Ăn dặm nghĩa là ăn bổ sung song song với bú sữa mẹ. Tuy nhiên, ít cha mẹ nào hiểu đúng về ý nghĩa hai từ "ăn dặm". Một số mẹ cố gắng nhồi nhét cho con ăn thật nhiều, ăn như người lớn, nếu con không ăn đủ số lượng cha mẹ đề ra thì ngay lập tức sẽ bị "ép ăn" và quy kết là "biếng ăn".
Do đó, để ăn dặm thành công, cha mẹ hãy lưu ý những vấn đề sau.
1. Cho ăn dặm đúng độ tuổi - 6 tháng tuổi trở lên
Đây là yếu tố đầu tiên quyết định việc ăn dặm có thành công hay không. Nhiều cha mẹ nôn nóng muốn con to béo nhanh như trẻ khác nên cho con ăn bột ngay khi con 3 - 4 tháng tuổi. Nghĩa là chỉ cần con có dấu hiệu háu ăn, hay khóc về đêm vì lo đói, mẹ ít sữa (do quan niệm sai) nên ngay lập tức nấu bột cho con ăn.
Việc ăn quá sớm sẽ gây quá tải cho hệ tiêu hóa và đau dạ dày. Do đó, cha mẹ hãy bình tĩnh, nên cho con ăn dặm đúng độ tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa có thể thích nghi với thực phẩm thô ngoài sữa mẹ. Ngoài ra, khi 6 tháng tuổi, trẻ cũng đạt được: Khả năng ngồi và miệng chóp chép thèm.
2. Yếu tố môi trường ăn dặm
Nhiều cha mẹ bỏ qua yếu tố này. Ăn rong hay vừa ăn vừa làm trò, vừa ăn vừa xem ipad là thói quen của cha mẹ vì "thà để con ăn được 1 thìa cơm còn hơn bỏ đói". Điều này có thể chỉ "mua vui" và giúp trẻ thích thú ăn được 1 - 2 lần, nhưng những lần sau đó cha mẹ sẽ đánh vật với trẻ.
Do đó, việc tạo môi trường ăn uống lành mạnh, có nguyên tắc ngay từ nhỏ sẽ ghi dấu trong nhận thức của trẻ.
- Tập cho trẻ ăn vào ghế. Đến giờ ăn sẽ tự biết phải ngồi vào ghế.
- Để khắc phục tình trạng trèo ra khỏi ghế, mẹ có thể giới thiệu 1 - 2 món đồ chơi trẻ thích, nhưng tuyệt nhiên không giới thiệu điện thoại, ipad.
- Ngoài ghế, có thể cho trẻ ăn trong nhà và đi lòng vòng trong nhà, tuyệt đối không cho ra ngoài.
Hầu hết trẻ có thể ngồi ăn ngoan trong ghế nhưng với điều kiện cha mẹ phải kiên trì "rèn" cho trẻ. Nhiều cha mẹ rèn 3 - 4 lần không được liền bỏ cuộc và chiều theo ý trẻ.
Riêng việc ngồi ghế, giai đoạn này trẻ đang hiếu động nên bắt trẻ ngồi ngoan ăn uống là khó. Mẹ hãy dùng các yếu tố kích thích như đồ chơi đơn giản để thu hút trẻ. Sau 1 thời gian trẻ sẽ nhận thức rằng, chỉ khi nào trẻ ngồi vào ghế trẻ mới được ăn.
3. Thả lỏng bữa ăn của trẻ
Nhiều cha mẹ đau đầu mệt mỏi vì con ăn ít, con bỏ ăn. Hãy bình tĩnh nào, trẻ có thể bỏ ăn 1 vài bữa là bình thường, trẻ ăn ít là bình thường. Miễn là con vẫn khỏe mạnh và vui vẻ. Nguyên nhân trẻ có thể bị mệt, bị nóng nực, mọc răng, sốt và chuyện bỏ ăn, ăn ít là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, lúc trẻ khỏe mạnh mẹ có thể cho ăn bù. Vì vậy, giải pháp tốt nhất cho mẹ khi này là không thúc ép trẻ, quát mắng trẻ (vì điều này chỉ gây ám ảnh cho trẻ), hãy chờ tới bữa khác để cho ăn.
- Trong trường hợp trẻ bỏ bú (sau khi bỏ ăn) thì cần gặp chuyên gia ngay. Vì một số trẻ chỉ bỏ ăn chứ không bỏ bú và chúng chỉ bỏ ăn 1 - 2 bữa. Việc bỏ bú có thể là dấu hiệu bệnh lý do đó nên cho trẻ đi khám sức khỏe.
- Trong trường hợp trẻ không ăn, ăn ít thì mẹ dừng bữa ăn. Sau đó sẽ chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho trẻ. Vì một số trẻ sẽ không chịu ăn no trong một bữa, mẹ cần bổ sung nhiều bữa ăn cho trẻ.
4. Không quan tâm đến cân nặng
Sau 6 tháng trẻ tăng cân chậm hơn 6 tháng đầu. Do đó, nhiều cha mẹ bị ám ảnh cân nặng của trẻ. Đặc biệt khi nhìn những đứa trẻ khác to béo và ăn tốt.
Yếu tố loại bỏ cân nặng vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Cân nặng chỉ là một trong những thước đo sự phát triển của trẻ. Còn rất nhiều yếu tố khác đánh giá phát triển tốt hay không như vận động, trí tuệ, kỹ năng...
Cha mẹ nên nhớ, ăn dặm chỉ là tập ăn, sữa mẹ vẫn là thực phẩm chính. Quá trình này sẽ kéo dài tới 2 tuổi, do đó, cha mẹ sẽ có nhiều thời gian để "rèn" cho con ăn vào nếp.
Yeutre.vn (Tổng hợp)