Với nhu cầu sử dụng giấm như một gia vị không thể thiếu ngày một cao, giấm dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, chị em nội trợ lại rất lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của giấm chợ, chưa kể hương vị của giấm mua ngoài hàng thường khá gắt, không được ngon. Thực chất, để làm ra một mẻ giấm tại nhà không hề khó và phức tạp như mọi người tưởng tượng. Trong bài viết này, Yeutre.vn sẽ chia sẻ các cách làm giấm tại nhà vừa ngon vừa an toàn lại rất đơn giản nữa, chị em hãy cùng tham khảo nhé.
1. Con giấm là gì?
Khi làm giấm, các mẹ nội trợ thường hay gọi là "nuôi giấm" hay "con giấm". Vậy con giấm thực sự là gì?
Giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic. Trong quá trình làm giấm, trên bề mặt của hũ giấm sẽ có một lớp men vi sinh, chính lớp men này khiến cho hỗn hợp nước trong hũ chua hơn và thành giấm. Và người ta gọi lớp men đó là "con giấm", vài nơi gọi là cái giấm. Như vậy, "con giấm" mà dân gian hay gọi thực chất là những con vi khuẩn acetic rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường, chúng kết lại với nhau tạo thành một lớp váng trắng đục và dày lên mỗi ngày trên bề mặt giấm.
2. Công dụng của giấm trong đời sống hàng ngày
2.1. Công dụng của giấm trong ẩm thực
Giấm vốn được sử dụng phổ biến trong ẩm thực thế giới từ xưa đến nay. Theo bí kíp nấu ăn đến từ những đầu bếp của những nhà hàng nổi tiếng, cho thêm chút giấm vào món súp hay nước sốt sẽ khiến hương vị của món ăn thay đổi không ngờ. Món ăn sẽ có vị tự nhiên và dễ điều chỉnh hơn rất nhiều khi có thành phần giấm trong công thức chế biến.
- Gia vị chấm : Người ta dùng giấm như một loại gia vị làm nước chấm , chế biến sốt cho các món salad hay món nộm.
- Tạo vị chua : Vì đặc tính lên men, giấm được nêm vào canh hay nước lẩu để tạo vị chua. Tùy vào từng món ăn mà người nấu sẽ chọn loại giấm và lượng giấm phù hợp. Thêm một chút giấm vào món súp sẽ giúp món súp có mùi vị tự nhiên hơn.
- Sơ chế và bảo quản thực phẩm : Vì giấm có tính sát khuẩn nhẹ nên thường khi rửa thực phẩm, người ta sẽ cho thêm chút giấm. Việc làm này có thể tiêu diệt được một số loại vi khuẩn nguy hiểm như E. coli và Salmonella . Ngoài ra, giấm có khả năng ức chế các loại vi khuẩn làm hỏng thực phẩm nên thường được dùng như chất bảo quản thực phẩm. Lấy một miếng vải nhúng qua giấm, sau đó dùng miếng vải đó bọc thịt lại sẽ giúp thịt tươi lâu hơn.
2.2. Giấm có công dụng như thế nào đối với sức khỏe?
Ứng dụng của giấm trong y học không hề ít. Giấm vốn đã được sử dụng để làm sạch vết thương từ hơn hai ngàn năm trước. Chỉ riêng đặc tính kháng khuẩn của giấm đã mang lại vô số những công dụng cho sức khỏe con người.
- Giấm có thể khử trùng : Dùng giấm để làm sạch và khử trùng ngoài da, giấm cũng giúp điều trị các bệnh về móng như nấm móng hoặc trị các loại mụn cóc,... Trước khi có thuốc sát trùng ra đời, người ta dùng giấm để sát trùng vết thương.
- Làm giảm lượng đường trong máu : Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên với những người có lượng đường huyết cao, việc bổ sung giấm vào bữa ăn làm giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn. Theo đó, giấm có thể là một phương pháp điều trị tiềm năng giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
- Tăng cường sức khỏe của tim : Theo các chuyên gia, ăn salad dầu giấm từ 5-6 lần/tuần làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh về tim, đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, giấm còn hỗ trợ ngăn ngừa bệnh cao huyết áp.
- Có tác dụng ngăn ngừa ung thư : Mặc dù chưa có kết quả chính xác, nhưng từng loại giấm khác nhau được cho là có khả năng giúp ngăn ngừa ung thư. Dựa trên nghiên cứu lâm sàng, giấm có thể tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.
- Chữa ho, chống đau họng : Khi bị ho, bạn có thể trộn giấm với một chút mật ong và muối để súc miệng, cổ họng bạn sẽ được làm sạch và những cơn ho sẽ dịu đi nhanh chóng. Cho một ít giấm táo vào tách trà thảo dược mà bạn uống hàng ngày cũng có tác dụng làm thông cổ họng.
- Kích thích vị giác: Sử dụng giấm trong khẩu phần ăn, thêm giấm vào những món salad rau củ trộn, các loại dưa giấm, củ kiệu ,... sẽ giúp tạo cảm giác thèm ăn, khiến cho món ăn thêm ngon miệng.
- Thúc đẩy tiêu hóa : Môi trường dạ dày vốn là môi trường axit, giấm giúp cân bằng môi trường này bằng cách kích thích sự tiết axit dạ dày giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Nếu bạn gặp phải chứng khó tiêu đáng ghét, hãy thử một chút giấm trong khẩu phần để tiêu hóa thức ăn được tốt hơn.
2.3. Công dụng của giấm trong làm đẹp
Giấm giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của đường và protein trong cơ thể. Axit acetic trong giấm giúp tiêu diệt vi khuẩn để bảo vệ da và tóc luôn khỏe đẹp. Những công dụng của giấm trong làm đẹp phải kể đến như:
- Trị các bệnh về da như viêm da : Da bị ngứa hay bị viêm do các loại vi khuẩn tích tụ có thể sử dụng giấm như một cách để kháng viêm rất tốt. Sử dụng giấm còn giúp cân bằng độ ẩm trên da, giúp da không bị khô và ngứa.
- Trị gàu da đầu và nấm tóc : Giấm có thể giúp cải thiện tình trạng gàu da đầu và ngứa da đầu do nấm tóc rất tốt. Gàu nhiều có thể do da đầu nhờn và bị bí tắc do bụi bẩn, sử dụng giấm như một phương pháp trị liệu làm thông thoáng da dầu trị gàu rất tốt.
- Phục hồi da bị cháy nắng : Đối với những làn da bị cháy nắng, ngâm mình trong nước tắm pha chút giấm sẽ giúp da nhả nắng rất nhanh.
- Hỗ trợ điều trị da nhờn : Giấm có thể giúp cân bằng độ pH lại cho da rất tốt, làn da bị dầu nhờn có thể sử dụng giấm trong công thức làm nước hoa hồng tại nhà để dùng hàng ngày.
- Giúp làm trắng răng : So với những loại nước súc miệng tại cửa hàng, nhiều người ưa chuộng súc miệng bằng giấm loãng vì độ tự nhiên và an toàn của nó.
- Hỗ trợ quá trình giảm cân, giữ dáng : Giấm có khả năng làm giảm sự thèm ăn rất tốt. Vì dạ dày của chúng ta vốn là môi trường axit, nên việc hấp thụ giấm vào cơ thể với lượng vừa phải sẽ giúp cân bằng được môi trường bên trong dạ dày, hình thành lợi khuẩn. Giấm còn hỗ trợ quá trình tiêu hao năng lượng, ức chế hình thành mỡ thừa và đốt cháy calo.
2.4. Mẹo vặt sử dụng giấm
Giấm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày, có những mẹo vặt với giấm mà có thể bạn chưa từng biết qua nhưng lại vô cùng hữu ích. Dưới đây là một vài rắc rối mà bạn có thể dùng giấm để giải quyết trong tích tắc:
- Chất tẩy rửa lành tính : Giấm táo pha loãng chính là một chất tẩy rửa đa năng tự nhiên. Nếu bạn là người ngại sử dụng các chất tẩy rửa công nghiệp, thì với những vùng vết bẩn không quá cứng đầu, sử dụng giấm để làm sạch là một lựa chọn không tồi.
- Khử mùi : Giấm có tác dụng khử mùi hôi rất tốt. Nếu phòng có mùi khó chịu, bạn có thể pha giấm và nước với tỷ lệ 1:1, sau đó dùng bình xịt để khử đi mùi khó chịu.
- Diệt cỏ : Xịt trực tiếp giấm cô đặc lên cỏ dại trong vườn nhà bạn có thể giúp dọn sạch được đống cỏ khó chịu đấy.
