Đối với những cô bé cậu bé bắt đầu mừng sinh nhật 5 tuổi cần lưu ý những điểm gì về sự phát triển? Sự phát triển của con ở giai đoạn này có những điểm gì nổi bật? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Sự phát triển của trẻ 5 tuổi và những đặc điểm cơ bản
Đối với sự phát triển của trẻ 5 tuổi, hầu hết sẽ có những đặc điểm sau:
1.1. Về mặt thể chất
Đối với sự phát triển của trẻ 5 tuổi về mặt thể lý, hầu hết trẻ có thể:
- Đứng trên 1 chân trong vòng 10 giây hoặc lâu hơn.
- Nhảy lò cò, nhảy dây.
- Nhào lộn.
- Dùng nĩa, muỗng, đũa, đôi khi là dao ăn.
- Tự đi vệ sinh .
- Tự mặc và cởi quần áo.
- Nhún nhảy và leo trèo.
1.2. Về mặt ngôn ngữ
Đối với sự phát triển của trẻ 5 tuổi về mặt ngôn ngữ, hầu hết trẻ có thể:
- Nói rõ ràng, rành mạch.
- Kể lại một câu chuyện ngắn hoặc dài trong đó sử dụng câu đầy đủ.
- Sử dụng thì tương lai. Ví dụ như: Bà ngoại sẽ đến.
- Nói được tên và địa chỉ nơi ở của mình.
1.3. Về mặt cảm xúc và xã hội
Về mặt cảm xúc và xã hội, trẻ 5 tuổi thường sẽ:
- Trẻ muốn làm bạn bè hài lòng.
- Trẻ muốn được giống như bạn bè.
- Trẻ có xu hướng đồng thuận với các quy tắc hơn.
- Trẻ thích hát hò, nhảy múa và diễn.
- Trẻ nhận thức được về giới tính.
- Trẻ phân biệt được đâu là thật, đâu là giả vờ.
- Trẻ phân biệt đâu là tưởng tượng, đâu là thực tế.
- Trẻ thể hiện sự độc lập nhiều hơn. Ví dụ như đến nhà bạn hàng xóm chơi một mình. Dù trẻ có thể tự đi được, nhưng bạn vẫn cần giám sát trẻ một cách chặt chẽ.
- Trẻ có lúc rất đòi hỏi nhưng lúc khác lại khá hợp tác.
1.4. Về mặt nhận thức
Sự phát triển của trẻ 5 tuổi thể hiện qua khả năng học hỏi, suy nghĩ và giải quyết vấn đề thường thể hiện qua:
- Trẻ có thể đếm được 10 vật hoặc hơn.
- Trẻ có thể chỉ ra đúng được ít nhất 4 màu sắc.
- Trẻ nhận thức được khái niệm thời gian.
- Trẻ có thể vẽ một người với ít nhất 6 bộ phận cơ thể.
- Trẻ có thể viết được một vài chữ cái hoặc con số.
- Trẻ có thể vẽ lại hình tam giác hoặc một số dạng hình học khác.
- Trẻ nhận thức được những thứ được sử dụng hàng ngày ví dụ như tiền hay thức ăn.
2. Khi nào bạn cần chú ý về sự phát triển của trẻ 5 tuổi
Mỗi trẻ là riêng biệt và đều có mốc phát triển của riêng mình. Vì vậy rất khó đề chỉ ra khi nào và làm thế nào trẻ đạt được những kĩ năng cần thiết cho độ tuổi của mình một cách chính xác.
Dù chúng ta luôn quan sát sự phát triển của trẻ. Nhưng, có những biểu hiện bạn cần đặc biệt lưu ý vì chúng có thể không bình thường so với độ tuổi trẻ vốn cần đạt được.
Bạn hãy báo cho bác sĩ của trẻ để được tư vấn nếu thấy trẻ có bất cứ biểu hiện nào trong danh sách sau:
- Trẻ thể hiện các hành vi bất thường như sợ hãi quá mức, cực kỳ rụt rè hay quá hung hăng.
- Trẻ không tách khỏi bố mẹ mà không phản kháng một cách nghiêm trọng.
- Trẻ dễ bị phân tâm và rất khó tập trung vào một hoạt động cụ thể nào đó quá 5 phút.
- Trẻ không thể hiện sự hứng thú chơi cùng với các trẻ khác.
- Trẻ từ chối hồi đáp lai người khác, hoặc thực hiện một cách hời hợt.
- Trẻ hiếm khi sử dụng trí tưởng tượng khi chơi đùa.
- Trẻ dường như luôn buồn bã và chán nản.
- Trẻ không tham gia vào các loại hoạt động khác nhau.
- Trẻ thường tránh hoặc có vẻ tách biệt với trẻ khác hoặc người lớn.
- Trẻ không thể hiện nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
- Trẻ gặp vấn đề về ăn uống, giấc ngủ hay đi vệ sinh.
- Trẻ không phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế, thật và giả vờ.
- Trẻ không hiểu được câu mệnh lệnh hai tầng nghĩa. Ví dụ như đặt chiếc cốc lên bàn, Nhặt quả banh dưới ghế.
- Trẻ không nói được chính xác tên, họ của mình.
- Trẻ không sử dụng số nhiều hoặc thì quá khứ khi nói.
- Trẻ không kể về hoạt động và trải nghiệm hằng ngày của mình.
- Trẻ không vẽ các bức tranh.
- Trẻ không xếp được một khối tháp gồm 6-8 khối xếp hình.
- Trẻ tỏ ra không thoải mái khi cầm một cây sáp màu.
- Trẻ gặp khó khăn khi tự cởi quần áo.
- Trẻ không thể chải răng đúng cách hay tự rửa và lau khô tay.
- Trẻ đánh mất một kĩ năng mà trẻ đã từng có.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em nên được kiểm tra sự phát triển chung bằng các công cụ được chuẩn hóa. Việc này nên được thực hiện vào lúc trẻ được 9, 18, 24 hoặc 30 tháng tuổi. Riêng việc kiểm tra khả năng trẻ bị tự kỉ nên được tiến hành khi trẻ được 18-24 tháng tuổi. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng hoặc nhận thấy sự bất thường trong quá trình phát triển của trẻ.
Sự phát triển của trẻ 5 tuổi cũng như trẻ ở bất kì độ tuổi nào, cần được bạn quan sát thật tỉ mỉ. Việc này sẽ giúp bạn nắm được các đặc điểm nổi bật hoặc bất thường ở trẻ so với độ tuổi của mình. Từ đó bạn sẽ định hướng được và xây dựng kế hoạch giúp con phát triển thuận lợi và toàn diện hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ, chuyên gia để giúp đỡ con một cách sớm nhất cả về mặt phát triển thể chất lẫn tinh thần.
Theo CDC & Childmind
Lily Nguyễn lược dịch