1. Về hiện tượng rụng trứng
Rụng trứng là hiện tượng trứng trưởng thành được phóng thích và di chuyển xuống ống dẫn trứng để đợi thụ tinh.
Thông thường mỗi tháng sẽ có một trứng “chín” rời khỏi buồng trứng để đợi gặp tinh trùng.
Trong lúc này thành tử cung sẽ dày lên để chuẩn bị đón trứng thụ tinh, và nếu trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc sẽ bong ra gây chảy máu tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.
2. Một số “sự thật” về rụng trứng
Chúng ta hãy cùng điểm qua một số sự thật về hiện tượng rụng trứng và thử xem mình có hiểu sai điểm nào không nhé:
- Một quả trứng chỉ sống được khoảng 12-24 giờ sau khi được phóng thích khỏi buồng trứng.
- Thông thường chỉ có 1 quả trứng được phóng thích vào thời điểm rụng trứng .
- Sự rụng trứng có thể bị tác động bởi các yếu tố như: sự căng thẳng, bệnh tật hay sự thay đổi lịch trình sống hằng ngày.
- Một số phụ nữ có thể thấy có đốm máu trong quá trình trứng rụng.
- Trứng thụ tinh thường mất khoảng 6-12 ngày để làm tổ tại thành tử cung.
- Một phụ nữ sinh ra với hàng triệu nang trứng nhưng chỉ có một số lượng có hạn trưởng thành và được phóng thích để đợi thụ tinh.
- Một chu kỳ kinh nguyệt có thể xuất hiện mà không có sự rụng trứng và ngược lại.
- Một số phụ nữ có thể trải qua cảm giác đau nhẹ khu vực bụng dưới trong thời gian trứng rụng.
- Nếu trứng không được thụ tinh, nó sẽ bị phân hủy và hấp thụ vào niêm mạc tử cung.
3. Tính ngày trứng rụng như thế nào
Chu kỳ kinh nguyệt của một người phụ nữ thông thường được tính từ ngày bắt đầu chu kỳ này đến ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo. Trung bình một chu kỳ thường nằm trong khoảng 28-32 ngày nhưng một số người sẽ có chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn tùy theo cơ địa.
Ngày rụng trứng có thể được tính kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt trước đó, hoặc 12-16 ngày từ kỳ kinh nguyệt sắp tới đổ lại.
Hầu hết phụ nữ sẽ rụng trứng vào khoảng ngày 11 đến ngày 21 của chu kỳ kinh nguyệt (tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ trước đó).
Tuy vậy, trứng cũng có thể rụng vào những thời điểm khác nhau và những ngày khác nhau mỗi tháng. Để theo dõi được chính xác khoảng thời gian nhạy cảm này, bạn có thể dùng nhiều cách như bảng tính ngày rụng trứng, que thử rụng trứng hay theo dõi chất nhầy cổ tử cung .
4. Chu kỳ rụng trứng diễn ra như thế nào
Một chu kỳ rụng trứng thường gồm hai giai đoạn:
- Giai đoạn nang trứng: bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài cho tới khi trứng rụng. Giai đoạn này khác nhau ở mỗi phụ nữ và có thể kéo dài trong khoảng 7-40 ngày.
- Giai đoạn hoàng thể: tính từ ngày trứng rụng cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Giai đoạn này có thời gian chính xác hơn và thường chỉ trong vòng 12-16 ngày kể từ ngày rụng trứng.
Điều này cuối cùng có nghĩa là ngày rụng trứng sẽ quyết định chu kỳ kinh nguyệt của bạn là bao nhiêu ngày. Nó cũng có nghĩa là các yếu tố bên ngoài như sự căng thẳng, bệnh tật và sự thay đổi lịch trình cuộc sống của bạn sẽ ảnh hưởng đến sự rụng trứng, từ đó làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Đối với việc thụ thai, do sự rụng trứng đóng vai trò quyết định nên bạn cần theo dõi (bằng que thử, bảng tính hay theo dõi chất nhầy cổ tử cung) để biết được khoảng thời gian trứng có thể rụng, và quan hệ xung quanh khoảng thời gian này nhằm tăng khả năng thụ thai.
- Bộ dụng cụ theo dõi rụng trứng và que thử rụng trứng: bạn có thể mua ở các nhà thuốc với hướng dẫn sử dụng khá cụ thể.
- Theo dõi chất nhầy cổ tử cung: khoảng thời gian trước và trong khi rụng trứng, chất nhầy cổ tử cung sẽ thay đổi thành dịch trong và dai giống như lòng trắng trứng, đồng thời nhiệt độ cơ thể cũng tăng nhẹ. Dựa vào đặc điểm này, bạn có thể nắm được khoảng thời gian trứng rụng.
Một khi trứng đã rụng, bạn không thể làm gì để tăng cơ hội mang thai nữa. Bước tiếp theo bạn có thể làm là theo dõi dấu hiệu mang thai sớm hoặc chu kỳ rụng trứng tiếp theo.
5. Hiện tượng rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt – những chi tiết liên quan có thể bạn chưa biết
Khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu, nồng độ estrogen của cơ thể ở mức thấp. Khi đó vùng dưới đồi (chịu trách nhiệm duy trì nồng độ hormone của cơ thể) sẽ gửi thông điệp cho tuyến yên để tiết ra hormone kích thích nang trứng (follicle stimulating hormone – FSH ) nhằm kích hoạt một vài nang trứng phát triển.
Một trong số đó sẽ phát triển thành nang trội và giải phóng một quả trứng trưởng thành trong khi nhứng nang còn lại sẽ tiêu biến.
Khi các nang trứng trưởng thành, chúng sẽ tiết ra hormone estrogen. Nồng độ estrogen cao sẽ báo hiệu cho vùng dưới đồi và tuyến yên biết có trứng trưởng thành.
Ở giai đoạn hoàng thể, trứng sẽ giải phóng hormone progesterone giúp làm dày và chuẩn bị niêm mạc tử cung để đón trứng đã thụ tinh.
- Nếu trứng được thụ tinh, nó sẽ di chuyển dần xuống và làm tổ ở thành tử cung, bắt đầu một thai kỳ.
- Nếu trứng không được thụ tinh, nó sẽ phân rã sau 24 giờ và niêm mạc tử cung sẽ bong ra khoảng 12-16 ngày kể từ thời điểm rụng trứng. Lúc này, kinh nguyệt xuất hiện đánh dấu một chu kỳ rụng trứng mới.
Như vậy hiện tượng rụng trứng là một trong những điều quan trọng nhất của cơ thể mà người phụ nữ cần hiểu, vì đó là yếu tố quyết định việc mang thai cũng như tránh thai. Hiện nay đã có rất nhiều công cụ hỗ trợ giúp bạn có thể theo dõi được chu kỳ rụng trứng của mình một cách tương đối chính xác. Bạn hãy sử dụng chúng để theo dõi được tình trạng cơ thể một cách dễ dàng để tăng khả năng thụ thai nhé.
Theo American Pregnancy
Lily Nguyễn lược dịch