Những vùng cơ thể chị em cần chăm sóc kỹ khi mang thai

Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi, đặc biệt tại một số vị trí như vùng ngực, lưng, vùng kín... Sự thay đổi này đòi hỏi mẹ cũng cần có sự chăm sóc đặc biệt để chúng luôn khỏe đẹp.

banner ads

1. Vùng ngực

35811-1.jpg

Vào các tháng cuối mẹ nên mặc áo ngực chuyên dụng.

Vòng 1 của mẹ bầu chuẩn bị cho sự tạo sữa cho bé ngay từ trong thời gian thai nghén. Theo đó, sự thay đổi của các hormone, sự gia tăng lưu lượng máu, sự biến đổi của các mô… có thể gây ra ngứa ran hay căng tức, đau ngực ở mẹ bầu.

Lúc này các tĩnh mạch cũng nổi to lên, có thể trông thấy gân xanh dưới làn da. Đầu vú cũng lớn hơn và có màu sẫm lại, cương lên, rất nhạy cảm. Cả quầng vú của mẹ bầu cũng đậm màu và dễ bị kích thích hơn.

Dù những thay đổi gây ra cảm giác khó chịu nhưng mẹ đừng chà xát mạnh lên vùng da nhạy cảm này, có thể gây tổn thương cho vùng ngực đấy. Theo đó mẹ có thể chườm khăn nóng để cảm thấy thoải mái hơn.

Ngoài ra, ở một số mẹ bầu, khi bước vào những tháng giữa thai kỳ, hai bên bầu ngực cũng sẽ xuất hiện những vết rạn giống các vị trí khác là bụng, bắp đùi, hông, mông… Lúc này việc chăm sóc làn da quanh bầu ngực cũng rất cần thiết. Mẹ có thể dùng các loại kem chống rạn với thành phần tự nhiên hay đơn giản là massage vùng ngực với dầu oliu, dầu dừa cho để tăng khả năng đàn hồi và giúp da khỏe mạnh.

Vào ba tháng cuối thai kỳ, bộ ngực của mẹ bầu cũng trở nên khá “nặng”. Lúc này mẹ bầu nên dùng những áo lót chuyên dành cho mẹ bầu và mẹ sau sinh để nâng đỡ bộ ngực, giúp chúng không bị chảy xệ sau này nhé. Các loại áo ngực chuyên dụng này thường ôm trọn bộ ngực, có tính đàn hồi và nâng đỡ tốt. Mẹ nên chọn loại có dây bản rộng để tránh gây sức ép lên vai.

2. Vùng bụng

35812-2.jpg

Vòng 2 của mẹ có nhiều biến đổi nhất trong thai kỳ.

Vòng hai của mẹ sẽ luôn là tâm điểm cần phải chăm sóc trong suốt thai kỳ vì dễ xảy ra rạn da do sự phát triển kích thước của bụng quá nhanh khiến cho các tế bào bị đứt gãy. Mẹ bầu nên thoa kem chống rạn, kem dưỡng thể hay dùng dầu dừa để giữ vẻ đẹp cho làn da ở khu vực này. Khi thoa các loại kem dưỡng mẹ nên thoa thật nhẹ nhàng, tránh động chạm mạnh có thể ảnh hưởng đến bé khi gây ra các cơn co thắt tử cung nhé.

Ngoài ra, việc massage thường xuyên bụng trong thai kỳ cũng giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, đây cũng là một cách thai giáo hiệu quả. Sự tác động nhẹ nhàng từ bên ngoài sẽ kích thích thai nhi phản ứng và sớm phát triển các giác quan để cảm thận thế giới bên ngoài hơn. Sự âu yếm này cũng khiến cho não bộ của trẻ phát triển hơn.

3. Vùng lưng

Lưng cũng là một trong những "khu vực" chịu nhiều áp lực khi mẹ mang bầu. Áp lực của tử cung chèn lên các cơ lưng khiến mẹ sẽ cảm thấy đau nhức, căng tức nhưng mẹ tuyệt đối không được đấm lưng để cảm thấy dễ chịu hơn nhé. Để giảm thiểu triệu chứng này mẹ nên nằm nghỉ ngơi, kê gối khi ngồi, tránh đứng lâu.

