Nước ối và tầm quan trọng của nước ối đối với sự phát triển của thai nhi

Nước ối rất quan trọng đối với thai nhi. Nếu nước ối có sự thay đổi bất thường về thể tích, màu sắc,... thì thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có rất nhiều bà mẹ thắc mắc không biết nước ối như thế nào? Màu sắc ra sao? Và nhiều vấn đề liên quan như đa ối, thiếu ối,...Để giúp mẹ bầu có cái nhìn khái quát về nước ối, Yeutre.vn đã tổng hợp các thông tin quan trọng về nước ối ở bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng theo dõi nhé.

banner ads
Nước ối thai kỳ
Nước ối rất quan trọng cho sự phát triển thai nhi suốt thời kỳ mang thai của mẹ. Ảnh Internet

1. Nước ối là gì?

Nước ối là khối chất lỏng bao quanh tạo thành môi trường sống của thai nhi, như một màng đệm bảo vệ thai nhi tránh được những va đập của tử cung và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào em bé. Nước ối là một dịch luân lưu, từ tam cá nguyệt thứ hai, nước ối có nguồn gốc phần lớn do thai nhi bài tiết từ đường tiết niệu và nước ối được hấp thu lại do thai nuốt vào hệ tiêu hóa.

Nước ối được tạo ra ngay sau khi túi ối hình thành (khoảng 12 ngày sau khi trứng được thụ tinh). Từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, dây rốn và màng ối. Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, bé bài tiết nước tiểu vào buồng ối từ tuần 16 thai kỳ.

  • Nguồn gốc từ thai nhi : Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế-quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé.
  • Nguồn gốc từ màng ối : Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối.
  • Nguồn gốc từ máu mẹ : Có sự trao đổi qua màng ối của các chất giữa máu mẹ và nước ối.
định nghĩa về nước ối
Nước ối là một khối chất lỏng bao quanh thai nhi và được tạo thành bởi thai nhi, màng ối và máu mẹ. Ảnh Internet

1.1. Chỉ số nước ối

Đề cập đến nước ối trước hết chỉ số nước ối là vấn đề đầu tiên được bàn về. Chỉ số nước ối có đơn vị được ký hiệu là AFI. Để đo chỉ số này, bác sĩ sẽ thực hiện theo thủ thuật sau: Lấy rốn làm mốc, chia bụng làm 4 phần với 2 đường dọc ngang. Ở mỗi phần, chọn ra túi ối sâu nhất để đo chiều dài. Cộng 4 chiều dài này lại sẽ ra chỉ số ối AFI (cm). Khi chỉ số AFI dưới 5cm khi thai 37 tuần tuổi trở đi sẽ được chỉ định sanh mổ.

  • Chỉ số ối bình thường : từ 6-18cm. Mẹ bầu có thể yên tâm với chỉ số này.
  • Chỉ số dư ối : 12 – 25cm. Dư ối nằm trong chỉ số này vẫn ở trong hạn mức an toàn, do đó mẹ bầu không cần quá lo lắng.
  • Chỉ số đa ối :  > 25cm. Với kết quả đa ối, mẹ bầu phải đối diện với rất nhiều biến chứng thai kỳ như vỡ ối sớm, sinh non, nhau bong non, băng huyết sau sinh.
  • Chỉ số thiểu ối  : <= 5cm. Thiểu ối thường đi kèm với nguy cơ cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi: Tăng tỷ lệ sinh mổ, tăng tỷ lệ suy thai và dị tật thai nhi.
  • Chỉ số vô ối :<3cm. Thiếu ối dẫn đến vô ối có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc sinh non.

1.2. Lượng mức nước ối theo tuần thai

Sau chỉ số nước ối, lượng mức nước ối là vấn đề chúng ta cần biết đến. 

banner ads
  • Ở 20 tuần tuổi, lượng nước ối vào khoảng 350ml, sau đó tăng lên 670ml vào 25-26 tuần.
  • Thời điểm 32-36 tuần, lượng nước ối tăng thêm đến khoảng 800ml hoặc cao hơn.
  • Đến tuần 40-42 giảm xuống còn khoảng 540-600ml.
thông số
Trong suốt thai kỳ mẹ cần theo dõi thường xuyên các thông số và lượng nước ối của thai nhi. Ảnh Internet

2. Nước ối có màu gì?

Khi soi ối, màu sắc nước ối được nhìn thấy với những trường hợp cổ tử cung mở lớn hơn 1cm hoặc chọc hút bước ối qua thành bụng. Khi bấm ối hoặc vỡ ối tự nhiên thì có thể nhìn màu sắc nước ối một cách chính xác và rõ ràng.

