1. Dấu hiệu chậm nói ở trẻ nhỏ
Những câu chữ bập bẹ đầu tiên của trẻ luôn là những từ ngữ thiêng liêng nhất mà mọi người mẹ đều mong đợi. Thông thường, bé bắt đầu có phản ứng với âm thanh và ê a những từ vô nghĩa từ khi bé được 3 tháng tuổi. Giai đoạn này trẻ chủ yếu tập trung lắng nghe các âm thanh. Nếu mẹ thấy bé không chú ý các âm thanh xung quanh, không phản ứng khi nghe tiếng động bất ngờ thì rất có thể trẻ đã có vấn đề về thính giác. Lúc này mẹ nên con đến bác sĩ để thăm khám và chăm sóc kịp thời.
Bé 14 tháng đã có thể nói được những từ đơn âm như "bà" "ba" "không"....Bé có thể hiểu được những câu lệnh đơn giản của mẹ như "con nằm xuống ngủ đi", "Lấy cho mẹ...". Lúc này bé đã có những nhận thức về ý nghĩa của lời nói, mặc dù bản thân chưa thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đối với trẻ nhỏ, giai đoạn này bé mới có thể bập bẹ đôi từ, cho nên nếu mẹ thấy con chưa nói được từ ghép, câu chữ bình thường thì mẹ cũng chớ lo. Con chỉ đang đi trên lộ trình bình thường như bao đứa trẻ khác mà thôi.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi con hàng ngày, mẹ nên chú ý một số biểu hiện bất thường của bé. Vì có thể đó là những dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề trong khả năng nhận thức và giao tiếp.
- Bé không sử dụng các cử chỉ, điệu bộ thường xuyên, ví dụ như chơi ú òa với cha mẹ khi được 12 tháng tuổi.
- Khi bé được 18 tháng tuổi, trẻ vẫn không bắt chước được âm thanh xung quanh, thích dùng cử chỉ hơn lời nói khi giao tiếp.
- Bé không phản ứng với các âm thanh xung quanh, ví dụ như không giật mình khi nghe tiếng động lớn. Hơn nữa bé còn khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản, thờ ơ hoặc không thường xuyên giao tiếp với bố mẹ.
Bên cạnh các biểu hiện trên, khi bé được 14 tháng tuổi mà có các biểu hiện như: không phát âm được từ, cụm từ, không tuân theo các chỉ dẫn đơn giản của cha mẹ, khó khăn trong việc nghe, hiểu và có giọng nói khác thường... thì mẹ nên đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra sớm nhất. Rất có thể bé đang gặp vấn đề về thần kinh và khả năng nhận thức, hoặc cũng có khi là thính giác.
2. Nguyên nhân chậm nói ở bé 14 tháng và các bé nói chung
Cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ. Con chậm hay sớm nói, phát âm chuẩn hay ngọng, phần lớn dựa trên sự dạy dỗ của những người gần gũi bé. Bên cạnh đó khả năng nhận thức của trẻ cũng là yếu tố quyết định việc bé có sớm nói hay không. Đây là hai yếu tố chủ yếu trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé chậm nói, thậm chí là không thể giao tiếp.
- Vấn đề về cấu trúc vòm miệng
Các vấn đề dị tật bẩm sinh với lưỡi, hở hàm ếch,...là những nguyên nhân khiến bé gặp khó khăn trong giao tiếp. Tương tự như cấu trúc xương bị dị tật ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và vóc dáng của bé. Cấu trúc vòm miệng không bình thường còn ảnh hưởng đến ngoại hình và giọng nói sau này của trẻ nhỏ.
- Thính giác của trẻ gặp vấn đề
Tai mũi họng là ba bộ phận có sự liên quan mật thiết với nhau trong cơ thể bé. Vì vậy khi thính giác có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên các cơ quan còn lại. Bé không nghe được đồng nghĩa với việc bé không thể hiểu những thứ xảy ra xung quanh mình. Từ đó hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ đối với mọi người xung quanh.
- Trẻ chậm phát triển và gặp các vấn đề về trí não
Bệnh Down và thiểu năng trí tuệ là hậu quả nghiêm trọng nhất đối với trẻ chậm phát triển do suy dinh dưỡng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của trẻ mà còn hạn chế khả năng nghe nói của bé. Hơn nữa hai bệnh này cũng sẽ là tác nhân ảnh hưởng đến trí tuệ, cuộc sống và sinh hoạt mãi mãi sau này của trẻ nhỏ.