- Vệ sinh bàn chải đánh răng : Vì giấm có tính kháng khuẩn nên bạn hoàn toàn có thể dùng hỗn hợp giấm pha loãng và bột basking soda để làm sạch bàn chải đánh răng khi cần.
- Dung dịch rửa bát đĩa : Hơi bất ngờ nhưng giấm lại có thể giúp bạn tiêu diệt bọn vi khuẩn trên bát đĩa rất hiệu quả. Nhiều nội trợ còn cho giấm vào máy rửa chén mỗi khi nhà hết nước rửa chén đấy.
- Tiêu diệt bọ chét : Giấm táo pha loãng chính là môi trường mà lũ bọ chét sẽ tránh xa. Phun hỗn hợp giấm táo lên thú cưng sẽ giúp ngăn ngừa chúng khỏi bọ chét tấn công.
3. Cách làm giấm tại nhà cực đơn giản mà bạn nên thử
Có rất nhiều loại giấm khác nhau và hương vị cũng như cách kết hợp của từng loại đối với từng thực phẩm, từng món ăn lại càng đa dạng. Giấm nếu được làm tỉ mỉ và cẩn thận sẽ cho ra hương vị mà bất kỳ ai cũng sẽ thích. Như vậy, dù cho quá trình làm giấm có thể lâu hơn, nhưng với vai trò là một loại gia vị độc đáo không thể thiếu của bất cứ gia đình nào, chị em cũng nên thử các cách làm giấm đơn giản với nguyên liệu vô cùng dễ tìm sau đây.
3.1. Cách làm giấm táo
Giấm táo đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây không chỉ vì công thức lên men từ táo độc đáo, mà còn vì hương vị của nó khác hoàn toàn so với các loại giấm khác. Táo còn là một loại trái cây có tác dụng chống oxy hóa tuyệt vời, cùng với những dưỡng chất mà nó mang lại, không quá ngạc nhiên khi giấm táo được các chuyên gia dinh dưỡng và đầu bếp khuyên dùng.
3.1.1. Nguyên liệu
- Táo thường: 3 kg
- Giấm gạo: 1 lít (hoặc giấm nuôi)
- Đường phèn: 1 bát
- Hũ thủy tinh đựng giấm
Mách bạn : Chọn mua táo trái giòn, ngọt và nhiều nước. Loại táo này làm giấm sẽ ngon hơn là loại táo trái to và xốp. Chọn những quả táo còn tươi, cầm nặng tay, tránh mua táo héo hoặc bị hỏng. Ngoài ra, giấm gạo là lựa chọn nguyên liệu tốt nhất để giúp món giấm táo giữ được hương vị đặc trưng và an toàn cho sức khỏe.
3.1.2. Sơ chế
- Bước 1 : Táo mua về rửa thật sạch. Bạn nên ngâm táo trong nước muối loãng để phần vỏ táo được tiệt trùng sơ, sau đó hãy rửa táo lại với nước sạch.
- Bước 2 : Cắt táo thành từng miếng nhỏ hoặc thái mỏng, bỏ hạt.
- Bước 3 : Hũ thủy tinh rửa sạch, để khô.
3.1.3. Cách làm
- Bước 1 : Xếp một lớp táo xuống dưới đáy hũ, sau đó đổ một lớp đường lên lớp táo. Rồi lại tiếp tục xếp một lớp táo đến một lớp đường như vậy cho đến hết. Kết thúc bằng một lớp đường trên cùng. Bạn đừng cố nhồi nhét táo vào hũ, chừa lại vài phân từ mặt táo đến miệng hũ.
- Bước 2 : Đổ 1 lít giấm gạo vào hũ táo. Bạn chỉ cần đổ giấm gạo cho ngập táo là được, không cần đổ đầy đến miệng hũ.
- Bước 3 : Đậy kín nắp hũ sau đó đặt ở nơi thoáng mát và ít ánh sáng trong khoảng 2 tháng. Nếu bạn làm một lượng lớn giấm táo trong hũ thủy tinh to, bạn có thể dùng một túi zip chứa đầy nước đặt lên phía trên mặt của lớp táo trong hũ. Như vậy sau một thời gian ngâm, táo sẽ không nổi lên và tránh được tình trạng táo bị hỏng.
- Bước 4 : Trong thời gian làm giấm, thỉnh thoảng bạn nên mở nắp hũ để giấm bay bớt mùi men sau đó đậy lại. Bạn nên theo dõi nếu thấy có bong bóng xuất hiện trong bình tức là quá trình lên men đang diễn ra. Ngoài ra, hãy đảm bảo táo không bị hỏng trong quá trình ngâm cũng như không có váng mốc trong hũ.
- Bước 5 : Sau 2 tháng, để ý thấy miếng táo nổi lên, ngả màu, quắt lại thì bạn lọc bỏ phần bã táo và lấy phần nước giấm cho vào một hũ thủy tinh khác. Tiếp tục để hũ thủy tinh vào một góc thoáng mát trong nhà trong khoảng 6 tuần tiếp theo, sau đó bạn có thể lấy ra và lược lấy phần giấm để dùng.
3.2. Cách làm giấm bằng nước dừa
Cách làm giấm bằng nước dừa khá xưa và phổ biến, hầu như ai vừa bắt đầu làm giấm cũng đều thử qua cách làm này vì nó đơn giản và nguyên liệu lại dễ tìm. Hương vị của loại giấm này còn tùy thuộc vào loại dừa mà bạn chọn, điểm chung của các mẻ giấm này là đều thơm mùi nước dừa và có vị chua thanh, thích hợp để dùng trong các công thức làm bánh.
3.2.1. Nguyên liệu
- Dừa: 1 trái
- Rượu trắng: 1 ly
- Nước lọc: 20 ly
- Hũ thủy tinh đựng giấm
3.2.2. Cách làm
- Bước 1 : Rửa sạch hũ thủy tinh rồi để khô
- Bước 2 : Cho nước lọc, rượu trắng và nước dừa vào hũ, khuấy đều hỗn hợp.
- Bước 3 : Đậy kín hũ sau đó để ở nơi thoáng mát và ít sáng trong vòng 2 tháng để hình thành con giấm.
- Bước 4 : Sau 2 tháng là giấm sẽ chua. Lúc này, bạn lấy hết nước dấm trong hũ ra để dùng. Sau đó tiếp tục cho thêm rượu, nước dừa và nước lọc bằng với lượng ban đầu vào hũ để làm mẻ giấm khác. Các mẻ giấm tiếp theo chỉ cần một tháng là có thể sử dụng được rồi đấy.
3.3. Cách làm giấm gạo
Giấm làm từ rượu nếp hay rượu gạo thường được gọi là giấm gạo. Loại giấm này có hương vị khá ngọt ngào và có ít axit hơn so với hầu hết các loại giấm khác, thế nên bạn có thể yên tâm sử dụng khi nấu ăn cho cả gia đình. Màu của giấm gạo phụ thuộc vào màu của rượu, có thể trong suốt hoặc ngả vàng. Giấm gạo có mặt trong rất nhiều các công thức nấu món ăn châu Á như món xào, salad rau củ quả , mì,...
3.3.1. Nguyên liệu
- Gạo trắng: 1 kg
- Men bia: 500 gram
- Đường trắng: 400 gram
- Trứng gà: 2 quả
- 1 tấm vải mỏng
- Hũ thủy tinh đựng giấm
3.3.2. Sơ chế
- Bước 1 : Rửa sạch hũ thủy tinh và để khô
- Bước 2 : Sơ chế gạo. Vo gạo thật sạch và nấu thành cơm. Sau đó đổ nước sạch vào nồi cơm chín, ngâm ít nhất trong 4 giờ, tốt nhất là để ngâm qua đêm trong tủ lạnh.
- Bước 3 : Trứng gà tách lấy lòng trắng
3.3.3. Cách làm
"Con giấm" gạo sau khi lên men. Ảnh Internet- Bước 1 : Lấy cơm trong tủ lạnh ra, cho cơm vào tấm vải mỏng, bọc lại rồi chắt lấy nước.
- Bước 2 : Bạn đong xem được bao nhiêu bát nước cơm, sau đó cho đường vào nước cơm theo tỷ lệ 4 bát cơm : 2.5 bát đường. Khuấy cho hỗn hợp tan đều.
- Bước 3 : Bắc hỗn hợp vừa rồi lên bếp, nấu trong 20 phút với lửa vừa, sau đó tắt bếp và để nguội.
- Bước 4 : Trộn hỗn hợp với men bia theo tỉ lệ 1:1 rồi cho tất cả vào hũ thủy tinh, đậy kín và để trong khoảng 1 tuần để hỗn hợp lên men thành giấm.
- Bước 5 : Khi lấy giấm ra để sử dụng, bạn hãy nấu sôi hỗn hợp một lần nữa cùng với lòng trắng trứng. Tỷ lệ hỗn hợp và lòng trắng là 40 ly hỗn hợp : 2 lòng trắng trứng. Sau khi hỗn hợp sôi thì để nguội, chiết ra lọ nhỏ để tiện dùng dần.
3.4. Thử làm giấm từ rượu vang sang chảnh
Giấm làm từ rượu vang sẽ có hương vị tinh tế hơn so với những loại giấm mà bạn mua ngoài cửa hàng. Loại giấm làm từ rượu vang sẽ rất tuyệt vời khi sử dụng làm nước sốt cho các món ăn phong cách châu Âu hoặc các món nướng, đảm bảo mùi hương sẽ là một điểm cộng cho món ăn của bạn. Bạn hãy chọn chính loại rượu vang mà mình thích để làm giấm, vì như vậy bạn mới cảm thấy yêu thích hương vị của giấm sau khi hoàn thành.
3.4.1. Nguyên liệu
- Rượu vang: 1 lít (rượu vang đỏ hoặc rượu vang nho)
- Giấm nuôi: 1 ly
- Hũ thủy tinh đựng giấm
3.4.2. Cách làm
- Bước 1 : Rửa sạch hũ thủy tinh rồi để khô
- Bước 2 : Cho rượu vang và giấm nuôi vào hũ, chỉ đổ ngập 3/4 hũ, không đổ quá đầy. Đậy nắp và để hũ ở nơi thoáng mát, ít sáng trong vòng 1 tháng. Sau đó bạn chắt giấm ra để dùng, giữ lại con giấm trong hũ và tiếp tục cho rượu vào để nuôi thêm mẻ giấm mới.
3.5. Cách làm giấm chuối
Giấm chuối làm từ chuối lên men sẽ là món giấm vừa sạch sẽ, an toàn, vừa dễ thực hiện cho chị em nội trợ. Giấm chuối có vị chua thanh và hương thơm dịu, mùi chua của giấm chuối cũng không quá nồng hay quá gắt. Nếu bạn đang tìm kiếm một hương vị giấm lâu đời từ thời ông bà ta, thì giấm chuối chính là sự lựa chọn đúng nhất.
3.5.1. Nguyên liệu
- Chuối chín: 500 gram
- Giấm gạo: 500 gram
- Đường nâu: 500 gram
- Hũ thủy tinh đựng giấm
3.5.2. Sơ chế
- Bước 1 : Rửa sạch hũ thủy tinh rồi để ráo.
- Bước 2 : Chuối chín bóc vỏ và bỏ xơ, sau đó cắt chuối thành từng khoanh dày khoảng 1 cm.
3.5.3. Cách làm
- Bước 1 : Hòa tan đường nâu vào giấm
- Bước 2 : Cho tất cả chuối thái khoanh vào hũ thủy tinh, tiếp đến cho hỗn hợp giấm và đường nâu vào hũ. Đậy nắp lại sau đó cho vào tủ lạnh trong 2 tuần.
- Bước 3 : Sau 2 tuần, bạn lấy hũ giấm ra, lọc lấy phần nước cốt giấm và chiết ra lọ dùng dần.
3.6. Cách làm giấm chuối nguyên trái
3.6.1. Nguyên liệu
- Chuối sứ hoặc chuối xiêm chín: 500-700 gram ( 5-6 quả)
- Dừa: 1 lít
- Nước lọc
- Rượu trắng: 100 ml
- Hũ thủy tinh đựng giấm (thể tích khoảng 10 lít)
3.6.2. Sơ chế
- Bước 1 : Chuối bóc vỏ và bỏ phần xơ quanh thân
- Bước 2 : Hũ thủy tinh rửa sạch rồi để khô
3.6.3. Cách làm
- Bước 1 : Cho nước dừa, chuối nguyên trái và rượu trắng vào hũ thủy tinh.
- Bước 2 : Đổ nước lọc vào ngập khoảng 8/10 hũ. Đậy nắp lại và để nói thoáng mát trong vòng 60 ngày. Bạn thường xuyên kiểm tra con giấm xem đã đủ dày chưa, thử độ chua của giấm sao cho vừa với hương vị bạn muốn.
- Bước 3 : Khi giấm chua vừa ý, bạn nhẹ nhàng chiết giấm ra hũ khác, chừa con giấm và xác chuối trong hũ lại. Lúc này, bạn có thể nuôi một mẻ giấm khác bằng cách pha nước đường với tỷ lệ 1 bát đường : 6 bát nước lọc, sau đó cho hỗn hợp này vào hũ, cũng đổ ngập 8/10 hũ là được. Lần chiết giấm tới sẽ nhanh hơn lần đầu vì giấm trở chua nhanh hơn, bạn lại tiếp tục quy trình chiết và nuôi lại con giấm như vậy cho đến khi "con giấm" dày vừa đủ, không đủ chỗ để giấm lớn thì bạn mới sang bớt "con giấm" qua một hũ thủy tinh khác.
3.7. Giấm trái cây
Giấm làm từ trái cây sẽ có được hương vị đặc trưng của những loại trái cây đó. Hương vị giấm trái cây dễ sử dụng để chế biến nước sốt kết hợp với các món thịt , cá, đậu. Trái cây để lên men thành giấm cũng rất đa dạng, tốt nhất bạn nên dùng những loại quả chua, có tính axit để nhanh có giấm.
3.7.1 Nguyên liệu
- Nước lọc: 1 lít
- Đường: 200 gram
- Trái cây: chuối, nho, mít, táo, dứa,...
- Giấm nuôi hoặc rượu trắng: 1 ly
3.7.2. Cách làm
- Bước 1 : Sơ chế trái cây. Trái cây rửa sạch, gọt vỏ và thái thành miếng nhỏ.
- Bước 2 : Hòa tan đường và nước lọc.
- Bước 3 : Cho trái cây vào hũ thủy tinh, sau đó cho hỗn hợp nước đường vào, đậy nắp lại rồi để nơi thoáng mát trong khoảng 1-2 tuần.
- Bước 4 : Sau 1-2 tuần, bạn lọc hết bã trái cây ra, phần nước bạn cho vào hũ và tiếp tục để trong 4-5 tuần nữa để giấm chua là có thể dùng được.
4. Những lưu ý trong quá trình làm giấm
- Vật dụng đựng giấm: Vì giấm có tính axit nên rất dễ trở thành dung môi hòa tan các chất độc hại trong vật liệu đựng. Bạn nên dùng những vật dụng đựng đảm bảo chất lượng và được cho phép sử dụng để đựng thực phẩm như lọ, hũ thủy tinh chẳng hạn. Những loại hũ, lọ nhựa đựng được giấm phải là nhựa polyetylen hoặc nhựa PET. Không nên dùng nhựa PVC để chứa dầu ăn hay giấm ăn, vì loại nhựa này chỉ có thể giữ nguyên kết cấu khi chứa thực phẩm trung tính và khô mà thôi. Ngoài ra, các loại ang hay sành có chất liệu chính là đất nung nên có khả năng chứa các kim loại nặng, nếu dùng để đựng giấm dễ có nguy cơ thôi nhiễm, không tốt cho sức khỏe.
- Trước khi đậy nắp hũ để ủ giấm, bạn hãy sử dụng một tấm vải mỏng phủ lên miệng hũ, vì con giấm vẫn cần không khí để có thể phát triển nên bít một tấm vải lên như vậy vừa đảm bảo tránh được côn trùng và bụi bẩn, vừa có thể để không khí lọt vào hũ.
- Trong thời gian ủ giấm, bạn nên thỉnh thoảng mở nắp để kiểm tra xem con giấm đã nhiều chưa. Mở nắp ra cũng sẽ khiến cho không khí có thể đi vào hũ giúp nuôi sống con giấm. Giấm để lâu quá sẽ rất chua nên tùy theo khẩu vị và cách dùng, bạn có thể thay đổi thời gian ủ giấm linh động để có được hương vị giấm mong muốn.
- Sau khi lọc mẻ giấm đầu tiên, bạn hãy giữ lại con giấm để dành nuôi tiếp nếu muốn làm thêm mẻ giấm khác. Con giấm tùy vào loại giấm mà bạn làm sẽ có màu sắc và độ dày khác nhau. Còn phần nước giấm, sau khi chắt ra có thể dùng ngay hoặc nấu sôi lại rồi để nguội, chiết ra lọ dùng dần.
5. Bạn có đang sử dụng giấm đúng cách?
- Dùng giấm với một lượng vừa đủ : Nếu bạn đang uống giấm mỗi ngày thì hãy điều chỉnh lượng uống sao cho phù hợp, đặc biệt nên pha loãng giấm khi uống. Thực tế, giấm là axit acetic , nên khi bạn uống một lượng lớn giấm vào cơ thể đều đặn, dạ dày và đường ruột của bạn sẽ bị bào mòn. Giấm nếu uống quá nhiều sẽ giết chết các lợi khuẩn đường ruột, làm giảm men tiêu hóa, khiến bạn không còn muốn ăn, cơ thể cũng không hấp thụ chất dinh duõng được nữa, đây chính là nguyên nhân khiến bạn gầy đi. Đã từng có trường hợp bị loét dạ dày vì giảm cân bằng cách uống giấm quá liều.
- Không nên dùng giấm khi dạ dày không khỏe : Nếu bạn đang có vấn đề với dạ dày hoặc từng bị loét dạ dày, bạn nên cân nhắc khi sử dụng giấm táo như một phương pháp để giảm cân tại nhà hay như một món đồ uống mỗi ngày. Nồng độ axit trong giấm có thể khiến cho bệnh dạ dày của bạn thêm tồi tệ hơn. Ngoài ra, nếu bạn là người có cơ địa yếu, uống giấm rất dễ dẫn đến ngộ độc. Giấm đi vào trong cơ thể với lượng lớn sẽ làm giảm lượng pH, tác động xấu đến thần kinh, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi và quá trình bài tiết của thận.
- Việc ngửi mùi của giấm quá nhiều cũng không tốt : Vì giấm có nồng độ axit nhất định, mùi của giấm có thể gây hại cho phổi và gây cảm giác nóng rát ở đường hô hấp.
- Chú ý đến nồng độ axit trong giấm : Nếu không có đủ thời gian để chờ giấm trở chua, bạn bắt buộc phải mua giấm trong cửa hàng, thì trước tiên hãy lưu ý đến độ axit có trong lọ giấm đó. Hầu hết các loại giấm an toàn để dùng làm thực phẩm có độ axit là 5%, tuy nhiên sẽ có vài loại độ axit là 6-7%, và có một loại giấm dùng trong công nghiệp với độ axit là 20-30% mà bạn cần cực kỳ cẩn thận khi lựa chọn. Những loại giấm có độ axit cao chỉ nên dùng để tẩy rửa, lau bề mặt đồ đạc trong nhà, không nên dùng để chế biến thức ăn.
- Thận trọng khi dùng trên da : Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp da người dùng bị kích ứng với giấm táo, giấm rượu. Giấm được nhiều chị em phụ nữ dùng như một loại mỹ phẩm trị liệu trên da mụn, da thâm nám hay da bị cháy nắng. Tuy nhiên, đối với những làn da nhạy cảm, đặc biệt là da nhiều mụn, sử dụng giấm không hẳn là tốt. Nên nếu bạn đang có ý định dùng giấm như một liệu pháp chăm sóc da mặt , hãy thử trên những vùng da quanh cổ trước cũng như chắc chắn da bạn đang trong trạng thái khỏe mạnh, không quá nhạy cảm.
Những cách làm giấm tại nhà đơn giản trên đây cũng phần nào giúp cho chị em nội trợ có cái nhìn rộng hơn về độ đa dạng của các loại giấm ăn. Bên cạnh hương vị đậm đà, đặc trưng mà giấm mang lại cho món ăn, chúng ta không thể không nhắc đến những lợi ích tuyệt vời của giấm trong cuộc sống. Chuyên mục Món ngon chúc các chị em sớm thành công làm ra được những mẻ giấm thơm ngon, để vừa có được gia vị đảm bảo an toàn, vừa giúp thổi hồn vào những món ăn đơn điệu hàng ngày nữa nhé.
Nguồn tham khảo: Healthline, Real Simple, The Spruce Eats
(*) Ảnh Avocado pecan salad của tác giả FranHogan - Veganliftz.com
Nguyễn Diệp tổng hợp