1. Cách làm bánh giầy đậu xanh truyền thống dẻo thơm nếp ngon, bùi vị đậu
Bánh giầy đậu xanh với vị dẻo dẻo, thơm thơm của bột nếp cùng chút béo bùi của đậu xanh trở thành món ăn được rất nhiều người yêu thích. Cách làm bánh giầy vị này cực kỳ đơn giản, hãy cùng thực hiện nào.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột nếp: 500 gram
- Bột gạo: 20 gram
- Đậu xanh: 550 gram
- Đường: 120 gram
- Muối: 20 gram
- Mè rang: 50 gram
- Dầu ăn: 300 ml
- Nước ấm: 400 ml
- Dụng cụ: lá chuối, máy xay sinh tố, xửng hấp, tô, muỗng,…
1.2. Hướng dẫn các bước thực hiện làm bánh giầy đậu xanh
- Bước 1: Đậu xanh đãi qua một lượt để loại bỏ bụi và hạt hư rồi đem ngâm với nước khoảng 2 – 3 tiếng. Ngâm xong đem xả lại nước cho sạch, vớt ra để ráo và bỏ vào xửng hấp khoảng 20 phút cho chín. Đậu hấp chín chia làm 4 phần, 3 phần đem xay nhuyễn, phần còn lại để riêng ra bát để áo bên ngoài bánh giầy.
- Bước 2: Cho 2/3 số đậu xanh đã xay nhuyễn vào chảo cùng với đường và một xíu dầu ăn rồi sên trên bếp với lửa vừa đến khi nào đậu xanh tạo thành khối dẻo và không dính chảo là được. Tiếp tục cho thêm 30g mè rang vào, trộn đều lên. Để nhân nguội bớt thì đem vo lại thành viên nhỏ, lam xong bạn bọc lại để nhân không bị khô nhé.
- Bước 3: Tiếp đến là công đoạn làm vỏ bánh, bạn cho lượng bột nếp, bột gạo cùng 50 ml dầu ăn vào tô, sau đó đổ từ từ nước ấm vào và trộn đều. Dùng tay nhào hỗn hợp thành khối dẻo mịn rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, để bột nghỉ trong khoảng 15 – 20 phút.
- Bước 4: Lấy bột ra và chia bột thành từng khối bằng nhau (kích thước tương thích với viên nhân) rồi ấn dẹt. Dàn mỏng bột và đặt viên nhân đậu xanh vào giữa. Túm kín bột lại cho nhân không bị hở ra ngoài, đồng thời vo tròn như kiểu bánh chè trôi nước . Tiếp theo dùng tay ấn nhẹ lên cho bánh dẹp xuống rồi đặt lên lá chuối hoặc giấy nến để bánh không bị dính vào nồi khi hấp.
- Bước 5: Chuẩn bị một cái nồi hấp, đổ nước vào nấu sôi nhẹ. Sau đó đặt bánh vào xửng rồi hạ lửa, hấp khoảng 15 – 20 phút tùy theo bánh lớn hay nhỏ. Bánh chín, lấy bánh ra ngoài và chờ khoảng 2 – 3 phút, lăn qua đậu xanh xay hoặc nghiền nhuyễn khi bánh còn nóng. Lưu ý không để bánh quá nguội như vậy sẽ không có độ dính. Vậy là hoàn thành và có thể thưởng thức được rồi.
2. Cách làm bánh giầy giò tại nhà ngon không kém gì ngoài hàng
Bánh giầy giò hay còn gọi là bánh giầy kẹp chả lụa hay chả bò . Đây là sáng tạo của món bánh giày truyền thống nhằm thay đổi khẩu vị. Thưởng thức những miếng bánh giầy giò trắng mịn, dẻo dai với chả lụa thơm ngon do mình tự làm ra thì còn gì bằng. Cách làm không hề khó đâu, cùng tham khảo nhé.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột nếp: 200 gram
- Bột gạo: 20 gram
- Sữa tươi không đường: 200 gram
- Giò lụa: 200 gram
- Tiêu: 1/2 muỗng cà phê
- Dụng cụ: tô, nồi, lá chuối, muỗng, đũa…
2.2. Cách làm bánh giầy giò đơn giản chỉ với vài bước
- Bước 1: Cho các nguyên liệu gồm: bột nếp , bột gạo , sữa tươi không đường vào một cái tô lớn, trộn đều. Khuấy đều để bột đặc lại, sau đó dùng tay nào thật kỹ cho đến khi được một khối bột chắc, không bị dính tay.
- Bước 2: Lá chuối rửa sạch, cắt thành những miếng hình vuông hoặc hình tròn và dùng cọ thoa một chút dầu ăn lên mặt lá chuối. Tiếp đến vo tròn một ít bột, ép dẹt rồi đặt lên lá chuối. Bạn lưu ý cân lượng bột sao cho vừa với miếng lá nhé. Làm lần lượt cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
- Bước 3: Nấu nồi nước sôi, xếp bánh vào xửng hấp, chừa khoảng cách để bánh nở ra không bị dính vào nhau. Trên mặt phủ lớp khăn mỏng để hơi nước rơi xuống không làm ướt bánh hay làm bánh loang lỗ không đẹp mắt, sau đó đậy kín nắp nồi. Bạn hấp khoảng 6 – 8 phút khi nào bánh chuyển sang màu trắng đục là chín, tắt bếp và lấy bánh ra ngoài.
- Bước 4: Cắt giò lụa thành miếng vừa ăn, kẹp ở giữa hai chiếc bánh một lát chả, rắc thêm một ít muối tiêu để tăng thêm hương vị, giúp món bánh trông hấp dẫn, ngon hơn khi thưởng thức. Chút dai dai của bánh giầy cộng chút thơm của chả, đảm bảo ai cũng thích mê cho mà xem.
3. Một số lưu ý trong cách làm và bảo quản bánh giầy
- Công đoạn làm bột bánh (vỏ bánh) cực kỳ quan trọng. Nó quyết định đến độ dẻo, mềm dai của bánh giầy, vì thế bạn cố gắng nào mạnh tay và kỹ, càng mịn thì bánh càng dính và dẻo.
- Khi hấp bánh, bạn nên canh cứ 5 phút xả hơi 1 lần để tránh làm bánh bị chảy, nhão. Lúc ăn không còn cảm giác dai, dẻo như vốn có.
- Với cách làm bánh giầy đậu xanh, lưu ý lúc lăn bánh qua đậu xanh bạn nên lăn khi bánh còn nóng. Như thế đậu xanh sẽ dễ dính và dính vào bánh nhiều hơn.
- Một mẹo nhỏ nên biết là bạn nên xoa thêm một ít dầu lên mặt bánh nhằm giữ cho bánh có độ mềm và không bị khô.
- Trong quá trình hấp bánh, bạn có thể để bánh xếp chồng lên nhau, xen kẽ bằng lá chuối và đậy lá chuối hoặc lớp vải mỏng lên trên cùng, vừa để tiết kiệm diện tích nồi hấp và lá chuối, vừa để bánh không bị ướt.
- Bánh giầy nếu chưa dùng ngay có thể để được khoảng 2 ngày ở nhiệt độ thường, nơi thoáng mát. Bạn cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vài ngày để dùng dần. Nhưng khi ăn, bạn cần làm nóng bánh trong lò vi sóng khoảng 30 giây để bánh mềm và ngon hơn.
Vậy là Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn vừa chia sẻ cùng bạn 2 cách làm bánh giầy tại nhà rồi. Với những nguyên liệu đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ cần chút tỉ mỉ là bạn đã có thể hoàn thành những mẻ bánh ngon chiêu đãi cả nhà. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp để thử món bánh này nhỉ. Ngoài ra, bạn có thể học thêm cách làm bánh giầy nhân mặn, bánh giầy đậu đỏ,… để thay đổi khẩu vị nếu muốn. Chúc các bạn sẽ thành công với món bánh dân giã nhưng cực kỳ dễ ăn này.
Tuyết Nhi