1. 10 dấu hiệu sắp sinh chị em nào cũng cần nắm rõ
Chúng ta cần biết rằng, chỉ có khoảng 5% trẻ chào đời đúng ngày dự sinh. Chính vì thế mà cần nhận biết các dấu hiệu sắp sinh để kịp thời chuẩn bị là điều cực kỳ cần thiết. Thông thường, ở những phụ nữ cuối thai kỳ và chuẩn bị sinh, cơ thể sẽ "phát tín hiệu" liên quan khá đặc trưng, điển hình như 10 dấu hiệu sau đây:
1.1. Sa bụng, bụng bầu tụt xuống
Những mẹ bầu lần đầu sinh con sẽ cảm nhận được điều này rất rõ. Khoảng một tuần trước khi chào đời, bé sẽ dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu. Lúc này, mẹ sẽ cảm giác nặng nề hơn ở khung xương chậu. Điều này có thể khiến việc đi lại khó khăn hơn trước.
Thai nhi tụt xuống khung xương chậu còn tạo áp lực lên cổ tử cung và bàng quang nên mẹ thường muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường. Nhưng đổi lại, mẹ sẽ cảm thấy dễ thở hơn lúc trước vì bé không còn lấn chiếm không gian phổ, giúp giảm áp lực của thai lên lồng ngực. Việc sa bụng khá mơ hồ ở những bà bầu đã sinh lần thứ hai. Mẹ chỉ thực sự cảm nhận được khi cuộc vượt cạn đã bắt đầu.
1.2. Cổ tử cung giãn nở - dấu hiệu sắp sinh xảy ra với mọi mẹ bầu
Vài ngày trước khi sinh với một số người là vài tuần, mẹ bầu sẽ dễ dàng cảm thấy cổ tử cung mở rộng hơn. Tốc độ mở của mỗi người có thể nhanh chậm khác nhau. Đây là dấu hiệu chuyến vượt cạn thực sự đang đến rất gần. Nếu thường xuyên khám thai, bà bầu có thể theo dõi được độ giãn và mỏng của cổ tử cung . Trung bình, cổ tử cung phải mở 10cm thì mới là dấu hiệu sắp đến lúc bé chào đời.
1.3. Giảm cân hoặc ngừng tăng cân
Thông thường, cân nặng của mẹ bầu sẽ chậm lại vào cuối thai kỳ. Với một số người có thể bị tụt vài kg. Mẹ hoàn toàn không nên lo lắng khi gặp những trường hợp như thế này. Ngừng tăng cân hoặc có giảm cân chút ít lúc này không liên quan gì đến sự phát triển của thai nhi. Vì, thời điểm này có thể lượng nước ối đã giảm xuống để chuẩn bị cho giai đoạn vượt cạn nên cân nặng của mẹ cũng giảm theo.
1.4. Cảm giác mệt mỏi, muốn nằm nhiều hơn
Việc bụng bầu càng lúc càng to gây ra áp lực với bàng quang nên sẽ khiến mẹ phải đi tiểu đêm nhiều hơn bình thường. Chính vì thế, mẹ sẽ có cảm giác luôn mệt mỏi và buồn ngủ. Những lúc như thế có thể tranh thủ chợp mắt để chuẩn bị sức khỏe cho ngày sinh.
1.5. Đau lưng nhiều hơn, có thể bị chuột rút
Với một số mẹ bầu, càng gần ngày sinh, mẹ sẽ cảm thấy những cơn chuột rút xuất hiện nhiều hơn. Mẹ sẽ cảm thấy đau hai bên háng và phần lưng thường xuyên hơn. Nhất là với những mẹ lần đầu sinh con, cảm giác đau sẽ nhiều hơn. Lúc này, các cơ khớp vùng xương chậu và tử cung đang bị kéo căng để chuẩn bị cho bé ra đời.
1.6. Giãn khớp - dấu hiệu sắp sinh rất điển hình
Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ sẽ tiết ra các hormone relaxin giúp dây chằng giãn và mềm hơn. Chính vì thế, mẹ đừng lo lắng khi thấy các khớp nới lỏng ra. Khung xương chậu đang mở rộng ra để chuẩn bị cho bé ra đời nên đừng quá lo lắng trước tình trạng tự nhiên này nhé.
1.7. Tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy trong những ngày cuối thai kỳ, mẹ thường lo lắng về tình trạng bệnh lý của mình. Thế nhưng đây lại là một tình trạng khá bình thường và phổ biến mà nhiều bà bầu gặp phải. Lúc này, các cơ tử cung bắt đầu giãn ra làm những cơ quan khác trong cơ thể như vùng trực tràng cũng ở trong tình trạng "nghỉ ngơi". Chức năng của vùng này nhất thời giảm đi nên có thể khiến mẹ đi tiêu lỏng hơn trước. Điều này có thể gây cho mẹ một chút khó chịu trước ngày sinh.
