Theo WHO thì thừa cân béo phì là một trong những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng của thế kỷ 21 này. Nó được xem là vấn nạn toàn cầu và có ảnh hưởng nhất định đến các nước có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là khu vực đô thị. Năm 2016, trên thế giới có khoảng 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân, trong đó hơn một nửa số trẻ em này ở Châu Á và ¼ ở Châu Phi.
Trẻ bị thừa cân sẽ có nguy cơ tiếp tục tình trạng này khi trưởng thành và tăng khả năng gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
1. Thừa cân béo phì có thể gây ra những vấn đề gì về sức khỏe?
Tình trạng thừa cân sẽ đẩy trẻ vào nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe ở hiện tại và cả trong tương lai. Trong đó bao gồm một số căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, thừa cholesterol…
Thừa cân và béo phì cũng có thể gây ra một số vấn đề như:
- Xương khớp : Tình trạng thừa cân béo phì dễ khiến trẻ gặp các vấn đề về xương khớp
- Khó thở : Tình trạng khó thở làm cho việc tập luyện thể thao hay các hoạt động thể chất trở nên khó khăn hơn. Tình trạng này cũng có thể làm cho bệnh hen suyễn nghiêm trọng hơn hoặc có xu hướng tiến triển thành hen suyễn.
- Ảnh hưởng giấc ngủ : Ngủ không ngon hoặc các vấn đề về hô hấp như ngưng thở khi ngủ .
- Dậy thì sớm : trẻ thừa cân có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn những bạn đồng trang lứa làm tăng nguy cơ các em bị đối xử theo sự trưởng thành về cơ thể chứ không phải độ tuổi. Những bé gái thừa cân có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều và các vấn đề về sức khỏe sinh sản khi trưởng thành.
- Bệnh liên quan tim mạch : Béo phì dễ khiến trẻ gặp một số yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và cholesterol. Tình trạng này nếu phát triển trong thời thơ ấu sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch khi trẻ trưởng thành như suy tim hay đột quỵ. Việc phòng ngừa hoặc điều trị tình trạng thừa cân béo phì khi trẻ còn nhỏ có thể giúp bảo vệ trẻ khi chúng lớn lên.
- Vấn đề cảm xúc : Trẻ béo phì cũng có thể gặp các vấn đề về cảm xúc (như sự tự ti) và có thể bị trêu chọc, bắt nạt hoặc bị cô lập bởi bạn đồng trang lứa.
- Bệnh khác : Một số bệnh về gan và túi mật.
Trẻ không hài lòng về cân nặng của mình còn có nguy cơ:
- Có chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc rối loạn ăn uống
- Thường xuyên chán nản
- Lạm dụng chất kích thích
Thừa cân béo phì gây ra khá nhiều vấn đề rắc rối cho trẻ, vậy làm sao để xác định được trẻ có bị thừa cân ?
2. Thừa cân và béo phì được xác định như thế nào?
Để xác định được trẻ có cân nặng khỏe mạnh hay thừa cân, thiếu cân, người ta dùng chỉ số BMI (Chỉ số cân nặng cơ thể). Cách tính BMI ở trẻ em cũng tương tự như người lớn (BMI = cân nặng (kg)/ chiều cao x chiều cao (m) ) nhưng cách phân loại lại khác. Do trẻ em có chiều cao và cân nặng thay đổi trong quá trình phát triển, nên chỉ số BMI sẽ được đánh giá trên cơ sở so sánh tương đối với các trẻ khác cùng tuổi và giới tính. Chúng ta có thể tham khảo biểu đồ dưới đây:
Theo biểu đồ BMI chuẩn dành cho trẻ từ 2 đến 20 tuổi thì trẻ có thể thuộc 1 trong 4 nhóm sau:
- Thiếu cân : với BMI thuộc khoảng <5% (vùng màu trắng)
- Cân nặng khỏe mạnh : với BMI thuộc khoảng từ 5% -> 85% (vùng màu xanh)
- Thừa cân hay nguy cơ béo phì : với BMI thuộc khoảng 85% -> 95% (vùng màu vàng)
- Béo phì : với BMI thuộc khoảng >95% (vùng màu đỏ)
Ví dụ 1 : một trẻ 6 tuổi có cân nặng 23 kg và cao 1.2 m, trẻ có chỉ số BMI như sau:
BMI = 23/1.2x1.2 = 16
Nếu kẻ một đường thẳng đứng từ mốc 6 tuổi, ta thấy chỉ số BMI của trẻ này sẽ nằm trong vùng màu xanh có nghĩa là có cân nặng khỏe mạnh.
Ví dụ 2 : một trẻ 4 tuổi có cân nặng 18 kg và cao 1 m, trẻ có chỉ số BMI như sau:
BMI = 18/1x1 = 18
Nếu kẻ một đường thẳng đứng từ mốc 4 tuổi, ta thấy chỉ số BMI của trẻ sẽ nằm trong vùng màu vàng, nghĩa là trẻ thừa cân, có nguy cơ béo phì.
Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, bác sỹ sẽ dùng bảng riêng để xác định trẻ có bị thừa cân hay không.
Tuy BMI được sử dụng phổ biến, nhưng nó không phải là thước đo hoàn hảo đối với lượng chất béo của cơ thể. Đặc biệt ở tuổi dậy thì, khi trẻ có tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
Nếu bạn thấy lo ngại về cân nặng của trẻ hãy đưa con đến gặp bác sỹ. Bác sỹ sẽ hỏi về thói quen ăn uống và vận động của trẻ hoặc chỉ định những xét nghiệm cần thiết để đưa ra hướng điều chỉnh thích hợp cho trẻ. Hoặc bác sỹ cũng có thể xem xét chỉ số BMI để giới thiệu bạn và trẻ đến chuyên gia dinh dưỡng hay một chương trình quản lý cân nặng.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ như: thói quen ăn uống, thiếu vận động, di truyền hoặc sự kết hợp của cả 3 yếu tố trên. Trong một số trường hợp, sự tăng cân nhiều và nhanh có thể liên quan đến nội tiết, hội chứng di truyền hay một số loại thuốc.
Một cách cụ thể hơn về nguyên nhân gây tình trạng béo phì ở trẻ, chúng ta có thể tìm hiểu thêm qua chi tiết như sau đây.
3.1. Chế độ ăn uống và lối sống
Trong thế giới hiện đại, mọi thứ đều có xu hướng cần nhanh chóng và dễ dàng kể cả bữa ăn. Cuộc sống bận rộn có thể khiến các bậc cha mẹ không đủ thời gian để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh cho trẻ. Sự lạm dụng các loại thức ăn nhanh , thực phẩm chế biến sẵn hay những bữa ăn đóng gói sẵn với kích thước lớn hoặc số lượng nhiều hơn nhu cầu năng lượng của cơ thể dễ dàng dẫn đến tình trạng thừa cân ở trẻ.
Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ cũng là không nhỏ. Trẻ dành nhiều thời gian với ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các hoạt động bên ngoài không còn hấp dẫn nữa. Những trẻ dành quá 4 giờ/ ngày cho các thiết bị này sẽ có nguy cơ bị thừa cân cao hơn so với các trẻ xem chúng ít hơn. Trẻ có ti vi trong phòng ngủ cũng có nhiều khả năng bị thừa cân hơn.
3.2. Thể thao và các hoạt động thể chất
Việc không tập luyện thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể chất làm cho trẻ không tiêu thụ hết năng lượng cũng như khiến cơ thể trở nên thụ động dễ dẫn đến tình trạng thừa cân.
Trẻ ở độ tuổi 2-5 tuổi cần tham gia các hoạt động về thể chất nhiều lần trong ngày. Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên thì cần dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho các hoạt động thể chất như aerobic, các môn thể thao giúp rèn luyện cơ bắp và hệ xương khớp.
3.3. Yếu tố di truyền
Di truyền là một trong những yếu tố có thể tác động đến cân nặng của trẻ. Trong cơ thể chúng ta, gene giúp xác định loại thể trạng và cách cơ thể dự trữ hay đốt cháy mỡ thừa.
Tuy nhiên, một mình yếu tố gene không giải thích được sự khủng hoảng của tình trạng béo phì hiện nay. Bởi vì cả gene và thói quen đều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều thành viên trong gia đình có thể phải vật lộn với vấn đề cân nặng.
Những thành viên trong gia đình thường có xu hướng ăn uống, mức độ hoạt động thể chất và thái độ đối với cân nặng tương tự nhau. Khả năng bị thừa cân của trẻ sẽ tăng lên nếu cha hoặc mẹ cũng bị thừa cân hoặc béo phì.
4. Chúng ta có thể làm gì để phòng tránh thừa cân béo phì cho trẻ?
Trẻ thường bị tác động bởi thói quen và lối sống của gia đình, vì vậy để giúp trẻ có được cân nặng khỏe mạnh thì cách tốt nhất là các thành viên cùng thực hiện những việc liên quan như chế độ ăn uống, luyện tập, hoạt động thể chất…
Hãy cho trẻ tham gia vào việc lên thực đơn cho các bữa ăn của gia đình hay lên kế hoạch cho những buổi vui chơi, dã ngoại, hay các hoạt động thể thao…Điều quan trọng là bạn cần dạy trẻ cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe.
Đối với từng độ tuổi cụ thể, chúng ta có thể thực hiện những việc sau:
- Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi : hãy cho trẻ bú sữa mẹ, vì bú mẹ có thể giúp hạn chế tình trạng thừa cân.
- Trẻ từ 1 đến 5 tuổi : hãy giúp trẻ hình thành thói quen tốt từ sớm bằng cách giới thiệu đa dạng các loại thực phẩm cho con.
- Khuyến khích xu hướng hoạt động tích cực của trẻ và giúp con phát triển các kỹ năng.
- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi : hãy khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động mỗi ngày, từ những môn đội nhóm đến những môn thể thao ngẫu hứng. Khi ở nhà, bạn cũng có thể cho con chơi ngoài sân chơi hay đi tản bộ cùng cả gia đình để con duy trì được trạng thái năng động. Ngoài ra bạn hãy cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn và hướng dẫn con lựa chọn thực phẩm lành mạnh, phù hợp.
- Trẻ từ 13 đến 18 tuổi : hãy dạy trẻ cách chuẩn bị bữa ăn giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe tại nhà cũng như lựa chọn đồ ăn lành mạnh khi ở ngoài. Việc tham gia các hoạt động thể chất hàng ngày cũng rất quan trọng.
- Đối với trẻ mọi lứa tuổi nói chung : nên cắt giảm thời gian xem ti vi, sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt tránh để trẻ “ăn trước màn hình ti vi”. Hãy chuẩn bị đa dạng các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày và ăn cùng nhau thường xuyên nhất có thể. Bạn hãy khuyến khích trẻ ăn sáng mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế các loại nước ngọt.
Bạn cũng nên tránh những cách phổ biến sau:
- Thưởng cho những hành vi tốt hoặc cố gắng hạn chế những hành vi xấu của trẻ bằng phần thưởng là đồ ăn nói chung và đồ ngọt nói riêng. Hãy tìm những cách khác để khuyến khích trẻ.
- Áp dụng nguyên tắc “chiếc đĩa trống”: bạn cố ép trẻ ăn hết phần thức ăn trong đĩa hay sữa trong bình dù trẻ không muốn ăn thêm vì đã thấy no bụng. Hãy để trẻ ăn, uống theo nhu cầu của cơ thể chúng.
- Tạo ấn tượng xấu cho con về một loại đồ ăn nào đó hay cấm tất cả những món đồ ngọt hay đồ ăn nhẹ ưa thích của trẻ. Vì như vậy sẽ khiến trẻ nổi loạn và có xu hướng ăn lén hoặc ăn những món đó nhiều hơn khi không ở nhà. Thay vì cấm đoán, thỉnh thoảng bạn cũng nên cho trẻ ăn món ngọt yêu thích của chúng. Thời gian còn lại, hãy chuẩn bị những món ăn lành mạnh cho trẻ.
Dù trẻ thừa cân béo phì đang là nỗi lo của nhiều gia đình thời hiện đại, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Việc này dĩ nhiên đòi hỏi nỗ lực của những người lớn trong gia đình. Hãy tự tạo thói quen ăn uống, hoạt động lành mạnh cho mình vì nó sẽ giúp trẻ hình thành được thói quen tốt ngay từ sớm. Các cha mẹ hãy nỗ lực từ đầu, để giúp trẻ xây dựng được nền tảng tốt về sức khỏe và hành vi, như vậy sẽ hạn chế được tối đa tình trạng thừa cân béo phì trong tương lai.
Theo Kids Health
Lily Nguyễn lược dịch