- Cha mẹ quan tâm, dạy dỗ con sai phương pháp
Các mẹ thường có thói quen đáp ứng nhu cầu của bé quá nhanh chóng. Mẹ có biết mỗi lần trẻ có nhu cầu về điều gì đó, con sẽ cố gắng giao tiếp, ê a để mẹ hiểu vấn đề. Đây là những cơ hội cho bé phát triển khả năng giao tiếp. Vì vậy nếu mẹ đáp ứng nhu cầu của bé quá nhanh chóng, việc này đã cướp đi cơ hội tập nói của trẻ đấy.
Có rất nhiều ông bố bà mẹ không nói chuyện với con vì nghĩ rằng bé chẳng hiểu gì, trẻ đến tuổi sẽ tự biết nói. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm trong phương pháp nuôi con phát triển toàn diện. Nói chuyện với bé giúp con nghe nhiều hơn, phản ứng nhiều hơn, nhanh biết nói hơn, ngoài ra còn giúp mẹ giải tỏa mệt mỏi sau công việc thường ngày nữa đấy. Tiếng bi bô của trẻ nhỏ luôn là liều thuốc bình yên cho các mẹ đúng không nào!
3. Mẹo nhỏ giúp bé yêu sớm nói
Bé 14 tháng chưa biết nói không phải là vấn đề quá đáng lo ngại nếu cha mẹ thường xuyên tập nói cho trẻ. Mẹ có thể kể chuyện cho con nghe, đọc sách cho bé, khuyến khích và khen ngợi khi con nói. Quan trọng là mẹ không được ép con nói, hãy để con phát triển tự nhiên tốt nhất nhé.
Mẹ cũng có thể tập nói cho con theo phương pháp đa giác quan. Khi sử dụng các đồ vật xung quanh, mẹ có thể giải thích cho bé đó là cái gì, dùng để làm gì, cho bé sờ, nắm, sử dụng đồ vật đó. Lâu dần bé sẽ có thể ghi nhớ, tuy bé chưa có thể nói được nhưng đã có khái niệm về công dụng và cách sử dụng đồ vật đó.
Mẹ không nên đáp ứng quá nhanh các yêu cầu của trẻ. Mỗi khi bé yêu cầu điều gì đó, mẹ nên tạo cho bé cơ hội giao tiếp, khả năng diễn giải nhu cầu của mình. Mẹ cũng không nên yêu cầu con quá khó, mọi từ ngữ, cách thức dạy nói phải phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ. Mẹ dạy từ âm tiết dễ đến khó, từ ngữ ngắn đến dài sẽ giúp bé nhận thức tốt hơn.
Mẹ cũng nên hạn chế cho bé xem các chương trình, hoạt hình trên các phương tiện truyền thông như ti vi, máy tính, điện thoại...Nếu bé chỉ nghe mà không có cơ hội nói thì khả năng giao tiếp của bé cũng vì thế mà mai một dần, bé sẽ thụ động, ù lì, và lười tập nói. Vì vậy khi cho trẻ xem Tivi, mẹ nên chọn lọc các chương trình bổ ích, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Cùng bé xem các chương trình, hoạt hình hoặc ca nhạc thiếu nhi để nhận xét, giới thiệu với trẻ những điều lạ trong chương trình. Điều này cũng góp phần giúp bé tập nói, tăng khả năng phản phản xạ của bé trong giao tiếp.
Mỗi đứa trẻ có khả năng phát triển và nhận thức khác nhau nên đôi khi có sự chênh lệch về khả năng nghe và hiểu. Như vậy, nếu bé 14 tháng chưa biết nói như các bạn cùng trang lứa, thì trước tiên, mẹ cũng không nên lo lắng quá nhiều. Và thay vào đó, mẹ nên trò chuyện với bé nhiều hơn, dạy bé nói khoa học hơn. Như vậy, bé yêu sẽ hoạt ngôn và nhanh nhẹn lên rất nhiều. Đồng thời, trường hợp bé có gặp phải một số bệnh lý, hay có tình trạng khác thường, mẹ cũng dễ phân biệt, phát hiện sớm, điều trị sớm kịp thời cho con, để bé không thiệt thòi về sau này.
Thương Biện tổng hợp