1. Món ăn mùa thu đặc trưng nhất là chả cốm
Chả cốm là món ăn đặc sản của Hà Nội. Ngày nay, tuy cốm đã có quanh năm nhưng chỉ có cốm mùa thu mới vào độ ngon nhất. Trên mâm cơm của người Hà Nội không thể vắng mặt món ăn này mỗi dịp thu sang. Cộng thêm vị cốm thơm thơm bùi bùi ăn hoài không ngán đã làm nên nét đặc trưng của món chả cốm.
1.1. Nguyên liệu
- 200 gram thịt heo bằm
- 200 gram giò sống
- 150 gram cốm dẹp
- 1 quả trứng gà
- Dầu ăn, nước mắm
- Các loại gia vị
- Lá chuối hoặc lá sen
1.2. Cách làm
- Bước 1 : Sơ chế cốm
Nếu bạn dùng cốm khô, sau khi mua về hãy rửa cốm thật sạch. Sau đó ngâm cốm với nước ấm khoảng từ 3-5 phút rồi vẩy thật ráo nước.
- Bước 2 : Đập trứng vào bát, cho cốm vào và trộn đều.
- Bước 3 : Trộn đều thịt nạc và giò sống cùng 1 thìa nước mắm. Cho tiếp cốm và trứng đã trộn vào và tiếp tục trộn đều hỗn hợp. Để hỗn hợp trong 10-15 phút cho gia vị ngấm vào.
- Bước 4 : Nặn cốm thành từng miếng vừa phải.
- Bước 5 : Lót lá chuối hoặc lá sen xuống đáy nồi để hấp cốm. Cho cốm vào nồi hấp từ 15-20 phút rồi bày ra đĩa để nguội.
- Bước 6 : Khi chả nguội, bắt chảo nóng lên bếp, bỏ chả cốm vào chiên ngập dầu đến khi chín vàng 2 mặt thì vớt ra.
2. Chè bí rợ (bí đỏ) - Món ăn mùa thu bổ dưỡng
Tại sao bí rợ lại liên quan đến mùa thu? Vì nhắc tới mùa thu tức là mùa lễ halloween đang tới gần, bạn đã liên tưởng đến hình ảnh bí rợ ở khắp mọi nơi chưa nào! Bí rợ còn là một loại rau quả cực kỳ bổ dưỡng nữa nên nó được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon và lạ. Chè bí rợ ngọt mát dù không lạ nhưng là món ăn không thể thiếu mỗi khi thu về, cùng tham khảo công thức nấu bên dưới nhé!
2.1. Nguyên liệu
- 500 gram bí đỏ
- 200gram đậu xanh không vỏ
- Đường trắng
- Nước cốt dừa
2.2. Sơ chế
- Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch sau đó cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Đậu xanh không vỏ bỏ vào thau nước ngâm ít nhất 1 tiếng hoặc có thể bỏ ngâm qua đêm.
2.3. Cách làm
- Bước 1 : Cho phần đậu ngâm vào nồi ngập nước và nấu đến khi nước sôi thì vớt bọt. Ninh đậu trong khoảng 5-10 phút thì cho bí đỏ vào.
- Bước 2 : Tiếp tục nấu với lửa nhỏ trong 15-20 phút đến khi bí mềm thì cho đường vào, tùy theo sở thích mà bạn cho nhiều hoặc ít dường nhé!
- Bước 3 : Tắt bếp, múc chè ra chén để nguội. Cho nước cốt dừa lên trên và thưởng thức.
3. Trám nhồi thịt là món ăn chỉ có vào mùa thu
Mùa thu - mùa trám rụng. Mùa trám thường bắt đầu từ cuối tháng 6 đến hết tháng 9 âm lịch, ngay độ giữa thu. Cũng từ đó mà rất nhiều món ăn chế biến từ quả trám ra đời. Trám ăn vừa thơm vừa bùi, dùng để kho, nấu canh hay làm xôi gì cũng ngon hết sảy. Nhiều người nghiện trám đến nổi dành tiền để đến mùa trám là mua về nhiều nhất có thể, trữ ăn dần. Trám nhồi thịt cũng là một món ăn cực bắt vị đưa cơm mà bạn nên chế biến thử, biết đâu lại ghiền luôn!
3.1. Nguyên liệu
- 400 gram trám đen
- 300 gram thịt thăn băm nhỏ
- 100 gram nấm mèo
- 1 lòng đỏ trứng
- Hành lá
- Các loại gia vị
3.2. Sơ chế
- Hành rửa sạch, băm nhỏ. Nấm rửa nước muối, cạo sạch, băm nhỏ.
- Trám rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút cho ra bớt nhựa vỏ sau đó vớt ra. Ngâm với nước nóng từ 60-70 độ C đến khi trám mềm thì vớt ra. Bổ trám dọc theo thân để bỏ hột, chừa thịt trám lại.
3.3. Cách làm
- Bước 1 : Trộn đều thịt, hành lá, nấm và một ít muối, tiêu, nước mắm. Ướp thịt từ 15-20 phút.
