Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi đủ chất dinh dưỡng và những điều mẹ nên ghi nhớ

Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi để bé phát triển khỏe mạnh ra sao, mẹ có biết? Ở giai đoạn này trẻ 4 tháng tuổi vẫn cần nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ là chính. Bé càng lớn nhu cầu dinh dưỡng càng tăng cao, tùy thuộc vào thể chất của mỗi bé, khi mẹ chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi cần nên cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

banner ads

Trong giai đoạn 4 tháng tuổi, một ngày trung bình bé cưng có thể bú được 800 - 900ml sữa, chia ra làm 5 hoặc 6 cữ bú. Mẹ nên cho bé bú bất cứ khi nào bé muốn, ít nhất 8 lần/ ngày (cả đêm lẫn ngày). Chỉ cho bé tập ăn thử các loại thức ăn hoặc nước uống khác nếu bé vẫn còn đói sau mỗi bữa bú hoặc không tăng cần bình thường.

bé 4 tháng chơi đồ chơi
Mẹ sẽ chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi như thế nào để con phát triển? Ảnh Internet

1. Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi phát triển thế nào?

Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi có rất nhiều thay đổi cả về thể chất và trí tuệ. Điều đó được thể hiển rõ qua những hoạt động hàng ngày của bé như:

  • Giấc ngủ của bé trong giai đoạn này đã ổn định và thời gian ngủ có thể dài hơn các tháng trước.
  • Bé sẽ không chịu nằm yên và sẽ tập cách lật người. Khi được đặt nằm sấp, bé sẽ dùng hai tay chống xuống để nhấc đầu và vai lên, một số bé có thể tự lật được. Lần đầu bé lật thường là từ tư thế nằm sấp lật ra nằm ngửa. Bụng bé tròn nền nên rất dễ lật từ tư thế nằm sấp.
  • Bé dần biết giao tiếp với mọi người và thường phát ra âm thanh "ê a" vô cùng đáng yêu. Bé dần biết quan sát và tò mò về những gì nhìn thấy xung quanh. Vậy nên mẹ hãy tích cực trò chuyện, chơi đùa với bé, bé sẽ nhanh biết nói chuyện với mẹ hơn.
  • Bé có thể cầm nắm các đồ vật trong tầm tay, chẳng hạn như: con gấu bông nhỏ, cái vòng tay hay cái đồ chơi lúc lắc....
bé cầm bông hoa
Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nhận thức và tò mò với mọi vật xung quanh. Ảnh Internet

2. Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi với chế độ dinh dưỡng khoa học

Một chế độ dinh dưỡng cho bé 4 tháng tuổi như thế nào là hợp lý? Đối với việc chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bé như:

2.1 Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi với sữa mẹ là chính

Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên, bất kể khi nào bé có nhu cầu. Đây là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ.

Thông thường khi được 6 tháng tuổi trẻ mới bắt đầu quá trình ăn dặm, nhưng ở một số trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao, nguồn sữa mẹ không đủ dinh dưỡng cho trẻ thì mẹ nên cho bé "tập ăn thử thức ăn dặm" từ khi 4 tháng tuổi.

Các loại thực phẩm phù hợp cho trẻ tập ăn thử trong giai đoạn này là: bột loãng, nước rau củ hoặc nước hoa quả. Không nên cho bé ăn những loại thực phẩm quá sức với hệ tiêu hóa còn non yếu, hoặc cho bé ăn quá nhiều cũng không tốt.

cho bé bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho bé 4 tháng tuổi - Ảnh Internet

Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bản thân để nguồn sữa mẹ luôn đầy đủ và dồi dào dinh dưỡng, giúp bé yêu phát triển một cách tốt nhất.

2.2 Chế độ dinh dưỡng cho mẹ đảm bảo chất lượng nguồn sữa cho bé

Các mẹ cần lưu ý khi thiết lập chế độ dinh dưỡng cho mình bao gồm:

  • Cân bằng 4 nhóm chất đạm, đường bột, chất béo và các loại khoáng chất sắt, can xi, vitamin B12,… cho cơ thể.
  • Cung cấp khoảng 2.800 kcal cùng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, 2-3 ly sữa dành cho mẹ đang cho con bú. Mẹ uống sữa để tăng cường sản xuất sữa cho bé.
  • Thịt, cá, trứng, gan, rau có lá màu xanh thẫm…ưu tiên các thực phẩm giàu chất sắt
  • Bổ sung ngũ cốc giàu vitamin B12, acid Folic
  • Hạn chế các loại gia vị như gừng, ớt, tiêu, hành, tỏi.
  • Không ăn các loại thức ăn sống, chín tái. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.

2.3 Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi cùng các dưỡng chất thiết yếu

Ở giai đoạn này, chăm sóc bé 4 tháng tuổi cần bổ sung một số dưỡng chất thiết yếu như: vitamin D, B12, sắt, đạm.....vì:

Bổ sung vitamin D:

  • Lượng vitamin D bé cần bổ sung mỗi ngày tương đương 400UI và duy trì trong tối thiểu là 1 năm.
  • Vitamin D giúp cơ thể bé tổng hợp canxi và photpho giúp xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
  • Việc bổ sung vitamin D cho bé có thể thông qua việc tắm nắng buổi sáng trước 9h nhằm giúp trẻ tự tổng hợp vitamin D.
  • Nguồn bổ sung vitamin D đều đặn cho bé vẫn là sữa mẹ. Vì thế mẹ cần đảm bảo cơ thể đủ vitamin để bổ sung cho bé trong sữa.

Bổ sung vitamin B12:

  • Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi cần bổ sung mỗi ngày khoảng 0,4 mcg vitamin B12.
  • Đây là chất có vai trò quan trọng vì giúp cơ thể bé chuyển hóa và sử dụng được axit béo, một số amino axit và là thành phần thiết yếu trong hình thành tế bào máu, đảm bảo hệ thống thần kinh phát triển khỏe mạnh.
  • Vitamin B12 được bé hấp thu thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức.
bé 4 tháng tuổi
Bé sẽ khỏe mạnh hơn nếu được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết - Ảnh Internet

Bổ sung thêm sắt cho bé:

  • Lượng chất sắt bé 4 tháng tuổi cần là khoảng 0,27 mg/ ngày. Theo “Khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Đông Nam Á” có đến 80% trẻ em Việt Nam bị thiếu sắt, nhất là các bé dưới 2 tháng tuổi. 
  • Thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời có thể gây thiểu năng, chậm vận động và bất thường về mặt hành vi. Trẻ sơ sinh bị thiếu sắt cơ thể sẽ xanh xao, chậm lớn, còi cọc, biếng ăn, hay mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa, có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
  • Sắt chính là khoáng chất thiết yếu cho sự hình thành và hoạt động của các tế bào hồng cầu, vốn có nhiệm vụ mang oxy lên não và giúp não tăng trưởng. Vì vậy, để đảm bảo bé nhận đủ chất sắt, trước hết mẹ cần bổ sung sắt cho bé thông qua chế độ dinh dưỡng.

Bổ sung hàm lượng vi sinh vật có lợi:

  • Vi sinh vật có lợi cho bé Probiotics thường sẽ xâm nhập vào màng nhầy và hệ tiêu hóa của bé khi mẹ sinh thường.
  • Với các bé ra đời do sinh mổ, khả năng xâm nhập của các loại vi sinh vật có lợi này sẽ trở nên khó khăn hơn, có thể khiến sức đề kháng của bé sinh mổ yếu hơn bình thường hoặc bị nhiễm trùng tai – mũi – họng. Mẹ có thể xin lời khuyên của bác sĩ và giúp bé bổ sung hàm lượng vi sinh vật có lợi.
bé 4 tháng tuổi phát triển
Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi sẽ nhanh phát triển nếu mẹ áp dụng đúng cách- Ảnh Internet

2.4 Không nên cho trẻ uống nước khi chưa đủ 6 tháng tuổi

Các bác sĩ tại trung tâm Johns Hopkins ở Baltimore cảnh báo: “Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không bao giờ nên được cho uống nước. Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống quá nhiều nước lọc sẽ đặt bé trong tình trạng de dọa tính mạng từ nguy cơ nhiễm độc nước. Ngay cả khi con rất nhỏ, trẻ đã biết khát và biết cần nước. Tuy nhiên, nguồn nước duy nhất bé cần lúc này là từ sữa”.

Theo tổ chức Y Tế Thế Giới WHO, các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu. Bởi việc cho con bú sữa mẹ, chính là cách tốt nhất mang đến cho bé liều vắc xin hiệu quả cùng với lượng nước và dưỡng chất phù hợp nhất.

Trong sữa mẹ có khoảng 88% thành phần là nước thì sữa công thức có phần đặc hơn. Với trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mẹ không cần và không nên bổ sung nước lọc. Với trẻ bú sữa công thức, có thể cho uống ngụm nhỏ tráng lưỡi sau ăn. Tuy nhiên khuyến cáo của các chuyên gia nhi là lượng nước "không nên quá 30ml nước/ ngày".

bé cầm bình nước
Không nên cho trẻ dưới 6 tháng uống quá sớm vì bú sữa mẹ đã là quá đủ đối với trẻ - Ảnh Internet

Cho trẻ sơ sinh uống nước sẽ làm bé cảm giác no bụng, không muốn bú thêm sữa. Mặt khác, khi uống quá nhiều nước trẻ sẽ bị dư nước vì hai quả thận của bé chưa phát triển đủ về chức năng, lọc không nổi nước tiểu, khiến cơ thể trẻ bị ứ nước, mất muối, làm trẻ bị phù và ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, hô hấp (trẻ lừ đừ, ngủ nhiều, thở mệt, nếu quá nặng có thể co giật, hôn mê).

Để có đủ sữa cho con, người mẹ cần ăn nhiều chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, tránh căng thẳng và cố gắng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời của trẻ.

3. Một vài lưu ý khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết lật và tò mò với thế giới xung quanh hơn nên khả năng bé gặp những rắc rối khi mẹ không có mặt là rất cao. Mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Bé có thể bị ngã: tránh để bé ở những vị trí cao, bé có thể xoay lật và có thể bị ngã. Vì vậy khi không có mẹ ở cạnh, mẹ nên cho bé nằm trong cũi hoặc đặt bé dưới sàn nhà.
  • Bé có thể bị bỏng: mặc dù chưa biết bò nhưng bé có thể xoay hoặc trườn và quờ quạng vào những vật gây nóng. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho bé mẹ nên để những vật dễ gây bỏng xa tầm tay của bé.
  • Bé có thể bị hóc: giai đoạn này trẻ rất tò mò với những gì chúng nhìn thấy, sờ thấy. Trẻ sẽ đưa bất kỳ vật gì mà chúng nhặt được vào miệng gây hóc. Vì vậy mẹ nên cẩn thận tránh để xảy ra hậu quả xấu nhé.

Thường ít nhất 5 - 6 tháng bé mới mọc răng sữa , nhưng có bé sẽ mọc răng sớm từ lúc 3, 4 tháng tuổi. Mọc răng sớm hay muộn thường do di truyền. Mẹ cần quan sát các dấu hiệu mọc răng khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi như:

  • Ngứa nướu - nướu sưng đỏ, chảy nước dãi (có thể xuất hiện nhiều tuần trước khi răng nhú ra).
  • Mặt bị nổi mẩn đỏ do chảy nước dãi quá nhiều.
  • Cho đồ vào miệng gặm vì nướu bị ngứa.
  • Khó chịu (thường vào nửa đêm).
  • Không chịu bú. Kéo tai hoặc xoa lên má vì đau.
bé cắn đồ ngậm nướu
Một số trường hợp bé có thể mọc răng sớm từ khi 3-4 tháng tuổi. Ảnh Internet

Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi quả không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ phải không các mẹ. Cần phải hết sức cẩn thận chăm chút từng chi tiết một, vì mỗi ngày trẻ 4 tháng tuổi đều có những thay đổi và những bước phát triển mới cả về thể chất lẫn trí tuệ. Yeutre.vn hi vọng với những chia sẻ qua bài viết trên sẽ giúp mẹ tích lũy thêm nhiều những thông tin và kiến thức hữu ích để chăm sóc bé ngày càng khỏe mạnh và phá triển vượt trội hơn.

Ngọc Huyền tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI