1. Khi nào bạn được chỉ định sinh mổ
Đối với tất cả các ông bố bà mẹ và các chuyên gia y tế thì mục đích quan trọng nhất của thai kỳ là đảm bảo sự an toàn, khỏe mạnh cho cả mẹ và bé. Do vậy, khi em bé sắp chào đời, các phương pháp sinh sẽ được xem xét một cách cẩn trọng. Theo đó, quyết định mổ sinh sẽ được đưa ra trong một số trường hợp sau:
- Mẹ mang bầu đa thai
- Mẹ bị tiểu đường hoặc huyết áp cao
- Mẹ bị mắc bệnh có khả năng lây cho em bé trong quá trình sinh như bệnh HIV, nấm âm đạo…
- Em bé quá to hoặc nằm ở vị trí ngôi mông mà không thể xoay được về ngôi đầu trước khi sinh
Đối với một số trường hợp, mẹ sẽ được mổ sinh vì tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe của mẹ, của bé hay cả hai. Việc này có thể phát sinh khi trong quá trình sinh thường mẹ có quá trình chuyển dạ quá lâu hoặc em bé không có đủ ô xi.
Ngoài ra, có những phụ nữ yêu cầu được sinh mổ không vì lý do y tế, có thể vì cô ấy muốn sinh theo kế hoạch hoặc vì thai kỳ trước, cô có một cuộc sinh thường khá phức tạp.
Mặc dù sinh mổ được xem là khá an toàn và có thể là phương pháp cứu sống mạng người, nhưng nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro so với sinh thường. Vì sinh mổ là một cuộc đại phẫu, mẹ sẽ phải chịu 2 vết cắt lớn ở bụng và tử cung để đưa em bé ra ngoài.
Thông thường, nếu một người sinh mổ ở lần sinh đầu tiên, thì phần lớn đây cũng là phương pháp sinh ở lần tiếp theo.
Nhìn chung, phụ nữ sinh thường cảm thấy mình đang làm đúng với những gì tự nhiên đã quy định và thấy thoải mái hơn vì điều này.
2. Sinh thường - thuận lợi và bất lợi
2.1 Đối với mẹ
2.1.1 Mặt thuận lợi của sinh thường (qua ngả âm đạo)
Chuyển dạ và sinh con qua ngả âm đạo là một quá trình kéo dài khá lâu, là một khoảng thời gian đầy khó khăn và đau đớn đối với người mẹ. Bù lại, mẹ sinh thường có được khá nhiều thuận lợi, có thể kể đến như:
- Mẹ phải ở lại bệnh viện sau khi sinh ít hơn so với mẹ sinh mổ
- Mẹ tránh được các rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, sẹo mổ, dị ứng với thuốc gây tê (hoặc gây mê)
- Mẹ bị đau sau sinh ít hơn so với sinh mổ và thời gian hồi phục thì nhanh hơn
- Mẹ có thể ôm em bé và cho con bú sớm hơn so với mẹ sinh mổ
2.1.2 Mặt bất lợi
Ngoài khá nhiều thuận lợi như đã kể đến ở trên, phương pháp sinh thường cũng có một số điểm bất lợi như:
- Khả năng mẹ bị rạch tầng sinh môn khá cao, do đó mẹ sẽ bị đau khu vực này trong một khoảng thời gian
- Mẹ có nguy cơ bị suy yếu vùng cơ sàn chậu sau sinh, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
2.2 Đối với em bé
2.2.1 Mặt thuận lợi
Khi mẹ sinh thường, em bé sẽ được hưởng những lợi ích sau:
- Bé được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau sinh
- Bé được bú mẹ sớm
- Bé ít bị các bệnh về đường hô hấp hơn. Vì trong quá trình di chuyển qua đường âm đạo của mẹ, bé phải ép ngực để ra một cách dễ dàng nhờ đó, nước trong phổi cũng được ép ra hết, khi bé khóc phổi nở ra làm cho bé hô hấp dễ dàng hơn.
- Bé được tăng cường miễn dịch vì được tiếp xúc với hệ vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo của mẹ
2.2.2 Mặt bất lợi
Phương pháp sinh thường cũng có thể khiến em bé phải đối mặt với một số bất lợi như:
- Em bé có thể bị thương như da đầu bầm tím hay gãy xương đòn nếu quá lớn
- Em bé có thể bị thiếu ô xi nếu thời gian chuyển dạ của mẹ quá dài
3. Mặt thuận lợi và bất lợi của phương pháp sinh mổ
3.1 Đối với mẹ
3.1.1 Mặt thuận lợi
Mặc dù việc được chỉ định sinh mổ có thể do các nguyên nhân y tế để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, và lúc này mẹ phải đối mặt với bất lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc biết mình sẽ phải sinh mổ ít nhất giúp mẹ bầu nắm được chính xác lịch sinh của mình cũng như không phải trải qua quá trình chuyển dạ.
3.1.2 Mặt bất lợi
Mẹ sinh mổ sẽ phải chịu khá nhiều điều bất lợi bao gồm:
- Mẹ phải ở lại bệnh viện lâu hơn sau sinh
- Mẹ có nguy cơ phải đối mặt với chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, sẹo mổ, dị ứng với thuốc gây tê hoặc gây mê…
- Mẹ bị đau nhiều sau sinh và lâu phục hồi hơn so với mẹ sinh thường
- Mẹ có thể ôm và cho bé bú muộn sau sinh
- Mẹ có thể bị tổn thương ruột hoặc bàng quang trong quá trình phẫu thuật
- Mẹ có thể bị đau và ngứa ở khu vực vết mổ khá lâu sau sinh
- Mẹ sinh mổ ở thai kỳ đầu tiên có nhiều khả năng sẽ được chỉ định mổ sinh ở những lần tiếp theo
- Mẹ có thể tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo , nhau bong non hay những biến chững như rách, vỡ tử cung ở những thai kỳ tiếp theo.
3.2 Đối với em bé
3.2.1 Mặt thuận lợi
Trong trường hợp em bé quá to hoặc gặp vấn đề về y tế thì phương pháp sinh mổ có thể giúp em bé chào đời một cách nhanh chóng và an toàn hơn. Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng có thể can thiệp kịp thời để đảm bảo sức khỏe của bé nếu cần thiết.
3.2.2 Mặt bất lợi
Cũng như mẹ, em bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ sẽ phải đối mặt với khá nhiều điểm bất lợi so với em bé được sinh thường. Những điểm đó có thể bao gồm:
- Em bé dễ bị mắc các bệnh về hô hấp (như hen suyễn…) sau này
- Em bé không được củng cố hệ miễn dịch trong quá trình sinh
- Em bé phải đợi lâu hơn để được bú mẹ
- Em bé có thể tăng nguy cơ bị tiểu đường khi trưởng thành. Vì tiểu đường là một trong những nguyên nhân thường dẫn đến việc mẹ phải sinh mổ.
Như vậy, dù sinh thường hay sinh mổ thì điều quan trọng nhất là em bé chào đời một cách an toàn cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Đến thời điểm chuẩn bị để em bé chào đời, hy vọng mẹ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng những điểm thuận lợi cũng như bất lợi của từng phương pháp sinh con để lựa chọn một cách đúng đắn. Đừng vì một lý do nào đó không liên quan đến tình trạng y tế (như chọn ngày đẹp, sợ mất thẩm mỹ…) mà mẹ lạm dụng phương pháp sinh mổ, khiến cả mẹ và bé có thể chịu nhiều ảnh hưởng về sau này, mẹ nhé.
Theo Live Science
Lily Nguyễn lược dịch