- Bước 2 : Nhồi thịt vào quả trám đã bổ và xếp lên đĩa.
- Bước 3 : Cho trám vào nồi hấp khoảng 15 phút, đến khi trám chín thì lấy ra, rắc thêm chút tiêu và ăn với cơm nóng chấm kèm nước mắm.
4. Sườn xào chua ngọt đậm đà đúng chất thu
Vào mùa thu , ngày mưa hay tiết trờ se se mà được ăn món gì chua chua ngọt ngọt thì ngon phải biết, đó là lý do món sườn xào chua ngọt lại cực kỳ "đắt hàng" trong mùa này. Món này từ lâu đã không còn xa lạ gì với chúng ta nữa, cách chế biến lại vô cùng đơn giản, cùng bắt tay vào nấu thôi!
4.1. Nguyên liệu
- 500 gram sườn non
- 1 quả trứng
- 5 thìa cà phê đường trắng
- 4 thìa cà phê nước mắm
- 5 thìa cà phê giấm
- 4 thìa tương ớt
- Hành, tỏi
- Các loại gia vị
4.2. Sơ chế
- Sườn mua về rửa sạch, cắt thành tùng khúc nhỏ vừa ăn. Chần sườn qua nước sôi có bỏ chút muối, sau đó chần ngay qua nước lạnh.
- Hành và tỏi băm nhuyễn.
- Trứng lược lấy lòng trắng.
4.3. Cách làm
- Bước 1 : Ướp thịt đã chần với một chút muối, bột ngọt, lòng trắng trứng, hành và tỏi.
- Bước 2 : Pha chế nước sốt chua ngọt. Cho 5 thìa cà phê đường trắng, 4 thìa cà phê nước mắm, 5 thìa cà phê giấm, 4 thìa tương ớt vào chén và trộn đều. Tùy khẩu vị mà bạn có thể thêm hoạc bớt các loại gia vị, nêm nếm sao cho vừa ăn là được. Bạn cũng có thể thêm một ít tương cà cho màu đẹp, bắt mắt hơn.
- Bước 3 : Bắc chảo lên bếp, phết thêm ít dầu. Đợi dầu nóng thì bỏ thịt ướp vào chiên cho hơi vàng thì đổ nước sốt vào chảo, đảo đều.
- Bước 4 : Xào thịt đến khi nước sốt keo lại thì tắt bếp. Bày thịt ra đĩa và thưởng thức cùng với cơm trắng.
5. Món ăn mùa thu nổi tiếng - Bánh trôi tàu nóng
Góp mặt trong danh sách những món ăn mùa thu lần này là bánh trôi tàu nóng. Món này quen mà lạ, lạ mà quen. Quen đối với ai là tín đồ của các loại bánh trôi mà chúng ta cũng hay gọi là chè trôi nước đó. Lạ là vì món bánh này chế biến theo kiểu Tàu. Bánh thơm nức mũi, ngọt lịm vị đường và hương gừng ấm nồng. Tiết trời vào thu lạnh lạnh mà làm một chén bánh trôi tàu nóng thì còn gì bằng.
5.1. Nguyên liệu
Phần vỏ bánh :
- 200 gram bột nếp
- 10 gram bột gạo tẻ
- Nước ấm
- Muối
Phần nhân bánh :
- 15 gram đường
- 50 gram đậu phộng
- 50 gram vừng đen
- 2 thìa cà phê dầu ăn
Phần nước đường :
- Đường nâu
- Đường vàng
- 1 củ gừng
- Nước
5.2. Cách làm
5.2.1. Phần nhân bánh
- Bước 1 : Lạc và vừng rang chín, đãi vỏ, xay nhuyễn và mịn.
- Bước 2 : Cho lạc, vừng và đường vào chảo, xào trên lủa nhỏ cho đến khi đường tan hết mới cho dầu ăn vào đảo đều. Bước 3: Hỗn hợp lúc này đã hơi ướt, bạn vo thành từng viên nhỏ đều nhau. Vậy là cxong phần nhân bánh.
5.2.2. Phần vỏ bánh
- Bước 1 : Cho bột nếp, bột gạo tẻ, muối vào tô rồi trộn đều.
- Bước 2 : Từ từ thêm từng chút một nước ấm để nhồi bột. Nhồi bột đến khi mịn, dẻo, bột không bị quá khô thì dừng lại.
- Bước 3 : Bọc kín bột trong khoảng 20 phút.
- Bước 4 : Sau 20 phút, ngắt bột thành từng phần và vo tròn thành từng viên đều nhau, ấn dẹt miếng bột sao cho để vừa nhân bánh.
- Bước 5 : Để nhân bánh vào giữa miếng bột, gói kín lại, nắn cho đều rồi ấn chút hạt vừng đen lên trên mặt bánh. Tiếp tục làm đến khi hết nguyên liệu
- Bước 6 : Cho bánh vào nồi nước đang sôi. Luộc đến khi bánh chín nổi lên thì vớt ra.
5.2.3. Phần nước đường
- Bước 1 : Gừng gọt vỏ sau đó thái sợi.
- Bước 2 : Cho đường vàng và đường nâu vào nồi nước, khuấy đều, bật bếp cho nước đường sôi lên thì cho gừng vào.
- Bước 3 : Cho bánh trôi vào nồi nước đường, nấu khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp.
- Bước 4 : Múc bánh ra chén, rắc chút dừa bào sợi lên và thưởng thức.
6. Ăn thịt xiên nướng vào ngày thu se lạnh
Món thịt xiên nướng thực ra rất dễ làm, bí quyết của món ăn này nằm ở khâu tẩm ướp gia vị. Chỉ cần bỏ chút thời gian chế biến là đã có ngay một đĩa thịt xiên nướng ngon lành và đảm bảo vệ sinh rồi. Món này ăn kèm với các loại rau củ mà bạn yêu thích, cũng có thể kết hợp thịt xiên nướng với cơm, đảm bảo nồi cơm hết vèo trong tích tắc.
6.1. Nguyên liệu
- 500 gram thịt nạc vai
- 2 quả ớt chuông
- Sữa tươi không đường
- Sốt BBQ (nếu có)
- Gói bột ngũ vị hương
- Hành, tỏi
- Dầu hào
- Các loại gia vị
6.1. Sơ chế
- Hành và tỏi băm nhuyễn
- Thịt rửa sạch, thái thành từng miếng vừa phải. Ướp thịt với hành, tỏi, ngũ vị hương, đường, muối, bột ngọt và sốt BBQ. Nên ướp thịt trong tủ lạnh từ 4-6 tiếng cho thịt ngấm gia vị. Lưu ý: Thịt thái miếng vừa phải, không nên quá dày hoặc quá mỏng.
- Ớt chuông rửa sạch, bỏ hạt, thái thành từng miếng vuông như miếng thịt.
- Xiên tre rửa sạch, phơi khô.
6.2. Cách làm
- Bước 1 : Dùng xiên xiên thịt và ớt chuông xen kẽ nhau. Xiên không quá chặt để thịt chín đều.
- Bước 2 : Cho thịt vào lò nướng ở nhiệt độ từ 200-230 độ C trong vòng 20-25 phút.
- Bước 3 : Sau khi thịt chín thì bày thịt ra đĩa, ăn cùng các loại rau và nước chấm tùy thích.
7. Lẩu hoa quả nhiệt đới lạ miệng hợp với tiết trời mùa thu
Mùa thu chính xác là mùa của những nồi lẩu nghi ngút khói. Bên cạnh các món lẩu đã quá "quen mặt" như lẩu thái , lẩu cá, lẩu mắm,... thì lẩu hoa quả cũng góp mặt trong danh sách các món lẩu nên ăn vào mùa thu. Tiết trời hanh khô hơi se lạnh của mùa này khiến chúng ta muốn ăn một món gì đó lạ, ấm nhưng cũng phải thật thanh mát, lúc này lẩu hoa quả chính là lựa chọn số một. Nồi lẩu với nước lẩu chua ngọt thanh từ trái cây vừa ngon vừa rất tốt cho sức khỏe và làn da của chị em mình nữa.
7.1. Nguyên liệu
- Nước dùng heo
- Trái cây: thanh long, kiwwi, dâu tây, lê
- Hải sản: thịt bò, tôm tươi, mực
- Nước lê tươi hoặc đóng hộp
- Táo đỏ khô
- Các loại rau nhúng lẩu: Rau bó xôi, cả thảo, nấm kim châm, nấm đông cô,...
7.2. Sơ chế
- Rau rửa sạch, lặt bỏ phần úa, cắt khúc vừa ăn. Nấm rửa nước muối. Táo đỏ khô ngâm nước cho mềm.
- Hải sản làm sạch, cắt miếng vừa ăn rồi bày ra đĩa.
- Trái cây tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt miếng vừa ăn sau đó bày ra đĩa.
7.3. Cách làm
- Bước 1 : Cho nước dùng heo và nước lê vào nồi. Bật bếp cho nước sôi rồi vớt bọt.
- Bước 2 : Cho táo đỏ và 1/3 trái cây chuẩn bị vào nồi.
- Bước 3 : Nấu trong khoảng 5 phút thì chuyển nước lẩu sang nồi mini. Đồ ăn nhúng lẩu là trái cây, hải sản và rau. Bạn có thể ăn kèm với mì trứng nếu thích.
Để nấu những món ăn mùa thu vừa ngon vừa bắt khẩu vị cũng không đến nỗi quá khó nhỉ! Trời se lạnh nay sẽ ấm hơn khi chúng ta tự tay nấu những món ngon và cùng người thân, bạn bè thưởng thức. Mùa thu giờ đây không còn là mùa "dở dở ương ương" như mọi người thường nói nữa đâu nhé mà mùa thu là mùa của ăn uống, mùa của những món ăn có một không hai chỉ thu về mới có dịp thưởng thức. Chuyên mục Món ngon chúc bạn luôn khỏe và biết thêm nhiều công thức nấu ăn ngon mỗi ngày, đặc biệt là những món ăn làm trời thu thêm ấm áp nhé!
Nguyễn Diệp tổng hợp