Nước ối thường không có màu sắc gì. Dịch ối trong suốt hoặc màu trắng trong. Từ tuần 38 đến ngày sinh, nước ối trong thai kỳ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo. Có những trường hợp nước ối có màu khác như:

  • Nước ối có màu hồng hoặc nâu : Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên của việc chuyển dạ, nên khi thấy nước ối màu này, mẹ nên nhanh chóng tới bệnh viện sinh vì ối có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.
  • Nước ối có màu vàng xanh : Đây là báo hiệu thai nhi chậm phát triển hoặc có thể người mẹ bị tán huyết khi mang thai (một dạng của bệnh thiếu máu do lượng hồng cầu thấp hơn mức bình thường).
  • Nước ối có màu vàng sẫm : Mẹ bầu có thể đang bị suy thai mãn tính, biến chứng này cũng cần điều trị sớm, để ngăn ngừa suy thai cấp tính trong lúc chuyển dạ.
  • Nước ối có màu đỏ nâu : Đây có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy thai nhi đã bị chết lưu trong bụng mẹ.
  • Nước ối có màu xanh rêu : Màu nước ối này cho thấy mẹ bầu đã từng bị suy thai, trường hợp này sẽ được theo dõi sát sao vì có khả năng tái phát cao.
  • Nước ối có màu xanh đục kèm theo mùi hôi : Đây là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng ối, trường hợp này mẹ cần nhập viện ngay, nếu không, thai nhi cũng sẽ bị nhiễm trùng.
nước ối màu gì
Thông thường nước ối thường không màu và khi màu bị thay đổi cần được kiểm tra và khắc phục. Ảnh Internet

3. Nước ối có tác dụng gì?

  • Nước ối là môi trường giàu chất dinh dưỡng. Nước ối có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi nằm trong bụng mẹ.
  • Ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau được thành lập, nước ối giữ phần biến dưỡng nước và các chất khác bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai.
  • Nhờ dịch lỏng quan trọng này, phổi của bé con mới phát triển thích hợp, thân nhiệt bé cũng ổn định hơn và thai nhi mới an toàn trước những chấn động ngoài bụng mẹ.
  • Nước ối vào ruột góp phần tạo phân su, vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé.
  • Có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.
  • Tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ, bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn.
  • Giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn .
  • Nước ối giúp cho các cơ quan nội tạng như phổi và thận của bé phát triển hoàn chỉnh, giúp dây rốn của bé hoạt động tốt, không bị khô.
  • Nước ối giúp bé con cử động tự do trong bụng mẹ, cho phép hệ xương phát triển đúng chuẩn.
  • Dựa vào nước ối bác sĩ cũng chuẩn đoán được nhiều bệnh của mẹ và bé trong quá trình mang thai.
vai trò của nước ối
Nước ối có tác dụng bảo vệ mẹ và bé đều được khỏe manh, tránh những biến chứng thai kỳ. Ảnh Internet

4. Những vấn đề thường gặp về nước ối

4.1. Đa ối

Khi siêu âm nếu lượng nước ối nhiều hơn 2 lít, thì thai phụ xác định là đa ối. Khi mẹ thấy mình bụng to nhanh và có cảm giác căng tức khó chịu thì rất có thể mẹ bị đa ối. Đa ối cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý của màng ối, của bánh nhau dây rốn, phù nhau thai, thai nhi to, do bệnh lý của mẹ như mẹ bị tiểu đường, .. Hiện tượng đa ối chia làm 2 loại đa ối cấp và đa ối mãn. Có các dấu hiệu sau:

4.1.1. Dấu hiệu đa ối cấp
  • Bụng lớn nhanh và căng cứng.
  • Tử cung căng hơn ấn vào thấy đau.
  • Không sờ được các phần của thai nhi.
  • Khó nghe được tim thai.
  • Đoạn dưới của âm đạo căng phồng, cổ tử cung hé mở, đầu ối căng.
  • Phù và giãn tĩnh mạch đặc biệt là ở chi dưới.
  • Khó thở và có thể xảy ra suy hô hấp.
  • Dị dạng cấu trúc thai nhi như tắc nghẽn thực quản hoặc đoạn cao của ống tiêu hóa, quái thai, tật nứt cột sống,...
4.1.2. Biểu hiện của đa ối mãn
  • Tử cung lớn hơn so với tuổi thai.
  • Có dấu hiệu sóng vỗ.
  • Sờ nắn khó thấy thai nhi.
  • Âm đạo dưới căng phồng.
4.1.3. Tác hại
  • Đa ối sẽ làm cho bé khá di động trong tử cung nên dễ có dây rốn quấn cổ, ngôi bất thường. Đồng thời, đa ối sẽ dễ bị vỡ ối đột ngột và tai biến của vỡ ối đột ngột là: nhau bong non, sa dây rốn, ngôi bất thừờng và thuyên tắc ối.
  • Mẹ bị khó thở, dễ cò cơn co tử cung và chuyển dạ sinh non làm tăng tỷ lệ tử vong chui sinh của bé. Những điều này làm đe dọa tính mạng của cả 2 mẹ con.
  • Tình trạng đa ối là nguyên nhân của chuyển dạ kéo dài làm bé dễ suy thai, mẹ bị đờ tử cung gây băng huyết sau sanh.
4.1.4. Các xét nghiệm
  • Xét nghiệm dung nạp đường để xác định bạn có bị tiểu đường hay không.
  • Xét nghiệm chọc ối (lấy mẫu nước ối để kiểm tra bất thường về di truyền ở em bé).
  • Kiểm tra những bất thường đối với nhịp tim của em bé.
  • Siêu âm Doppler (kỹ thuật siêu âm giúp bác sỹ quan sát được hệ thống tuần hoàn của bé).
hiện tượng đa ối
Đa ối có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thai nhi và cả cho mẹ bầu. Ảnh Internet

4.2. Thiếu ối, ít ối hay vô ối

Thiếu ối sẽ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi. Khi siêu âm ấy thể tích nước ối dưới 200ml, thai phụ sẽ được xác định là thiếu ối. Thường gặp trong bất thường hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa thai nhi như hẹp thực quản, không có dạ dày, van niệu đạo sau ở bé nam, bất sản thận….

4.2.1. Ảnh hưởng
  • Nếu thiếu ối ở 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi bị ảnh hưởng nặng do thiếu ối kéo dài như trật khớp háng bẩm sinh, xơ cứng các khớp, chân tay khoèo, thiếu sản phổi gây suy hô hấp.
  • Nếu thiếu ối ở 3 tháng cuối, ảnh hưởng đến thai nhi cũng không nhỏ như tay chân khoèo, xơ cứng khớp, thiểu sản phổi và điều quan trọng là chèn ép dây rốn, bé dễ bị suy thai và không bình chỉnh được ngôi thai có thể có những ngôi bất thường gây đẻ khó.
  • Nếu vỡ ối gây thiểu ối khi chưa chuyển dạ hoặc khi mới bắt đầu đau bụng sinh sẽ làm nhiễm trùng ối, gây nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng tử cung… cả mẹ và bé đều nguy hiểm, đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tín mạng.
  • Những trường hợp nước ối đục do chất thải từ thai nhi thải vào buồng ối, mẹ không cần quá lo. Đây chỉ là những tế nào từ da, niêm mạc, đường niệu hoặc tiêu hóa của bé bị bong ra khi bé phát triển, nhất là càng về cuối thai kỳ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, nước ối đục không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, trừ trường hợp có dấu hiệu suy thai.
4.2.2. Hướng điều trị
  • Truyền dịch nhỏ giọt trong quá trình chuyển dạ qua một ống thông trong tử cung. Chất dịch lỏng này sẽ giúp tăng cường lớp đệm quanh dây rốn và có thể làm giảm nguy cơ phải sinh mổ.
  • Đưa dịch vào tử cung thông qua thủ thuật chọc ối. Thông thường lượng nước ối sẽ trở lại mức bình thường sau 1 tuần can thiệp, tuy nhiên khoảng thời gian đó sẽ giúp các bác sỹ có thể quan sát tình trạng thai nhi, và đưa ra các chẩn đoán cũng như can thiệp kịp thời, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
  • Việc bổ sung nước qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch cho thấy có thể giúp tăng lượng nước ối.
thiếu ối thai kỳ
Thiếu ối có thể làm nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé, vì vậy mẹ cần theo dõi thai nhi thường xuyên. Ảnh Internet

5. Những điều mẹ bầu cần biết về nước ối

5.1. Phân biệt nước ối với nước tiểu

5.1.1. Nước ối ra chậm hơn nước tiểu

Nước ối hay nước tiểu là do tử cung nằm ngay trên bàng quang nhưng quan sát kỹ bạn có thể nhận ra, nếu là rò rỉ nước ối, chất lỏng vùng kín sẽ chảy ra chậm hơn so với nước tiểu vùng bàng quang.

5.1.2. Nước ối không màu, không mùi

Cách phân biệt nước ối và nước tiểu đơn giản nhất là ngửi và quan sát vùng ẩm ướt trên đồ lót của bạn. Đặc trưng của nước ối là không màu , không mùi. Trong khi đó nước tiểu có mùi nặng hơn và hơi khai. Nước tiểu còn có màu vàng hơn nước ối giúp bạn dễ dàng phân biệt.

5.1.3. Nước ối làm giấy quỳ chuyển màu

Bạn có thể làm xét nghiệm để kiểm tra nồng độ pH hoặc thử nghiệm với Nitrazine, cả hai đều làm giấy quỳ nhanh chóng chuyển màu nếu đó là nước ối. Hai loại xét nghiệm này đều rất nhanh và không hề ảnh hưởng gì đến bạn. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể tự mua giấy quỳ ở các cửa hàng hoá chất về kiểm tra, nếu giấy quỳ chuyển sang màu sẫm (xanh đen) chứng tỏ màng ối đang bị rỉ. Còn nếu đó là nước tiểu thì sẽ không làm giấy quỳ chuyển màu.

phân biệt nước tiểu nước ối
Có nhiều cách giúp mẹ dễ dàng phân biệt được đâu là nước tiểu và nước ối. Ảnh Internet

5.2. Nên làm gì khi bị thiếu ối

Hàng ngày mẹ bầu nên uống nhiều nước (nước khoáng tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội), lượng nước uống có thể gấp rưỡi so với bình thường. Khi uống nhiều nước sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, gián tiếp lưu thông uteroplacental trong tử cung khiến lượng nước ối tăng lên. Bên cạnh đó, cần uống thêm sữa, nước dừa, nước cam, chanh và ăn uống bồi bổ để có đủ dưỡng chất tạo nước ối.

Trong 3 tháng đầu và giữa: Nếu nguyên nhân gây thiếu nước ối là từ những bệnh lý của mẹ thì bác sĩ có thể yêu cầu chấm dứt thai kỳ để điều trị những bệnh lý từ mẹ một cách triệt để. Nếu nguyên nhân xuất phát từ thai nhi đặc biệt là bệnh lý bất sản hệ niệu của thai nhi hay đi kèm dị tật bẩm sinh nặng cần thiết có thể chấm dứt thai kỳ, một khi đã xác định rõ nguy cơ dị tật nhiều và mức độ nặng.

3 tháng cuối thai kỳ: Mẹ bầu cần nằm nghỉ, uống nhiều nước (trung bình mỗi ngày uống 2,5 – 3 lít nước khoáng) hoặc nhập viện truyền dịch để tăng lưu lượng máu đến tử cung. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần thường xuyên đi đo chỉ số ối 1 – 2 lần/ tuần cho đến lúc sinh. Trong trường hợp mẹ bầu quá ít nước ối nhưng thai đã được 37 tuần thì bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ .

cải thiện việc thiếu ối
Khi bị thiếu ối mẹ bầu cần bổ sung thêm lượng nước cho cơ thể và cần đến bác sĩ để thăm khám. Ảnh Internet

5.3. Nên làm gì khi bị dư ối

Duy trì lượng chất lỏng nhất định cần thiết là điều mẹ cần lưu ý. Chất lỏng nạp vào không ít hơn 1.5 lít và không nhiều hơn 2 lít mỗi ngày. Trong nhữngtrường hợp dư nước ốinhẹ bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc lợi tiểu để thải bớt nước ối ra ngoài hoặc sẽ có giải pháp chọc ối để lấy bớt lượng chất ối dư thừa.

Dùng thuốc giảm sản xuất ối, tuy nhiên phương pháp này không được chỉ định sau 32 tuần vì có thể gây ra biến chứng. Nếu bác sỹ xác định nguyên nhân của tình trạng đa ối là do em bé bị rối loạn nhịp tim, thì họ sẽ cho bạn dùng thuốc để điều chỉnh nhịp tim của em bé, từ đó cũng điều chỉnh được tình trạng đa ối. Sử dụng thuốc làm giảm sự sản xuất nước tiểu của thai nhi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm ảnh hưởng tới tim của bé, vì vậy cần theo dõi rất chặt chẽ.

Cần phải quan tâm hơn về chế độ ăn uống, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Luôn đảm bảo đủ lượng protein và chất đạm, nên ăn các loại hải sản và thịt động vật. Ăn nhiều rau xanh và hạn chế những loại rau có chứa nhiều nước. Thay thế những loại quả mọng nước bằng những loại quả có nhiều chất xơ. Và đặc biệt không nên ăn, uống quá nhiều chất lỏng, đồ ăn mặn. Nằm nghiêng và nghỉ ngơi được khuyến cáo để trì hoãn sự chuyển dạ sớm càng lâu càng tốt.

giải pháp cho dư ối
Nếu bị dư ối mẹ cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tránh ăn uống nhiều chất lỏng và đồ ăn mặn. Ảnh Internet

5.4. Nước ối đục phải làm sao?

5.4.1. Nguyên nhân
  • Do thai nhi thải chất gây : Chất gây này chính là các tế bào chết trên da, niêm mạc của thai nhi bong tróc. Càng về cuối thai kỳ, tình trạng nước ối càng đục đi và thậm chí như nước vo gạo ở khoảng tuần 38 trở đi. Đây là tình trạng bình thường trong quá trình phát triển của thai nhi.
  • Do bé thải phân su : Thai nhi bị thiếu oxy, dẫn đến cơ vòng hậu môn giãn và đẩy phân su ra, làm nước ối bị đục.
  • Do mẹ bầu ăn mặn : Nguyên nhân có thể do mẹ bầu ăn mặn hay ăn uống không lành mạnh nói chung, và kéo dài. Việc ăn uống cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nước ối, trong đó có thể khiến nước ối đục , cạn, thậm chí là thiếu ối.
  • Do mẹ bầu bị viêm nhiễm : Mẹ bầu bị viêm nhiễm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm màng ối do vi khuẩn xâm nhập.
5.4.2. Cách xử lý
  • Mẹ bầu hoàn toàn không thể tự "làm trong" nước ối bằng cách uống thật nhiều nước, uống nước dừa , nước mía hay nước cam,...như truyền miệng vì nó có thể gây tác dụng ngược, như khiến mẹ bầu bị đầy bụng khó tiêu, lạnh bụng, thậm chí còn có khả năng tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ,...
  • Mẹ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn, hay việc điều trị của bác sỹ chuyên khoa, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và con.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng. Ngủ đủ giấc và chú ý nằm nghiêng bên trái để không hạn chế việc trao đổi oxy của thai nhi, tránh tình trạng suy thai .
  • Lưu ý chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhạt, điều độ và bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng.
  • Đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp phải tình trạng rỉ ối, để bác sỹ có hướng can thiệp kịp thời.
nước ối đục
Mẹ bầu cần tuân thủ cách điều trị và sự hướng dẫn của bác sĩ để thai nhi phát triển ổn định. Ảnh Internet

5.5. Đảm bảo ổn định lượng nước ối trong thai kỳ

  • Thường xuyên theo dõi những thay đổi của cơ thể, ngăn ngừa tối đa các biến chứng về nước ối có thể xảy đến nhờ phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Việc siêu âm, khám thai định kỳ là cần thiết.
  • Nếu đã mắc hiện tượng này, mẹ bầu cần phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh viêm nhiễm. Mẹ bầu không nên quan hệ tình dục, ngâm mình trong bồn tắm, thụt rửa âm đạo hay tự kiểm tra vùng kín bằng tay.
  • Mẹ cũng không nên dùng băng vệ sinh vì chúng sẽ gây ra viêm nhiễm nặng hơn.
  • Khi đi vệ sinh mẹ bầu nên dùng khăn giấy chuyên dụng và lau từ trước ra sau.
  • Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý.
  • Nên uống đủ nước và khám thái đều đặn để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi.
  • Hãy nhớ không được làm "chuyện ấy" hoặc ngâm mình trong bồn tắm.
  • Tăng cường tập thể dục để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho bản thân.
nước ối bình thường
Duy trì nước ối ổn định để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi được bình thường. Ảnh Internet

Nước ối và những thông tin quan trọng liên quan mà Chuyên mục Mang thai đã tổng hợp trên đây, chắc hẳn đã giúp mẹ bầu có cái nhìn cụ thể hơn, về tầm quan trọng của nước ối trong thai kỳ. Qua đó, mẹ cũng thấy rõ, theo dõi tình trạng nước ối không gì khác hơn là cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ đầy đủ. Bầu đừng bỏ lỡ bất cứ kỳ khám nào, để bác sĩ có thể kiểm tra các thông số của nước ối một cách kỹ lưỡng, đảm bảo thai nhi vẫn đang phát triển khỏe mạnh cho đến lúc bé chào đời nhé.

Chi Lê tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI