1. Cách làm dưa món miền Trung
Cách làm dưa món miền Trung cho món dưa có vị chua chua, mặn mặn khá đậm đà. Cách làm món dưa này muốn thành công mĩ mãn cần qua các bước chuẩn khá công phu. Trước tiên chúng ta sẽ bắt đầu từ phần chuẩn bị nguyên liệu nhé.
1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Củ kiệu: Số lượng tùy vào nhu cầu của gia đình. Thông thường mỗi lần ngâm người miền Trung chính gốc thường chế biến khoảng 1kg rồi lưu trữ dùng dần.
- Cà rốt
- Su hào/ đu đủ/ dưa leo
- Ớt, hành tím
- Nước mắm ngon, muối, đường, giấm (tùy chọn)
1.2. Sơ chế nguyên liệu
- Các bước sơ chế dưa món rất quan trọng. Thành phẩm có ngon hay không 50% nằm ở công đoạn này.
- Đầu tiên củ kiệu bạn mang bóc vỏ. Gọt bỏ phần rễ và lá. Cẩn thận không được làm thân củ bị trầy xước sẽ ảnh hưởng đến độ giòn, khi ngâm dễ bị mềm nhũn.
- Hành tím lột vỏ, rửa sạch.
- Cà rốt, su hào đều gọt vỏ. Thái lát vừa ăn. Cách làm dưa món miền Trung ở bước này nên dùng dao tỉa rau củ chuyên dụng để hình dáng bắt mắt hơn.
- Ớt thái lát mỏng, bỏ hạt.
- Sau khi sơ chế, bạn cần ngâm tất cả rau củ vào thau lớn. Đổ nước ngập mặt rồi cho thêm muối. Chờ khoảng 20 phút.
- Đổ rau củ ra rổ, xả lại dưới vòi nước sạch nhiều lần
- Tiếp tục đổ nguyên liệu vào nia/khay, dàn đều rồi đem phơi nắng. Nên phơi ở nơi nhiều nắng, ít bụi. Nếu thời tiết nắng gắt thì mọi người chỉ cần phơi 1 ngày là đủ. Còn nếu thời tiết ít nắng thì bạn nên phơi lâu 1 chút, tầm 1,5 ngày - 2 ngày. Đến khi thấy rau củ đều khô lại thì bắt đầu mang vào chuẩn bị hoàn thành bước ngâm dưa.
1.3. Ngâm dưa món
- Độ chua và độ giòn của dưa món đều nằm ở giai đoạn này. Vì vậy muốn thành phẩm ngon, thao tác này bạn cần đặc biệt chú ý.
- Đầu tiên nấu nước mắm cùng nước sôi, độ mặn vừa phải. Cho thêm đường và một ít giấm (tùy chọn). Khuấy tan rồi nêm nếm lại sao cho không quá gắt. Nấu sôi cho tan hết đường rồi tắt bếp chờ nguội.
- Xếp tất cả các nguyên liệu vào lọ/ hũ sạch. Bạn nên dùng lọ thủy tinh để dễ quan sát. Hơn nữa lọ thủy tinh cũng an toàn, thân thiện với sức khỏe và đẹp mắt hơn. Nén rau củ thật chặt hết mức có thể.
- Rót hỗn hợp nước ở trên vào lọ thủy tinh chứa nguyên liệu. Vừa rót vừa tiếp tục nén chặt không cho rau củ nổi lên. Từ khoảng cách lớp trên cùng, rót nước ngập hơn 1 ngón tay thì dừng.
- Đậy nắp, bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát. Sau 2 ngày thì mọi người có thể mang ra thưởng thức. Đặc biệt không nên ngâm quá lâu, vì càng ngâm lâu thì dưa món sẽ càng mặn, càng chua ăn mất ngon. Để hãm chua bạn có thể cho hũ dưa vào ngăn mát tủ lạnh.
2. Những lưu ý giúp dưa món thêm ngon
- Trong các cách làm dưa món hay muối củ kiệu, với củ kiệu bạn không nên chọn loại quá già hoặc quá non. Nên chọn củ vừa, không giập nát. Có như vậy khi hoàn thành dưa mới ngon, giòn.
- Trong quá trình sơ chế củ kiệu tuyệt đối không được phạm vào phần củ, không được làm trầy. Nếu củ kiệu bị trầy, khi ngâm sẽ trở nên ủng, mềm nhũn, mất đi độ giòn vốn dĩ.
- Công đoạn phơi nắng sẽ giúp nguyên liệu tiết bớt nước. Có vậy quá trình muối dưa món mới không bị khú (bị hư). Vậy nên cùng mang ý nghĩa là làm héo. Tuy nhiên bạn không được thay đổi thành phơi gió hoặc sấy khô. Vì như vậy vị ngon sẽ không thể so sánh bằng phơi nắng.
- Thật ra hành tím và ớt cũng đã đủ tạo hương vị cho dưa món rồi. Tuy nhiên cách làm dưa món miền Trung tăng thêm nữa vị ngon là mọi người có thể biến tấu thêm với tỏi. Tùy vào khẩu vị gia đình bạn có thích ăn tỏi hay không.
- Bình chứa dưa món phải tuyệt đối khô ráo trước khi cho rau củ vào ngâm. Bình chứa nếu không khô rất dễ khiến dưa bị váng.
- Nước muối dưa món cần phải đun sôi. Nếu chúng xuất hiện lớp màng phải vớt bỏ rồi mới rót vào bình ngâm ủ.
- Vì dưa món ngâm càng lâu càng chua. Vậy nên bạn có thể ưu tiên cho nhiều đường một chút. Như vậy thời gian sử dụng sẽ được lâu hơn.
- Nguyên liệu làm dưa món càng nén chặt sẽ càng ngon. Để rau củ không bị nổi lên, bạn nên dùng phên hoặc đũa tre chặn lại cho khéo. Sao cho, mực nước ngâm dưa luôn ngập phần cái.
- Trong thời gian ủ không nên mở nắp thường xuyên. Đến thời gian sử dụng – Sau 2 ngày thì có thể mở ra và dùng trực tiếp. Không cần phải trông chừng quá nhiều.
3. Ăn gì với dưa món?
Nếu như miền Bắc thường dùng dưa hành với bánh chưng, miền Nam hay muối củ kiệu để dùng với bánh tét thì miền Trung có dưa món hấp dẫn. Đây được coi như là đặc sản vùng miền mà ngày Tết nhất định không thể thiếu.
Mâm cơm gia đình của người miền Trung vào những buổi chiều 30 luôn thường trực nét dân dã này. Dưa món có vị chua chua, giòn tan lại thêm cay của ớt, ăn cùng cơm trắng thịt kho tàu thì không còn gì tuyệt hơn.
Ngoài ra, dưa món còn hòa quyện và trở nên vô cùng ngon miệng khi ăn kèm với bánh tét, bánh chưng. Vị đậm đà cộng chút giòn mặn hấp dẫn quyện cùng nếp sẽ càng thêm đong đầy trong khoang miệng. Một lần ăn thì chắc chắn sẽ ghiền.
Tuy nói dưa món là đặc sản của miền Trung, thế nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, dù đi vùng nào bạn cũng sẽ thấy món ngon này thường trực. Hy vọng qua cách làm dưa món miền Trung đậm chất truyền thống mà Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn chia sẻ ở trên, bạn sẽ tự làm được món dưa ngon như ý. Chúc mọi người thực hiện thành công nhé!
Mỹ Lệ