1. Cảm lạnh là bệnh gì?

Cảm lạnh là căn bệnh thường gặp dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Với người lớn thì nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên khi mắc bệnh và không được chữa trị kịp thời thì có thể dẫn tới một số bệnh nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm phế quản,…

1.1. Nguyên nhân cảm lạnh

  • Có nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh thông thường, nhưng rhinoviruses là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh.
  • Virus cảm lạnh thường xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt, mũi. Ngoài ra, nó có thể lan truyền qua giọt nước trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói.
  • Bệnh cũng có thể lây lan qua tay khi người bình thường tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh như: Đồ dùng, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại,…
nguyên nhân
Virus rhinoviruses là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh cảm lạnh. Ảnh Internet

1.2. Nguy cơ mắc phải

Trẻ em dưới sáu tuổi thường rất dễ cảm lạnh. Nhưng với người lớn cũng không ngoại lệ, đặc biệt là bà bầu. Người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh này hai hoặc ba lần/ năm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh:

  • Tuổi tác: Trẻ dưới 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm nhiều nhất. Đặc biệt là các bé đang đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Người bệnh mắc một số bệnh mạn tính làm suy yếu hệ miễn dịch, làm bạn dễ có nguy cơ mắc cảm lạnh.
  • Thời gian của năm: Dù là trẻ em hay người lớn thì thường dễ bị cảm lạnh trong mùa thu và mùa đông.
  • Hút thuốc: Nếu tiếp xúc nhiều với thuốc lá thì bạn có khả năng bị cảm lạnh nặng hơn.
  • Tiếp xúc: Bạn ở nơi có nhiều người, chẳng hạn như ở trường hoặc trên máy bay thì có khả năng cao tiếp xúc với virus cảm lạnh.
trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn người lớn vì hệ miễn dịch của bé còn yếu. Ảnh Internet

2. Triệu chứng cảm lạnh

2.1. Dấu hiệu thông thường

  1. Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
  2. Viêm họng.
  3. Ho.
  4. Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ.
  5. Hắt xì.
  6. Sốt nhẹ.
  7. Cảm thấy khó chịu trong người.

2.2. Dấu hiệu nguy hiểm

  • Sốt cao: Nếu sốt hơn 38,5 độ C, đó có thể là dấu hiệu của viêm họng hay nhiễm liên cầu khuẩn. Họng sẽ sưng lớn và đau dữ dội.
  • Dạ dày có vấn đề: Bạn bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy không đi kèm với cảm lạnh.
  • Nhức đầu nặng: Nhức đầu kèm theo sốt và cứng cổ. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh biêm màng não. Nếu đau đầu kèm khó chịu quanh vùng mắt, mũi thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng xoang.
  • Đau ngực hoặc khó thở: Khó thở, thở khò khè hoặc đau ngực có thể là dấu hiệu của viêm phế quản, viêm phổi.
  • Đau nhức cơ thể: Các cơ bắp và cả cơ thể bạn cảm thấy đau nhức, cũng có thể đi kèm với mệt mỏi và ớn lạnh.
Triệu chứng cảm lạnh
Triệu chứng cảm lạnh sẽ xuất hiện để giúp bạn nhận biết được mình đang bị bệnh. Ảnh Internet

3. Chữa cảm lạnh hiệu quả

3.1. Cảm lạnh uống thuốc gì?

Bạn chỉ có thể sử dụng thuốc để giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chứ không giúp chữa trị cảm lạnh hoàn toàn. Một số thuốc thường được sử dụng như:

  • Thuốc giảm đau.
  • Một số loại thuốc hạ sốt không cần kê toa dùng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Bao gồm acetaminophen (Tylenol®, Feverall®) hoặc ibuprofen (Pediatric Advil®, Motrin®).
  • Thuốc xịt làm thông mũi.
  • Sirô ho.
  • Vitamin C.
  • Kẽm.
Cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh bạn có thể uống một số thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh Internet

3.2. Bị cảm lạnh nên làm gì?

3.2.1. Vệ sinh sạch sẽ

  • Vệ sinh mũi: Việc vệ sinh mũi bằng cách hỉ mũi sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của chất nhầy vào sâu bên trong mũi, khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín lỗ mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi.
  • Vệ sinh miệng và họng: Nên sử dụng nước muối loãng vì nó có tính sát khuẩn, sát trùng cao. Súc miệng với nước muối không những làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng mà còn kháng viêm hiệu quả. Kiên trì thực hiện 2 – 4/ ngày sẽ giúp bạn mau chóng khỏi bệnh.
  • Tắm nước nóng bằng vòi sen: Việc này sẽ giúp bổ sung hơi nước, giữ ẩm và thông mũi, khiến việc hít thở trở nên dễ dàng hơn. Tuyệt đối không được tắm nước lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, khiến bệnh xấu đi.
Vệ sinh miệng và họng
Bạn nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể đặc biệt là mũi, miệng và họng để nhanh khỏi bệnh. Ảnh Internet

3.2.2. Sinh hoạt hàng ngày

  • Uống nhiều nước nóng: Nó giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Bạn cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong và chanh vào để làm tăng hiệu quả trị bệnh.
  • Dùng tinh dầu: Có thể sử dụng tinh dầu tràm, bạc hà hay long não,… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm lạnh thông thường. Chỉ cần thoa một ít vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cảm lạnh rất hữu hiệu.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm xung quanh vùng xoang tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu ở vùng mũi cho bạn. Nó có thể làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn thì chườm khăn lạnh lại khiến các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giúp giảm đau nhanh chóng.
  • Kê cao gối ngủ: Để đầu đặt ở vị trí cao hơn khi ngủ sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng và thoải mái hơn.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Hãy tạm gác công việc sang một bên và dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi cơ thể sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Hạn chế ra ngoài: Nếu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và mặc quần áo ấm tránh gió lùa.
điều trị cảm lạnh
Sinh hoạt lành mạnh, uống nhiều nước để giúp điều trị bệnh và cơ thể khỏe mạnh hơn. Ảnh Internet

3.3 Bị cảm lạnh nên ăn gì?

3.3.1. Sữa chua

Sữa chua với nguồn protein phong phú đóng vai trò quan trọng trong việc phòng vệ của cơ thể. Ngoài ra nó còn bổ sung probiotics để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn giúp tăng cường miễn dịch và giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bạn nên chọn loại sữa chua có chứa nhiều vitamin D, vì hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp cũng có liên quan đến nguy cơ cảm lạnh và cảm cúm cao.

3.3.2. Các loại hạt, củ

  • Trong các loại hạt còn tươi hay đã qua chế biến thì đều giàu protein và chất béo tốt. Có khả năng giúp da và màng nhầy khỏe mạnh, tránh được sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh. Bên cạnh đó một số hạt còn chứa selen, vitamin D, kẽm và đồng, tất cả các chất này đều có vai trò duy trì và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Khoai lang: Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều chỉnh hệ thống miễn dịch và bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng.
  • Củ gừng: Có tác dụng giải cảm, giảm bớt các triệu chứng của cảm lạnh. Tính ấm của gừng kích thích lưu thông khí huyết và làm giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.
Bị cảm lạnh nên ăn gì?
Tính ấm của gừng kích thích lưu thông khí huyết, giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp. Ảnh Internet

3.3.3. Nước

Khi cơ thể bạn thiếu nước thì hầu hết các cơ quan đều phải chịu ảnh hưởng, đặc biệt là hệ miễn dịch. Vì vậy nước và các loại đồ uống không chứa calo sẽ rất cần thiết để giúp bạn chiến đấu với bệnh tật. Bạn có thể uống nước lọc, thức uống không đường hay nước ép cam. Ngoài nước ép hoa quả, bạn vẫn nên uống khoảng 2 – 3 ly nước lọc mỗi ngày.

3.3.4. Các loại thực phẩm dinh dưỡng

  1. Trứng: Đây là loại thực phẩm rất tốt cho hệ miễn dịch. Trứng rất giàu dưỡng chất cần thiết như: Protein, kẽm, selen và nhiều loại vitamin quan trọng khác.
  2. Cá béo: Ăn cá hồi, cá ngừ hay cá trích sẽ làm tăng hoạt động của tế bào bạch cầu. Đây là một phần quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể.
  3. Rau xanh: Những loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, bông cải xanh sẽ chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Có khả năng làm tăng miễn dịch và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.
  4. Trái cây họ cam: Ăn nhiều vitamin C làm tăng sức đề kháng, giảm các triệu chứng cảm lạnh.
  5. Nấm: Tốt cho hệ thống miễn dịch, nó làm tăng hiệu quả miễn dịch của bạch cầu.
  6. Trà xanh, trà đen: Giàu chất chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng L-theanine. Giảm hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi.
  7. Thịt gà: Axit amino cysteine làm mỏng màng nhầy trong phổi để làm dịu ho và nghẹt mũi.
tăng sức đề kháng
Bổ sung những thực phẩm dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh. Ảnh Internet

4. Các trường hợp mắc bệnh cần lưu ý

4.1. Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Dấu hiệu:

  • Bé quấy khóc, sổ mũi, ngứa họng, tịt mũi kèm hắt xì hơi.
  • Nước mũi từ dạng lỏng sang đặc quánh màu vàng hoặc xanh.
  • Thân nhiệt tăng cao, bất ổn.
  • Chán ăn, ngủ không đủ giấc, sụt cân.

Cách điều trị:

  1. Cho trẻ uống đủ nước và dịch.
  2. Để trẻ nghỉ ngơi nhiều.
  3. Giảm đau, hạ sốt cho trẻ bằng acetaminophen hoặc ibuprofen dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng aspirin vì sẽ gây ra hội chứng Reye ở trẻ em.
  4. Rửa tay sạch sẽ trước, trong và sau khi thay tã, vệ sinh cho trẻ.
  5. Hạn chế cho người nhà tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh.
  6. Mặc quần áo cho trẻ theo từng lớp để dễ dàng điều chỉnh khi trẻ nóng lạnh thất thường.
  7. Nên hút mũi cho bé thường xuyên bằng máy hút mũi chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để lấy dịch nhờn ra cho bé thông mũi.
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cần được theo dõi và tránh sử dụng thuốc tùy tiện. Ảnh Internet

4.2. Bà bầu bị cảm lạnh

  1. Cảm lạnh khi mang thai có thể khiến cổ tử cung co bóp sớm, sinh non khiến sẩy thai hoặc làm trẻ sinh thiếu tháng, yếu ớt, gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
  2. Bà bầu nên uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mất nước khi bị sốt.
  3. Nên nghỉ ngơi, không nên đi lại nhiều bên ngoài hoặc làm việc, bởi bệnh tình có thể phát triển nặng hơn.
  4. Ăn cháo dinh dưỡng, trái cây,… sẽ giúp bà bầu có thêm dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi.
  5. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  6. Có thể áp dụng một số phương pháp hỗn trợ ngăn sổ mũi, ho,… từ thảo dược như tỏi, bạc hà, chanh…
  7. Trong 3 tháng đầu mẹ bầu có thể tiêm vitamin để ngăn ngừa nhiễm cảm lạnh. Tuy vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Bà bầu bị cảm lạnh
Bà bầu bị cảm lạnh cần được điều trị và chăm sóc kịp thời, tránh ảnh hưởng cho thai nhi. Ảnh Internet

5. Cách phòng bệnh cảm lạnh

  1. Rửa tay: Nhớ thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước. Dạy cho trẻ về sự cần thiết của việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn hãy dùng chất rửa tay có cồn.
  2. Khử trùng vật dụng trong nhà: Nên lau nhà bếp và phòng tắm sạch sẽ với thuốc khử trùng, đặc biệt khi có người trong nhà bị cảm lạnh. Bạn cũng cần rửa đồ chơi của bé thường xuyên.
  3. Dùng khăn giấy: Khi hắt hơi và ho nên dùng khăn giấy để hạn chế lây bệnh cho người khác. Nên vứt bỏ khăn giấy đã dùng ngay lập tức, sau đó rửa tay kỹ lưỡng.
  4. Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Sử dụng ly riêng hoặc cốc dùng một lần khi bạn hoặc ai đó bị bệnh.
  5. Hạn chế tiếp xúc với virus: Tránh tiếp xúc gần gũi với người đang bị cảm lạnh.
  6. Chăm sóc bản thân: Ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn phòng tránh cảm lạnh.
  7. Hạn chế uống rượu, hút thuốc: Khi sử dụng các chất kích thích này sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, virus và vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập hơn.
Cách phòng bệnh cảm lạnh
Rửa tay thường xuyên cũng là cách phòng bệnh cảm lạnh mà bạn cần thực hiện. Ảnh Internet

Cảm lạnh là bệnh phổ biến và thường gây nhầm tưởng với nhiều bệnh khác gây hoang mang và khó khăn trong quá trình điều trị. Với những gì mà Chuyên mục Sức khỏe chia sẻ trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn dễ nhận biết được bệnh. Mùa lạnh đang gần đến, hãy cùng nhau bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình mình nhé.

Chi Lê tổng hợp