự kỷ đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Chúng ta có thể bắt gặp một người đem từ “tự kỷ” ra để bông đùa khi trò chuyện. Nhưng nếu thực sự hiểu về hội chứng này, có lẽ không ai còn dễ dàng đem nó ra để đùa cợt nữa. Vì sao lại như vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Hội chứng tự kỷ ngày càng phổ biến
Hội chứng tự kỷ là một tình trạng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Ảnh Internet 

1. Hội chứng tự kỷ là gì

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã rất quen thuộc với từ tự kỷ. Nhưng trên thực tế, không phải mọi người nói về tự kỷ đều hiểu rõ về hội chứng này. Vậy hội chứng tự kỷ là gì?

Hội chứng tự kỷ - Autism spectrum disorder hay ASD dùng để chỉ một dạng khuyết tật về quá trình phát triển gây ra bởi những bất thường của não bộ. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến sự phát triển bất thường gây ra hội chứng này. Dù rằng có một số người bị tự kỷ do các điều kiện liên quan đến di truyền. Nhưng, hầu hết người bị ASD vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

Chúng ta thường sẽ không đánh giá được tình trạng của người bị ASD, hoặc nhận biết được một người có bị ASD hay không qua vẻ bề ngoài. Hội chứng này chỉ được chẩn đoán và kết luận qua theo dõi cách giao tiếp, phản ứng, hành vi và quá trình học tập của một người bị ASD – chúng thường khác biệt so với hầu hết những người khác.

Một người tự kỷ có thể biểu hiện khả năng học hỏi, tư duy và giải quyết vấn đề một cách đặc biệt – theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Một số người bị ASD cần được giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi một số người khác lại cần ít hơn. 

Hội chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật
Hội chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật về quá trình phát triển gây ra bởi những bất thường của não bộ. Ảnh: Medical News Today 

2. Khi nào chúng ta có thể nhận biết được các dấu hiệu của hội chứng tự kỷ

Hội chứng tự kỷ bắt đầu biểu hiện trước khi trẻ được 3 tuổi và sẽ kéo dài suốt cuộc đời trẻ. Các triệu chứng của hội chứng tự kỷ cũng có thể cải thiện hay tệ đi theo thời gian.

Một số trẻ bị ASD đã có những dấu hiệu bất thường từ rất sớm, khi chỉ mới vài tháng tuổi. Ở một số trẻ tự kỷ khác, các triệu chứng không xuất hiện cho tới khi trẻ được 24 tháng tuổi hay muộn hơn.

Có những trẻ bị ASD phát triển khá bình thường khi còn là trẻ sơ sinh cho đến khi được 18 – 24 tháng tuổi. Sau đó, sự học hỏi các kỹ năng mới của trẻ bị ngừng lại, hoặc trẻ đánh mất những kỹ năng mình đã từng học và có được.

Theo các số liệu thống kê về tự kỷ thì có khoảng 1/3 đến một nửa cha mẹ nhận thấy các biểu hiện bất thường của trẻ tự kỷ trước sinh nhật đầu tiên của trẻ. Và gần 80 – 90 % phụ huynh xác định được trẻ có vấn đề khi con được khoảng 2 tuổi.

Đối với một số bậc cha mẹ, do không đủ kiên nhẫn để quan sát trẻ hoặc vì quá lo lắng mà họ quy cho con mình bị tự kỷ. Tuy nhiên, những người không bị ASD cũng có thể có một trong những biểu hiện của hội chứng này. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi quá trình phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ. Như vậy thì bạn mới đánh giá được trẻ đang phát triển theo tốc độ bình thường hay bất thường. Từ đó, bạn có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ hay chuyên gia một cách kịp thời để chẩn đoán tình trạng của trẻ được chính xác hơn. Họ cũng sẽ đưa ra các biện pháp thích hợp giúp bạn nuôi dưỡng, chăm sóc để sau này trẻ có thể hòa nhập tốt với cộng đồng. 

Mẹ chơi cùng trẻ
Chúng ta có thể nhận biết được dấu hiệu của hội chứng tự kỷ từ khi trẻ còn rất nhỏ, thậm chí từ khoảng dưới 1 tuổi. Ảnh: faces4autism 

3. Hội chứng tự kỷ được chẩn đoán như thế nào

Việc chẩn đoán một đứa trẻ bị hội chứng tự kỷ khá khó khăn vì không có loại xét nghiệm y tế (như xét nghiệm máu) để kết luận rõ ràng trẻ bị mắc hay không. Các bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ dựa vào hành vi và sự phát triển của trẻ để chẩn đoán.

Hội chứng tự kỷ có thể được phát hiện khi trẻ được 18 tuổi hoặc nhỏ hơn. Ở độ tuổi lên 2, chẩn đoán từ một chuyên gia giàu kinh nghiệm được xem là khá đáng tin cậy.

Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trẻ bị tự kỷ không được chẩn đoán và kết luận cuối cùng về tình trạng của mình cho đến tận khi trẻ lớn hơn nhiều. Điều này có nghĩa rằng trẻ đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết sớm và kịp thời. 

Bé đang chơi
Việc chẩn đoán hội chứng tự kỷ sẽ dựa vào sự quan sát các hành vi và quá trình phát triển của trẻ. Nguồn ảnh: Autism - LoveToKnow 

4. Nguyên nhân và các đối tượng trẻ có nguy cơ cao bị hội chứng tự kỷ

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết được tất cả những nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, một số nguyên nhân được xem là góp phần khiến một đứa trẻ bị tự kỷ. Chúng gồm nhiều yếu tố khác nhau từ môi trường, sinh học và di truyền.

  • Hầu hết các nhà khoa học đều nhất trí rằng gene là một trong những yếu tố nguy cơ khiến một người có nhiều khả năng bị tự kỷ.
  • Một đứa trẻ có anh, chị, em bị tự kỷ cũng có nguy cơ cao hơn bị mắc hội chứng này.
  • Những người mắc một số tình trạng di truyền hoặc bất thường nhiễm sắc thể có thể có nhiều khả năng bị ASD hơn.
  • Khi mang thai, mẹ bầu sử dụng một số loại thuốc theo toa như axit valproic và thalidomide thì trẻ sẽ có nguy cơ bị ASD cao hơn.
  • Có một số bằng chứng cho thấy giai đoạn quan trọng để phát triển hội chứng tự kỷ xảy ra ngay trước, trong và sau khi trẻ sinh ra.
  • Cha mẹ lớn tuổi thì con có nguy cơ bị mắc ASD cao hơn

Hội chứng tự kỷ xảy ra ở tất cả các nhóm chủng tộc, dân tộc ở mọi điều kiện kinh tế xã hội. Nhưng dường như nó phổ biến ở trẻ trai hơn trẻ gái (tỉ lệ bé trai bị tự kỷ cao hơn bé gái khoảng 4 lần.) 

Mẹ bế hai anh em
Một đứa trẻ có anh chị em bị tự kỷ sẽ có nguy cơ cao hơn cũng bị hội chứng này. Ảnh: Raising Children Network

5. Hội chứng tự kỷ có thể được chữa khỏi không

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời trẻ sẽ có thể học tập, cải thiện các kĩ năng và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn nhận biết được tình trạng của trẻ càng sớm càng tốt. Khi có bất kì lo ngại nào về quá trình phát triển của trẻ, bạn nên trao đổi với bác sĩ sớm nhất có thể. 

Bé chơi cùng cô giáo
Hội chứng tự kỷ không thể được chữa khỏi, nhưng nếu được can thiệp và giúp đỡ sớm, trẻ có thể hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Ảnh: Autism - LoveToKnow 

Hội chứng tự kỷ được xem là một “căn bệnh” thời hiện đại (mặc dù về bản chất, đây không phải là một loại bệnh vì nó không thể chữa khỏi). Vì càng ngày, tỷ lệ trẻ được phát hiện mắc ASD càng có xu hướng tăng lên. Các nguyên nhân góp phần gây ra ASD cũng ngày càng mở rộng. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ, bạn hãy quan sát, theo dõi quá trình phát triển của trẻ một cách sát sao. Như vậy bạn sẽ đánh giá được trẻ có đạt được các mốc thông thường hay có bất cứ biểu hiện bất thường nào không. Từ đó, bạn sẽ có kế hoạch phù hợp/ kịp thời đối với trẻ.

Theo CDC

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI