Ốm nghén mệt mẹ bầu nên làm gì để giảm bớt?

Ốm nghén mệt là một tình trạng khá phổ biến nhiều mẹ bầu gặp phải khi mới mang thai. Bên cạnh các triệu chứng nôn, buồn nôn, sợ mùi,…thì sự mệt mỏi cũng làm phiền mẹ bầu không kém. Vậy làm thế nào để giúp mẹ đương đầu với cảm giác mệt mỏi thường trực trong tam cá nguyệt đầu tiên? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Phụ nữ ngáp
Ốm nghén mệt là tình trạng khá phổ biến nhiều mẹ bầu gặp phải khi mới mang thai. Nguồn ảnh: Tommy’s 

1. Tình trạng ốm nghén mệt có thường gặp khi bạn mới mang thai không

Trên thực tế thì ốm nghén mệt là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Khi bạn mới mang thai, cảm giác mệt mỏi, không đủ sức để làm việc gì lâu, hoặc chỉ nghĩ tới chiếc giường để ngả lưng là khá thường gặp. Đối với nhiều người thì trải nghiệm này khiến họ rất ngạc nhiên. Đặc biệt, những phụ nữ năng động sẽ thấy vô cùng khó khăn để thích nghi với trạng thái mới khi mang thai này.

Những chị em chỉ cần ngủ 6 tiếng vào ban đêm thì giờ đây nhận thấy mình cần gấp đôi thời gian đó để nghỉ ngơi. Trong khi một số người khác bị mệt mỏi vào ban ngày lại mất ngủ vài tiếng vào ban đêm. Đó là chưa kể đến các triệu chứng buồn nôn và nôn, vốn là trợ thủ đắc lực giúp tình trạng mệt mỏi của bạn trầm trọng thêm. 

Buồn ngủ
Nhiều chị em cảm thấy mình phải nghỉ ngơi gấp đôi bình thường. Ảnh Mathilde Langevin, Unsplash

2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ốm nghén mệt

Thật may mắn vì ốm nghén mệt là tình trạng bình thường mà bất cứ phụ nữ mới mang thai nào cũng có thể gặp phải. Đây là tín hiệu của cơ thể nhắc nhở bạn hãy hoạt động chậm lại và cho nó thời gian để thích nghi với sự thay đổi kỳ diệu đang diễn ra bên trong.

Ngoài ra, có một số yếu tố cũng là nguyên nhân gây ốm nghén mệt cho mẹ bầu, đó là:

  • Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là hormone progesterone. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạn bị không những ốm nghén mệt, mà còn ốm nghén mùi , ốm nghén đầy bụng , và những dạng ốm nghén thường gặp nhất.
  • Sự gia tăng lưu lượng máu của cơ thể để cung cấp cho nhau thai và thai nhi đang phát triển. Điều này khiến cho nhịp tim của bạn tăng và mạnh mẽ hơn. Kết quả là mạch và nhịp thở của bạn tăng lên.
  • Thiếu sắt. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi. Mặc dù điều này xảy ra phổ biến hơn ở tam cá nguyệt thứ ba. 
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ốm nghén mệt ở mẹ bầu. Nguồn ảnh: pregnancy test – blogger 

3. Khi nào thì bạn hết ốm nghén mệt

Khi nào hết ốm nghén mệt có lẽ là thắc mắc của những mẹ bầu đang gặp phải tình trạng này.

Đối với hầu hết phụ nữ, thì tình trạng ốm nghén mệt của tam cá nguyệt thứ nhất sẽ sớm bị quên lãng khi họ bước qua tam cá nguyệt thứ hai tràn đầy năng lượng. Vì vậy, nếu tất cả những gì bạn làm trong những tháng đầu mang thai là ngủ gật, tranh thủ nằm nghỉ bất cứ khi nào có thể,…thì đừng quá lo lắng. Điều này khá là bình thường.

Mặc dù sự mệt mỏi có thể quay lại vào tam cá nguyệt thứ ba do giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, và cảm giác khó chịu ngày càng gia tăng. Nhưng điều này cũng sẽ sớm trôi qua. 

Cảm giác thoải mái
Đối với hầu hết phụ nữ, thì tình trạng ốm nghén mệt của tam cá nguyệt thứ nhất sẽ sớm bị quên lãng, khi họ qua tam cá nguyệt thứ 2. Ảnh Pixabay 

4. Bạn có thể làm gì để giảm ốm nghén mệt

Có một số cách bạn có thể áp dụng để đối mặt với tình trạng ốm nghén mệt. Đó là:

  • Ăn uống lành mạnh đủ chất cũng như ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc này sẽ giúp bạn có đủ năng lượng cho hoạt động mỗi ngày cũng như rất hữu ích đối với tình trạng nôn nghén.
  • Thử một vài động tác nhẹ nhàng để kéo giãn cơ thể, hoặc động tác hít thở sâu để giúp chống lại cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ đến sụp mí mắt tại chỗ làm. Bạn cũng có thể đứng dậy đi bộ loanh quanh khu vực làm việc, hay ra ngoài giải lao để hít thở không khí trong lành.
  • Đi bộ khi bạn có thể. Một vài vòng ngắn quanh nhà hoặc từ bãi đậu xe đến công sở sẽ rất có lợi cho sức khỏe của bạn. Tập thể dục một chút có thể tiếp thêm sinh lực cho bạn, cũng như giúp bạn dễ ngủ hơn vào buổi tối.
  • Thay đổi lịch ngủ nghỉ của bạn. Nếu có thể, bạn hãy ngủ trưa một chút và đi ngủ sớm hơn vào buổi tối.
  • Uống đủ nước vào ban ngày và uống ít hơn vào buổi tối. Khi đã uống đủ nước vào ban ngày, thì bạn chỉ cần uống thêm một ít một vài giờ trước khi ngủ. Như vậy, bạn sẽ hạn chế phải đi vệ sinh vào ban đêm. 
Ngủ trưa
Để giảm ốm nghén mệt, bạn hãy tranh thủ ngủ trưa và đi ngủ sớm hơn vào buổi tối. Nguồn ảnh: Pregnancy-LoveToKnow 

5. Bạn nên tránh làm gì khi bị ốm nghén mệt

Khi bị ốm nghén mệt bạn có thể sẽ bị cám dỗ sử dụng cà phê hay những loại thức uống chứa caffeine khác để được tỉnh táo. Tuy nhiên, bạn hãy dập tắt thôi thúc này vì caffeine thực sự không tốt cho sự phát triển của em bé trong bụng bạn. Thay vì vậy, bạn hãy uống thật nhiều nước.

Bạn rất dễ cảm thấy tội lỗi khi không thể làm mọi thứ, mọi việc như thường nhật. Nhưng mang thai là một giai đoạn đặc biệt mà bạn có thể nuông chiều bản thân, đặc biệt là trong thời gian đầu.

Bạn hãy giảm bớt bất kỳ công việc làm thêm nào hoặc sự ràng buộc với các công cụ truyền thông xã hội. Như vậy, bạn có thể tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này đó là chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi trong vài tuần đầu tiên với tính chất khá nhạy cảm. Đây là một trách nhiệm chính đáng chắc chắn sẽ được mọi người xung quanh ủng hộ và hỗ trợ hết mình. 

Uống nhiều nước
Bạn hãy uống thật nhiều nước để giảm mệt thay vì uống các thức uống có chứa caffeine giúp bạn tỉnh táo. Ảnh Pixabay 

Ốm nghén mệt được xem là một trong những dạng ốm nghén thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Bạn hãy chú ý ăn ngủ, vận động lành mạnh và điều độ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Đồng thời, bạn cũng không nên bỏ lỡ bất kì một cuộc hẹn khám thai đình kỳ nào. Vì 3 tháng đầu là khoảng thời gian bạn cần thực hiện một số cuộc siêu âm, xét nghiệm rất quan trọng. Bạn cũng đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy lo lắng hay có bất kì thắc mắc nào về sức khỏe thai kỳ nhé. Vì bác sĩ sản khoa là người sẽ cung cấp cho bạn những lời tư vấn, hướng dẫn hay chỉ định về sức khỏe đáng tin cậy giúp bạn yên tâm hơn.

Theo URMC

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI