Ốm nghén đau đầu khi nào mẹ cần lo lắng?

Ốm nghén đau đầu là một trong những tình trạng một số mẹ bầu gặp phải trong thai kỳ. Không giống như những dạng ốm nghén thông thường khác như ốm nghén ngủ, ốm nghén mùi,…đau đầu đôi khi tiềm ẩn những nguy cơ mẹ không thể bỏ qua. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.

banner ads
Ốm nghén đau đầu là tình trạng khá thường gặp
Ốm nghén đau đầu là tình trạng khá thường gặp ở giai đoạn đầu thai kỳ. Nguồn ảnh: Medical News Today.

1. Các dạng ốm nghén đau đầu thường gặp

Hầu hết các cơn ốm nghén đau đầu là đau nguyên phát. Điều này có nghĩa là cơn đau nhức tự xảy ra. Đó không phải là triệu chứng của một chứng rối loạn khác hoặc một biến chứng trong thai kỳ.

Ốm nghén đau đầu nguyên phát thường gồm:

  • Đau đầu cục bộ.
  • Đau nửa đầu.
  • Đau âm ỉ toàn bộ vùng đầu.

Đau đầu thứ phát là do một biến chứng trong thai kỳ , chẳng hạn như huyết áp cao. Tình trạng này thường diễn ra ở tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Và lúc này, nó không còn là ốm nghén đau đầu nữa mà đã trở thành hiện tượng bao gồm nguy cơ và rủi ro cao.

Cơn đau đầu có thể khác nhau ở mỗi người. Bạn có thể bị:

  • Đau âm ỉ toàn bộ vùng đầu.
  • Đau nhói một điểm nào đó ở vùng đầu.
  • Đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên đầu.
  • Đau nhói sau một hoặc cả hai mắt.

Đau đầu có thể kèm theo:

  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Nhìn thấy các đường hoặc tia sáng.
  • Xuất hiện điểm mù.
  • Mệt mỏi, căng thẳng.

Một tỷ lệ nhỏ phụ nữ bị chứng đau nửa đầu cũng có cảm giác ngứa ran ở tay và chân hoặc bị hoa mắt. 

Phụ nữ đau đầu
Cơn đau đầu có thể khác nhau ở mỗi người. Ảnh Pixabay 

2. Nguyên nhân gây ốm nghén đau đầu

Phần lớn phụ nữ đều ít nhiều trải qua cảm giác bị đau đầu. Tuy nhiên gặp phải tình trạng này khi mang thai thì không vui vẻ chút nào. Vì đau đầu có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của bạn, mà lúc này bạn lại không thể tùy tiện sử dụng thuốc để trị cơn đau. Dù bạn bị ốm nghén đau đầu nhẹ hay nghiêm trọng (nửa đầu hay cả đầu) thì bạn vẫn rất cần lưu ý về nó.

Nguyên nhân gây ốm nghén đau đầu - cũng giống như các dạng ốm nghén khác trong thai kỳ - vẫn chưa được làm rõ.

Trong tam cá nguyệt thứ nhất, một số yếu tố được cho là góp phần gây nên tình trạng ốm nghén đau đầu. Bao gồm:

  • Sự thay đổi hormone và lưu lượng máu.
  • Thay đổi cân nặng.
  • Căng thẳng.
  • Mất nước do nôn.
  • Đột ngột cai caffeine.
  • Dinh dưỡng kém.
  • Lượng đường trong máu thấp.
  • Ít vận động.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Thay đổi tầm nhìn.
  • Đau xoang.

Một số loại thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ốm nghén đau đầu. Chúng có thể thay đổi trong thai kỳ, nhưng phổ biến bao gồm:

  • Các chế phẩm sữa.
  • Chocolate.
  • Phô mai.
  • Thực phẩm lên men.
  • Cà chua. 
Các loại thuốc
Ốm nghén đau đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của bạn nhưng bạn lại không thể tùy tiện dùng thuốc để trị cơn đau. Nguồn ảnh: Parents. 

3. Khi nào bạn cần lo lắng về tình trạng ốm nghén đau đầu

Hầu hết phụ nữ đều ít nhiều trải qua tình trạng đau đầu trong thai kỳ, đặc biệt là sau tam cá nguyệt thứ nhất. Chị em nào có tiền sử đau nửa đầu thường thấy nó giảm đi khi mang thai. Tuy nhiên, chứng đau nửa đầu cũng có thể liên quan đến các biến chứng xảy ra trong thai kỳ hoặc sau khi bạn sinh em bé. Tình trạng ốm nghén đau đầu này không phải lúc nào cũng là lành tính. Bạn cần lưu ý khi:

  • Bạn bị đau đầu nghiêm trọng.
  • Cơn đau đầu của bạn kéo dài và không biến mất.
  • Bạn bị đau đầu kèm theo chóng mặt.
  • Bạn bị đau đầu kèm theo nhìn không rõ.
  • Bạn bị đau đầu kèm theo sốt.
  • Bạn bị đau đầu kèm theo co giật.
  • Bạn bị đau đầu và ngất xỉu. 

Gặp những trường hợp trên, bạn cần báo cho bác sĩ sản khoa để được thăm khám cẩn thận hơn. Vì ốm nghén đau đầu đôi khi có liên quan đến vấn đề huyết áp trong thai kỳ. Nếu tình trạng này diễn ra dai dẳng hoặc nghiêm trọng và xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ, bạn càng nên báo sớm cho bác sĩ biết để được theo dõi và can thiệp nếu cần thiết.

Mặc dù đột quỵ khi mang thai là rất hiếm, nhưng chứng đau nửa đầu có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, bạn rất cần cho bác sĩ biết nếu mình bị đau nửa đầu trong thai kỳ. 

Phụ nữ ôm trán
Ốm nghén đau đầu thường lành tính nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng nào khác. Nguồn ảnh: BabyCenter.

4. Bạn có thể làm gì để giảm tình trạng ốm nghén đau đầu

Để kiểm soát tình trạng ốm nghén đau đầu, bạn hãy:

  • Tránh xa các yếu tố là nguyên nhân khơi mào cơn đau đầu của bạn. Chúng có thể bao gồm: chất gây dị ứng và một số loại thực phẩm như bột ngọt, các loại thịt đã qua xử lý, và pho mát mạnh
  • Bạn nên ngưng hút thuốc lá (nếu bạn là người hút thuốc). Thuốc lá không bao giờ tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Bạn cũng nên tránh xa những người hút thuốc vì hút thuốc thụ động gây tác hại không kém với hút thuốc chủ động.
  • Bạn hãy cố gắng ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước, đặc biệt nếu bạn đang bị nôn nhiều do ốm nghén. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho bà bầu là rất cần thiết vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe thai kỳ của bạn. 
  • Bạn hãy cố gắng thư giãn để giảm căng thẳng. Hãy thực hiện mát xa vùng đầu hay sử dụng gói chườm lạnh để giảm đau.
  • Nếu bạn bị đau nửa đầu, hãy nghỉ ngơi trong một căn phòng thoáng mát, tối và không có tiếng ồn. Đồng thời bạn cũng hãy kết hợp với sử dụng túi chườm ấm hoặc lạnh để giảm đau. 
Đĩa salad ngon
Bạn hãy ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước để hạn chế tình trạng ốm nghén đau đầu. Nguốn ảnh: BabyCenter. 

Ốm nghén đau đầu là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Cũng giống như các dạng ốm nghén khác, ốm nghén đau đầu thường lành tính và không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi và nếu có kèm theo các triệu chứng như trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám. Điều này nhằm loại trừ các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn sau thai kỳ của bạn. Ngoài ra, bạn hãy tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ trong điều trị (nếu có). Bạn cũng nên thực hiện hướng dẫn về chế độ ăn và tập luyện thật cẩn thận. Hầu hết các nguyên nhân gây ra đau đầu trong thai kỳ của bạn đều có thể điều trị hoặc phòng ngừa được nếu được theo dõi và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua bất kì một cuộc hẹn khám thai định kỳ nào nhé.

Theo Healthline & University of Rochester Medical Center

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI