Sẽ có rất nhiều điều xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh ở 3 tháng đầu tiên
Sẽ có rất nhiều điều xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh ở 3 tháng đầu tiên. Hầu hết các bé đều đạt đến những cột mốc phát triển nhất định khi đến độ tuổi nhất định, nhưng sự phát triển của trẻ không phải là một phép thử khoa học chính xác cho mọi trường hợp. Các con sẽ phát triển và tốc độ phát triển đó sẽ phù hợp với khả năng của mỗi bé. Tuy nhiên, trước hết nếu muốn nhận ra mức độ phát triển của con mình, bạn cần phải xem những mốc phát triển chung nhất của một đứa trẻ bình thường.
Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi
Ban đầu, việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ làm cho bạn cảm thấy giống như một chu kỳ bất tận của các việc lặp đi lặp lại bao gồm: cho ăn, thay tã và tắm rửa. Nhưng sau đó không lâu, dấu hiệu của sự tăng trưởng sẽ xuất hiện và nó sẽ chỉ cho bạn thấy quá trình phát triển của trẻ sơ sinh là như thế nào.
- Kỹ năng vận động: Thời gian đầu, đầu của trẻ sơ sinh sẽ không thể giữ thẳng. Nhưng chẳng bao lâu sau bé sẽ có thể nâng đầu và ngó nghiêng trái, phải mỗi khi nằm sấp. Chân của bé đã có thể chống đỡ và cứng cáp hơn. Nếu bạn đưa cho bé một món đồ chơi, bé có thể dùng tay nắm và giữ lấy nó trong ít giây.
- Thính giác: Trong khoảng vài tuần sau sinh, bé sẽ phản ứng với âm thanh bằng cách im lặng hoặc mỉm cười. Các bé có thể cười lớn khi nghe bố hoặc mẹ nói chuyện hoặc khóc thét khi nghe ai đó quát lớn.
- Thị giác: Sau khi chào đời, mắt bé chỉ nhìn được trong phạm vi 20cm nhưng sau đó ít tuần bé đã có thể tập trung nhìn vào khuôn mặt của mẹ trong lúc bú. Thêm một vài tuần, bé có thể bắt đầu nhìn các cấu trúc phức tạp với màu sắc, kích thước và hình dạng khác nhau. Bạn có thể nhận thấy sự phát triển thị giác của bé khi các bé tự nhìn ngắm bàn tay, bàn chân mình. Khi tròn 3 tháng tuổi, bé có thể dễ dàng bị phân tâm bởi một cảnh tượng thú vị hoặc âm thanh khác từ bên ngoài.
- Giao tiếp: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với cách bạn trò chuyện, trêu đùa và cho bé ăn. Khi được 2 tháng tuổi, bé đã có thể mỉm cười vì những lời nói của bạn hoặc có những giao tiếp cơ bản ban đầu bằng ngôn ngữ cơ thể. Thậm chí, một số bé có thể bắt chước các biểu cảm trên khuôn mặt của bạn. Sau ít tuần với sự phát triển này, bé đã có thể giao tiếp với bạn khi cần sự quan tâm, cần cảm giác an toàn hoặc khi thấy phấn khích.
Tất cả những cột mốc trên đây đã phản ánh quá trình phát triển của trẻ sơ sinh trong giai đoạn 3 tháng đầu. Bước tiếp theo mẹ cần làm chính là thúc đẩy sự phát triển của bé.
Thúc đẩy sự phát triển của bé
Mối liên kết mật thiết của bạn với trẻ là nền tảng của sự phát triển khỏe mạnh. Do đó, hãy tin tưởng vào năng lực làm mẹ của mình:
Chăm sóc bé: Vuốt ve nhẹ nhàng và trao những nụ hôn dịu dàng có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và cảm nhận được tình yêu thương thực sự. Hãy để mặc cho bé được sờ, chạm để nghiên cứu khuôn mặt của bạn hoặc nắm ngón tay út của bạn và chạm vào khuôn mặt của mình.
Trò chuyện là cách đơn giản nhất để bạn đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
Nói chuyện một cách tự do: Trò chuyện là cách đơn giản nhất để bạn đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trước cả khi trẻ có thể hiểu được từng từ một. Hãy đặt câu hỏi và trả lời cho tiếng sôi bụng của bé; mô tả những gì bạn thấy, nghe và ngửi thấy từ xung quanh nhà, ngoài trời hoặc khi bạn ra ngoài và về nhà. Cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản nhất để diễn đạt và nhất thiết đó phải là giọng nói của bạn hoặc bố để tăng hiệu quả truyền đạt ý tưởng và cảm xúc.
Phản ứng nhanh với tiếng khóc: Đối với hầu hết trẻ sơ sinh, khóc là một phép thuật nhiệm màu trong khoảng sáu tuần sau khi sinh nhưng sau đó nó giảm dần. Chính vì vậy, mẹ cần phải hiểu ngôn ngữ của tiếng khóc để sẵn sàng đáp ứng ngay nhu cầu của bé dù là thay tã, cho ăn hoặc quấn mình. Chính sự chú ý nhanh nhạy của bạn sẽ giúp xây dựng một mối liên kết mạnh mẽ để bé có thể tự tin vào khả năng giao tiếp của mình.
Những dấu hiệu cho thấy sự bất thường trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh
Bé có thể phát triển vượt mức hoặc tụt lại sau so với mốc phát triển bình thường. Điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ là bất thường trong khả năng nhận thức. Vì thế, trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh, nếu thấy một trong những dấu hiệu sau, bạn nên liên hệ với bác sĩ:
- Không có dấu hiệu tiến triển của việc kiểm soát đầu giữ thẳng
- Không phản ứng với âm thanh hoặc các tín hiệu thị giác, chẳng hạn như tiếng ồn lớn hoặc đèn sáng
- Không mỉm cười với mọi người hoặc không đáp trả khi nghe giọng nói của mẹ
- Không di chuyển với đôi mắt của mình theo đối tượng chuyển động
- Không chăm chú nhìn bàn tay của mình
- Không nắm bắt và giữ các đồ vật
Sau cùng, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất và bản năng của một người mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu những bất thường xảy ra, bạn sẽ sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Mong rằng những thông tin về quá trình phát triển của trẻ sơ sinh, cách hỗ trợ và nhận biết những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi sẽ giúp bố mẹ thêm hiểu về con mình để có những can thiệp đúng đắn nhất nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Nguồn: MC