1.8. Dịch nhầy âm đạo thay đổi màu sắc và độ kết dính
Trước ngày sinh một vài ngày, dịch nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút thậm chí có kèm theo vệt máu. Đây được xem như "máu báo sắp sinh" và là lúc các mẹ nên gấp rút chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Sở dĩ có tình trạng này là do nút nhầy cổ tử cung bị bong ra.
Trong thai kỳ, nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm. Đến khi chuẩn bị sinh, nút nhầy sẽ bong ra. Nếu thấy hiện tượng này, mẹ nên biết rằng mình đã đến lúc sắp chuyển dạ.
1.9. Các cơn co thắt càng lúc càng mạnh và liên tục
Những cơn đau quặn thắt chính là dấu hiệu chuyển dạ rõ rệt nhất. Lúc này, các cơn đau sẽ càng lúc càng mạnh và dày hơn khiến bạn khó chịu nhưng chúng không hề thuyên giảm. Các cơn đau báo chuyển dạ khác với những cơn đau tương tự có thể diễn ra trong thai kỳ hay ở tam cá nguyệt thứ 3. Khoa học gọi các cơn đau lúc đó là co thắt sinh lý Braxton Hicks hay dấu hiệu sắp sinh giả như một sự "luyện tập" trước cơn đau thật, chuẩn bị chuyển dạ thật. Vì vậy, để đề phòng trường hợp nhận nhầm thì mẹ nên lưu ý một số điểm liên quan đến cơn đau chuyển dạ thật như sau.
- Các co thắt lúc sắp sinh sẽ mạnh mẽ và khó chịu hơn
- Cơn đau không giảm đi dù mẹ thay đổi tư thế hay làm bất cứ cách nào
- Cơn đau lan từ phần lưng dưới tới bụng rồi xuống tận đến hai chân
- Các cơn co thắt diễn ra liên tục và đều đặn, trung bình có thể cách nhau khoảng 5-7 phút.
1.10. Vỡ nước ối - dấu hiệu sắp sinh rõ ràng nhất
Thai nhi phát triển trong một túi chất lỏng bảo vệ gọi là túi ối. Khi túi nước ối vỡ thì cũng là lúc bé cần được ra ngoài. Tuy vậy không phải cứ vỡ ối là sẽ lâm bồn ngay. Nhiều mẹ phải chờ vài tiếng đồng hồ nữa thì mới sinh em bé ra.
Lượng nước ối chảy ra nhiều hay ít tùy thuộc vào cơ thể mỗi bà mẹ. Có người chảy thành dòng nhưng cũng có người chỉ nhỏ từng giọt. Nước ối có màu trong suốt hoặc vàng nhạt. Nếu thấy tình trạng vỡ nước ối thì mẹ nên chuẩn bị tới bệnh viện để chuẩn bị sinh. Nếu là người lần đầu làm mẹ, thời điểm vượt cạn chỉ thực sự đến từ cách 12-24 giờ sau các cơn co thắt hoặc vỡ nước ối.
2. Cách giảm đau do các dấu hiệu sắp sinh gây ra
Khi những dấu hiệu sắp sinh đến cũng là lúc cơ thể bắt đầu cảm thấy vừa đau, vừa căng thẳng hơn. Lúc này tốt nhất là các mẹ bầu nên thư giãn thả lỏng tinh thần để chuẩn bị vượt cạn tốt hơn. Mẹ có thể giảm đi những cơn đau bằng cách đi dạo hoặc xem một bộ phim hài nếu có thể.
Mẹ cũng có thể trò chuyện với người thân, bạn bè để quên đi cảm giác khó chịu. Có thể việc massage nhẹ nhàng sẽ làm bạn thoải mái hơn. Bên cạnh đó, cứ ngủ nếu mẹ muốn để chuẩn bị đủ năng lượng cho việc sinh em bé.
3. Khi nào cần gọi bác sĩ lúc sắp sinh?
Khi gặp những dấu hiệu sắp sinh, bầu nên nhập viện chờ sinh sớm nhất có thể. Nhưng không phải lúc nào, mẹ cũng có thể sinh ngay mà đa phần đều phải chờ một khoảng thời gian nhất định. Vậy lúc nào thì cần gọi bác sỹ?
- Đầu tiên, khi những cơn co thắt xuất hiện mỗi lúc một thường xuyên hơn và kéo dài không dứt trong vòng một tiếng thì bầu nên gọi bác sỹ
- Nên gọi bác sỹ nếu bị ra máu hoặc dịch âm đạo có lẫn máu tươi hoặc màu bất thường.
- Khi bị vỡ nước ối kèm theo dịch màu xanh lá hoặc nâu cũng nên gọi bác sỹ ngay. Đây có thể là "phân su" - chất thải đầu tiên trong đời của bé. Bé sẽ gặp nguy hiểm nếu lỡ hít hay nuốt phải nên bầu cần sự trợ giúp của bác sỹ sớm nhất có thể.
- Nếu cảm thấy đau đầu, hoa mắt hoặc đột nhiên cơ thể sưng phù lên thì cần nhanh chóng gọi bác sỹ. Vì, sưng phù có thể là triệu chứng của tiền sản giật hay tăng huyết áp thai kỳ vô cùng nguy hiểm.
4. Những điều cần chú ý khi sắp sinh
Trong những ngày cuối thai kỳ, mẹ cần phải lưu ý đến sức khỏe của mình cực kỹ lưỡng và luôn cẩn thận. Cần tránh một số việc có thể làm ảnh hưởng đến việc sinh nở và hay thời điểm ra đời của bé. Cụ thể, các việc cần tránh như dưới đây:
4.1. Tránh nằm nhiều khi có dấu hiệu sắp sinh
Nằm nhiều không phải lúc này cũng tốt cho mẹ bầu sắp sinh. Mẹ nên di chuyển, vận động nhẹ nhàng trong những ngày cuối thai kỳ để dễ sinh hơn. Lựa chọn tốt nhất là mẹ nên đi bộ vừa giảm cảm giác mệt mỏi, vừa là chuẩn bị tốt cho quá trình vượt cạn.
4.2. Tránh tự kích thích núm vú
Những ngày bé sắp chào đời "núi đôi" của mẹ sẽ căng phồng và sẵn sàng tiết sữa cho bé. Lúc này, mẹ có thể massage nhẹ nhàng phần bầu ngực để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy vậy, không nên kích thích núm vú vì điều này có thể làm giải phóng hormone oxytocin - một loại hormone chịu trách nhiệm làm co bóp tử cung.
4.3. Vệ sinh “cô bé” không đúng cách
Trong những ngày sắp sinh, "cô bé" thường trong tình trạng sung huyết. Lúc này, các bầu chỉ nên vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh thụt rửa nhiều. Bầu cũng nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn trần lên, xâm nhập vào vùng kín.
4.4. “Yêu” đúng cách trong 3 tháng cuối thai kỳ
Những ngày cuối thai kỳ, việc quan hệ vợ chồng phải hết sức cẩn thận. Cơ thể mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những cơn co thắt kéo dài sau khi "yêu". Việc quan hệ tình dục có thể không làm cổ tử cung mở ra để chuyển dạ nhưng sẽ làm mẹ đau và ảnh hưởng đến bé nên phải đặc biệt cẩn thận.
4.5. Cẩn thận trong việc ăn uống
Giai đoạn sắp sinh sẽ không cần phải kiêng cữ quá nhiều vì tình trạng của thai nhi đã ổn định. Tuy nhiên không vì thế mà việc ăn uống lại quá sơ sài hay thiếu kiểm soát. Mẹ cần chú ý đến những thực phẩm mình ăn mỗi ngày để dễ tiêu hóa hơn. Bên cạnh đó, mẹ không nên ăn thực phẩm tươi sống vì chúng chứa rất nhiều ý sinh trùng toxoplasmosis hoặc khuẩn E. Coli có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
4.6. Tránh cảm giác lo lắng mệt mỏi
Nhiều mẹ bầu luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi với những cơn đau đẻ nhất là những chị em lần đầu sinh con. Cảm giác này sẽ khiến tâm trạng tồi tệ và khiến cơ thể còn mệt mỏi hơn, không hề tốt cho quá trình vượt cạn. Chính vì thế hãy thư giãn và giữ cho mình một tâm trạng thoải mái nhất có thể. Như thế, quá trình lâm bồn sẽ dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.
4.7. Tránh đi du lịch xa khi có dấu hiệu sắp sinh
Từ tuần thứ 37, bé có thể chào đời bất cứ lúc nào mà không cần chờ đến ngày dự sinh . Để tránh những trường hợp không mong muốn nhất, mẹ nên tránh đi du lịch xa trong thời gian này. Việc di chuyển nhiều và xa vào lúc này cũng sẽ khiến mẹ mệt mỏi hơn và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi hay việc sinh nở.
Như đã đề cập ở trên, không nhiều bé ra đời đúng ngày dự sinh, nên việc nằm lòng những dấu hiệu sắp sinh rất cần thiết với mọi mẹ bầu. Những người lần đầu mang thai thì càng phải nên lưu ý kỹ điều này hơn. Việc lưu ý dấu hiệu sắp sinh, giữ sức khỏe thật tốt ở khoảng thời gian quan trọng này có thể giúp các bầu tránh được cảm giác lo lắng thái quá, luôn trong tình trạng bình tĩnh và sẵn sàng, chuẩn bị kịp thời chu đáo cho thời khắc vượt cạn, gặp bé yêu của mình một cách thuận lợi, suôn sẻ nhất.
Trang Trần tổng hợp