Đồng thời mẹ cũng nên thay đôi giày gót cao của mình thành đôi giày bệt và nên giữ tư thế thẳng người khi đi lại hay ngồi. Việc ưỡn người ra phía trước khiến cho cột sống càng mệt mỏi hơn đấy.

35813-3.jpg

Kê gối khi ngồi giúp mẹ đỡ đau lưng.

Mẹ cũng nên tập thể dục cho xương sống bằng cách vận động nhẹ khoảng 30 phút ban ngày trong tuần với các tư thế di chuyển, nghiêng người chậm rãi.

4. Vùng miệng

Răng miệng cũng cần được chăm sóc kỹ lưỡng trong thai kỳ. Sự suy yếu của cơ thể khiến cho mẹ bầu dễ mắc các bệnh ở răng và lợi có thể dẫn tới sinh non. Do đó để phòng tránh mẹ bầu nên vệ sinh răng miệng mỗi ngày, chải răng đúng cách. Mẹ cũng không nên chủ quan dùng răng cắn các vật cứng như tước vỏ mía hay mở nút chai. Các thói quen không tốt như xỉa răng, ngậm kẹo hay ăn vặt mẹ cũng tránh duy trì. Ăn quá nóng hay quá lạnh cũng không tốt cho răng đâu đấy.

35814-4.jpg

Chăm sóc răng miệng khi mang thai là cần thiết.

Những thức ăn tốt cho rặng miệng mẹ bầu lúc này là bột sắn dây, nước mơ, nước chanh… Mẹ cũng nên uống nhiều nước. Nước không chỉ giúp cho cơ thể mẹ bầu khỏe mạnh mà còn tốt cho răng lợi nữa. Lượng nước nên uống mỗi ngày là 2,5 lít.

5. Vùng kín

Vùng kín của phụ nữ mang thai là khu vực dễ viêm nhiễm nhất trên cơ thể, do dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn mức bình thường bởi những thay đổi của cơ thể khi mang bầu.

35819-5.jpg

Vùng kín cần được chăm sóc kỹ lưỡng trong thai kỳ.

Mẹ cũng cần thường xuyên chú ý, nếu thấy vùng kín có các dấu hiệu bất thường như ngứa rát, dịch có màu hay có mùi, chảy máu âm đạo thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị nếu không may mắc bệnh.

Thụt rửa âm đạo và đặt thuốc trong vùng kín là tuyệt đối cấm trong thai kỳ. Nếu bắt buộc phải làm điều này, mẹ bầu phải có sự hướng dẫn của bác sĩ nhé.

6. Vùng rốn

Vùng rốn cần được quan tâm đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ. Lúc này kích thước bụng của mẹ bầu tăng, khiến cho rốn vốn nằm chìm bên trong bụng lồi hẳn ra ngoài. Lúc này rốn rất dễ bị nhiễm trùng nếu mẹ chăm sóc không cẩn thận. Nhiễm trùng ở rốn có thể gây ra nguy hiểm trực tiếp đến bé.

35820-6.jpg

Khi kích thước bụng tăng lên thì rốn thường lồi ra bên ngoài.

Do đó mẹ nên dùng tăm bông để lau chùi rốn nhẹ nhàng và không nên mạnh tay tránh gây tổn thương cho vùng nhạy cảm này.

7. Vùng nách

Nhiều mồ hôi hơn, sẫm màu hơn, nhạy cảm hơn và thậm chí có thể có mùi hôi là những thay đổi xảy ra ở vùng nách của mẹ bầu. Để giảm sự khó chịu này mẹ nên lau tắm thường xuyên, mặc trang phục thoáng mát.

35821-7.jpg

Chanh có tác dụng khử mùi hôi nách.

Dùng xà phòng tắm hay chanh sẽ có tác dụng khử mùi hiệu quả cho mẹ đấy. Tuy nhiên mẹ nên tránh dùng nước quá nóng khi vệ sinh khu vực này vì chúng có thể làm cho da bị tổn thương.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm:

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI