1. Kế hoạch hóa gia đình gồm những phương pháp nào
Có khá nhiều phương pháp được áp dụng trong việc kiểm soát sinh sản, chúng bao gồm:
- Phương pháp rào chắn : phương pháp này bao gồm những cách phổ biến như sử dụng bao cao su, màng ngăn âm đạo, xốp đệm, mũ chụp cổ tử cung, thuốc diệt tinh trùng.
- Phương pháp nội tiết : bao gồm thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, vòng âm đạo.
- Phương pháp dùng dụng cụ tử cung : hay vòng tránh thai gồm dụng cụ tử cung chứa nội tiết tố và chứa đồng.
- Phương pháp triệt sản : gồm thắt ống dẫn trứng ở nữ và thắt ống dẫn tinh ở nam giới.
- Phương pháp tránh thai tự nhiên : bao gồm theo dõi nhiệt độ cơ thể và chất nhầy cổ tử cung, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra thuốc ngừa thai khẩn cấp cũng được xem là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Nó thường được sử dụng để tránh thai sau khi có quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ.
2. Các phương pháp ngừa thai hoạt động trên nguyên tắc nào
Các phương pháp ngừa thai khác nhau hoạt động dựa trên các nguyên tắc khác nhau:
- Phương pháp rào chắn: dùng để ngăn ngừa không cho trứng và tinh trùng gặp nhau hoặc diệt tinh trùng để chúng không có cơ hội đến gặp trứng (thuốc diệt tinh trùng).
- Phương pháp nội tiết: dùng để ngăn ngừa sự rụng trứng hàng tháng.
- Phương pháp dùng dụng cụ tử cung: là phương pháp đưa dị vật vào tử cung để trứng đã thụ tinh không thể làm tổ và phát triển trong tử cung.
- Phương pháp triệt sản: dùng để ngăn trứng di chuyển xuống tử cung và ngăn tinh trùng được phóng ra.
- Phương pháp tránh thai tự nhiên: làm cho tinh trùng và trứng “lệch pha” – không thể gặp nhau được.
- Phương pháp dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp: có tác dụng làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung khiến tinh trùng không thể di chuyển qua được.
3. Hiệu quả của các biện pháp kế hoạch hóa gia đình
Các biện pháp ngừa thai chỉ hiệu quả khi được sử dụng một cách nhất quán và đúng cách. Các biện pháp đòi hỏi ít “công sức” của bạn như đặt vòng tránh thai , que cấy hay triệt sản có tỷ lệ mang thai thấp hơn. Các biện pháp tránh thai tự nhiên thì có tỷ lệ mang thai cao hơn.
Bạn nên sử dụng một biện pháp mà bạn thấy thoải mái, dễ dàng và phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất.
4. Có thể hủy bỏ tác dụng tránh thai được không
Phương pháp tránh thai bạn sử dụng nên phù hợp với mục tiêu sinh sản của bạn.
- Nếu bạn có kế hoạch mang thai trong tương lai gần, bạn hãy chọn phương pháp tránh thai có thể dễ dàng dừng lại như thuốc uống, hay các phương pháp rào chắn.
- Nếu bạn muốn có thai nhưng không phải ở tương lai gần thì hãy chọn phương pháp đặt dụng cụ tử cung. Việc ngưng sử dụng dụng cụ tử cung cũng có thể nhanh chóng giúp bạn có thai trở lại tuy nhiên nó sẽ tốn khá nhiều chi phí nếu bạn chỉ dùng phương pháp này trong thời gian ngắn.
- Nếu bạn không muốn có thai nữa thì có thể chọn phương pháp triệt sản.
Bạn có thể thấy rằng các biện pháp tránh thai khác nhau có hiệu quả khác nhau đối với các giai đoạn trong cuộc đời bạn.
5. Phương pháp ngừa/ tránh thai có phù hợp với niềm tin tôn giáo hoặc văn hóa không
Một số biện pháp tránh thai được xem là vi phạm luật tôn giáo hoặc văn hóa. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ những rủi ro và lợi ích của việc tránh thai với niềm tin cá nhân của mình.
6. Dùng các biện pháp tránh thai có thuận tiện và thoải mái không
- Tùy vào quan niệm của mỗi người mà biện pháp tránh thai được xem là thuận tiện và thoải mái hay không.
- Đối với một số người thì một phương pháp mang lại sự thoải mái có nghĩa là nó không có hoặc ít tác dụng phụ hoặc không ảnh hưởng đến đời sống tình dục của họ.
- Một số người khác thì thích sử dụng phương pháp không cần theo toa hay chỉ định của bác sỹ.
Vì vậy, tùy thuộc vào hoàn cảnh và trải nghiệm cá nhân của bạn mà bạn hãy lựa chọn những cách phù hợp. Ngoài ra bạn cũng nên xem xét về mặt chi phí vì một số phương pháp có thể rất tốn kém.
7. Tác dụng phụ của phương pháp tránh thai là gì
Tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng và phương pháp tránh thai bạn sử dụng mà các tác dụng phụ có thể khác nhau.
Các phương pháp rào chắn và tránh thai tự nhiên thường không có tác dụng phụ (trừ khi bạn bị dị ứng với chất liệu của các loại dụng cụ rào chắn).
Các phương pháp nội tiết, cấy dụng cụ tử cung hoặc triệt sản có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn:
- Phương pháp nội tiết : có thể làm cho bạn bị buồn nôn, chóng mặt, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mệt mỏi, đau đầu, tăng cân, mụn, thậm chí tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch…
- Phương pháp cấy dụng cụ tử cung : có thể gây ra một số triệu chứng như rong huyết, đau lưng, đau thắt do cơn co tử cung, nhiều khí hư trong thời gian đầu và nguy cơ mang thai ngoài tử cung (dù tỷ lệ khá thấp).
- Phương pháp triệt sản : đối với nữ giới, thắt ống dẫn trứng có thể gây đau tức bụng, buồn nôn, chóng mặt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, máu kinh nhiều hơn bình thường và nguy cơ ống dẫn trứng liền lại dẫn đến mang thai ngoài tử cung (tỷ lệ khoảng 0,1-1%). Đối với nam giới, thắt ống dẫn tinh có thể dẫn đến chảy máu hoặc nhiễm trùng.
8. Các biện pháp tránh thai có bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây qua đường tình dục không
Trong số các biện pháp trên thì bao cao su (dành cho nam và nữ) – là phương pháp ngừa thai duy nhất mang lại sự bảo vệ đáng tin cậy khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đối với các biện pháp còn lại, trừ khi bạn có quan hệ một vợ một chồng và đã kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục, nếu không bạn nên sử dụng bao cao su để đảm bảo an toàn cho mình cho dù bạn đang sử dụng bất kỳ phương pháp ngừa thai nào khác.
9. Các biện pháp ngừa thai có mang lại lợi ích nào khác ngoài việc kiểm soát sinh sản hay không
Một số phương pháp tránh thai về nội tiết có thể mang lại lợi ích khác cho bạn (nếu cơ địa của bạn tương thích với chúng) như giảm mụn, giảm đau bụng kinh hoặc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp với cơ thể và hoàn cảnh của mình.
10. Liệu chồng/ người yêu có chấp nhận phương pháp ngừa thai mà bạn lựa chọn
“Đối tác” của bạn có thể có sở thích về kiểm soát sinh sản giống hoặc khác với bạn. Vì vậy hai bạn hãy trao đổi một cách nghiêm túc để lựa chọn được phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất với cả hai.
Bạn có thể thấy các biện pháp kế hoạch hóa gia đình bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan về sức khỏe, tuổi tác, cảm xúc, tình trạng hôn nhân, việc quan hệ tình dục và niềm tin tôn giáo. Nên, dù biết rằng lựa chọn chủ quan của bạn là một phần của quá trình quyết định, nhưng bạn cũng nên lưu ý rằng sự đánh giá trung thực về bản thân và các mối quan hệ của bạn cũng không kém phần quan trọng, trong việc lựa chọn biện pháp kiểm soát sinh sản phù hợp.
Theo Mayo Clinic
Lily Nguyễn lược dịch