1. Vì sao nhiều người vẫn ốm nghén ở tuần 14?
Chúng ta đã biết rằng ốm nghén là dấu hiệu cho biết đang mang thai. Tình trạng này trở nên rất phổ biến khi có hơn 70% phụ nữ bị ốm nghén . Tin vui, ốm nghén không có gì nguy hiểm hay cần lo lắng quá nhiều, nhưng tốt nhất bà bầu và người thân nên hiểu rõ ràng về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng ốm nghén tuần 14.
Nhìn chung, ốm nghén thường bắt đầu từ tuần thứ 5, hoặc thứ 6 của thai kỳ. Đỉnh điểm của tình trạng này thường nằm ở tuần thứ 9, thứ 10 sau đó giảm dần và kết thúc ở tuần thứ 13. Tuy nhiên, không thể khẳng định thời điểm chính xác tình trạng này sẽ kết thúc, nên có nhiều người vẫn ốm nghén ở tuần 13 . Sau tuần thứ 14 hoặc 16, 20 vẫn có người có biểu hiện ốm nghén. Ngoài ra, trên thế giới còn ghi nhận trường hợp ốm nghén suốt thời kỳ mang thai, nhưng những trường hợp này khá hiếm.
Như vậy, tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của từng phụ nữ mà ốm nghén có thể kết thúc hoặc tiếp tục ở tuần thai kỳ thứ 14. Điều này là hoàn toàn bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi nếu bà bầu vẫn có thể ăn uống đủ dinh dưỡng.
2. Ốm nghén tuần 14 có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi không?
Như đã đề cập, ốm nghén tuần 14 là hoàn toàn bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Mặc dù trường hợp ốm nghén ở giai đoạn này khá ít, nhưng không phải biểu hiện nguy hiểm.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ốm nghén ở thời điểm này. Cụ thể, một số phụ nữ bị yếu tố tâm lý gây ốm nghén kéo dài, hoặc rối loạn nội tiết, tăng nồng độ beta hCG trong thai kỳ, ăn một loại thức ăn gây buồn nôn hay cơ địa yếu dễ nôn ói khi gặp mùi vị lạ...
Ngoài ra, một số biểu hiện của ốm nghén thời gian này thay đổi. Trong đó đa số phụ nữ gặp các triệu chứng như sau:
- Thèm ăn nhiều hơn : Thời điểm thai 14 tuần , bước sang tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu sẽ thèm ăn nhiều hơn. Đặc biệt, giai đoạn này không chỉ còn thèm ăn ngọt, ăn mặn hay ăn đồ chua mà nhiều phụ nữ thèm nhiều món ăn khác nhau.
- Dễ cảm lạnh, viêm xoang hơn : Rất có thể ở tuần thứ 14 bà bầu sẽ bị nghẹt mũi, cảm lạnh hoặc viêm xoang nói chung. Điều này do nồng độ estrogen và progesterone cao góp phần thúc đẩy lưu lượng máu đến các màng nhầy ở khoang mũi khiến mũi bị sưng, nghẹt.
- Dễ bị táo bón : Giai đoạn này cũng có thể khiến các bà bầu gặp ác mộng vì tình trạng bị táo bón thường xuyên, liên tục. Điều này do thực phẩm hoặc các nguyên nhân khác gây ra.
3. Bà bầu nên làm gì ở tuần thai kỳ thứ 14?
Khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu kết thúc hoặc tiếp tục bị ốm nghén tuần 14. Đây là tình trạng hoàn toàn bình thường nên bà bầu có thể yên tâm nhé. Để sống vui, sống khỏe và giúp thai nhi phát triển tốt nhất ở giai đoạn này, các bà bầu nên thực hiện theo các gợi ý sau.
- Nếu bị táo bón thì bà bầu hãy uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh, củ quả đồng thời kết hợp đi bộ, tập thể dục nhẹ. Lưu ý thêm về các bữa ăn nên chia nhỏ, ăn nhiều lần và cần hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, gia vị để tránh nôn ói, đầy hơi.
- Tự bảo vệ khỏi vi khuẩn, siêu vi bằng các gợi ý : Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không dùng chung đồ uống, ăn chung thức ăn với người bệnh, hạn chế ra ngoài trời nếu vào mùa lạnh...
- Nghỉ ngơi, thư giãn với âm nhạc, đọc sách để giảm căng thẳng. Đặc biệt, giai đoạn này bà bầu cần tránh thức khuya, suy nghĩ nhiều hay lo lắng, căng thẳng nhé.
- Để mắt đến những nốt ruồi lạ : Nội tiết tố thay đổi nên có thể khiến cơ thể xuất hiện thêm một vài nốt ruồi trên da. Thường thì không có gì phải lo lắng, nhưng bà bầu nên đi khám da liễu nếu thấy các nốt ruồi thay đổi màu sắc, phát triển đường viền không đều, phát triển lớn hơn kích thước bình thường...
- Mua sắm hoặc tìm kiếm các bộ váy bầu cũ thoải mái hơn. Ngoài ra, thời gian này, bà bầu có thể dành thời gian để tìm hiểu thêm thông tin về nuôi dạy con sau này rồi đấy.
Cuối cùng, ốm nghén tuần 14 là triệu chứng hoàn toàn bình thường, bà bầu không cần phải lo lắng. Trừ trường hợp nếu ốm nghén nặng, không ăn được, hoặc bị sốt hay có dấu hiệu bất thường khác thì tốt nhất bà bầu nên đi kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm để bác sĩ tư vấn chính xác.
Đức Lộc