1. Nhau tiền đạo là gì?
1.1 Bệnh nhau tiền đạo
- Nhau thai xuất hiện ở tử cung của mẹ. Tử cung có dạng hình nón cụt, đáy rộng ở trên và được chia ra làm 3 phần: thân, eo, cổ tử cung. Bình thường, không thể sờ được tử cung qua thành bụng. Khi có thai, tử cung sẽ lớn dần lên theo tuổi thai. Vào những tháng cuối của thai kỳ, eo tử cung sẽ giãn dài ra và trở thành đoạn dưới tử cung. Bánh nhau thường bám ở mặt trước hoặc mặt sau đáy thân tử cung.
- Nhau tiền đạo còn được gọi là rau tiền đạo. Đây là tình trạng xảy ra khi một phần hoặc tất cả bánh nhau nằm vắt ngang qua cổ tử cung thay vì bám cao hơn trên thành tử cung của người mẹ. Nói cách khác, nhau thai nằm “ngay phía trước” đầu em bé chặn ngay cổ tử cung người mẹ, làm cản đường ra của em bé. Nhau tiền đạo xảy ra trên thực tế với tỉ lệ một trên khoảng 200 ca mang thai.
- Nhau tiền đạo là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau sinh; tình trạng chảy máu có thể làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe mẹ và con.
- Nhau tiền đạo cũng là một trong những nguyên nhân đẻ khó, do phần phụ của thai vì gây cản trở đường đi của ngôi thai khi chuyển dạ, có thể làm cho ngôi thai bình chỉnh không tốt.
- Tỷ lệ thai phụ bị nhau tiền đạo là 0,6% hay 1/167, trong đó 20% là nhau tiền đạo trung tâm.
1.2 Phân loại bệnh nhau tiền đạo
Trong nhau tiền đạo :
- Bánh nhau thường trải rộng và mỏng hơn bình thường, do đó dễ có biến chứng nhau bong không hoàn toàn gây chảy máu trong thời kỳ sổ nhau.
- Phần màng nhau ở gần mép nhau thường dày và kém đàn hồi vì vậy dễ bị vỡ ối sớm.
- Dây rốn có thể không bám ở trung tâm bánh nhau mà thường bám ở gần bờ nhau phía lổ trong cổ tử cung. Do đó, khi vỡ ối dễ bị sa dây rốn.
- Đoạn dưới tử cung mỏng, không có mạng cơ lưới nên dễ bị chảy máu sau khi sổ nhau.
- Ngôi thai thường bình chỉnh không tốt do bị cản trở bởi bánh nhau. Thường gặp ngôi đầu cao lỏng. Tỷ lệ ngôi bất thường như ngôi ngang, ngôi mông cũng rất cao.
Phân loại nhau tiền đạo dựa vào siêu âm dò âm đạo, khảo sát khoảng cách giữa mép bánh nhau và cổ tử cung. Có 5 loại nhau tiền đạo :
- Nhau bám thấp : Phần lớn bánh nhau bám vào thân tử cung, chỉ có một phần bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung. Nhau tiền đạo dạng này ít có biểu hiện ra ngoài, ít gây chảy máu hoặc chỉ gây chảy máu nhẹ, thường gây vỡ ối sớm.
- Nhau bám bên : Phần lớn bánh nhau bám vào đoạn dưới nhưng bờ của bánh nhau chưa tới lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhẹ, tái phát trong quá trình có thai. Từ mép bánh nhau đến chỗ rách màng ối để thai ra nhỏ hơn 10cm.
- Nhau bám mép : Còn gọi là nhau bám bờ, bờ của bánh nhau nằm sát mép lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhiều. Khi chuyển dạ cổ tử cung mở có thể sờ thấy mép bánh nhau.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm hay nhau tiền đạo trung tâm không hoàn toàn : Khi cổ tử cung mở hết, một phần nhau che lỗ trong cổ tử cung, có thể sờ thấy màng ối và sờ thấy múi nhau. Loại này gây chảy máu rất nhiều và cản trở đường thai ra.
- Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn : Bánh nhau che kín toàn bộ lổ trong cổ tử cung. Thăm khám âm đạo chỉ thấy tổ chức nhau, không thấy được màng nhau. Loại này chảy máu dữ dội, cần phẫu thuật kể cả phải bỏ con để cứu tính mạng của mẹ.
1.3 Đối tượng thường gặp phải triệu chứng nhau tiền đạo
- Phụ nữ đã từng có thai trước đó : 1/179 (0,56%) trường hợp bị nhau tiền đạo đối với sản phụ sanh 3 lần, 2,2% bị nhau tiền đạo đối với sản phụ sanh trên 5 lần.
- Phụ nữ đã từng phẫu thuật tử cung, như nạo thai hay sinh mổ : Nguy cơ nhau tiền đạo trên những tử cung không có vết mổ lấy thai là 0,26% nhưng tỷ lệ này có thể tăng đến 10% nếu có mổ lấy thai.
- Phụ nữ lớn tuổi : 1/1500 trường hợp đối với sản phụ dưới 19 tuổi, 1/100 đối với sản phụ trên 35 tuổi.
- Mang thai đôi hoặc đa thai : Thai do bánh nhau to nên phải trải rộng lan xuống đoạn dưới tử cung.
- Hút thuốc lá : Thuốc lá làm tăng nguy cơ đến hai lần, vì sự phân bố mạch máu không đều, không đầy đủ ở màng rụng đưa đến những thay đổi như viêm hoặc teo, tác động đến sự hình thành nhau tiền đạo.
- Cấy trứng đã thụ tinh : Trứng thụ tinh làm tổ ở thấp, gần đoạn eo, do đó sẽ phát triển ở đoạn dưới tử cung.
- Do các bất thường của chính bản thân nhau thai : Tử cung dị dạng, sản phụ có tiền sử mổ vì u xơ tử cung, chửa góc tử cung, mổ tạo hình tử cung,...
- Nhau tiền đạo có thể kết hợp với nhau cài răng lược : Ở sản phụ không có vết mổ cũ, nhau tiền đạo kết hợp nhau cài răng lược chiếm 9,4%, nhưng ở người có một lần mổ lấy thai tần suất là 21,1%, nếu có hai lần mổ lấy thai tỉ lệ này là 47,6%.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của nhau tiền đạo
- Thông thường, bạn có thể bị chảy máu đỏ tươi từ âm đạo . Nó thường không gây đau đớn và máu thì trông rất tươi, thường trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Lượng máu thường ít trong lần đầu, ngưng tự nhiên nhưng sau đó lại tái phát nhiều lần và ở những lần sau khuynh hướng máu mất càng ngày càng nhiều hơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung không chảy máu cho mãi đến khi nào chuyển dạ mới chảy máu từ ít đến ồ ạt.
- Các cơn co thắt tử cung.
- Bạn có thể nghi ngờ nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
- Nếu đã từng có nhau tiền đạo trước đó, bạn sẽ có thêm cảnh báo.
- Khi bác sĩ sản khoa kiểm tra vùng bụng của bạn, họ sẽ lưu ý tư thế của em bé. Nếu bé nằm ở ngôi ngược (mông xuống dưới thay vì là đầu), hoặc ngôi ngang (nằm ngang trong tử cung) thì đó có thể là dấu hiệu của nhau tiền đạo.
3. Mối nguy hại của nhau tiền đạo
3.1 Đối với mẹ
- Thai phụ có thể bị mất máu nhiều gây choáng hoặc có thể tử vong (tại Việt Nam tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,16%).
- Rối loạn đông máu: Nguy cơ này ít gặp ở nhau tiền đạo.
- Nhau tiền đạo bám gần cổ tử sung, sau khi sinh bị bóc tách khiến cổ tử cung bị hở, vi khuẩn xâm nhập vào khiến cho bề mặt âm đạo dễ bị nhiễm trùng.
- Phải thay đổi kế hoạch sinh vì mổ lấy thai giờ đây trở thành lựa chọn duy nhất.
- Sinh non và những rủi ro liên quan.
- Trong trường hợp nặng, có thể cần phải cắt bỏ tử cung nếu nhau thai không chịu tách ra khỏi lớp niêm mạc tử cung. Là một trong những nguy hiểm mà mẹ và con có thể gặp phải.
3.2 Đối với thai nhi
- Do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai.
- Khả năng sinh non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp, thiếu oxy với khả năng tổn thương não và tử vong.
- Vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang.
- Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng là 30 – 40%.
4. Hướng xử lí và hạn chế diễn tiến của bệnh cho mẹ bầu khi bị nhau tiền đạo
4.1 Hướng xử lí
- Mẹ bầu sẽ được khuyến cáo nên tránh quan hệ khi mang thai và các hoạt động có thể gấy chảy máu âm đạo, chẳng hạn như tập thể dục hoặc các hoạt động nặng.
- Trong trường hợp mẹ bầu ra máu qúa nhiều, cần đến bệnh viện ngay để được theo dõi và chăm sóc.
- Tùy theo mức độ ra huyết và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm. Nếu ra máu âm đạo nhiều ≥ 300g, phải chấm dứt thai kỳ; Nếu thai dưới 8 tháng, trọng lượng thai ước lượng < 2000g, ra máu ít thì cố gắng kéo dài thêm thai kỳ với những điều kiện an toàn cho cả mẹ lẫn thai.
- Đa số những người bị nhau thai tiền đạo đều sẽ sinh mổ (đặc biệt là đối với trường hợp nhau đã bao phủ hoàn toàn cổ tử cung hoặc thai nhi đã đủ lớn) để tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Không thụt rửa âm đạo hoặc đặt bất cứ thuốc gì vào âm đạo mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Bạn sẽ được truyền máu nếu bị mất máu do xuất huyết quá nhiều hoặc tiêm một loại thuốc đặc biệt gọi là Rhogam nếu nhóm máu của bạn là Rh âm tính.
- Phương pháp được cho là an toàn và tốt nhất để tìm vị trí nhau thai là siêu âm (dùng sóng âm). Phương pháp này còn có thể cho biết khi nào bạn sẽ sinh. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng là một phương pháp có thể giúp nhận biết được tình trạng bệnh.
- Nếu là nhau tiền đạo bán trung tâm hoặc nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn phải mổ lấy thai vì chảy máu nhiều.
- Nếu là nhau bám thấp hoặc nhau bám bên, bám mép, ra máu ít, đa số những trường hợp này bác sĩ có thể cho sanh ngã âm đạo sau khi xé rộng màng ối để giúp giảm bớt sự co kéo màng ối gây bong nhau thêm và ngôi thai chúc xuống đè vào bánh nhau làm bớt chảy máu.
- Nếu cổ tử cung đã mở 6 – 7 cm, đầu xuống thấp, ra máu ít và không có bất xứng đầu chậu hoặc không có nguyên nhân gây đẻ khó khác có thể sản phụ được theo dõi sinh ngã âm đạo.
- Nếu cổ tử cung chưa thuận lợi, tiên lượng cuộc chuyển dạ còn kéo dài lâu mà sản phụ đang ra máu nhiều thì bác sĩ sẽ phải quyết định mổ lấy thai sớm để tránh những nguy hiểm cho mẹ và thai.
- Nếu tổng trạng mẹ suy sụp do mất máu nhiều hay khi đã có triệu chứng suy thai thì bác sĩ mổ cấp cứu ngay.
4.2 Hạn chế sự tiến triển của bệnh nhau tiền đạo
- Hiểu về bệnh nhau tiền đạo: Hãy tìm hiểu các thông tin về tình trạng bệnh, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt sợ hãi.
- Hãy chuẩn bị tinh thần để thực hiện sinh mổ vì việc sinh mổ.
- Tâm lý thoải mái hơn, tránh áp lực, căng thẳng.
- Nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng.
- Tránh bất kỳ tổn thương nào ở cổ tử cung.
- Em bé sẽ cần được kiểm soát bằng cách sử dụng máy theo dõi tim thai (điện cực gắn vào da đầu) trong suốt quá trình chuyển dạ, hoặc bằng thiết bị đo CTG-Cardiotocograph.
- Vị trí của nhau thai tiền đạo có thể thay đổi trong thai kỳ nên việc theo dõi thường xuyên là điều cần thiết để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp nhất, bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con.
Bạn có thể đề phòng nhau tiền đạo bằng cách : Không nên sanh đẻ nhiều và không nạo phá thai nhiều lần.
5. Những câu hỏi thường gặp
5.1 Làm thế nào để phát hiện nhau tiền đạo?
Siêu âm ngả âm đạo là phương tiện khảo sát và được nhiều người lựa chọn để chẩn đoán nhau tiền đạo . Có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm. Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo… bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm. Có thể thực hiện ngay cả khi mẹ bị ra huyết.
5.2 Có phải nhau tiền đạo luôn nghiêm trọng
- Nếu chỉ có phần cạnh dưới choàng qua cổ tử cung, thì đôi khi vẫn còn chỗ để đầu em bé đi ra, bé có thể sinh bằng ngã âm đạo.
- Nếu nhau thai che toàn bộ cổ tử cung thì lựa chọn duy nhất là mổ lấy thai.
- Khi nhau tiền đạo nằm càng gần cổ tử cung người mẹ làm mẹ bị xuất huyết nghiêm trọng, chắc chắn sẽ có hiện tượng rò rỉ hoặc chảy máu ở khu vực bị bong tróc.
5.3 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện các triệu chứng xuất huyết âm đạo nhiều lần vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu bạn bị chảy máu nhiều, hãy gọi cấp cứu vì cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
5.4 Có thể sinh thường được không?
Khi bị nhau tiền đạo dù bà bầu bị chảy máu rất ít, hoặc không bị chút nào cả nhưng vẫn nên sinh mổ hoặc sinh ngã âm đạo vì nhau thai có thể nằm sai vị trí, hoặc ngăn không cho đầu và cơ thể em bé xuống dần trong tử cung. Nếu sinh thường, điều này rất có khả năng gây ra các vấn đề làm cho quá trình chuyển dạ gặp khó khăn hay thất bại.
Những trường hợp chắc chắn phải mổ :
- Nhau tiền đạo ra huyết nhiều bất kể tuổi thai: Các biểu hiện như choáng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo thành máu cục, băng huyết , nếu mất nhiều cần phải truyền máu và có thể can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Lúc này, sẽ bất kể tuổi thai, bác sĩ vẫn mổ lấy thai.
- Nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành (có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung): Thường là vào khoảng 37 tuần tuổi và thai nhi khi ra ngoài vẫn có thể sống được.
- Nhau tiền đạo bám trung tâm: Đây là trường hợp nguy hiểm nhất cho mẹ và bé.
5.5 Đau lưng khi mang thai có dẫn đến nhau tiền đạo?
- Đau lưng kết hợp với chảy máu âm đạo : Các cơn đau lưng xuất hiện cùng với các cơn co thắt tử cung đồng thời có máu xuất hiện ở âm đạo thì chắc chắn đây là dấu hiệu cảnh báo cho mẹ biết thai nhi bị sinh non hay có các vấn đề liên quan đến nhau thai.
- Đau đột ngột : Các cơn đau lưng đột ngột bất thường so với mọi ngày mẹ bầu cũng cần kiểm tra ngay. Chúng tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm khó có thể lường trước được.
- Ngoài ra nếu chỉ đau lưng bình thường thì đó là một triệu chứng mẹ bầu trong giai đoạn thai kì. Mẹ có thể chườm ấm, ngồi có ghế dựa hay kê gối sau lưng khi ngồi, tránh đứng lâu,... Tuy nhiên mẹ cũng cần theo dõi để phát hiện kịp thời những điều bất thường.
Qua bài viết trên, chúng ta cũng thấy được bệnh nhau tiền đạo thai kì thực sự rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi bản thân để kịp thời xử lý những biến chứng không đáng có trong giai đoạn mang thai . Dù chưa có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, thì việc thăm khám định kỳ vẫn luôn là chìa khóa an toàn cho sức khỏe sức khỏe thai kỳ.
Chi Lê tổng hợp